Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ THỌ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1061/QĐ-UBND

Phú Thọ, ngày 17 tháng 6 năm 2024

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT DANH MỤC CÁC VÙNG HẠN CHẾ KHAI THÁC NƯỚC DƯỚI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH PHÚ THỌ.

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ THỌ

Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 16 tháng 9 năm 2015; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;

Căn cứ Luật Tài nguyên nước ngày 21/6/2012;

Căn cứ Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ quy định việc hạn chế khai thác nước dưới đất;

Căn cứ Nghị định số 02/2023/NĐ-CP ngày 01/02/2023 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tài nguyên nước;

Căn cứ Quyết định số 432/QĐ-TTg ngày 24/3/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng thể điều tra cơ bản tài nguyên nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 1622/QĐ-TTg ngày 27/12/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tài nguyên nước thời kỳ 2031- 2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 50/QĐ-TTg ngày 06/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch tổng hợp lưu vực sông Hồng - sông Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050;

Căn cứ Quyết định số 2145/QĐ-UBND ngày 25/8/2021 của UBND tỉnh Phú Thọ về việc phê duyệt nhiệm vụ - dự toán kinh phí thực hiện dự án: Điều tra đánh giá xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất; ngưỡng khai thác nước dưới đất;

Căn cứ Báo cáo kết quả thực hiện dự án Điều tra, đánh giá xác định vùng hạn chế khai thác nước dưới đất, ngưỡng khai thác nước dưới đất tỉnh Phú Thọ do Trung tâm Dữ liệu Tài nguyên nước thực hiện;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tại Tờ trình số 229/TTr-TNMT ngày 04/6/2024,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ gồm 03 vùng: Vùng hạn chế 1, vùng hạn chế 3 và vùng hạn chế hỗn hợp cụ thể:

1. Vùng hạn chế 1: Bao gồm 95 khu vực, phạm vi khoanh định các vùng Hạn chế 1 gồm: Các khu vực đã từng xảy ra sự cố sụt, lún đất, biến dạng địa hình; Khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung; Khu vực có nghĩa trang tập trung hoặc các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất và phạm vi liền kề với các khu vực này;

2. Vùng hạn chế 3: Bao gồm 138 khu vực là phạm vi khu dân cư, khu công nghiệp tập trung đã được đấu nối với hệ thống cấp nước tập trung, bảo đảm nhu cầu sử dụng nước cả về thời gian, lưu lượng và chất lượng nước phù hợp với mục đích sử dụng nước;

3. Vùng hạn chế hỗn hợp: Bao gồm 09 khu vực là phần chồng lấn của vùng Hạn chế 1 với vùng hạn chế 3.

Chi tiết tại Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất tỉnh Phú Thọ kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất đối với từng vùng hạn chế như sau:

1. Vùng hạn chế 1

a. Dừng toàn bộ mọi hoạt động khai thác nước dưới đất hiện có (nếu có) và thực hiện xử lý, trám lấp giếng theo Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Quy định về việc xử lý, trám lấp giếng không sử dụng đối với các khu vực sau:

- Khu vực đã từng xảy ra sự cố sụt, lún đất, biến dạng địa hình;

- Khu vực có bãi chôn lấp chất thải rắn tập trung theo quy định của pháp luật về quy hoạch, xây dựng và bảo vệ môi trường;

- Khu vực có giếng khai thác nước dưới đất bị ô nhiễm, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và sinh vật mà chưa có giải pháp công nghệ để xử lý để bảo đảm đạt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt;

- Khu vực có nghĩa trang tập trung hoặc các khu vực có nguy cơ gây ô nhiễm nguồn nước dưới đất khác.

b. Đối với vùng hạn chế là những khu vực nằm liền kề với các khu vực trên thực hiện các biện pháp sau:

- Đối với công trình xin cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất mới: Không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới.

- Đối với công trình khai thác nước dưới đất hiện có:

+ Công trình không có giấy phép: Xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật; Dừng hoạt động khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Trừ trường hợp công trình khai thác ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt, cấp nước: Trường hợp này được cấp giấy phép nếu đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, sau khi chấp hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật;

+ Công trình có giấy phép: Được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép. Chỉ gia hạn, điều chỉnh, cấp lại đối với công trình khai thác ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt, cấp nước nếu đủ điều kiện để được gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

2. Vùng hạn chế 3

a. Đối với công trình xin cấp phép thăm dò, khai thác nước dưới đất mới: Không cấp phép thăm dò, khai thác để xây dựng thêm công trình khai thác nước dưới đất mới.

b. Đối với công trình khai thác nước dưới đất hiện có:

- Công trình không có giấy phép: Dừng khai thác và thực hiện việc xử lý, trám lấp giếng theo Thông tư số 72/2017/TT-BTNMT ngày 29/12/2017 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, trừ trường hợp công trình khai thác ưu tiên cho việc cấp nước sinh hoạt, cấp nước phục vụ phòng, chống thiên tai. Trường hợp này được cấp giấy phép nếu đủ điều kiện để được cấp giấy phép khai thác theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, sau khi chấp hành các quy định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật.

- Công trình đã có giấy phép: Được tiếp tục khai thác đến hết thời hạn hiệu lực của giấy phép và tiếp tục được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép nếu đủ điều kiện được cấp, gia hạn, điều chỉnh, cấp lại giấy phép theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước.

3. Vùng hạn chế hỗn hợp

Theo kết quả khoanh định, trên địa bàn tỉnh có 9 vùng Hạn chế hỗn hợp là vùng Hạn chế hỗn hợp 1-3. Theo quy định, việc áp dụng các biện pháp hạn chế đối với Vùng hạn chế hỗn hợp được quyết định trên cơ sở các biện pháp hạn chế khai thác tương ứng với từng vùng Hạn chế. Giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất đối với vùng Hạn chế 3 đã nằm trong giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất đối với vùng Hạn chế 1, do vậy, đối với vùng Hạn chế hỗn hợp 1-3 thì các giải pháp hạn chế khai thác nước dưới đất áp dụng như vùng Hạn chế 1.

Điều 3. Tổ chức thực hiện:

1. Sở Tài nguyên và Môi trường:

a) Tổ chức công bố Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ trên các phương tiện thông tin đại chúng và đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của UBND tỉnh Phú Thọ; thông báo tới UBND cấp huyện và UBND cấp xã nơi có vùng, khu vực hạn chế khai thác.

b) Tham mưu UBND tỉnh xây dựng, phê duyệt phương án tổ chức thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ.

c) Hướng dẫn UBND cấp huyện, UBND cấp xã tổ chức triển khai thực hiện Danh mục hạn chế khai thác nước dưới đất thuộc địa bàn quản lý theo quy định.

d) Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về việc khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh.

đ) Định kỳ 05 năm một lần hoặc khi cần thiết rà soát, trình UBND tỉnh quyết định việc điều chỉnh Danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất phù hợp với điều kiện thực tế

2. Các Sở, ban, ngành, đoàn thể trên địa bàn tỉnh

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Ủy ban nhân dân cấp huyện tuyên truyền, phổ biến Danh mục và Bản đồ phân vùng hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn tỉnh Phú Thọ đã được phê duyệt.

b) Phối hợp quản lý, giám sát trong quá trình lập các quy hoạch, kế hoạch, đầu tư xây dựng, cho phép triển khai các dự án, đề án thuộc lĩnh vực ngành có hoạt động khai thác nước dưới đất phù hợp với danh mục vùng hạn chế khai thác nước dưới đất đã được UBND tỉnh phê duyệt.

c) Phối hợp trong công tác tổng hợp, rà soát, báo cáo các nội dung thuộc lĩnh vực Sở, ngành có liên quan đến khu vực hạn chế khai thác nước dưới đất.

3. Ủy ban nhân dân cấp huyện

a) Tổ chức tuyên truyền, phổ biến và hướng dẫn các tổ chức, cá nhân thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất; việc đăng ký khai thác, sử dụng nước dưới đất theo quy định tại Điều 13 Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ

b) Giám sát các tổ chức, cá nhân trên địa bàn quản lý trong việc thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo phương án đã được phê duyệt. Hàng năm tổng hợp, gửi báo cáo kết quả thực hiện biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất cho Sở Tài nguyên và Môi trường; thường xuyên thực hiện rà soát, đề xuất điều chỉnh bổ sung Danh mục các vùng hạn chế khai thác nước dưới đất thuộc địa bàn quản lý cho phù hợp với tình hình thực tế, gửi Sở Tài nguyên và Môi trường để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh.

c) Phối hợp thực hiện thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về việc hạn chế khai thác nước dưới đất.

4. Ủy ban nhân dân cấp xã

a) Quản lý, tổng hợp tình hình thực hiện việc hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn quản lý, báo cáo Ủy ban nhân dân cấp huyện.

b) Phối hợp triển khai thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất trên địa bàn quản lý.

c) Kiểm tra, giám sát các tổ chức, cá nhận khai thác nước dưới đất trên địa bàn mình quản lý trong việc thực hiện hạn chế và các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất.

5. Các tổ chức, cá nhân khai thác nước dưới đất

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường trong việc xác định phương án, lộ trình thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất (nếu có) đối với các công trình khai thác nước dưới đất của mình theo quy định của Nghị định số 167/2018/NĐ-CP ngày 26/12/2018 của Chính phủ.

b) Thực hiện các biện pháp hạn chế khai thác nước dưới đất theo phương án đã được phê duyệt.

Điều 4. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhận có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Tài nguyên và Môi trường (B/c);
- TT TU; T.T HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- CVP, các PCVP;
- CV NCTH;
- Lưu: VT, TN1 (T).

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Trọng Tấn