Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 1058/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 04 tháng 07 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT DANH MỤC DỰ ÁN “HỖ TRỢ QUẢN LÝ CHẤT THẢI Y TẾ NHẰM GIẢM PHÁT THẢI CÁC CHẤT Ô NHIỄM HỮU CƠ KHÓ PHÂN HỦY VÀ THỦY NGÂN” DO QUỸ MÔI TRƯỜNG TOÀN CẦU (GEF) VIỆN TRỢ KHÔNG HOÀN LẠI THÔNG QUA NGÂN HÀNG THẾ GIỚI (WB)

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;

Căn cứ Nghị định số 38/2013/NĐ-CP ngày 23 tháng 4 năm 2013 của Chính phủ về quản lý và sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ;

Xét đề nghị của Bộ Kế hoạch và Đầu tư tại tờ trình số 3873/BKHĐT-KTĐN ngày 10 tháng 6 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt danh mục Dự án “Hỗ trợ quản lý chất thải y tế nhằm giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy và thủy ngân” do GEF viện trợ không hoàn lại thông qua WB, với các nội dung chính sau:

1. Cơ quan đầu mối thực hiện Dự án: Bộ Y tế.

- Cơ quan chủ quản thành phần A của Dự án: Bộ Y tế.

- Cơ quan chủ quản thành phần B của Dự án: Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Thời gian thực hiện: 2013-2017.

3. Mục tiêu của Dự án: Đánh giá thực trạng, xây dựng giải pháp quản lý, kiểm soát ô nhiễm và giảm phát thải các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy (POP), các chất độc hại khó phân hủy (PTS) và thủy ngân từ các hoạt động của ngành y tế góp phần giảm thiểu sự ô nhiễm, suy thoái môi trường và những nguy cơ tiềm ẩn ảnh hưởng đến sức khỏe con người.

4. Các hoạt động chính của Dự án:

- Đầu tư, cung cấp trang thiết bị cho việc áp dụng các công nghệ tốt nhất hiện có và thực hành môi trường tốt nhất (BAT/BEP) trong quản lý chất thải y tế nhằm giảm thiểu POP, PTS và thủy ngân phát thải ra môi trường.

- Tăng cường năng lực trong việc xây dựng và kiện toàn khung chính sách, pháp luật, thể chế và các hướng dẫn kỹ thuật tập trung vào quản lý các chất ô nhiễm hữu cơ khó phân hủy, thủy ngân và các chất độc hại khác phát thải ra môi trường từ các hoạt động của ngành y tế.

5. Tổng kinh phí thực hiện Dự án: 8.000.000 USD, bao gồm:

- Vốn viện trợ không hoàn lại: 7.000.000 USD, trong đó:

+ Thành phần A: 4.600.000 USD

+ Thành phần B: 2.400.000 USD

- Vốn đối ứng: 1.000.000 USD, trong đó Bộ Y tế đóng góp 760.000 USD, Bộ Tài nguyên và Môi trường đóng góp 240.000 USD.

6. Cơ chế tài chính trong nước: cấp phát 100% từ ngân sách.

Điều 2. Bộ Y tế, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp thu ý kiến các cơ quan liên quan, hoàn chỉnh văn kiện Dự án, chịu trách nhiệm phê duyệt và tổ chức thực hiện theo đúng các quy định hiện hành.

Điều 3. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm thủ tục với WB để tiếp nhận khoản viện trợ nêu trên.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- TTg CP, các PTTg;
- Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Y tế, Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp, Xây dựng;
- Ngân hàng Nhà nước Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, các Vụ: KGVX, KTN, TH; Cổng TTĐT;
- Lưu: VT, QHQT (3).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ
THỦ TƯỚNG




Hoàng Trung Hải