Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC NINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 106/2008/QÐ-UBND

Bắc Ninh, ngày 24 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY CHẾ PHỐI HỢP CHỐNG THẤT THU THUẾ KHU VỰC NGOÀI QUỐC DOANH.

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26.11.2003;
Căn cứ Luật quản lý thuế ngày 12.12.2006;
Căn cứ Luật ngân sách nhà nước ngày 16.12.2002;
Xét đề nghị của Cục thuế Bắc Ninh tại Tờ trình số 1236/CT-KT2 ngày 21/7/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp trong công tác chống thất thu thuế khu vực ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày ký.

Điều 3. Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các cơ quan thuộc UBND tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, các cơ quan ngang Sở do Trung ương quản lý đóng trên địa bàn tỉnh, các cơ quan, đơn vị liên quan và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UBND TỈNH
CHỦ TỊCH




Trần Văn Tuý

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC CHỐNG THẤT THU THUẾ KHU VỰC NGOÀI QUỐC DOANH TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH BẮC NINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 106/2008/QĐ-UBND ngày 24/7/2008 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Phạm vi điều chỉnh.

Quy chế này quy định một số nội dung phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về chống thất thu thuế khu vực ngoài quốc doanh trên địa bàn tỉnh giữa cơ quan thuế với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan có liên quan và UBND các huyện, thành phố .

Chính quyền các cấp, có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan có liên quan tại địa phương, phối hợp với cơ quan quản lý thuế, tổ chức thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, chống thất thu ngân sách trên địa bàn. Công tác quản lý thuế, chống thất thu thuế, tăng thu ngân sách là nhiệm vụ chính trị của Cấp Uỷ, chính quyền các cấp.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về chống thất thu thuế.

1. Cục thuế Bắc Ninh là cơ quan trực tiếp quản lý và thu thuế trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật hiện hành; đồng thời là đầu mối phối hợp với các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thành phố trong công tác quản lý, thu thuế và chống thất thu thuế.

2. Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của cơ quan thuế, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, các cơ quan có liên quan, các tổ chức chính trị - xã hội và UBND các huyện, thành phố.

3. Thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật về thuế hiện hành, Luật quản lý thuế, các Luật thuế, pháp lệnh thuế.

Điều 3. Giải thích từ ngữ:

1. Trong quy chế này cụm từ “các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh” được hiểu theo quy định của Luật Tổ chức HĐND và UBND (sửa đổi)...

2. Cụm từ cơ sở kinh doanh bao gồm: Tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sản xuất kinh doanh.

3. Cơ quan thuế bao gồm: Cục thuế, Chi cục thuế.

Chương II

QUY ĐỊNH PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC HỖ TRỢ CƠ SỞ KINH DOANH

Điều 4. Tổ chức thông tin tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật về thuế: Cục thuế Bắc Ninh chủ động phối hợp với Ban tuyên giáo Tỉnh uỷ, Báo, Đài PT-TH tỉnh, Huyện uỷ, Thành uỷ, UBND huyện, thành phố, các ngành liên quan tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn pháp luật về thuế; công khai các thủ tục về thuế; giải thích, cung cấp thông tin liên quan đến việc xác định nghĩa vụ thuế đến tổ chức cơ sở đảng, cấp uỷ, chính quyền, các tổ chức đoàn thể, tầng lớp nhân dân và các cơ sở kinh doanh bằng nhiều hình thức như: thông tin trên báo, Đài Phát thanh - Truyền hình Bắc Ninh tổ chức hội nghị tuyên truyền, giới thiệu chính sách thuế để các cơ sở kinh doanh biết, thực hiện, nhân dân biết để tham gia quản lý; phối hợp tổ chức tốt các cuộc thi về thuế.

Điều 5. Thực hiện chế độ kế toán, thống kê; quản lý và sử dụng hoá đơn, chứng từ: Sở Tài chính chủ trì phối hợp với Cục thuế, tổ chức, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh về chế độ kế toán, thực hiện xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh chưa chấp hành nghiêm chỉnh chế độ kế toán theo quy định hiện hành của nhà nước.

Cục thuế có trách nhiệm tổ chức, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh thực hiện nghiêm chế độ hoá đơn chứng từ; xử phạt vi phạm hành chính đối với các cơ sở kinh doanh vi phạm chế độ hoá đơn chứng từ theo quy định hiện hành của nhà nước.

Cục Thống kê chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh và UBND các huyện, thành phố tổ chức, hướng dẫn cơ sở kinh doanh thực hiện tốt Luật Thống kê.

Chương III

QUY ĐỊNH PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ THUẾ

Điều 6. Cục thuế Bắc Ninh có trách nhiệm:

1. Phối hợp với UBND huyện, thành phố chỉ đạo Chi cục thuế phối hợp với UBND xã, phường, thị trấn, các cơ quan chức năng của huyện, thành phố, thống kê, phân loại các cơ sở kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh, theo ngành nghề, quy mô kinh doanh, có đủ điều kiện để đưa vào quản lý thu thuế. Mức thuế ấn định cho hộ kinh doanh, được thông qua hiệp thương của các hộ kinh doanh cùng ngành nghề và Hội đồng tư vấn thuế xã, phường, thị trấn. Danh sách các cơ sở kinh doanh được niêm yết công khai, minh bạch, rõ ràng tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn.

Tiếp tục uỷ nhiệm cho UBND xã, phường, thị trấn, thu thuế đối với hộ kinh doanh công thương nghiệp và dịch vụ ngoài quốc doanh.

2. Thực hiện thông tin cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh, UBND các huyện, thành phố, các doanh nghiệp bỏ địa chỉ kinh doanh, doanh nghiệp ngừng nghỉ, doanh nghiệp kinh doanh kém hiệu quả, các doanh nghiệp đã đóng cửa mã số thuế để xử lý theo quy định của luật doanh nghiệp.

Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh kiểm tra tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

3. Thông tin cho Sở Tài nguyên môi trường, các doanh nghiệp được thuê đất nhưng không đầu tư, hoặc đầu tư chậm để Sở Tài nguyên môi trường, có cơ sở tham mưu cho UBND tỉnh ra quyết định thu hồi đất theo quy định của luật đất dai.

4. Ủy quyền cho Trung tâm đăng kiểm, trực tiếp thu các loại thuế theo quy định của luật thuế. Đồng thời thực hiện việc chi trả cho Trung tâm đăng kiểm theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền thuế thu được thực nộp ngân sách, nguồn chi trả được trích từ kinh phí khoán chi của cơ quan thuế theo quy định.

Điều 7. UBND các huyện, thành phố:

1. Hàng tháng cung cấp thông tin cho Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thống kê, Cục thuế về tình hình đăng ký kinh doanh, thu hồi giấy phép kinh doanh, giải thể đối với cơ sở sản xuất kinh doanh do UBND huyện, thành phố cấp phép.

2. Chỉ đạo các ngành, UBND các xã, phường, thị trấn phối hợp với Chi cục thuế thực hiện rà soát thống kê phân loại hộ kinh doanh theo ngành, nghề, thống kê các công trình xây dựng phát sinh trên địa bàn, hộ kinh doanh vận tải thuỷ, bộ, kể cả các hộ mua phương tiện vận tải để kinh doanh nhưng chưa sang tên đổi chủ, để đưa vào quản lý thu thuế, chống thất thu thuế.

Chỉ đạo cơ quan chức năng, khi cấp phép xây dựng nhà ở khu dân cư, yêu cầu chủ hộ gia đình cam kết khi mua vật tư xây dựng, phải có đủ hoá đơn, chứng từ để chứng minh rõ nguồn gốc mua bán hợp pháp. Trong trường hợp chủ hộ mua vật tư xây dựng, không có hoá đơn chứng từ hợp pháp, phải lập bảng kê ghi rõ họ tên người bán, địa chỉ kinh doanh, số lượng vật tư mua, đơn giá, thành tiền gửi Chi cục thuế địa phương, để quản lý chống thất thu thuế. Tạm trích theo tỷ lệ phần trăm (%) trên tổng số tiền công thanh toán, để nộp thuế thay cho người nhận xây dựng.

Điều 8. Sở Kế hoạch và Đầu tư .

Hàng tháng cung cấp thông tin cho Cục thống kê, Cục thuế, UBND các huyện, thành phố (cơ sở kinh doanh theo địa bàn) về tình hình đăng ký kinh doanh, thu hồi giấy phép kinh doanh, giải thể; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở sản xuất kinh doanh do Sở Kế hoạch và Đầu tư cấp phép.

Tổ chức thực hiện tốt cơ chế một cửa liên thông giữa Sở Kế hoạch đầu tư, Công an tỉnh và Cục thuế.

Chủ trì phối hợp với cơ quan thuế, kiểm tra tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 9. Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh.

Hàng tháng cung cấp thông tin cho Cục thống kê, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục thuế các doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; thu hồi giấy chứng nhận đầu tư đối với cơ sở sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp do Ban quản lý các Khu công nghiệp Bắc Ninh cấp phép; thay đổi nhân sự chủ chốt của doanh nghiệp, tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Chủ trì phối hợp với cơ quan thuế, kiểm tra tình hình kinh doanh của doanh nghiệp sau khi được cấp giấy chứng nhận đầu tư, giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Điều 10. Sở Tài chính.

Nghiên cứu thí điểm các khoản thu chi ngân sách ở các xã có làng nghề phát triển, trên cơ sở đó tham mưu cho UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ số vượt thu theo dự toán được giao, nhằm khuyến khích các xã, phường, thị trấn có điều kiện đầu tư cơ sở hạ tầng, mở rộng SXKD, tăng thu ngân sách nhà nước, đảm bảo an ninh, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn.

Có trách nhiệm tư vấn, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh khu vực ngoài quốc doanh ký kết hợp đồng với tổ chức, doanh nghiệp có chức năng hoạt động thẩm định giá, để xác định giá trị tài sản cố định của doanh nghiệp, phục vụ cho việc trích khấu hao tài sản cố định khi xác định thu nhập chịu thuế, theo đề nghị của cơ sở kinh doanh hoặc Cục thuế.

Điều 11. Kho bạc nhà nước, các ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng.

- Kho bạc nhà nước: phối hợp với Cục thuế, thực hiện tạm thu thuế giá trị gia tăng trên giá trị công trình bên B được thanh toán vào ngân sách nhà nước.

 - Ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng có trách nhiệm thực hiện trích tiền gửi của cơ sở kinh doanh vào ngân sách nhà nước, theo lệnh thu của cơ quan thuế, theo quy định của Luật quản lý thuế. Phối hợp cơ quan thuế và các cơ quan có liên quan trong công tác kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật thuế của cơ sở kinh doanh.

Điều 12 . Sở Tài nguyên và Môi trường.

Cung cấp thông tin kịp thời cho Cục thuế, về hồ sơ thuê đất của cơ sở kinh doanh theo quy định của pháp luật về đất đai...; thông tin các doanh nghiệp được thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng, cho thuê lại, hoặc nhà nước thu hồi đất để cơ quan thuế làm cơ sở quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 13. Chi cục Hải quan.

Phối hợp với Cục thuế trong việc trao đổi thông tin đối với các doanh nghiệp đã hoàn thành thủ tục xuất khẩu, làm cơ sở cho cơ quan Thuế thực hiện khấu trừ thuế hoặc hoàn thuế cho doanh nghiệp.

Điều 14. Báo, Đài phát thanh - truyền hình có trách nhiệm: Tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật thuế; nêu gương cơ sở kinh doanh thực hiện tốt pháp luật về thuế; phản ánh và phê phán các hành vi vi phạm pháp luật thuế.

Điều 15. Mặt trận tổ quốc, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh tham gia quản lý thuế, chống thất thu ngân sách.

1. Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức động viên nhân dân, giáo dục hội viên nghiêm chỉnh thi hành pháp luật về thuế; phê phán các hành vi vi phạm pháp luật thuế.

2. Tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức - xã hội nghề nghiệp phối hợp với cơ quan thuế trong việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về thuế đến các hội viên.

3. Mặt trận tổ quốc tỉnh và các tổ chức thành viên của Mặt trận, tổ chức chính trị xã hội- nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp phối hợp với cơ quan thuế trong việc cung cấp thông tin liên quan đến việc quản lý thuế.

Chương IV

QUY ĐỊNH PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC XỬ LÝ VI PHẠM VỀ THUẾ ĐỐI VỚI CƠ SỞ KINH DOANH

Điều 16 . Cục thuế có trách nhiệm thông báo cho cơ quan Công an, các cơ sở kinh doanh có dấu hiệu vi phạm pháp luật như: sử dụng hoá đơn bất hợp pháp, khai man trốn thuế, doanh nghiệp bỏ văn phòng nơi đăng ký kinh doanh, để điều tra làm rõ hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Phối hợp với UBND huyện, thành phố, các cơ quan nhà nước có liên quan tổ chức thực hiện cuỡng chế thuế đối với các cơ sở kinh doanh, cố tình dây dưa nợ đọng thuế, vi phạm pháp luật thuế theo quy định hiện hành của nhà nước.

Điều 17 . Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố thực hiện kiểm tra việc thực hiện pháp luật về thuế, xử lý vi phạm và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện pháp luật về thuế theo thẩm quyền.

Điều 18. Công an tỉnh chỉ đạo các phòng, Công an huyện, thành phố cung cấp thông tin cho Cục thuế, Chi cục thuế các cơ sở kinh doanh có hành vi, vi phạm pháp luật về thuế do cơ quan Công an phát hiện, chưa đến mức phải truy cứu trách nhiệm hình sự, để cơ quan thuế thực hiện xử phạt hành vi, vi phạm về thuế theo quy định của luật, pháp luật thuế.

Điều 19. Chi cục Kiểm lâm.

Chủ trì phối hợp với Công an, Cục thuế, Chi cục quản lý thị trường, các ngành chức năng liên quan, tăng cường kiểm tra hoạt động kinh doanh lâm sản trái phép, để xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương V

KHEN THƯỞNG, XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 20. Các tổ chức, cá nhân có thành tích xuất sắc trong tổ chức thực hiện Quy chế phối hợp này, Cục thuế Bắc Ninh tổng hợp, trình Hội đồng thi đua khen thưởng tỉnh để khen thưởng kịp thời.

Điều 21. Các tổ chức, cá nhân vi phạm Quy chế phối hợp này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.

Chương VI

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 22 . Cục thuế Bắc Ninh, Chi cục thuế các huyện, thành phố, các tổ chức và các cơ quan có liên quan, UBND các huyện, thành phố và các cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh chịu trách nhiệm thực hiện Quy chế này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, Cục thuế Bắc Ninh tổng hợp, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định./.