Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 106-NH/QĐ

Hà Nội, ngày 09 tháng 6 năm 1992

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 106-NH/QĐ NGÀY 9-6-1992 CỦA THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC VỀ VIỆC BAN HÀNH "QUI CHẾ TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG CÁC QUỸ DỰ TRỮ CỦA TỔ CHỨC TÍN DỤNG"

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Pháp lệnh ngân hàng, hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính công bố tại Lệnh số 37-LCT/HĐNN8 và số 38-LTC/HĐNN8 ngày 24-5-1990 của Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.
Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 04-7-1981;
Theo sự thoả thuận của Bộ Tài chính tại công văn số 314/TC-CĐTC ngày 02-03-1992;
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ các Ngân hàng và tổ chức tín dụng Ngân hàng Nhà nước.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này "Qui chế trích lập và sử dụng các quỹ dự trữ của tổ chức tín dụng".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3: Vụ trưởng Vụ các ngân hàng và tổ chức tín dụng, Vụ trưởng Vụ kế toán Ngân hàng Nhà nước, hướng dẫn thực hiện qui chế ban hành theo Quyết định này.

Điều 4: Chánh văn phòng, Chánh thanh tra, các thủ trưởng đơn vị ở Ngân hàng Nhà nước trung ương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố. Các Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc hoặc giám đốc, Chủ nhiệm các tổ chức tín dụng thi hành quyết định này.

 

Cao Sĩ Kiêm

(Đã ký)

 

QUI CHẾ

TRÍCH LẬP VÀ SỬ DỤNG CÁC QUỸ DỰ TRỮ CỦA TỔ CHỨC
(Ban hành theo quyết định số 106/QĐ-NH5 ngày 09 tháng 06 năm 1992 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Điều 1: Các tổ chức tín dụng hoạt động tại Việt Nam, sau khi quyết toán năm tài chính, nếu có lãi phải thực hiện trích lập các quỹ dự trữ:

1.1. Trích tỷ lệ 10% trên lợi nhuận ròng lập "Quỹ dự trữ đặc biệt" để dự phòng bù đắp rủi ro. Quỹ này được lập cho đến khi bằng 100% vốn điều lệ thực có tại thời điểm trích lập.

1.2. Trích tỷ lệ 5% trên lợi nhuận ròng lập "Quỹ dự trữ" bổ sung vốn điều lệ. Quỹ này được lập cho đến khi bằng 50% vốn điều lệ thực có tại thời điểm trích lập quỹ.

Điều 2:

2.1. Phương pháp tính toán và trình tự trích lập "Quỹ dự trữ đặc biệt" để dự phòng bù đắp rủi ro và "Quỹ dự trữ" bổ sung vốn điều lệ, các tổ chức tín dụng thực hiện theo quy định hiện hành của Nhà nước.

2.2. Tổ chức tín dụng phải mở tài khoản quản lý riêng từng loại quỹ theo quy định của chế độ kế toán ngân hàng do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành.

Điều 3: Sau khi được đại hội cổ đông thông qua (đối với tổ chức tín dụng ngoài quốc doanh) hoặc Hội đồng Quản trị thông qua (đối với tổ chức tín dụng quốc doanh) và được Ngân hàng Nhà nước chấp thuận bằng văn bản, tổ chức tín dụng mới được trích từ "Quỹ dự trữ đặc biệt" để bù đắp rủi ro các khoản tổn thất trong kinh doanh hoặc trích từ "quỹ dự trữ" để bổ sung vốn điều lệ.

Điều 4: Tổ chức tín dụng phải có biện pháp để bảo toàn và không ngừng nâng cao khả năng về vốn tự có và các quỹ dự trữ, không được dùng 2 quỹ dự trữ trên đây để chia lãi cổ phần hoặc chuyển ra nước ngoài.

Điều 5: Khi chưa trích từ "quỹ dự trữ đặc biệt" để bù đắp rủi ro hoặc chưa trích từ "quỹ dự trữ" để bổ sung vốn điều lệ tổ chức tín dụng được sử dụng các quỹ dự trữ làm nguồn vốn kinh doanh, nhưng không được để thâm hụt.

Điều 6: Tổ chức tín dụng vi phạm những quy định về việc trích lập và sử dụng các quỹ dự trữ sẽ bị phạt theo qui chế xử phạt của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 7: Việc sửa đổi, bổ sung các điều khoản trong qui chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.