BỘ TƯ PHÁP | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1062/QĐ-BTP | Hà Nội, ngày 05 tháng 6 năm 2008 |
PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI LUẬT TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
BỘ TRƯỞNG BỘ TƯ PHÁP
Căn cứ Nghị định số 62/2003/NĐ-CP ngày 06/06/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tư pháp;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Phê duyệt kèm theo Quyết định này Kế hoạch triển khai Luật Tương trợ tư pháp.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3: Vụ trưởng Vụ Pháp luật quốc tế, Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này. Định kỳ hàng tháng, hàng quý Thủ trưởng các đơn vị báo cáo Bộ trưởng kết quả thực hiện Kế hoạch.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
KẾ HOẠCH
TRIỂN KHAI LUẬT TƯƠNG TRỢ TƯ PHÁP
(Ban hành kèm theo Quyết định số1062/QĐ-BTP ngày 05/6/2008 của Bộ trưởng Bộ Tư pháp)
I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU CỦA KẾ HOẠCH
Ngày 21 tháng 11 năm 2007, Quốc hội Khoá 12 đã thông qua Luật số 08/2007/QH12 về tương trợ tư pháp. Theo quy định tại Điều 71 của Luật Tương trợ tư pháp (sau đây gọi tắt là Luật) thì Luật sẽ có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01 tháng 07 năm 2008. Bộ Tư pháp căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, xác định các công việc và Kế hoạch cụ thể triển khai Luật nhằm đảm bảo việc thực hiện Luật có hiệu quả trong phạm vi toàn quốc, nâng cao nhận thức của nhân dân, nghiệp vụ của cán bộ, công chức thực hiện các hoạt động tương trợ tư pháp, tăng cường hợp tác pháp luật và tư pháp với các nước, góp phần xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch và phù hợp với Chiến lược hoàn thiện hệ thống pháp luật, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
II. CÁC NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
1. Ban hành văn bản hướng dẫn thi hành Luật Tương trợ tư pháp
1.1. Mục tiêu, yêu cầu:
Điều 16 và Điều 62 của Luật Tương trợ tư pháp quy định trách nhiệm của Bộ Tư pháp như sau:
- Điều 16 quy định về Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự:
1. Chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự giữa Việt Nam và nước ngoài do nước yêu cầu chi trả, trừ trường hợp có thoả thuận khác.
2. Cá nhân, tổ chức Việt Nam yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền của Việt Nam giải quyết vụ việc dân sự làm phát sinh yêu cầu uỷ thác tư pháp ra nước ngoài thì phải trả phí theo quy định của Việt Nam và của nước được yêu cầu. Trong thời hạn mười ngày làm việc, trước ngày quyết định lập hồ sơ uỷ thác tư pháp, cơ quan lập hồ sơ phải thông báo cho cá nhân, tổ chức về chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp. Hồ sơ uỷ thác tư pháp chỉ được lập và gửi ra nước ngoài sau khi cá nhân, tổ chức đã nộp chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp theo quy định.
Công dân Việt Nam thuộc trường hợp được trợ giúp pháp lý thì có thể được xem xét hỗ trợ chi phí thực hiện uỷ thác tư pháp theo quy định của Chính phủ.
- Điều 62 quy định về trách nhiệm của Bộ Tư pháp:
1. Giúp Chính phủ thực hiện quản lý nhà nước về hoạt động tương trợ tư pháp.
2. Tiếp nhận, chuyển giao, theo dõi, đôn đốc việc thực hiện các uỷ thác tư pháp về dân sự. .
3. Trao đổi thông tin về pháp luật và thực tiễn tương trợ tư pháp với cơ quan có thẩm quyền của nước ngoài theo quy định của điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.
4. Đề xuất về việc ký kết, gia nhập và thực hiện các điều ước quốc tế về tương trợ tư pháp, kiến nghị, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện pháp luật Việt Nam về tương trợ tư pháp.
5. Hàng năm báo cáo Chính phủ tình hình thực hiện tương trợ tư pháp.
Căn cứ vào quy định hiện hành của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản thuộc thẩm quyền của Bộ, ngành nào thì Bộ, ngành đó chịu trách nhiệm chuẩn bị trình cơ quan có thẩm quyền ban hành hoặc tự mình ban hành. Trong phạm vi thẩm quyền được giao, Bộ Tư pháp chuẩn bị Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Tương trợ tư pháp và Thông tư hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật Tương trợ tư pháp của Bộ Tư pháp hướng dẫn thực hiện ủy thác về dân sự.
1.2. Các hoạt động cụ thể:
1.2.1. Xây dựng Nghị định hướng dẫn thực hiện một số quy định của Luật.
- Nghị định tập trung hướng dẫn chi tiết một số nội dung chủ yếu đã được Luật giao cho Chính phủ như:
+ Quy định liên quan đến chi phí thực hiện tương trợ tư pháp được nêu tại Điều 16, 31, 48 và 60 về miễn giảm chi phí thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự, chi phí về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù; về cách thu và quản lý phí thực hiện tương trợ tư pháp; về ngân sách đảm bảo thực hiện tương trợ tư pháp;…
+ Cơ chế thực hiện công tác báo cáo, thống kê hoạt động tương trợ tư pháp.
- Cơ quan, đơn vị thực hiện:
+ Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật quốc tế
+ Cơ quan, đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Vụ Kế hoạch tài chính, Vụ Hành chính tư pháp Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Toà án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
- Lộ trình thực hiện:
+ Trước 15/5/2008: Thảo luận cấp chuyên viên liên ngành về Dự thảo Nghị định, thống nhất Dự thảo.
+ Từ cuối tháng 5/2008: trình Lãnh đạo Bộ và xin ý kiến các Bộ, ngành.
+ Từ 10-15/5/2008: Tổng hợp ý kiến, hoàn thiện Dự thảo, Tờ trình.
+ Tháng 6/2008: Trình Chính phủ.
1.2.2. Thông tư liên tịch của Bộ Tư pháp, Toà án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao hướng dẫn thực hiện uỷ thác tư pháp về dân sự.
- Thông tư hướng dẫn chi tiết thực hiện các ủy thác tư pháp dân sự được quy định tại Điều 16, 31, 48 và 60 và kèm theo một số biểu mẫu để thực hiện thống nhất trên phạm vi toàn quốc.
- Cơ quan, đơn vị thực hiện:
+ Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật quốc tế.
+ Cơ quan, đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật Dân sự - Kinh tế, Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính Bộ Tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao, Bộ Ngoại giao.
- Lộ trình thực hiện:
+ Trước 15/5/2008: Thảo luận cấp chuyên viên liên ngành về Dự thảo Thông tư, thống nhất Dự thảo.
+ Từ 01-10/6/2008: Trình Lãnh đạo Bộ và xin ý kiến Tòa án nhân dân Tối cao, Bộ Ngoại giao.
+ Từ 15-25/6/2008: Tổng hợp ý kiến, hoàn thiện Dự thảo, báo cáo Lãnh đạo Bộ.
+ Cuối tháng 6/2008: Trình Bộ trưởng xem xét, quyết định.
2. Công tác tập huấn
2.1. Mục tiêu, yêu cầu:
Việc tổ chức các lớp tập huấn trên toàn quốc là một phần quan trọng nhằm mục tiêu thực hiện Luật Tương trợ tư pháp một cách đồng bộ và thống nhất. Giới thiệu các điểm mới lần đầu tiên quy định trong Luật; góp phần hướng dẫn nghiệp vụ cho các cán bộ trực tiếp thực hiện các hoạt động liên quan đến tương trợ tư pháp quốc tế; tạo cơ hội cho các cán bộ Việt Nam học hỏi, hiểu biết kinh nghiệm thực tiễn thực thi công tác tương trợ tư pháp của nước ngoài.
2.2. Các hoạt động cụ thể:
Kế hoạch tập huấn bao gồm:
- Nội dung tập huấn:
+ Tổng quan về Luật Tương trợ tư pháp (Bộ Tư pháp trình bày);
+ Vai trò, chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài trong thực hiện các ủy thác tư pháp của Việt Nam ở nước ngoài (mời Bộ Ngoại giao trình bày);
+ Quy trình thực hiện tương trợ tư pháp về dân sự (Bộ Tư pháp trình bày);
+ Thực trạng về tình hình thực hiện hoạt động ủy thác tư pháp địa phương (mời đại diện Tòa án nhân dân cấp tỉnh của mỗi miền trình bày);
+ Các quy định về dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và thực tiễn hoạt động (mời Bộ Công an trình bày);
+ Các quy định về tương trợ tư pháp về hình sự và thực tiễn hoạt động (mời Viện Kiểm sát nhân dân tối cao trình bày);
+ Hoạt động của Tòa án liên quan đến việc dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù (mời Toà án nhân dân tối cao trình bày);
+ Chuyên gia Australia trình bày kinh nghiệm quốc tế.
- Thành phần tham dự: Dự kiến mỗi lớp 100 đại biểu, bao gồm:
+ Khối các cơ quan Trung ương: Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ, Bộ Tư pháp, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao;
+ Khối các cơ quan địa phương: Đại diện lãnh đạo Sở Tư pháp, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Công an tỉnh, Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh và một số cán bộ trực tiếp làm công tác tương trợ tư pháp.
- Địa điểm: Tổ chức tại ba miền. Dự kiến tại Hải Phòng, Huế, Thành phố Hồ Chí Minh.
- Thời gian dự kiến: Mỗi lớp 3 ngày cuối tháng 6, đầu tháng 7/2008. Trong đó 1,5 ngày dành cho việc trình bày các chuyên đề báo cáo của Việt Nam, 01 ngày dành cho các chuyên gia Australia trình bày kinh nghiệm và ½ ngày dành cho thảo luận.
- Về công tác tổ chức lớp tập huấn:
+ Đơn vị chủ trì: Vụ Pháp luật quốc tế.
+ Đơn vị phối hợp: Vụ Tổ chức cán bộ, Tạp chí Dân chủ và Pháp luật, Vụ Hợp tác quốc tế, Báo Pháp luật Việt Nam.
+ Chủ trì lớp tập huấn: đề nghị Thứ trưởng thường trực Bộ Tư pháp Hoàng Thế Liên.
3. Công tác tuyên truyền phổ biến pháp luật
3.1. Mục đích, yêu cầu:
- Tuyên truyền rộng rãi trong toàn thể cán bộ và nhân dân về ý nghĩa, tầm quan trọng, nội dung cơ bản của Luật góp phần nâng cao nhận thức của cán bộ và nhân dân về hoạt động tương trợ tư pháp của các cơ quan nhà nước.
- Phổ biến, tuyên truyền các nội dung cơ bản của Luật; quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động tương trợ tư pháp; điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện uỷ thác tư pháp.
3.2. Các hoạt động cụ thể:
3.2.1. Chuẩn bị phát hành Số Chuyên đề của Tạp chí Dân chủ và Pháp luật về Luật Tương trợ tư pháp
- Cơ quan chủ trì: Tạp chí Dân chủ và Pháp luật.
- Cơ quan phối hợp: Vụ Pháp luật quốc tế và các đơn vị liên quan.
- Thời gian phát hành: Tháng 4-5/2008.
3.2.2. Chuẩn bị đề cương giới thiệu Luật Tương trợ tư pháp
- Cơ quan chủ trì: Vụ Phổ biến và giáo dục pháp luật.
- Cơ quan phối hợp: Vụ Pháp luật quốc tế.
- Thời gian: tháng 5/2008.
3.2.3. Xây dựng Sổ tay nghiệp vụ về tương trợ tư pháp
- Cơ quan chủ trì: Vụ Pháp luật quốc tế.
- Cơ quan phối hợp: Nhà xuất bản Tư pháp, các Bộ, ngành liên quan.
- Thời gian hoàn thành: tháng 12/2008.
3.2.4. Mở chuyên mục giới thiệu Luật Tương trợ tư pháp trên trang thông tin điện tử của Bộ Tư pháp kể cả mở Chuyên mục Hỏi – đáp về nghiệp vụ tương trợ tư pháp
- Cơ quan chủ trì: Trung tâm tin học.
- Cơ quan phối hợp: Vụ Pháp luật quốc tế và các đơn vị liên quan.
- Thời gian: từ tháng 6/2008.
3.2.5. Mở chuyên mục giới thiệu Luật Tương trợ tư pháp trên Báo Pháp luật Việt Nam
- Cơ quan chủ trì: Báo Pháp luật Việt Nam.
- Cơ quan phối hợp: Vụ Pháp luật quốc tế và các đơn vị liên quan.
- Thời gian: từ tháng 5/2008
4. Về công tác tổ chức
4.1. Mục tiêu, yêu cầu:
Xuất phát từ thực trạng trong những năm qua, đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác uỷ thác tư pháp quốc tế của Bộ Tư pháp nhìn chung còn yếu về kiến thức và kinh nghiệm thực tiễn tương trợ tư pháp, chưa có sự quan tâm đúng mức và đầu tư thích đáng đối với công việc được giao. Ở Bộ Tư pháp, mặc dù đã có bộ phận chuyên trách về tương trợ tư pháp quốc tế, nhưng có nhiều xáo trộn trong việc phân công cán bộ thực hiện tương trợ tư pháp. Từ tháng 8 năm 2003, với việc thành lập Vụ Pháp luật quốc tế thì việc thực hiện tương trợ tư pháp được giao cho Vụ Pháp luật quốc tế. Vụ Pháp luật quốc tế đã có Nhóm chuyên viên thực hiện hoạt động tương trợ tư pháp. Tuy nhiên, trên cơ sở số lượng cán bộ còn hạn chế của Vụ, cán bộ thực hiện nhiệm vụ tương trợ tư pháp còn phải kiêm nhiệm các hoạt động khác như xây dựng, góp ý, thẩm định văn bản quy phạm pháp luật… trong khi đó số lượng hồ sơ ủy thác ngày một tăng và mức độ phức tạp ngày càng lớn.
Luật Tương trợ tư pháp giao thêm cho Bộ Tư pháp chức năng làm đầu mối trong tương trợ tư pháp về dân sự; giúp Chính phủ thực hiện chức năng quản lý nhà nước trong lĩnh vực tương trợ tư pháp về dân sự, hình sự, dẫn độ và chuyển giao người đang chấp hành hình phạt tù và các vấn đề liên quan đến việc thi hành Luật. Nên việc củng cố về mặt tổ chức là một trong những yêu cầu khách quan để đưa công tác tương trợ tư pháp đi vào nề nếp và hoạt động có hiệu quả.
4.2. Chức năng, nhiệm vụ của Phòng Pháp luật về tương trợ tư pháp:
4.2.1. Xây dựng Đề án thành lập Phòng Tương trợ tư pháp quốc tế:
- Đơn vị chủ trì: Vụ Tổ chức cán bộ.
- Đơn vị phối hợp: Vụ Pháp luật quốc tế, Vụ Hình sự - hành chính, Vụ Hợp tác quốc tế.
- Lộ trình thực hiện:
+ Từ tháng 5 đến tháng 6 năm 2008: Dự thảo Đề án.
+ Từ tháng 7 đến tháng 8 năm 2008: Trình Lãnh đạo Bộ xem xét Đề án.
+ Từ tháng 9 đến tháng 10 năm 2008: Trình Bộ trưởng Quyết định thành lập Phòng Tương trợ tư pháp.
4.2.2 Triển khai hoạt động của Phòng Tương trợ tư pháp: từ tháng 11 năm 2008
III. THƯỜNG TRỰC THEO DÕI VIỆC THỰC HIỆN KẾ HOẠCH VÀ CHẾ ĐỘ BÁO CÁO
1. Vụ Pháp luật quốc tế là cơ quan thường trực giúp Bộ trưởng theo dõi việc thực hiện Kế hoạch triển khai Luật Tương trợ tư pháp.
2. Tháng 8 và tháng 11 năm 2008, các đơn vị được giao chủ trì thực hiện nhiệm vụ gửi Báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện Kế hoạch về Vụ Pháp luật quốc tế để tổng hợp, trình Bộ trưởng. Trước ngày 25 tháng 12 năm 2008, các đơn vị được giao chủ trì thực hiện các nhiệm vụ gửi báo cáo tình hình thực hiện nhiệm vụ được giao của năm 2008 và Kế hoạch hoạt động của năm 2009 về Vụ Pháp luật quốc tế để tổng hợp trình Bộ trưởng.
3. Trong quá trình thực hiện Kế hoạch này, nếu có vướng mắc, đề nghị các đơn vị gửi văn bản phản ánh về Vụ Pháp luật quốc tế để tổng hợp, báo cáo Bộ trưởng xem xét, giải quyết./.