ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1039/QĐ-UBND | Long An, ngày 02 tháng 04 năm 2014 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LONG AN
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Căn cứ Quyết định số 1384/QĐ-BNN-KH ngày 18/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Đề án Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” theo Quyết định số 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 của Thủ tướng Chính phủ;
Thực hiện Chỉ thị số 2039/CT-BNN-KH ngày 20/6/2013 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về triển khai Đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững;
Xét đề nghị tại Công văn số 94/SNN-KHTC ngày 13/01/2014 của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014-2020 trên địa bàn tỉnh Long An.
Điều 2. Giao Thủ trưởng các sở ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện cụ thể, hàng quý Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổng hợp báo cáo kết quả về UBND tỉnh.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố thi hành quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
THỰC HIỆN TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ GIA TĂNG VÀ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG GIAI ĐOẠN 2014-2020
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 02/4/2014 của UBND tỉnh)
Sản xuất nông nghiệp tỉnh trong những năm qua, tuy gặp nhiều khó khăn, bất lợi do ảnh hưởng của khô hạn, xâm nhập mặn, lũ, bão, dịch bệnh, giá cả nông sản, vật tư biến động,... nhưng với sự tập trung chỉ đạo của tỉnh và sự nỗ lực của cả Ngành, sản xuất nông nghiệp đạt nhiều kết quả khả quan. Tổng giá trị sản xuất nông, lâm, thủy sản năm 2013 đạt trên 7.600 tỷ đồng, tăng 3.717 tỷ đồng so với năm 2000.
Hơn 10 năm qua diện tích canh tác lúa tăng trên 74.600 ha (hệ số sử dụng đất lúa đạt 2,04 lần), năng suất tăng 17,4 tạ/ha. Trong đó, chỉ tính riêng năm 2013, sản lượng lúa tăng 511.000 tấn so năm 2010 và tăng 1.430.000 tấn so với năm 2000. Nhiều cây trồng chuyển đổi có hiệu quả kinh tế cao như cây thanh long (năm 2013 diện tích trồng đạt trên 2.800 ha, sản lượng 61.000 tấn, lợi nhuận bình quân 300 - 400 triệu đồng/ha/năm), cây chanh (diện tích trồng 4.700 ha, lợi nhuận từ 100 - 200 triệu đồng/ha/năm).
Đàn gia súc, gia cầm tiếp tục phát triển hình thành vùng chăn nuôi tập trung, các hình thức chăn nuôi gia trại, trang trại tiếp tục phát triển. Tổng đàn gia cầm hàng năm khoảng 9 triệu con, đàn heo tăng đạt gần 260.000 con, đàn bò đạt trên 80.000 con, trong đó, đàn bò sữa trên 7.700 con, với sản lượng sữa tươi đạt gần 14 triệu lít/năm 2013. Tổng sản lượng thủy sản nuôi năm 2013 đạt gấp 4,7 lần - tương ứng giá trị tăng gấp 2,9 lần so năm 2000.
Công tác khuyến nông, ứng dụng, chuyển giao công nghệ, phổ biến sử dụng giống mới, giống xác nhận (giống lúa), giống chất lượng cao (bò thịt, heo, gia cầm, bò sữa, bò lai, tôm, cá,...), áp dụng quy trình sản xuất theo hướng GAP,... từng bước được phổ biến; kết cấu hạ tầng, các công trình giao thông nông thôn, hệ thống công trình thủy lợi dẫn ngọt, ngăn mặn, xã phèn, chống hạn,... các trạm, trại kỹ thuật, trung tâm giống,... được đầu tư từng bước đáp ứng nhu cầu sản xuất, chuyển đổi cơ cấu.
Cơ giới hóa trong sản xuất phát triển, số lượng máy gặt đập liên hợp tăng trên 30 lần so năm 2006. Đến nay, khâu làm đất cơ giới hóa 100%, khâu thu hoạch lúa bằng máy đạt 98%, khoảng 92% gặt bằng máy gặt đập liên hợp, tỷ lệ sấy khô hạt khoảng 70%.
Trong lãnh đạo chỉ đạo, công tác quy hoạch chuyên ngành, quy hoạch nông thôn mới đã được xây dựng, triển khai và thực hiện đạt kết quả tạo điều kiện phát triển các vùng sản xuất nông sản hàng hóa lớn; đời sống vật chất tinh thần ở nông thôn có nhiều thay đổi rõ nét, thu nhập bình quân chung toàn tỉnh năm 2010 đạt 16,920 triệu đồng/người/năm, (khu vực nông thôn là 16,140 triệu đồng/người/năm), năm 2013 tăng lên khoảng 25 triệu đồng/người/năm.
Bên cạnh những kết quả, thành tựu kể trên, sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp vẫn còn một số khó khăn, hạn chế:
- Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch chậm, sản xuất nông nghiệp (trong nông - lâm - ngư nghiệp) vẫn chiếm tỷ trọng lớn và chủ yếu vẫn là sản xuất lúa (trên 80% trong cơ cấu nội bộ ngành).
- Chất lượng tăng trưởng ngành Nông nghiệp chưa cao, thiếu bền vững, công nghiệp chế biến nông sản chưa gắn kết chặt chẽ với việc xây dựng vùng nguyên liệu nên việc tiêu thụ nông sản còn bấp bênh, tính rủi ro cao. Một số nông sản truyền thống thị trường cần, có lợi thế trên các vùng đất có điều kiện về đất đai, thổ nhưỡng nhưng chưa tập trung đầu tư các giải pháp hữu hiệu để phát huy hiệu quả (lúa chất lượng cao, bắp, mè, đậu, rau,...).
- Kinh tế hợp tác chưa trở thành động lực thúc đẩy, tạo mối liên kết để nâng cao hiệu quả sản xuất của nông hộ, hệ thống hạ tầng giao thông thủy lợi nhất là mạng lưới điện 3 pha chưa đáp ứng kịp yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng hàng hóa.
- Chính sách hỗ trợ cơ giới hóa nông nghiệp đã nâng cao tỷ lệ thu hoạch lúa bằng máy gặt đập liên hợp, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất lúa. Tuy nhiên, vẫn còn thiếu đầu tư cơ giới hóa vào các khâu thiết yếu đối với các cây trồng khác, đã ảnh hưởng đến việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi nâng cao hiệu quả trong sản xuất.
Nguyên nhân của hạn chế, tồn tại:
- Về khách quan: Thiên tai, dịch bệnh thường xuyên xảy ra, khó lường nhất là dịch bệnh cúm gia cầm, tai xanh, LMLM; hạn, mặn, lốc xoáy,... làm ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống nhân dân; kinh tế thị trường luôn biến động; nông dân thiếu vốn đầu tư, v.v...
- Về chủ quan: Công tác quy hoạch, kiểm tra và quản lý thực hiện quy hoạch còn hạn chế; vốn đầu tư cho Ngành và trong nội bộ Ngành còn dàn trải thiếu tập trung cho ngành hàng lợi thế; sự gắn bó giữa các ngành, giữa các ngành với địa phương trong chỉ đạo tổ chức thực hiện đầu ra cho nông sản; công tác xúc tiến thương mại và dự báo thị trường còn một số hạn chế nhất định; thiếu đề xuất các chính sách có tính đột phá để hỗ trợ người dân trong sản xuất ổn định, tiêu thụ.
Để nâng cao hiệu quả khai thác, sử dụng tài nguyên đất, nước..., tiếp tục tăng năng suất, chất lượng và tăng giá trị sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh hàng hóa nông sản của tỉnh, giảm thiểu tác động tiêu cực của sản xuất nông nghiệp đến môi trường, UBND tỉnh ban hành “Kế hoạch thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững giai đoạn 2014 - 2020” với quan điểm, nội dung, giải pháp như sau:
1. Quan điểm
Thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp là một phần tái cơ cấu kinh tế của tỉnh phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế xã hội gắn với bảo vệ môi trường để đảm bảo phát triển bền vững, coi trọng chất lượng, gắn sản xuất với công nghiệp chế biến và kết nối chặt chẽ với thị trường tiêu thụ.
Tập trung đầu tư phát triển một số cây, con ở vùng chuyên canh hàng hóa lớn chủ lực và có lợi thế cạnh tranh; sử dụng tối ưu các nguồn vốn đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ, cơ giới hóa, từng bước xây dựng và nhân rộng mô hình nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo lợi thế các vùng nông nghiệp sinh thái.
Tiếp tục xây dựng phát triển kinh tế hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, thúc đẩy phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
2. Mục tiêu
a) Mục tiêu chung: Xây dựng nền nông, lâm, ngư nghiệp bền vững, toàn diện, trong đó tập trung vào một số nông sản hàng hóa lớn; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, đảm bảo tăng trưởng ổn định và nâng cao thu nhập cho người dân.
b) Mục tiêu cụ thể:
Tốc độ tăng trưởng nông - lâm - ngư nghiệp giai đoạn 2011 - 2020 đạt bình quân 4,0%/năm; trong đó giai đoạn 2011 - 2015 đạt từ trên 4,0% - 4,2/năm.
Cơ cấu nông - lâm - thủy sản đến năm 2020: Nông nghiệp: 84,9%, lâm nghiệp: 3,5% và thủy sản: 11,6% (về cơ cấu nội bộ Ngành: Trồng trọt 81,4%, chăn nuôi 15,6%, dịch vụ nông nghiệp 3,0%).
Ổn định sản lượng lúa khoảng 2,7 - 2,8 triệu tấn và ưu tiên đầu tư mở rộng các cây trồng có lợi thế về sản xuất như: Mè, bắp, thanh long, chanh, rau,... đảm bảo lợi nhuận tăng ít nhất 10%/năm.
Đến năm 2020, tăng đàn bò sữa đạt trên 15.000 con; trên 50% đàn gia súc, gia cầm được chăn nuôi theo hướng gia trại, trang trại; sản lượng thủy sản nuôi trồng trên 60.000 tấn, trong đó sản lượng tôm nước lợ 16.000 tấn, lợi nhuận tăng 10%/năm.
Phấn đấu 22% xã (36 xã) đạt 19 tiêu chí Nông thôn mới vào năm 2015 và 50% xã (83 xã) đạt tiêu chí nông thôn mới vào năm 2020; thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn năm 2020 tăng trên 2,5 lần so với năm 2008.
1. Nội dung tổng quát
- Lựa chọn các loại cây trồng vật nuôi có lợi thế về đất đai, lao động, tập quán canh tác, phù hợp xu thế phát triển thị trường và biến đổi khí hậu để ưu tiên bố trí sản xuất, hỗ trợ đầu tư, nâng cao giá trị gia tăng và khả năng cạnh tranh trong chuỗi giá trị sản phẩm.
- Tập trung tái cơ cấu, bố trí mùa vụ, trong đó tăng cường đầu tư vùng lúa chất lượng cao, tăng cường thâm canh lúa thu đông, giảm dần diện tích lúa vụ hè thu lợi nhuận thấp, để chuyển sang luân canh bắp, mè, rau màu, trồng cỏ chăn nuôi và nuôi thủy sản trong ruộng lúa.
- Điều chỉnh cơ cấu sử dụng đất nông nghiệp cho cây trồng, vật nuôi trên cơ sở quỹ đất hiện có theo hướng linh hoạt và phát huy lợi thế (tập trung vào các sản phẩm có lợi thế đã được lựa chọn); ưu tiên quỹ đất cho quy hoạch phát triển các vùng nông nghiệp công nghệ cao, sản xuất rau an toàn, xây dựng các dự án, kế hoạch với chính sách cụ thể để thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm.
- Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp và thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngành nông nghiệp, nông thôn theo hướng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ sinh học, phát triển giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản chất lượng cao; gắn sản xuất với chế biến và đáp ứng nhu cầu thị trường. Phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp và ngành nghề nông thôn kết hợp với dịch vụ phục vụ nhu cầu du lịch, giải trí, các loại hình sản xuất hiện đại, tập trung có quy mô lớn phù hợp với văn hóa từng vùng.
Định hướng phát triển và đầu tư để tái cơ cấu một số nông sản có lợi thế, có điều kiện đầu tư mở rộng diện tích, có điều kiện thâm canh - nâng cao giá trị gia tăng và có xu thế thị trường tiêu thụ tốt, tập trung:
2. Tái cơ cấu trên các lĩnh vực cụ thể
2.1. Lĩnh vực trồng trọt:
(1) Cây lúa:
- Giữ ổn định sản lượng lúa trong từ 2,7 - 2,8 triệu tấn đến năm 2020 trong đó có trên 50% sản lượng là lúa chất lượng cao, sản xuất theo hướng VietGAP và mô hình Cánh đồng lớn.
- Rà soát cơ cấu mùa vụ, diện tích đất sản xuất lúa kém hiệu quả vùng chuyển sang sản xuất các cây trồng, vật nuôi có thị trường tiêu thụ, sử dụng hiệu quả, linh hoạt đất lúa luân canh với cây trồng khác theo thời vụ thích hợp để nâng cao hiệu quả sử dụng đất và tăng thu nhập cho nông dân.
- Xây dựng mô hình sản xuất giống theo chuỗi giá trị, tiếp tục triển khai mô hình ghi nhật ký đồng ruộng, tiến hành tổng kết đánh giá rút kinh nghiệm.
(2) Cây thanh long:
Phát triển vùng thanh long chuyên canh phục vụ xuất khẩu 10.000 ha tập trung chủ yếu huyện Châu Thành; hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng trong vận chuyển, điện, nước vệ sinh an toàn thực phẩm và hướng dẫn sản xuất đạt tiêu chuẩn VietGAP, xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu, xúc tiến thương mại.
(3) Cây rau:
Phát triển diện tích gieo trồng rau từ 6.500 ha lên 12.000 ha, sản lượng trên 240.000 tấn (không bao gồm sản lượng dưa hấu), tăng gấp 3 lần năm 2000. Tiếp tục mở rộng diện tích trồng rau an toàn trên 2.400 ha theo quy hoạch tại các huyện Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc và thành phố Tân An đạt tiêu chuẩn VietGap.
(4) Cây mè:
Tập trung nguồn lực, đề xuất cơ chế chính sách mở rộng diện tích trồng mè ở các vùng đất cao ven biên giới các huyện Đức Huệ, Vĩnh Hưng, Tân Hưng,... đạt khoảng 15.000 ha, trong đó diện tích mè xuân hè trên 8.000 ha.
(5) Cây bắp:
Phát huy hiệu quả đầu tư hệ thống thủy lợi Dầu Tiếng, khu tưới Đức Hòa, diện tích 1.800 ha đất trồng lúa kém hiệu quả chuyển sang trồng bắp tại 2 huyện Đức Hòa, Đức Huệ, sử dụng các giống bắp cao sản (trên 7,0 tấn bắp hạt/ha), luân canh 01 vụ bắp với 01 vụ lúa và 01 vụ đậu phộng để làm giàu độ phì cho đất, kết hợp ứng dụng cơ giới hóa đồng bộ (bắp - lúa - đậu) và liên kết với các doanh nghiệp ổn định tiêu thụ.
(6) Cây chanh:
Phát triển vùng chanh thương phẩm trên các vùng đất trũng, nhiễm phèn khoảng 10.000 ha, trong đó trên 1.500 ha chanh không hạt, thực hiện sản xuất theo hướng VietGAP, sử dụng công nghệ bảo quản đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
2.2. Lĩnh vực chăn nuôi
(1) Con bò sữa:
Tập trung đầu tư phát triển đàn bò sữa trên 15.000 con, gắn với việc quy hoạch các vùng đất lúa, mía kém hiệu quả chuyển sang chuyên canh trồng cỏ ở các địa phương tiềm năng như Đức Hòa, Đức Huệ, Châu Thành, Tân Trụ, Thủ Thừa vùng ven của thành phố Tân An. Khuyến khích việc chế biến và tồn trữ thức ăn khô từ cỏ, rơm rạ, thân đậu, bắp,... gieo tinh nhân tạo trong đó có phương pháp gieo tinh phân biệt giới tính để nâng cao chất lượng và sản lượng sữa khai thác (trên 4.500 lít/chu kỳ/năm).
(2) Con gia cầm, heo:
Phát triển trang trại, gia trại tập trung ở các vùng quy hoạch, tuyển chọn đàn giống tốt, với đàn gia cầm trên 15 triệu con, đàn heo trên 450.000 con, trong đó trên 50% tổng đàn được chăn nuôi với hình thức trang trại, ứng dụng công nghệ mới, nuôi công nghiệp, bán công nghiệp, an toàn sinh học và đảm bảo an toàn thực phẩm.
2.3. Lĩnh vực thủy sản:
(1) Cá nước ngọt:
Tăng nhanh diện tích nuôi cá nước ngọt lên 7.600 ha vào năm 2020, (chiếm từ 46% - 59%) tổng diện tích nuôi thủy sản, trong đó chủ yếu phát triển nuôi cá ở các huyện vùng Đồng Tháp Mười, đồng thời phát triển mô hình luân canh cá - lúa đăng quầng mùa lũ đến năm 2020 đạt trên 5.000 ha.
(2) Con tôm:
- Tôn sú, tôm thẻ chân trắng ở vùng nước lợ đến năm 2015 là trên 4.000 ha và đến năm 2020 là 4.600 ha, tập trung ở các huyện vùng hạ: Cần Giuộc, Cần Đước, Châu Thành, Tân Trụ.
- Con tôm càng xanh: Diện tích nuôi năm 2015 là 200 ha và đến năm 2020 là 1.000 ha. Phát triển các mô hình nuôi tôm càng xanh ở một số huyện có khả năng phát triển như: Tân Hưng, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa, Tân Thạnh, Thủ Thừa, Đức Huệ.
2.4. Phát triển sản xuất thúc đẩy xây dựng nông thôn mới
Tập trung đầu tư phát triển nâng cao hiệu quả sản xuất, giai đoạn 2014 - 2015 mỗi xã xây dựng ít nhất 01 mô hình sản xuất có giá trị tăng thêm để phát triển nhân rộng đảm bảo cho người sản xuất tăng cao thu nhập đáp ứng cho tái đầu tư, có tích lũy nâng cao đời sống và tham gia cùng nhà nước đầu tư xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đến năm 2020 có 83 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới.
Hàng năm, tổ chức đánh giá tiến độ hoàn thành các tiêu chí của các xã nông thôn mới đến năm 2020 để điều chỉnh kế hoạch, lộ trình đầu tư, trong đó ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho 15 xã đạt 19 tiêu chí nông thôn mới thuộc kế hoạch năm 2014 và 14 xã thuộc kế hoạch năm 2015, đến cuối năm 2015 có 36 xã đạt nông thôn mới.
1. Công tác tuyên truyền
Tuyên truyền, phổ biến và quán triệt chủ trương, nội dung đề án, kế hoạch hành động thực hiện Đề án "Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, hiệu quả và phát triển bền vững" trong hệ thống chính trị, chính quyền các cấp và các ban ngành có liên quan nhằm thống nhất nhận thức và quyết toán thực hiện trong toàn tỉnh.
Đa dạng các hình thức phổ biến và tuyên truyền thực hiện đề án đến mọi tầng lớp nhân dân, nhất là nông dân; tổ chức tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp có hiệu quả kinh tế cao, lồng ghép vào các lớp đào tạo nghề nông nghiệp, nông dân, nông thôn.
Trong quá trình tuyên truyền, các địa phương, đơn vị phải bám sát quan điểm, mục tiêu tái cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao thu nhập cho nông dân, giảm nghèo và phát triển bền vững. Tùy theo điều kiện cụ thể, mỗi địa phương chỉ đạo rà soát, điều chỉnh quy hoạch, lựa chọn một số sản phẩm chính có lợi thế cạnh tranh trên thị trường để ưu tiên phát triển.
2. Công tác quy hoạch, kế hoạch
Triển khai thực hiện có hiệu quả các quy hoạch, đề án nông nghiệp như: Quy hoạch nông lâm ngư nghiệp; thủy sản; chăn nuôi; vùng lúa chất lượng cao; vùng rau an toàn; quy hoạch thủy lợi phục vụ chuyển đổi sản xuất; quy hoạch đê bao lững, đề án vùng thanh long xuất khẩu và các dự án, đề án,... trong Chương trình Nông nghiệp, nông dân, nông thôn là những giải pháp cơ bản, chủ đạo, trọng tâm theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Kịp thời rà soát, điều chỉnh bổ sung nội dung tái cơ cấu vào các kế hoạch, quy hoạch đã được duyệt phù hợp tình hình mới, nhất là trước các thách thức về nguồn vốn đầu tư, biến đổi thời tiết khí hậu thiên tai, dịch bệnh tình hình thị trường ... Từ đó, kịp thời đề xuất các chính sách thông qua các chương trình phát triển.
3. Bố trí lại nguồn vốn phục vụ tái cơ cấu và nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn vốn đầu tư
- Điều chỉnh vốn đầu tư cho công trình thủy lợi, giao thông nông thôn, xây dựng nông thôn mới theo hướng tập trung, không dàn trải, đồng bộ và hiệu quả, ưu tiên đầu tư cho các chương trình, dự án phục vụ cho các sản phẩm chính chủ lực trong tái cơ cấu cho các danh mục công trình phát triển hạ tầng, cơ giới hóa, trạm bơm điện, ứng dụng công nghệ cao, giống tốt cho sản xuất theo cánh đồng lớn; hỗ trợ giống bắp, giống mè, giống cây lâm nghiệp... các vùng chuyển đổi cơ cấu sản xuất, các vườn ươm giống cây lâm nghiệp.
- Đầu tư xây dựng các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm tạo ra các sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, chất lượng và sức cạnh tranh; các mô hình sản xuất chuyên canh cây trồng, vật nuôi ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, công nghệ, mô hình cánh đồng mẫu lớn cơ giới hóa, công nghệ thu hoạch, chế biến bảo quản; các mô hình tận dụng các phế phụ phẩm trong nông nghiệp để làm nấm, nhiên liệu sinh học...
- Đề xuất và triển khai có hiệu quả các cơ chế, chính sách hiện hành liên quan đến khuyến khích, thu hút mời gọi đầu tư, đồng thời tạo môi trường thuận lợi bình đẳng cho tất cả các thành phần kinh tế tham gia đầu tư hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn.
4. Ứng dụng, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, phòng chống dịch bệnh cho các cây trồng, vật nuôi chủ lực của tỉnh đáp ứng mục tiêu tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả, đảm bảo được tính cạnh tranh và bảo vệ môi trường
Tiếp tục triển khai chương trình giống nông nghiệp, giống vật nuôi, giống thủy sản và giống lâm nghiệp đã được UBND tỉnh phê duyệt. Phổ biến dùng giống xác nhận (hoặc tương đương) đối với cây lúa đạt 70% - 85%; đối với các cây khác đạt trên 70%. Nâng tỷ lệ sử dụng giống tiến bộ kỹ thuật đối với bò thịt đạt 70%, heo, gia cầm đạt 90%; bò sữa đạt 100%, bò lai đạt 50%. Đảm bảo cung cấp 80% giống được công nhận; 75% giống phục vụ nuôi trồng thủy sản là giống sạch bệnh, có chất lượng cao.
Xã hội hóa công tác giống, mở rộng hệ thống nhân giống trong dân; hoàn thiện đồng bộ các trại giống của tỉnh; gắn công tác giống với xây dựng mô hình cánh đồng sản xuất lớn” phục vụ vùng lúa chất lượng cao ở Vùng Đồng Tháp Mười. Thực hiện chính sách hỗ trợ trực tiếp và vốn vay tín dụng ưu đãi cho các tổ chức, cá nhân sản xuất giống.
Công tác khuyến nông: Tập trung triển khai xây dựng quy trình canh tác trình diễn theo hướng GAP, giảm vật tư canh tác, thực hiện 1 phải 5 giảm tiếp tục kiện toàn công tác phòng chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, gắn mục tiêu tăng trưởng với bảo vệ môi trường đảm bảo phát triển bền vững. Triển khai thực hiện Chương trình kiểm soát ô nhiễm từ các hoạt động sản xuất nông nghiệp nuôi trong thủy sản và nhân nhanh các mô hình cánh đồng mẫu lớn theo hướng chất lượng cao theo tiêu chuẩn VietGAP gắn với thương hiệu, nhãn hàng hóa.
Xây dựng một số mô hình phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng từ khâu giống sản xuất, bảo vệ, thu hoạch, chế biến, bảo quản, tiêu thụ... với các biện pháp mạnh để nâng cao hiệu quả sản xuất trên một số cây trồng vật nuôi chủ yếu trong tái cơ cấu Ngành (lúa chất lượng cao, bắp, mè, thanh long, chanh,...).
Tăng cường kiểm soát chất lượng nông sản, vật tư nông nghiệp, kiểm tra xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón thuốc bảo vệ thực vật; thức ăn chăn nuôi, thức ăn thủy sản, thuốc thú y, thuốc thú y thủy sản; giống cây trồng, vật nuôi trong suốt quá trình sản xuất đến tiêu thụ.
Tập trung công tác ứng dụng công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch vào sản xuất phù hợp điều kiện, nhu cầu thực tiễn như: Ứng dụng máy san phẳng mặt ruộng bằng tia laser, máy cấy, máy thu hoạch (mía, đay, mè, bắp, đậu,...) máy sấy công nghiệp, thiết bị tưới tiết kiệm, trồng rau - hoa thủy canh; phát triển mô hình nông nghiệp ven đô; hoàn thiện các quy trình sản xuất thâm canh, sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP,...
Xây dựng, triển khai thực hiện đề án Đẩy nhanh cơ giới hóa nông nghiệp tỉnh năm 2014-2015 và đến năm 2020 trên một số lĩnh vực chủ yếu nhằm nâng cao cơ giới hóa trong nông nghiệp thông qua khuyến khích đầu tư kết hợp thực hiện tốt chính sách hỗ trợ máy móc thiết bị, công cụ sản xuất, vật tư khác theo quy định.
5. Phát triển kinh tế hợp tác, tổ chức sản xuất gắn với tiêu thụ theo chuỗi giá trị sản phẩm
Các sở ngành chức năng, Hội Nông dân, Liên minh Hợp tác xã tỉnh có kế hoạch xây dựng các câu lạc bộ nông dân, tổ liên kết, hợp tác sản xuất gắn đầu tư cơ giới hóa, sản xuất, tiêu thụ nông sản; nhân rộng các mô hình hợp tác xã dịch vụ - tiêu thụ hoạt động hiệu quả. Khuyến khích nông dân góp vốn cổ phần bằng đất đai để thu hút quy mô tập trung ruộng đất theo quy hoạch, tạo thuận lợi trong cơ giới hóa, sản xuất hàng hóa, nhân rộng các mô hình Cánh đồng mẫu lớn sản xuất hiệu quả ở nông thôn.
Hỗ trợ kinh tế gia trại, trang trại, doanh nghiệp liên kết 4 Nhà ở các vùng sản xuất hàng hóa trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa một số nông sản tái cơ cấu (lúa chất lượng cao, bắp, mè, rau an toàn, thanh long xuất khẩu, chanh, bò sữa,...), nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất.
6. Thực hiện hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới
Tuyên truyền nâng cao vai trò chủ thể của người dân trong tiến trình xây dựng nông thôn mới; khuyến khích người dân tự nguyện tham gia xây dựng các công trình hạ tầng kinh tế - xã hội trên địa bàn xã.
Tăng cường công tác khuyến nông, xúc tiến thương mại - xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu hàng hóa, phát triển kinh tế hợp tác... để nâng cao thu nhập, nâng cao đời sống và tái đầu tư trong sản xuất.
Triển khai thực hiện phát triển xã nông thôn mới theo quy hoạch; xây dựng kế hoạch đầu tư phục vụ phát triển sản xuất, dân sinh đến năm 2015 và giai đoạn 2016-2020.
1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
Thành lập Ban Chỉ đạo Tái cơ cấu ngành Nông nghiệp do Giám đốc Sở làm Trưởng ban, các phòng, đơn vị làm thành viên để lãnh đạo triển khai thực hiện điều phối kiểm tra, theo dõi, báo cáo, kịp thời chỉ đạo, uốn nắn trong quá trình thực hiện và tham mưu UBND tỉnh chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan và địa phương tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch hành động này.
Khẩn trương tổ chức triển khai kế hoạch của tỉnh bằng việc xây dựng ngay Kế hoạch ngắn hạn 02 năm (2014 - 2015) của ngành, và giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị thực hiện các nội dung tái cơ cấu Ngành theo hướng nâng cao giá trị gia tăng.
Hàng năm có kế hoạch giao nhiệm vụ cụ thể cho các đơn vị, phòng ban chức năng và địa phương về kế hoạch đầu tư và đề xuất cơ chế chính sách, huy động các nguồn lực xã hội để thực hiện kế hoạch.
Tổng hợp, đánh giá tình hình thực hiện hàng năm, báo cáo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu thấy cần thiết đề xuất sửa đổi, bổ sung kế hoạch.
Trong năm 2014, hoàn thành kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi: Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trên cây bắp, mè, sản xuất lúa giống và đánh giá hiệu quả sản xuất theo chuỗi giá trị; Nghiên cứu đề xuất các chính sách như: Chính sách hỗ trợ tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm; Chính sách hỗ trợ hạn chế thiệt hại nuôi tôm nước lợ trên địa bàn các huyện vùng hạ tỉnh Long An; Hỗ trợ người sản xuất đẩy nhanh ứng dụng cơ giới hóa vào nhưng lĩnh vực cần thiết, chủ yếu phục vụ tái cơ cấu.
Phối hợp với các Sở ngành và địa phương triển khai Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ lãi suất vốn vay thương mại đối với các khoản vay thương mại đối với các khoản vay dài hạn, trung hạn, ngắn hạn bằng đồng Việt Nam để mua máy, thiết bị tổn thất trong nông nghiệp.
3. Các sở, ngành khác
- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch này, phối hợp, hỗ trợ, tạo điều kiện để Sở Nông nghiệp và PTNT triển khai có hiệu quả kế hoạch tái cơ cấu nhất là hỗ trợ đầu tư kết cấu nhất là hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng đồng bộ (giao thông, điện, …) ở những vùng sản xuất tập trung, xúc tiến thương mại tìm kiếm thị trường tiêu thụ.
- Rà soát, tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế chính sách để nông dân, doanh nghiệp tiếp cận các nguồn vốn tín dụng hỗ trợ theo chủ trương của Chính phủ và tiếp tục triển khai thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm và vệ sinh môi trường nông thôn.
- Tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến các chủ trương, chính sách của Nhà nước trong tiến trình thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp.
- Các tổ chức đoàn thể tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong đoàn viên, hội viên và nhân dân tham gia các tổ liên kết, hợp tác sản xuất theo liên kết 4 Nhà nhằm nâng cao chuỗi giá trị sản xuất, nâng cao thu nhập và bảo vệ môi trường và thực hiện vai trò đại diện tư vấn cho các HTX thành viên đề xuất kiến nghị các chính sách về thuế, tín dụng, đất đai, đào tạo và tập huấn nâng cao năng lực cán bộ HTX.
3. UBND các huyện, thành phố, thị xã
Xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai thực hiện Kế hoạch hành động thực hiện tái cơ cấu ngành Nông nghiệp trong đó chú trọng cây trồng, vật nuôi là lợi thế của địa phương, có khả năng cạnh tranh, phù hợp với quy hoạch phát triển của ngành, nhu cầu thị trường. Đồng thời chủ động mời gọi, huy động, thu hút các nguồn đầu tư nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế phù hợp vùng nông nghiệp sinh thái ở địa phương mình.
MỘT SỐ CHỈ TIÊU KẾ HOẠCH TẬP TRUNG TÁI CƠ CẤU
TT | Danh mục | ĐVT | Thực hiện | Kế hoạch | Định hướng 2020 | Ghi chú | ||
2010 | 2013 | 2014 | 2015 | |||||
I | Tốc độ tăng trưởng (%) | 5,0 | 4,6 | 3,5 | 3,8 | 4,0 |
| |
II | Cơ cấu ngành | % |
|
|
|
|
|
|
1 | Nông nghiệp | " | 82,4 | 84,0 | 84,4 | 84,6 | 84,9 |
|
| + Trồng trọt | " | 80,1 | 82,6 | 82,7 | 82,5 | 81,4 |
|
| + Chăn nuôi | " | 16,7 | 14,2 | 14,1 | 14,4 | 15,6 |
|
| + Dịch vụ | " | 3,3 | 3,2 | 3,2 | 3,1 | 3,0 |
|
2 | Thủy sản | " | 12,3 | 11,2 | 11,1 | 10,7 | 11,6 |
|
3 | Lâm nghiệp | " | 5,3 | 4,7 | 4,6 | 4,4 | 3,5 |
|
III | DT cây trồng chuyển đổi |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Lúa | ha | 471.057 | 527.659 | 518.100 | 505.900 | 487.300 |
|
2 | Mè | " | 1.083 | 2.383 | 3.300 | 6.000 | 15.000 |
|
3 | Bắp | " | 5.228 | 3.922 | 4.500 | 5.000 | 8.000 |
|
4 | Rau màu các loại | " | 9.449 | 6.567 | 6.630 | 8.200 | 12.000 |
|
5 | Thanh long | " | 1.200 | 2.838 | 4.000 | 6.000 | 10.000 |
|
6 | Chanh | " | 3.593 | 4.771 | 5.500 | 6.500 | 10.000 |
|
IV | Sản lượng cây trồng chuyển đổi |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Lúa | tấn | 2.304.761 | 2.816.073 | 2.800.000 | 2.800.000 | 2.750.000 |
|
| - Lúa chất lượng cao |
| 483.551 | 646.726 | 750.000 | 900.000 | > 1.400.000 |
|
2 | Mè |
| 496 | 1.438 | 2.280 | 4.600 | 11.600 |
|
3 | Bắp | " | 28.731 | 22.355 | 26.350 | 31.250 | 52.000 |
|
4 | Rau các loại | " | 158.541 | 105.730 | 113.500 | 147.500 | 297.000 |
|
5 | Thanh long | " | 25.381 | 61.622 | 112.000 | 180.000 | 300.000 |
|
6 | Chanh | " | 69.311 | 64.926 | 75.000 | 90.000 | 150.000 |
|
V | Chăn nuôi |
|
|
|
|
|
|
|
1 | Đàn bò sữa | con | 6.396 | 7.753 | 8.000 | 8.000 | 15.000 |
|
2 | Đàn heo | " | 274.168 | 259.228 | 265.000 | 335.000 | 450.000 |
|
3 | Gia cầm | 1.000 con | 10.735,4 | 8.086,4 | 10.000 | 11.000 | 15.500 |
|
VI | Thủy hải sản |
|
|
|
|
|
|
|
| Tổng sản lượng | Tấn | 30.510 | 29.802 | 37.000 | 42.000 | 60.000 |
|
| + Cá | " | 25.292 | 17.962 | 23.500 | 28.200 | 44.000 |
|
| + Tôm các loại | " | 5.601 | 11.808 | 13.000 | 13.800 | 16.000 |
|
MỘT SỐ NHIỆM VỤ TRỌNG TÂM NĂM 2014 TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH TÁI CƠ CẤU NGÀNH NÔNG NGHIỆP THEO HƯỚNG NÂNG CAO GIÁ TRỊ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1039/QĐ-UBND ngày 02/4/2014 của UBND tỉnh)
STT | NỘI DUNG | CƠ QUAN CHỦ TRÌ | CƠ QUAN PHỐI HỢP | THỜI GIAN HOÀN THÀNH |
1 | Xây dựng Kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 210/2013/NĐ-CP ngày 19/12/2013 về khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Sở ngành và các địa phương | 30/6/2014 |
2 | Đề án Chính sách hỗ trợ tiêm phòng các bệnh nguy hiểm trên gia súc, gia cầm | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Sở ngành tỉnh | 30/6/2014 |
3 | Đề án Hỗ trợ đầu tư hạ tầng nhằm hạn chế dịch bệnh trong nuôi tôm nước lợ | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Sở ngành tỉnh | 30/6/2014 |
4 | Đề án Đẩy mạnh cơ giới hóa nông nghiệp trên một số lĩnh vực chủ yếu giai đoạn 2014 - 2015 và đến năm 2020; Kế hoạch triển khai Quyết định số 68/2013/QĐ-TTg ngày 14/11/2013 của Thủ tướng chính phủ về hỗ trợ lãi suất vốn vay mua máy, thiết bị nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Các Sở ngành tỉnh, địa phương | 30/6/2014 |
5 | Xây dựng, triển khai 01 mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp ven đô phục vụ sản phẩm tái cơ cấu ngành | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở Khoa học và Công nghệ, UBND cấp huyện | 30/9/2014 |
6 | Kế hoạch chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các huyện | 31/12/2014 |
7 | Xây dựng mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị trên cây mè, bắp, lúa giống | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | UBND các huyện | 31/12/2014 |
8 | Đánh giá hiệu quả các mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị: Lúa, mè, bắp | Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn | Sở, ngành, các địa phương | 31/12/2014 |
- 1 Quyết định 17/2019/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung nội dung 2.2, Khoản 2, Điều 4, quy định thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 201/2015/NQ-HĐND, 11/2018/NQ-HĐND kèm theo Quyết định 32/2018/QĐ-UBND
- 2 Quyết định 3396/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3 Quyết định 1854/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
- 4 Quyết định 67/2014/QĐ-UBND về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới
- 5 Nghị định 210/2013/NĐ-CP về chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn
- 6 Quyết định 2760/QĐ-BNN-TCTS năm 2013 phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 7 Quyết định 68/2013/QĐ-TTg chính sách hỗ trợ nhằm giảm tổn thất trong nông nghiệp do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Chỉ thị 2039/CT-BNN-KH năm 2013 triển khai đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 9 Quyết định 1384/QĐ-BNN-KH năm 2013 về Chương trình hành động thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững theo Quyết định 899/QĐ-TTg do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành
- 10 Quyết định 899/QĐ-TTg năm 2013 phê duyệt Đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững” do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 11 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 17/2019/QĐ-UBND sửa đổi, bổ sung nội dung 2.2, Khoản 2, Điều 4, quy định thực hiện một số cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2016-2020 theo Nghị quyết 201/2015/NQ-HĐND, 11/2018/NQ-HĐND kèm theo Quyết định 32/2018/QĐ-UBND
- 2 Quyết định 3396/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt quy hoạch phát triển sản xuất ngành nông nghiệp tỉnh Nghệ An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 3 Quyết định 1854/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp tỉnh Hưng Yên theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững
- 4 Quyết định 67/2014/QĐ-UBND về thực hiện chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp, nông thôn thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp Hà Tĩnh theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới
- 5 Quyết định 2760/QĐ-BNN-TCTS năm 2013 phê duyệt "Đề án tái cơ cấu ngành thủy sản theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững" do Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ban hành