ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1047/QĐ-UBND | Lạng Sơn, ngày 07 tháng 6 năm 2018 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LẠNG SƠN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật Khoáng sản ngày 17/11/2010;
Căn cứ Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản;
Căn cứ Quyết định số 2427/QĐ-TTg ngày 22/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030;
Căn cứ Chỉ thị số 03/CT-TTg ngày 30/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 174/TTr-STNMT ngày 30/5/ 2018,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn.
Điều 2. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ngành: Tài nguyên và Môi trường, Công Thương, Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thông tin và Truyền thông, Tài chính, Công an tỉnh, Cục Thuế, Bộ Chỉ huy Bộ đội biên phòng, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
BẢO VỆ KHOÁNG SẢN CHƯA KHAI THÁC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH LẠNG SƠN
(Ban hành kèm theo Quyết định số /QĐ-UBND ngày /6/2018 của UBND tỉnh)
Nhằm quản lý, bảo vệ có hiệu quả tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn; ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường sinh thái, đảm bảo an ninh trật tự; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước về khoáng sản; thực hiện quy định tại Điều 16, Điều 18, Điều 20 Luật Khoáng sản năm 2010, Điều 13 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ; Điều 17, Điều 18 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ; Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn như sau:
I. THỰC TRẠNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ KHOÁNG SẢN
1. Tiềm năng về khoáng sản trên địa bàn tỉnh
Theo kết quả công tác điều tra địa chất, trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn khoáng sản chủ yếu của tỉnh là đá vôi, bauxit. Tiếp đến là than đá, sét xi măng, sét gạch ngói, chì kẽm, antimon, sắt,... Hiện nay có trên 100 mỏ và điểm khoáng sản thuộc 15 loại khoáng sản rắn, gồm: Khoáng sản nhiên liệu có than nâu; Khoáng sản kim loại có sắt, mangan, đồng, chì - kẽm, bauxit, antimon và vàng; Khoáng chất công nghiệp có barit, photphorit, dolomit, thạch anh tinh thể; Khoáng sản làm vật liệu xây dựng có đá vôi, sét và puzơlan.
2. Thực trạng công tác quản lý nhà nước về khoáng sản
Từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực, công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đi vào nề nếp, đạt được những kết quả đáng kể, từ việc ban hành các chính sách liên quan đến khoáng sản, công tác quản lý, cấp phép hoạt động khoáng sản theo quy định của Luật Khoáng sản năm 2010; tạo điều kiện cho hoạt động khoáng sản từng bước phát triển, góp phần thu ngân sách nhà nước; giải quyết việc làm cho người lao động tại địa phương, đảm bảo an ninh trật tự xã hội trên địa bàn.
Trong thời gian qua, Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép như: Công văn số 317/UBND- KTN ngày 09/4/2016 về việc quản lý, xử lý vi phạm pháp luật về đê điều và khai thác cát, sỏi lòng sông; công văn số 430/UBND-KTN ngày 11/5/2016 về việc tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng đá vôi trên địa bàn tỉnh; công văn số 03/UBND-KTN ngày 04/01/2017 về việc tăng cường công tác khai thác đất, san lấp mặt bằng trên địa bàn tỉnh,... Công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đã được triển khai, thông qua các Kế hoạch tuyên truyền, tập huấn văn bản quy phạm pháp luật về khoáng sản, các chương trình thanh tra, kiểm tra hoạt động khoáng sản.
Tuy nhiên, thời gian qua công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn bộc lộ nhiều hạn chế, tình trạng khai thác khoáng sản trái phép vẫn diễn ra trên địa bàn, đặc biệt là tình trạng khai thác đất san lấp mặt bằng trái phép diễn ra khá phổ biến trên địa bàn các huyện, thành phố, làm thất thoát tài nguyên, tác động xấu đến cảnh quan, môi trường; ảnh hưởng đến an ninh trật tự và đời sống của người dân địa phương.
Nguyên nhân chủ yếu là do chính quyền địa phương chưa làm hết trách nhiệm được giao trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; chưa kịp thời phát hiện, tổ chức lực lượng kiên quyết ngăn chặn dứt điểm tình trạng khai thác khoáng sản trái phép; việc xử lý đối với các hành vi vi phạm còn chưa nghiêm. Ngoài ra, trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác còn một số khó khăn như: Kinh phí phục vụ cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác chưa được xác định cụ thể; ý thức chấp hành pháp luật của một số tổ chức, cá nhân còn hạn chế, công tác phối hợp, trao đổi thông tin liên quan đến công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép giữa các địa phương giáp ranh còn hạn chế.
II. THỐNG KÊ SỐ LƯỢNG, DIỆN TÍCH CÁC KHU VỰC THĂM DÒ, KHAI THÁC KHOÁNG SẢN
1. Các khu vực thăm dò, khai thác khoáng sản đang hoạt động
Các Giấy phép thăm dò khoáng sản do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp đến nay đã hết hạn, đa số các khu vực này đều đã được cấp Giấy phép khai thác. Hiện nay, có tổng số 60 Giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực, trong đó: 06 Giấy phép khai thác do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp (03 mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng, 01 mỏ đất sét nguyên liệu xi măng, 01 mỏ quặng bauxit và 01 mỏ than nâu) và 54 Giấy phép khai thác khoáng sản do Ủy ban nhân dân tỉnh cấp (41 mỏ đá vôi, 02 mỏ đất sét, 03 mỏ cát, sỏi, 01 mỏ quặng sắt, 01 mỏ quặng antimon, 05 mỏ quặng bauxit và 01 mỏ than bùn).
(Chi tiết tại Biểu số 01, 02)
2. Các khu vực khai thác khoáng sản đã kết thúc, đóng cửa mỏ, trả lại Giấy phép khai thác khoáng sản: Có 52 khu vực kết thúc khai thác, trả lại Giấy phép khai thác (Chi tiết tại Biểu số 03)
3. Các khu vực cấm, tạm thời cấm hoạt động khoáng sản đã được phê duyệt; khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ được khoanh định và công bố
- Theo Quyết định số 40/QĐ-UBND ngày 08/01/2010 của UBND tỉnh về việc phê duyệt dự án khoanh vùng khu vực cấm hoạt động khoáng sản tỉnh Lạng Sơn, có 16 khu vực cấm hoạt động khoáng sản liên quan đến các mỏ và điểm quặng (Chi tiết tại Biểu số 04).
- Trên địa bàn có 05 điểm mỏ đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ, trong đó: Có 03 điểm mỏ chì-kẽm, 01 điểm mỏ antimon, 01 điểm mỏ quặng sắt (Chi tiết tại Biểu số 05)
1. Thông tin quy hoạch khoáng sản của tỉnh Lạng Sơn
- Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản (trừ khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường) tỉnh Lạng Sơn đến năm 2010, định hướng đến năm 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1719/QĐ-UBND ngày 26/8/2008. Hiện nay, đang lập dự án điều chỉnh bổ sung quy hoạch được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 693/QĐ-UBND ngày 15/4/2017 về việc phê duyệt Đề cương, dự toán và kế hoạch lựa chọn nhà thầu dự án Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.
- Đối với khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: Ủy ban nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 37/2016/QĐ-UBND ngày 30/8/2016 phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
2. Thông tin về Quy hoạch khoáng sản của cả nước
2.1. Theo Quyết định số 105/2008/QĐ-TTg ngày 21/7/2008 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020; Quyết định số 1065/QĐ-TTg ngày 09/7/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt điều chỉnh, bổ sung quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản xi măng ở Việt Nam đến năm 2020:
- Đối với đá vôi làm nguyên liệu xi măng: Ngoài 04 mỏ đá vôi làm nguyên liệu xi măng được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò, phê duyệt trữ lượng (Mỏ đá vôi Đồng Bành, mỏ đá vôi Đồng Tiến, mỏ đá vôi Ba Nàng, mỏ đá vôi Bình Trung), còn 04 mỏ đá vôi được quy hoạch làm nguyên liệu xi măng, chưa cấp phép thăm dò, khai thác, gồm có:
+ Mỏ đá vôi Đồng Tiến I, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng, diện tích 68,03 ha (chưa thăm dò, đánh giá trữ lượng)
+ Mỏ đá vôi Đồng Tiến II, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng, diện tích 50,8 ha (Chưa thăm dò, đánh giá trữ lượng);
+ Mỏ đá vôi Suối Cô, xã Cai Kinh, huyện Hữu Lũng, diện tích trên 100 ha (Chưa thăm dò, đánh giá trữ lượng) thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản;
+ Mỏ đá vôi Đồng Lai, xã Đồng Tân, huyện Hữu Lũng, diện tích trên 100 ha (Chưa thăm dò, đánh giá trữ lượng) thuộc khu vực cấm hoạt động khoáng sản.
- Đối với đất sét làm nguyên liệu xi măng: Ngoài 01 mỏ sét làm nguyên liệu xi măng Sông Hóa đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp giấy phép thăm dò và Giấy phép khai thác cho Công ty cổ phần xi măng Đồng Bành, còn 03 mỏ sét được quy hoạch làm nguyên liệu xi măng, chưa cấp phép thăm dò, khai thác, gồm có:
+ Mỏ sét Ba Trám, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng, diện tích 53 ha (Chưa thăm dò, đánh giá trữ lượng);
+ Mỏ sét Minh Sơn, xã Minh Sơn, huyện Hữu Lũng, diện tích 20,6 ha (Chưa thăm dò, đánh giá trữ lượng);
+ Mỏ sét Đồng Tiến, thôn Địa Phận, xã Đồng Tiến, huyện Hữu Lũng, diện tích 49,7 ha (Chưa thăm dò, đánh giá trữ lượng).
- Đối với Puzolan: Có 02 mỏ puzolan với tổng trữ lượng 8,6 triệu tấn được quy hoạch phục vụ cho công nghiệp sản xuất xi măng, gồm có:
+ Puzolan Trà Lầu, xã Tân Thành, huyện Hữu Lũng, trữ lượng 05 triệu tấn (Đã khảo sát chi tiết);
+ Puzolan Hoàng Đồng, xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn, trữ lượng 3,6 triệu tấn (Đã khảo sát chi tiết).
2.2. Theo Quyết định số 2185/QĐ-TTg ngày 05/12/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030; trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 02 khu vực quặng sắt sau:
- Mỏ quặng sắt Nà Han - Nà Ngườm, xã Tân Thanh, huyện Văn Lãng (Đã cấp phép khai thác, Giấy phép hết hạn);
- Mỏ quặng sắt Gia Chanh, xã Quan Sơn, huyện Chi Lăng (Đã được Bộ Tài nguyên và Môi trường khoanh định và công bố khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ theo Quyết định số 2038/QĐ-BTNMT ngày 12/8/2015, Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp Giấy phép khai thác số 50/GP-UBND ngày 24/11/2016 cho Xí nghiệp công nghiệp xây dựng số I với thời hạn 08 năm).
2.3. Theo Quyết định số 167/2007/QĐ-TTg ngày 01/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025; trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn có 03 khu vực quặng bauxit sau:
- Mỏ bauxit Ma Mèo, xã Tân Mỹ, huyện Văn Lãng (Khu vực này đã được cấp Giấy phép khai thác khoáng sản);
- Mỏ bauxit Tam Lung, Đồng Đăng - Thành phố Lạng Sơn;
- Mỏ bauxit vùng Bắc Sơn, huyện Bắc Sơn (Công văn số 4402/VPCP-KTN ngày 30/6/2011 của Văn phòng Chính phủ, tỉnh Lạng Sơn được bàn giao 05 điểm mỏ bauxit trên địa bàn huyện Bắc Sơn để quản lý, cấp phép theo quy định; Ủy ban nhân dân tỉnh đã cấp 04 Giấy phép khai thác mỏ quặng bauxit: Lân Bát, Tân Hương, Nà Nâm, Pa Éng).
1. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn tỉnh; kiên quyết xử lý, kiểm điểm hoặc kiến nghị xử lý, kiểm điểm đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
- Hướng dẫn, theo dõi, đôn đốc, kiểm tra, giám sát thực hiện Phương án bảo vệ khoáng sản sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh;
- Tổng hợp dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác của các huyện, thành phố gửi Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, phê duyệt theo quy định.
- Đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; phối hợp với Công an tỉnh, các sở, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép; tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với các tỉnh giáp ranh.
- Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh tổng kết, đánh giá công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh và báo cáo tình hình quản lý nhà nước về khoáng sản hàng năm cho Bộ Tài nguyên và Môi trường theo quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 7 và Điểm c Khoản 1 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ.
2. Sở Công Thương
- Có trách nhiệm phối hợp với địa phương bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nằm trong hành lang lưới điện cao áp; thanh tra, kiểm tra, ngăn chặn việc mua bán, vận chuyển, tiêu thụ khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp; xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định.
- Kiểm soát chặt chẽ việc quản lý, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản; chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tăng cường kiểm tra, thanh tra việc sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trong khai thác khoáng sản; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật.
- Tham mưu thực hiện tốt Chương trình hành động số 45-CTr/TU ngày 07/6/2012 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết số 02-NQ/TW ngày 25/4/2011 của Bộ Chính trị (khóa XI) về định hướng chiến lược khoáng sản và công nghệ khai khoáng đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.
3. Sở Xây dựng
- Phối hợp với địa phương bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nằm trong diện tích đất các dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.
- Tổ chức lấy ý kiến Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công Thương về tài nguyên khoáng sản trước khi trình cấp thẩm quyền phê duyệt các quy hoạch: Quy hoạch xây dựng, các quy hoạch khác và việc giới thiệu địa điểm đất các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh để tránh chồng lấn lên khu vực có khoáng sản; phòng ngừa việc lợi dụng giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình, dự án để khai thác khoáng sản trái phép.
4. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- Phối hợp với địa phương thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nằm trong hành lang bảo vệ các công trình thủy lợi, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, khu bảo tồn.
- Chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm, các đơn vị chủ rừng (các Ban quản lý rừng phòng hộ, đặc dụng,…) ngoài chức năng, nhiệm vụ được giao về bảo vệ và phát triển rừng, cần có biện pháp ngăn chặn ngay các hoạt động khoáng sản (khảo sát, thăm dò, khai thác, chế biến,…) trái phép trong trong các khu vực được giao quản lý. Kịp thời báo cáo chính quyền địa phương và cơ quan chức năng về tình trạng hoạt động khoáng sản trái phép để phối hợp xử lý.
5. Sở Giao thông vận tải
Phối hợp với địa phương bảo vệ khoáng sản chưa khai thác nằm trong hành lang giao thông; chỉ đạo Thanh tra giao thông phối hợp kiểm tra nguồn gốc khoáng sản vận chuyển.
6. Sở Văn hóa, thể thao và Du lịch
Phối hợp với địa phương thực hiện bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong các khu vực thuộc di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, các công trình khác trong phạm vi quản lý của ngành.
7. Sở Thông tin và Truyền thông
- Phối hợp với các địa phương bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại các khu vực hành lang bảo vệ các công trình bưu chính, viễn thông.
- Chỉ đạo các cơ quan báo chí, phát thanh - truyền hình trên địa bàn tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền trên phương tiện thông tin đại chúng để các tổ chức, cá nhân nắm rõ trách nhiệm trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của Luật Khoáng sản và các văn bản khác có liên quan.
8. Sở Tài chính
- Tham mưu UBND tỉnh phân bổ nguồn kinh phí cho công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác từ nguồn thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo quy định tại Điều 20 Luật Khoáng sản năm 2010 và Điều 13 Nghị định số 203/2013/NĐ-CP ngày 28/11/2013 của Chính phủ quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.
- Thẩm định dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo đề nghị của Sở Tài nguyên và Môi trường.
9. Công an tỉnh
- Phối hợp với địa phương bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc đất dành riêng cho an ninh, các khu vực thuộc quy hoạch đất an ninh;
- Chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng có liên quan tăng cường đấu tranh và ngăn chặn các loại tội phạm thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép, buôn lậu và gian lận thương mại khoáng sản. Các trường hợp vi phạm phải kịp thời ngăn chặn, xử lý theo quy định của pháp luật; xử lý nghiêm các trường hợp mua, bán, sử dụng vật liệu nổ công nghiệp trái phép.
- Chỉ đạo Công an các huyện, thành phố thường xuyên kiểm tra địa bàn có hoạt động khoáng sản, nhất là những nơi thường xảy ra hiện tượng khai thác, mua bán, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, khoáng sản không có nguồn gốc hợp pháp, bảo đảm an ninh, trật tự, xử lý nghiêm hoặc kiến nghị xử lý đối với các trường hợp vi phạm.
- Phối hợp với Sở Công thương, Sở Giao thông vận tải, các ngành liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra, kiểm soát, xử lý các trường hợp, phương tiện vận chuyển khoáng sản quá khổ, quá tải, gây hư hỏng hạ tầng giao thông, các trường hợp sử dụng vật liệu nổ trái phép và các trường hợp khai thác khoáng sản gây ô nhiễm môi trường.
10. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lạng Sơn
Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các cơ quan liên quan bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại khu vực cấm hoạt động vì lý do quốc phòng, an ninh; có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong khu vực đất quốc phòng, hang động tự nhiên đã được khảo sát bảo vệ và đất thuộc địa hình loại 1, loại 2 ưu tiên cho nhiệm vụ bảo vệ tổ quốc. Chỉ đạo việc sử dụng lực lượng dân quân phối hợp tham gia công tác ngăn chặn, xử lý việc khai thác khoáng sản trái phép theo Kế hoạch của địa phương
11. Bộ Chỉ huy Bộ đôi Biên phòng tỉnh Lạng Sơn
- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng phối hợp với các lực lượng chức năng có liên quan phòng ngừa, đấu tranh ngăn chặn các hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản trái phép trong khu vực biên giới, vành đai biên giới.
- Phối hợp với các lực lượng Công an, Hải quan đấu tranh ngăn chặn hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép khoáng sản qua biên giới.
12. Cục Thuế
Phối hợp với các cơ quan liên quan truy thu các nghĩa vụ tài chính đối với sản lượng khoáng sản khai thác trái phép; xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về thuế.
13. Báo Lạng Sơn, Đài truyền hình Lạng Sơn
- Thông tin, tuyên truyền các quy định của pháp luật về khoáng sản, Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác;
- Đăng tải thông tin về công tác quản lý nhà nước về khoáng sản; hoạt động khai thác khoáng sản trái phép và chịu trách nhiệm về thông tin đã đăng tải theo quy định của pháp luật.
14. Các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác khoáng sản có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản trong diện tích được cấp giấy phép; thăm dò khoáng sản theo Đề án thăm dò khoáng sản đã được phê duyệt và Giấy phép thăm dò, khai thác khoáng sản theo đúng dự án đầu tư đã được phê duyệt, thu hồi tối đa các loại khoáng sản được phép khai thác; nếu phát hiện khoáng sản mới phải báo cáo ngay cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.
15. Tổ chức, cá nhân sử dụng đất có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trong diện tích đất đang sử dụng (kể cả khoáng sản trong lòng đất). Không được tự ý khai thác khoáng sản nếu chưa được cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy phép khai thác, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 64 Luật Khoáng sản năm 2010 như sau:
- Đối với tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất của dự án đầu tư xây dựng công trình đã được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền phê duyệt hoặc cho phép đầu tư mà sản phẩm khai thác chỉ được sử dụng cho xây dựng công trình đó. Trước khi tiến hành khai thác khoáng sản, tổ chức, cá nhân phải đăng ký khu vực, công suất, khối lượng, phương pháp, thiết bị và kế hoạch khai thác tại UBND tỉnh.
- Đối với hộ gia đình, cá nhân khai thác khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường trong diện tích đất ở thuộc quyền sử dụng đất của hộ gia đình, cá nhân để xây dựng các công trình của hộ gia đình, cá nhân trong diện tích đó.
16. Cơ quan, tổ chức lập quy hoạch xây dựng vùng, quy hoạch chung đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn phải lấy ý kiến bằng văn bản của UBND tỉnh/Bộ Tài nguyên và Môi trường tùy theo thẩm quyền cấp phép hoạt động khoáng sản về các vấn đề liên quan đến khoáng sản trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quy hoạch. Khi trình phê duyệt quy hoạch phải trình kèm theo ý kiến bằng văn bản của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép.
17. Các cơ quan, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể phối hợp tốt với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã trong công tác quản lý, bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo quy định của pháp luật về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và Phương án này.
1. Trách nhiệm của UBND cấp huyện
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo quy định tại Khoản 3 Điều 16, Khoản 2 Điều 18 Luật Khoáng sản năm 2010; Khoản 2 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, cụ thể:
- Tổ chức thực hiện các quy định của pháp luật về khoáng sản tại địa phương;
- Chủ trì phổ biến và triển khai phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn;
- Chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã thực hiện các biện pháp bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn; huy động và chỉ đạo phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện hoặc được báo tin xảy ra trên địa bàn. Kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh để chỉ đạo xử lý trong trường hợp không ngăn chặn được hoạt động khai thác khoáng sản trái phép;
- Lập phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo địa giới hành chính; tổ chức triển khai phương án bảo vệ sau khi được phê duyệt. Xây dựng Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương khu vực giáp ranh;
- Trước ngày 15/12 hàng năm gửi báo cáo về tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường);
- Hàng năm, lập dự toán chi cho nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác (cùng với thời điểm xây dựng dự toán ngân sách nhà nước) gửi Sở Tài nguyên và Môi trường tổng hợp, đề nghị Sở Tài chính thẩm định, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh khi để xảy ra tình trạng khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn mà không xử lý hoặc để diễn ra kéo dài.
2. Trách nhiệm của UBND cấp xã
Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn theo quy định tại Khoản 3 Điều 16, Khoản 3 Điều 18 Luật Khoáng sản năm 2010; Khoản 3 Điều 17 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Khoáng sản, cụ thể:
- Tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật về khoáng sản đến thôn/bản/xóm; vận động nhân dân địa phương không khai thác, thu mua, tàng trữ, vận chuyển khoáng sản trái phép, phát hiện và tố giác tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản trái phép; thực hiện phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn;
- Phát hiện và thực hiện các giải pháp ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép ngay sau khi phát hiện; trường hợp vượt thẩm quyền kịp thời báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện để chỉ đạo công tác giải toả;
- Nghiêm cấm việc lợi dụng san gạt, đào ao, san nền và các công trình khác để khai thác khoáng sản trái phép;
- Định kỳ 6 tháng báo cáo tình hình bảo vệ khoáng sản chưa khai thác tại địa phương cho Ủy ban nhân dân cấp huyện;
Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện về bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn quản lý.
1. Sở, ngành nào tiếp nhận đơn thư khiếu nại, thông tin liên quan đến khai thác khoáng sản trái phép hoặc theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh thì Sở, ngành đó chủ trì, phối hợp các Sở, ngành và địa phương có liên quan (nếu cần thiết thì thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra) tổ chức thanh tra, kiểm tra hoặc trả lời đơn thư khiếu nại đồng thời báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo đúng quy định.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm cung cấp, trao đổi thông tin, phối hợp thực hiện khi có yêu cầu; nội dung thông tin phải bảo đảm chính xác, đầy đủ và kịp thời. Việc trao đổi thông tin có thể dưới hình thức văn bản hành chính hoặc thư điện tử.
Chỉ sử dụng thông tin, tài liệu theo đúng mục đích, trường hợp sử dụng thông tin, tài liệu không đúng mục đích thì đơn vị sử dụng thông tin phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.
2. Cơ chế phối hợp trong bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh:
- Chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Lạng Sơn giáp ranh giữa các huyện trong và ngoài tỉnh, giữa các xã trong và ngoài huyện phải có trách nhiệm phối hợp cung cấp thông tin trong trường hợp phát hiện hoạt động khoáng sản trái phép; phối hợp, tổ chức lực lượng trong công tác ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép khi có đề nghị của địa phương giáp ranh.
- Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xây dựng cụ thể Chương trình phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với địa phương liên quan ở khu vực giáp ranh, trong đó quy định rõ cách thức phối hợp, cơ quan thường trực là đầu mối chịu trách nhiệm liên hệ, cung cấp thông tin trong công tác phối hợp, triển khai cụ thể chương trình phối hợp tới Ủy ban nhân dân cấp xã.
- Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan trường trực tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh các vấn đề liên quan đến cung cấp thông tin và phối hợp trong công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác với các cơ quan cùng cấp của tỉnh giáp ranh.
1. Yêu cầu thủ trưởng các cơ quan liên quan và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; các tổ chức, cá nhân được cấp Giấy phép thăm dò, Giấy phép khai thác khoáng sản và các tổ chức, cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện nghiêm túc Phương án này.
2. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các cơ quan liên quan lập chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện Phương án này. Kịp thời báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tài nguyên và Môi trường) theo quy định.
3. Giao Sở Tài nguyên và Môi trường theo dõi, đôn đốc việc triển khai thực hiện Phương án này, hàng năm tổng hợp, xây dựng Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh; kịp thời tổng hợp, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế./.
- 1 Quyết định 1471/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 2 Quyết định 694/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 3 Quyết định 713/QĐ-UBND năm 2019 về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc
- 4 Nghị định 158/2016/NĐ-CP hướng dẫn Luật khoáng sản
- 5 Quyết định 37/2016/QĐ-UBND phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường tỉnh Lạng Sơn đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030
- 6 Quyết định 2038/QĐ-BTNMT năm 2015 phê duyệt kết quả khoanh định khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ Đợt 4 do Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 7 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 8 Chỉ thị 03/CT-TTg năm 2015 tăng cường hiệu lực thực thi chính sách, pháp luật về khoáng sản do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 9 Quyết định 2185/QĐ-TTg năm 2014 phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng sắt đến năm 2020, có xét đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 10 Nghị định 203/2013/NĐ-CP quy định về phương pháp tính, mức thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản
- 11 Quyết định 2427/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt Chiến lược khoáng sản đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 12 Công văn 4402/VPCP-KTN về quản lý, cấp phép khai thác một số điểm mỏ bauxit trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn do Văn phòng Chính phủ ban hành
- 13 Luật khoáng sản 2010
- 14 Quyết định 1065/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt điều chỉnh Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 15 Quyết định 105/2008/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch thăm dò, khai thác và sử dụng khoáng sản làm xi măng ở Việt Nam đến năm 2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 16 Quyết định 167/2007/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng quặng bauxit giai đoạn 2007 - 2015, có xét đến năm 2025 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 1 Quyết định 1471/QĐ-UBND năm 2019 phê duyệt Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng
- 2 Quyết định 694/QĐ-UBND năm 2019 về phê duyệt Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Tây Ninh
- 3 Quyết định 713/QĐ-UBND năm 2019 về Phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc