Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
----------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 106/2007/QĐ-UBND

Vũng Tàu, ngày 31 tháng 12 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC TỈNH VÀ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA –VŨNG TÀU.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ về quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước;

Căn cứ Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ quy định việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tài sản được xác lập quyền sở hữu nhà nước;

Căn cứ nghị quyết số 37/2007/NĐ-HĐND ngày 14 tháng 12 năm 2007 của Hội đồng nhân dân tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu về việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh và tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 2545/TTr-STC ngày 26 tháng 11 năm 2007 về việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh và tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định việc phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh và tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng tàu..

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Thủ trưởng các cơ quan hành chính, các đơn vị sự nghiệp công lập và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các tổ chức, cá nhân có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Minh Sanh

 

QUY ĐỊNH

VIỆC PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI TÀI SẢN NHÀ NƯỚC TẠI CƠ QUAN HÀNH CHÍNH, ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC TỈNH VÀ TÀI SẢN ĐƯỢC XÁC LẬP QUYỀN SỞ HỮU CỦA NHÀ NƯỚC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BÀ RỊA - VŨNG TÀU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 106 /2007/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh:

1. Quy định này quy định về phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp và các tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước thuộc phạm vi thẩm quyền của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu quyết định theo quy định tại Nghị định số 137/2006/NĐ-CP ngày 14 tháng 11 năm 2006 của Chính phủ, Thông tư số 35/2007/TT-BTC ngày 10 tháng 4 năm 2007 của Bộ Tài chính.

2. Những quy định về phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước tại cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập và tài sản được xác lập quyền sở hữu của Nhà nước không đề cập tại Quy định này thì thực hiện theo các văn bản hiện hành của Chính phủ và Bộ, ngành, Trung ương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Đối tượng áp dụng tại quy định này bao gồm:

1. Các cơ quan nhà nước thuộc tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước trong các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp (sau đây gọi tắt là đơn vị HCSN) sử dụng ngân sách địa phương và các nguồn vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước quản lý, được giao trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

3. Các đối tượng khác có liên quan đến việc quản lý, sử dụng tài sản nhà nước.

Chương II

PHÂN CẤP QUẢN LÝ TÀI SẢN NHÀ NƯỚC

Điều 3. Phân cấp quyền hạn, trách nhiệm về quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệp

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệptrên phạm vi toàn tỉnh.

Sở Tài chính có trách nhiệm giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệptrên phạm vi toàn tỉnh; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và cơ quan có thẩm quyền tình hình thực hiện phân cấp và quản lý tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệptrên địa bàn tỉnh.

2. Sở Tài chính có trách nhiệm:

a) Thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệpdo Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý.

b) Hướng dẫn các Sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện việc quản lý nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệptheo quy định này.

c) Tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ hoặc đột xuất việc chấp hành chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước tại các đơn vị hành chính sự nghiệpthuộc sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố. Kiến nghị xử lý hoặc xử lý theo thẩm quyền các trường hợp vi phạm chế độ quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệp.

3. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) chịu trách nhiệm thực hiện việc quản lý nhà nước và phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệpthuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định.

Phòng Tài chính - Kế hoạch giúp Ủy ban nhân dân cùng cấp thực hiện việc phân cấp quản lý tài sản nhà nước và thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo phân cấp; báo cáo cơ quan có thẩm quyền tình hình thực hiện phân cấp và quản lý tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệpở địa phương.

4. Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh có trách nhiệm:

a) Trực tiếp quản lý, sử dụng tài sản nhà nước theo quy định và phân cấp tại Quy định này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.

b) Tổ chức triển khai việc quản lý tài sản và phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệpthuộc phạm vi quản lý theo quy định này và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

c) Báo cáo tình hình quản lý, sử dụng tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệpthuộc phạm vi quản lý theo hướng dẫn của Sở Tài chính.

5. Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệpđược giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước, có trách nhiệm:

a) Chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước.

b) Sử dụng tài sản nhà nước đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả.

c) Thực hiện kê khai đăng ký, báo cáo tài sản nhà nước theo đúng quy định hiện hành.

d) Công khai tiêu chuẩn, định mức, tình hình quản lý tài sản nhà nước của cơ quan, đơn vị.

e) Chịu sự thanh tra, kiểm tra của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Điều 4. Thẩm quyền quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản nhà nước

1. Đối với những tài sản, phương tiện trang thiết bị làm việc đã được Nhà nước, Bộ Tài chính quy định về tiêu chuẩn, định mức sử dụng tài sản thì tổ chức thực hiện theo đúng tiêu chuẩn định mức đã được quy định.

2. Đối với những tài sản đặc thù chưa được các cơ quan Nhà nước ở trung ương quy định về tiêu chuẩn, định mức hoặc việc quy định tiêu chuẩn, định mức thuộc thẩm quyền của địa phương thì Ủy ban nhân dân tỉnh giao cho Sở Tài chính chủ trì, căn cứ các điều kiện cụ thể của địa phương để xây dựng các tiêu chuẩn, định mức báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, trình Hội đồng nhân dân tỉnh thống nhất ban hành.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện; Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể trực thuộc tỉnh căn cứ vào các quy định hiện hành về quản lý tài sản, luật và các văn bản hướng dẫn về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, chủ trì xây dựng quy định tiêu chuẩn, định mức sử dụng các tài sản khác (trừ các loại định mức do Nhà nước, Bộ Tài chính và Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành) để áp dụng thống nhất trong nội bộ cấp, ngành quản lý.

Điều 5. Đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản nhà nước

1. Tài sản nhà nước tại các đơn vị hành chính sự nghiệp phải được quản lý và đăng ký tài sản theo đúng quy định của pháp luật. Những tài sản phải đăng ký quyền quản lý, sử dụng, bao gồm:

a) Trụ sở làm việc, cơ sở hoạt động sự nghiệp;

b) Xe ôtô các loại;

c) Các tài sản khác có nguyên giá theo sổ sách kế toán từ 500 triệu đồng trở lên/1đơn vị tài sản.

2. Đối với những tài sản cố định khác không thuộc phạm vi quy định tại Điểm 1 điều này thì không phải đăng ký, đơn vị hành chính sự nghiệp có trách nhiệm phải lập thẻ tài sản cố định để theo dõi, hạch toán và thực hiện chế độ quản lý tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật.

3. Các đơn vị hành chính sự nghiệp được nhà nước giao trực tiếp quản lý, sử dụng những tài sản theo quy định tại khoản 1 điều này phải đăng ký quyền quản lý, sử dụng tài sản với Sở Tài chính.

Trường hợp phát hiện đơn vị không thực hiện việc đăng ký, Sở Tài chính được phép ngừng cấp kinh phí (đối với đơn vị cấp tỉnh), yêu cầu phòng Tài chính kế hoạch ngừng cấp kinh phí (đối với đơn vị cấp huyện) phục vụ hoạt động của những tài sản thuộc diện phải đăng ký nhưng không đăng ký; đồng thời thực hiện chế độ xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

4. Đơn vị quản lý cấp trên trực tiếp có trách nhiệm thẩm định, xác nhận vào tờ khai đăng ký tài sản để gửi Sở Tài chính.

Điều 6. Phân cấp thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng, mua sắm tài sản nhà nước:

1. Đối với tài sản là nhà, công trình kiến trúc và tài sản khác gắn liền với đất, thẩm quyền quyết định đầu tư xây dựng thực hiện theo quy định hiện hành của pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng.

2. Đối với tài sản là phương tiện giao thông vận tải, máy móc, trang thiết bị làm việc và các động sản khác, thẩm quyền quyết định mua sắm được quy định như sau:

2.1. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệptrực thuộc cấp tỉnh:

2.1.1. Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Thống nhất quản lý chung kinh phí mua sắm tài sản thuộc ngân sách tỉnh.

b) Phê duyệt dự toán mua sắm tài sản của các cơ quan hành chính sự nghiệp.

c) Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt mua sắm tài sản hàng hóa, dịch vụ đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trực thuộc tỉnh đối với tài sản là:

- Nhà, đất.

- Xe ôtô, tàu thuyền.

- Máy móc thiết bị, các tài sản cố định khác và phần mềm có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên cho một lần mua sắm (tính cho một gói thầu).

2.1.2 Đối với các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trực thuộc tỉnh:

a) Phân cấp cho Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể, cơ quan trực thuộc tỉnh: căn cứ dự toán ngân sách được giao quyết định phê duyệt danh mục mua sắm tài sản hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc ngành quản lý đối với tài sản là: máy móc thiết bị, tài sản cố định khác và phần mềm có giá trị từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng cho một lần mua sắm (tính cho một gói thầu).

b) Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc ngành, căn cứ dự toán ngân sách được giao, quyết định trang cấp các tài sản là máy móc thiết bị, tài sản cố định khác và phần mềm có giá trị dưới 100 triệu đồng cho một lần mua sắm (tính cho một gói thầu).

2.2. Đối với các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc cấp huyện:

Phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện: căn cứ dự toán ngân sách được giao quyết định phê duyệt danh mục mua sắm tài sản hàng hóa, dịch vụ cho các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Huyện đối với tài sản là: máy móc thiết bị, tài sản cố định khác và phần mềm có giá trị dưới 500 triệu đồng cho một lần mua sắm (tính cho một gói thầu).

3. Việc mua sắm tài sản từ nguồn Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp, từ nguồn vốn huy động theo chế độ quy định để phục vụ cho các hoạt động sự nghiệp hoặc sản xuất kinh doanh, dịch vụ của đơn vị; thủ trưởng đơn vị sự nghiệp căn cứ vào kế hoạch, dự toán, dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt, tiêu chuẩn định mức sử dụng và nhu cầu cần thiết phục vụ hoạt động của đơn vị để quyết định việc mua sắm cho phù hợp, bảo đảm tiết kiệm và hiệu quả. Riêng trường hợp mua sắm tài sản là nhà, đất, xe ôtô, do cấp có thẩm quyền (khi phê duyệt dự án) hoặc Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định phê duyệt.

Điều 7. Phân cấp thẩm quyền thu hồi, điều chuyển, chuyển đổi hình thức sở hữu và bán, thanh lý tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệp

1. Ủy ban nhân dân tỉnh:

a) Thu hồi, bán, chuyển nhượng nhà, đất thuộc trụ sở làm việc của các tổ chức, đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.

b) Điều chuyển nhà đất thuộc trụ sở làm việc giữa các cấp, ngành, các đơn vị hành chính sự nghiệp.

c) Thanh lý tài sản là nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất (trừ trường hợp ủy quyền cho Sở Tài chính và Ủy ban nhân dân cấp huyện theo khoản 2, 3 điều này).

d) Thu hồi, điều chuyển, bán, chuyển nhượng, thanh lý các tài sản là phương tiện vận tải là ô tô, tàu thuyền; Tài sản khác có nguyên giá tài sản từ 500 triệu đồng trở lên/1 đơn vị tài sản của đơn vị hành chính sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.

e) Thu hồi tài sản của các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý đã kết thúc để chuyển giao cho các đơn vị quản lý và sử dụng theo quy định của Nhà nước.

2. Sở Tài chính:

a) Ủy ban nhân dân tỉnh giao trách nhiệm cho Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan thẩm định báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét quyết định đối với các tài sản quy định tại khoản 1 Điều này;

b) Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp cho Giám đốc Sở Tài chính quyết định:

- Thanh lý tài sản là nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất của các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý (đơn vị cấp tỉnh) trong các trường hợp sau: Phá dỡ để tạo thông thoáng khuôn viên trụ sở làm việc; Thanh lý do trụ sở làm việc thuộc lộ giới quy hoạch trên địa bàn, phải di dời và chuyển giao cho Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương. Thanh lý tài sản là nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất trong trường hợp phá dỡ để cải tạo, đầu tư xây dựng mới theo quy hoạch, kế hoạch, dự án và quyết định đầu tư được duyệt;

- Thanh lý xe máy và các loại phương tiện vận tải (trừ ôtô và tàu thuyền) trong các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh quản lý.

- Thu hồi, điều chuyển tài sản có nguyên giá tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản giữa các Sở, ban, ngành thuộc tỉnh, giữa các Huyện.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định:

- Thanh lý tài sản là nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất của các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc cấp huyện quản lý trong các trường hợp sau: Phá dỡ để tạo thông thoáng khuôn viên trụ sở làm việc; Thanh lý do trụ sở làm việc thuộc lộ giới quy hoạch trên địa bàn, phải di dời và chuyển giao cho Hội đồng giải phóng mặt bằng địa phương. Thanh lý tài sản là nhà, công trình xây dựng khác gắn liền với đất trong trường hợp phá dỡ để cải tạo, đầu tư xây dựng mới theo quy hoạch, kế hoạch, dự án và quyết định đầu tư được duyệt;

- Thanh lý các loại tài sản (trừ nhà, đất, ô tô và tàu thuyền) có nguyên giá tài sản dưới 500 triệu đồng /1 đơn vị tài sản trong các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc huyện quản lý.

- Thu hồi, điều chuyển tài sản có nguyên giá tài sản dưới 500 triệu đồng /1 đơn vị tài sản giữa các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc huyện.

- Thu hồi tài sản của các dự án do cấp huyện quản lý đã kết thúc để chuyển giao cho các đơn vị quản lý và sử dụng theo quy định của Nhà nước.

4. Giám đốc các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh:

Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp cho Giám đốc các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh quyết định:

- Thanh lý các loại tài sản (trừ nhà, đất, ô tô và các loại phương tiện vận tải) có nguyên giá tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng/1 đơn vị tài sản trong các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc ngành quản lý.

- Thu hồi, điều chuyển tài sản (trừ nhà, đất, ô tô và các loại phương tiện vận tải) có nguyên giá tài sản từ 100 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng /1 đơn vị tài sản giữa các đơn vị hành chính sự nghiệp trong nội bộ ngành.

5. Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc ngành:

Ủy ban nhân dân tỉnh phân cấp cho Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp trực thuộc ngành quyết định:

- Điều chuyển tài sản trong nội bộ đơn vị được giao quản lý, sử dụng.

- Thanh lý các loại tài sản (trừ nhà, đất, ô tô và các loại phương tiện vận tải) có nguyên giá tài sản dưới 100 triệu đồng /1 đơn vị tài sản được giao quản lý, sử dụng.

Điều 8. Phân cấp thẩm quyền phê duyệt phương án xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu của nhà nước.

1) Đối với tài sản tịch thu sung công quỹ nhà nước do vi phạm hành chính.

1.1 Phân cấp cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt phương án xử lý hàng tịch thu do vi phạm hành chính đối với trường hợp cơ quan thuộc cấp huyện có thẩm quyền ra quyết định tịch thu. Cơ quan có thẩm quyền ra quyết định tịch thu cấp huyện chủ trì, phối hợp cơ quan tài chính cấp huyện lập phương án xử lý trình Ủy ban nhân dân cấp huyện phê duyệt.

1.2. Trường hợp cơ quan có thẩm quyền quyết định tịch thu là cấp tỉnh thì cơ quan ra quyết định tịch thu chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính lập phương án xử lý, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

2. Đối với tài sản tịch thu sung quỹ nhà nước (theo Pháp lệnh Thi hành án dân sự): chấp hành viên giao cho cơ quan tài chính cùng cấp lập phương án xử lý trình Ủy ban nhân dân cùng cấp phê duyệt. Riêng trường hợp tài sản là nhà đất, xe ô tô và tài sản khác có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên trên 1 đơn vị tài sản, do Sở Tài chính lập phương án xử lý trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Tổ chức thực hiện việc quản lý và phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệp

1. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất tổ chức thực hiện việc quản lý tài sản và phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệp trên phạm vi toàn tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện việc quản lý tài sản đối với tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý của địa phương theo quy định.

3. Sở Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị hành chính sự nghiệp triển khai thực hiện việc quản lý tài sản và phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước theo quy định này.

4. Giám đốc các sở, ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh chịu trách nhiệm tổ chức triển khai việc quản lý tài sản và phân cấp quản lý nhà nước đối với tài sản nhà nước trong các đơn vị hành chính sự nghiệp thuộc phạm vi quản lý theo quy định này.

5. Thủ trưởng các đơn vị hành chính sự nghiệp được giao quản lý, sử dụng tài sản nhà nước có trách nhiệm chấp hành đầy đủ các quy định của pháp luật về quản lý tài sản nhà nước; sử dụng tài sản nhà nước đúng mục đích, tiết kiệm và có hiệu quả; thực hiện kê khai đăng ký, báo cáo tài sản nhà nước theo đúng quy định hiện hành.

6. Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, cần sửa đổi, bổ sung đề nghị các đơn vị phản ánh về Sở Tài chính để tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.