Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1059/QĐ-UB

Đồng Hới, ngày 23 tháng 11 năm 1995

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 21/6/1994;

Căn cứ Nghị định số 177/CP ngày 20/10/1994 của Chính phủ ban hành điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng và Thông tư 18/BXDVKT ngày 10/6/1995 của Bộ Xây dựng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Xây dựng và yêu cầu công tác quản lý XDCB trên địa bàn tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành theo Quyết định này bản “ Quy định về các hình thức tổ chức quản lý dự án đầu tư và xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”.

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Xây dựng, Chủ nhiệm UBKH tỉnh, Giám đốc Sở Tài chính - Vật giá, Cục trưởng Cục đầu tư và phát triển, thủ trưởng các ban, ngành, đơn vị liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

 

TM. UBND TỈNH QUẢNG BÌNH
CHỦ TỊCH





Phạm Phước

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC THỰC HIỆN CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC QUẢN LÝ DỰ ÁN ĐẦU TƯ VÀ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1059/QĐ-UB ngày 23/11/1995 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

I. QUY ĐỊNH CHUNG:

Điều 1: Tất cả các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn Nhà nước phải có quyết định đầu tư của UBND tỉnh, trong đó đã xác định chủ đầu tư và hình thức thực hiện dự án trước khi thực hiện đầu tư. Những công trình dự án thuộc nguồn vốn sự nghiệp kinh tế có vốn dưới 100 triệu đồng thì huyện, thị, ngành cũng quyết định rõ chủ đầu tư và hình thức quản lý. Những công trình Nhà nước và nhân dân cùng làm mà vốn của nhân dân lớn hơn 50% thì vốn Nhà nước được cấp về cho chủ đầu tư giao cho địa phương làm chủ đầu tư.

Điều 2: Tất cả các dự án đầu tư thuộc nguồn vốn Nhà nước toàn bộ hay một phần đều phải hình thành các tổ chức quản lý dự án theo đúng hướng dẫn theo Thông tư số 18/BXD-VKT ngày 10/6/1995 của Bộ Xây dựng.

Điều 3: Trách nhiệm của chủ đầu tư phải thực hiện đầy đủ các quy định tại các điều 1, 7, 30, 35, 41, 42 và các điểm có liên quan về lập và trình duyệt dự án, thiết kế kỹ thuật và tổng dự toán, về huy động và sử dụng vốn đầu tư, về quyết toán vốn đầu tư, về trách nhiệm hoàn vốn (nếu là vốn vay) đưa dự án vào khai thác, sử dụng có hiệu quả...trong điều lệ quản lý đầu tư và xây dựng ban hành theo Nghị định số 177/CP ngày 20/10/1994 của Chính phủ.

Điều 4: Trách nhiệm của chủ nhiệm điều hành dự án đứng đầu Ban quản lý dự án là người duy nhất chịu trách nhiệm trước chủ đầu tư và chịu sự kiểm tra giám sát toàn diện của chủ đầu tư trong mọi hoạt động quản lý về quá trình chuẩn bị đầu tư, thực hiện đầu tư cũng như kết thúc xây dựng đưa dự án vào khai thác sử dụng. Nếu chủ đầu tư đồng thời là chủ nhiệm điều hành dự án thì các hoạt động trên phải chịu sự kiểm tra, giám sát của tổ chức cấp trên trực tiếp của chủ đầu tư. Chủ nhiệm điều hành dự án và ban quản lý dự án giúp chủ đầu tư thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ quy định trong Thông tư 18/BXDVKT ngày 10/6/1995 của Bộ Xây dựng.

II. QUY ĐỊNH CÁC HÌNH THỨC TỔ CHỨC QUẢN LÝ DỰ ÁN:

Điều 5: Hình thức chủ đầu tư trực tiếp quản lý thực hiện dự án, bao gồm:

a) Các dự án thuộc nhóm C và các dự án cải tạo, mở rộng, cơ sở sản xuất thuộc nhóm B của các doanh nghiệp Nhà nước;

b) Các dự án nhóm C nằm phân tán của các ngành và tổ chức đoàn thể không có ban quản lý dự án khu vực, lại không thể hợp đồng được với các công ty tư vấn.

Hình thức này chủ đầu tư sử dụng bộ máy hiện có của mình để tổ chức quản lý dự án đầu tư, không thành lập ban quản lý dự án riêng, được mở tài khoản riêng hoặc tài khoản của chủ đầu tư và được sử dụng con dấu của chủ đầu tư (không sử dụng con dấu riêng).

Điều 6: Hình thức chủ nhiệm điều hành dự án (có ban quản lý dự án giúp việc).

a) Đối với các dự án đã xác định chủ đầu tư: Tuy theo quy mô và tính chất công trình chủ đầu tư có thể trình với UBND tỉnh để quyết định một trong hai hình thức (hình thức thứ nhất, hình thức thứ hai) của phần II.1 Thông tư 18/BXD-VKT ngày 10/6/1995 của Bộ Xây dựng;

b) Đối với dự án công trình kỹ thuật hạ tầng thuộc nhóm B (cầu, đường, công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị): Tùy theo tính chất và quy mô công trình, khi xác định chủ trương đầu tư UBND tỉnh sẽ quyết định hình thức Ban quản lý dự án và chủ nhiệm điều hành dự án (hình thức thứ ba của phần II.1 của Thông tư 18/BXD-VKT);

c) Hình thức chủ nhiệm điều hành dự án khu vực và Ban quản lý dự án khu vực (hình thức 4 phần II.1 của Thông tư 18/BXD-VKT) áp dụng có các huyện, thị xã, các Sở xây dựng chuyên ngành: Xây dựng, Giao thông, Thuỷ lợi và các Sở có nhiều công trình thi công trong nhiều năm;

d) Đối với các dự án Nhà nước hỗ trợ một phần vốn, còn lại nhân dân đóng góp thì các chủ đầu tư hợp đồng quản lý với các công trình tư vấn, các ban quản lý dự án khu vực của các huyện thị hay các ngành mà không được thành lập Ban quản lý riêng.

Trường hợp dự án nào cần thành lập riêng Ban quản lý dự án thì chủ đầu tư phải trình UBND tỉnh quyết định.

Điều 7: Hình thức chìa khoá trao tay áp dụng cho các chủ đầu tư có các công trình dân dụng quy mô nhỏ. Nội dung hợp đồng chìa khoá trao tay thực hiện theo hướng dẫn ở Thông tư 18/BXD-VKT ngày 10/6/1995 của Bộ Xây dựng.

Điều 8: Hình thức tự làm chỉ áp dụng cho các công trình sửa chữa nhỏ, cải tạo quy mô nhỏ, vốn dưới 100 triệu đồng hay công trình đặc biệt chuyên ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thuỷ sản...thì có thể dùng lực lượng thuộc của mình để thực hiện thi công xay dựng công trình, nhưng phải có giấy phép hành nghề.

Điều 9: Chủ nhiệm điều hành dự án phải là người có trình độ đại học (kỹ sư xây dựng, kinh tế xây dựng hoặc kỹ sư công nghệ thuộc chuyên ngành của dự án, có năng lực và kinh nghiệm thực tế, thời gian công tác theo ngành phải trên 3 năm). Cán bộ trong bộ máy của Ban quản lý dự án đủ trình độ theo từng loại chuyên ngành để thực hiện quản lý dự án đúng quy định của Nhà nước

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10: Căn cứ quy định này, các ngành và các huyện, thị xã triển khai ngay các hình thức quản lý thực hiện dự án cho phù hợp kinh phí hoạt động để quản lý theo các hình thức tổ chức nói trên lấy từ khoản “Chi phí quản lý dự án” trong tổng dự toán công trình được duyệt. Khoản kinh phí này được tính theo quy định trong phụ lục kèm theo Thông tư 18/BXD-VKT ngày 10/6/1995 của Bộ Xây dựng.

Điều 11: Thời gian thực hiện quy định như sau:

- Đối với các ban quản lý công trình của các ngành của các dự án mới và dự án còn kéo dài qua năm 1996 thì làm thủ tục để quyết định ban quản lý dự án mới và chậm nhất đến ngày 01/01/1996 đi vào hoạt động.

- Đối với ban quản lý công trình thuộc các dự án có thể kết thức xây dựng và bàn giao sử dụng trong năm 1995 thì được tiếp tục hoạt động cho đến khi quyết toán xong công trình nhưng không được kéo dài quá ngày 31/01/1996. Khoản kinh phí này được tính theo quy định tại Thông tư 11/BXD-VKT ngày 05/4/1993 của Bộ Xây dựng.

Điều 12: Giao cho Sở Xây dựng, Ban Tổ chức chính quyền tỉnh và các ngành liên quan hướng dẫn và tham mưu cho UBND tỉnh quyết định thành lập các tổ chức quản lý dự án và thay đổi Ban quản lý công trình (bên A) thành ban quản lý dự án mới theo đúng quy định của Nhà nước.

Bản quy định này có hiệu lực từ ngày ký. Những văn bản trước đây trái với văn bản này đều bãi bỏ.