Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1049/QĐ-UBND

Lâm Đồng, ngày 08 tháng 05 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT THIẾT KẾ KỸ THUẬT - DỰ TOÁN HOÀN THIỆN, HIỆN ĐẠI HÓA HỒ SƠ, BẢN ĐỒ ĐỊA GIỚI HÀNH CHÍNH CÁC CẤP TỈNH LÂM ĐỒNG

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Căn cứ Quyết định số 513/QĐ-TTg ngày 02/5/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”;

Căn cứ Quyết định số 785/QĐ-BNV ngày 31/8/2012 của Bộ Nội vụ ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính” giai đoạn 2012-2015;

Xét đề nghị của Sở Nội vụ tại Tờ trình số 284/TTr-SNV ngày 04/5/2015 về phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - dự toán hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp tỉnh Lâm Đồng.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Thiết kế kỹ thuật - dự toán hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp tỉnh Lâm Đồng, với các nội dung chủ yếu, như sau:

1. Tên gọi: “Thiết kế kỹ thuật - dự toán hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp tỉnh Lâm Đồng” thuộc Dự án “Hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính”.

2. Chủ đầu tư: Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng

3. Đơn vị tư vấn: Công ty cổ phần Tư vấn Dịch vụ Tài nguyên Môi trường và Xây dựng số 6.

4. Mục đích:

a) Thực hiện quy định tại Điều 110, Hiến pháp năm 2013 của nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam về phân định đơn vị hành chính;

b) Xác định rõ phạm vi quản lý theo địa bàn lãnh thổ giữa các tỉnh, thành phố; giữa các huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và giữa các xã, phường, thị trấn; đảm bảo khép kín đường địa giới hành chính (ĐGHC) các cấp;

c) Xây dựng bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp khoa học, đầy đủ, đảm bảo tính chính xác, pháp lý và thống nhất làm tài liệu pháp lý trong công tác quản lý nhà nước về địa giới hành chính và xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội trong tỉnh.

5. Yêu cầu:

a) Giải quyết dứt điểm các tranh chấp đất đai liên quan đến địa giới hành chính các cấp do lịch sử để lại và những phát sinh mới từ những sai sót trong quá trình lập bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp theo Chỉ thị 364-CT ngày 06/11/1991 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (sau đây gọi tắt là Chỉ thị 364-CT);

b) Xác định rõ phạm vi quản lý bãi bồi ven sông giữa các địa phương liên quan;

c) Đánh giá đúng thực trạng về địa giới hành chính và hệ thống thông tin tư liệu về hồ sơ, bản đồ địa giới và mốc địa giới hành chính các cấp làm cơ sở xác định các giải pháp về kinh tế, kỹ thuật và công nghệ tổ chức triển khai thực hiện;

d) Đảm bảo chuyển giao, áp dụng kỹ thuật, công nghệ tiên tiến về đo đạc, bản đồ và xử lý thông tin, dữ liệu trong công tác xây dựng, hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính; xác định tọa độ vị trí và độ cao các mốc địa giới hành chính; xây dựng cơ sở dữ liệu về địa giới hành chính các cấp.

6. Phạm vi: Triển khai trên 147 đơn vị cấp xã, 12 đơn vị cấp huyện và 01 đơn vị cấp tỉnh trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng.

7. Nhiệm vụ:

a) Khảo sát, thu thập, phân tích, đánh giá hiện trạng hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính và mốc địa giới hành chính các cấp được lập theo Chỉ thị 364-CT và được lập mới theo Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ và các văn bản có liên quan;

b) Đối soát tại thực địa tính thống nhất giữa các hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính được lập theo Chỉ thị 364-CT và các bộ hồ sơ, bản đồ ĐGHC được chỉnh lý, lập mới theo các Nghị định, Nghị quyết của Chính phủ với thực tế quản lý địa giới hành chính tại các địa phương; kiểm tra, rà soát hệ thống mốc địa giới hành chính trên bản đồ và thực địa, thống kê tình trạng mất, hỏng các mốc, dự kiến các mốc ĐGHC cần cắm mới ở ngoài thực địa;

c) Xây dựng báo cáo tổng quan về hiện trạng đường địa giới hành chính, mốc địa giới hành chính và hồ sơ, bản đồ ĐGHC các cấp;

d) Phân định địa giới hành chính theo các Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ;

e) Tham gia phân định địa giới hành chính trên sông, suối, kênh, mương (chủ yếu áp dụng với việc phân định địa giới hành chính theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết, Nghị định của Chính phủ).

f) Đúc, vận chuyển, chôn mới mốc và khôi phục các mốc địa giới hành chính đã bị mất; lập sơ đồ vị trí mốc địa giới hành chính;

g) Sửa chữa các mốc ĐGHC bị hư hỏng, không phù hợp và gắn tâm mốc, lập sơ đồ vị trí mốc ĐGHC;

h) Đo và tính toán bình sai tọa độ mốc địa giới các cấp;

i) Hoàn thiện hồ sơ địa giới hành chính cấp xã, huyện, tỉnh gồm các công việc biên tập, nhân bản và đóng gói các tài liệu trong hồ sơ địa giới hành chính;

k) Thành lập bản đồ địa giới hành chính cấp xã, huyện, tỉnh gồm các công việc biên tập, in, nhân bản bản đồ địa giới hành chính;

m) Tổ chức để Chủ tịch UBND các cấp ký, đóng dấu xác nhận pháp lý bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp xã, huyện, tỉnh theo quy định.

8. Sản phẩm chính:

8.1. Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp:

a) Bộ hồ sơ, bản đồ ĐGHC cấp xã: thành lập theo Hệ tọa độ VN-2000 được thể hiện đầy đủ đường địa giới, mốc địa giới, địa danh hành chính các cấp in trên giấy, có ký tên, đóng dấu xác nhận pháp lý của các đơn vị hành chính sở tại và đơn vị hành chính cùng cấp liền kề làm cơ sở pháp lý đưa vào quản lý, sử dụng và nộp lưu trữ quốc gia (bản đồ, hồ sơ cấp xã được lập theo cơ số 05 bộ).

b) Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp huyện: thành lập theo Hệ VN-2000, được thể hiện đầy đủ đường địa giới, địa danh hành chính các cấp, mốc địa giới, in trên giấy có ký, đóng dấu xác nhận pháp lý của các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề làm cơ sở pháp lý đưa vào quản lý, sử dụng và nộp lưu trữ quốc gia (bản đồ, hồ sơ cấp huyện được lập theo cơ số 04 bộ).

c) Bộ hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính cấp tỉnh: thành lập theo Hệ VN-2000 được thể hiện đầy đủ đường địa giới, địa danh hành chính các cấp, mốc địa giới, in trên giấy có ký, đóng dấu xác nhận pháp lý của các đơn vị hành chính cùng cấp liền kề làm cơ sở pháp lý đưa vào quản lý, sử dụng và nộp lưu trữ quốc gia (bản đồ hồ sơ cấp tỉnh được lập theo cơ số 04 bộ).

8.2. Các tài liệu khác:

a) Thành quả đo tọa độ mốc ĐGHC các cấp;

b) Đĩa CD lưu dữ liệu hồ sơ, bản đồ ĐGHC các cấp;

c) Các tài liệu khác liên quan (nếu có).

9. Tổng dự toán kinh phí: 28.200,0 triệu đồng.

(Chi tiết theo Tờ trình số 284/TTr-SNV ngày 04/5/2015 của Sở Nội vụ).

10. Nguồn vốn thực hiện: Do ngân sách địa phương đảm bảo theo quy định của Luật ngân sách Nhà nước và sự hỗ trợ của Trung ương.

11. Thời gian thực hiện: Từ năm 2015 đến năm 2016.

(Đính kèm Thiết kế kỹ thuật - dự toán hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp tỉnh Lâm Đồng do Công ty cổ phần Tư vấn Dịch vụ Tài nguyên Môi trường và Xây dựng Số 6 lập).

Điều 2.

1. Giao Sở Nội vụ phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan, căn cứ Thiết kế kỹ thuật - dự toán hoàn thiện, hiện đại hóa hồ sơ, bản đồ địa giới hành chính các cấp tỉnh Lâm Đồng đã được phê duyệt để tổ chức thực hiện.

2. Các sở, ngành, địa phương, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao và nội dung Quyết định này, có trách nhiệm triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Nội vụ, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố Đà Lạt và Bảo Lộc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Bộ Nội vụ;
- TTTU, TTHĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- Sở Nội vụ (10 bản);
- Lưu: VT, ĐC, TKCT.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Văn Yên