Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1062/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 22 tháng 08 năm 2018

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TỔ CHỨC ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ CẤP HUYỆN, CẤP TỈNH LẦN THỨ III NĂM 2019 VÀ ĐẠI HỘI ĐẠI BIỂU TOÀN QUỐC CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ VIỆT NAM LẦN THỨ II NĂM 2020

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Chỉ thị số 35-CT/TW ngày 08 tháng 5 năm 2009 của Ban Bí thư Trung ương Đảng;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Xét đề nghị của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số cấp huyện, cấp tỉnh lần thứ III năm 2019 và Đại hội đại biểu toàn quốc các dân tộc thiểu số Việt Nam lần thứ II năm 2020, với các nội dung chủ yếu sau:

1. Mục đích, yêu cầu của Đại hội:

a) Mục đích Đại hội:

- Tiếp tục khẳng định và ghi nhận công lao đóng góp to lớn của đồng bào các dân tộc thiểu số trong công cuộc xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển cơ sở hạ tầng, thực hiện chính sách dân tộc, xây dựng, bảo vệ Tổ quốc và hội nhập quốc tế;

- Tôn vinh và biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân tiêu biểu trong đồng bào các dân tộc thiểu số Việt Nam thời kỳ hội nhập và phát triển đất nước giai đoạn từ 2009 - 2019;

- Đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc giai đoạn 2009 - 2019; từ đó rút ra những hài học kinh nghiệm, tiếp tục hoàn thiện chính sách dân tộc giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030;

- Là diễn đàn giao lưu, học tập, trao đổi kinh nghiệm giữa các dân tộc, đồng thời là đợt sinh hoạt chính trị, xã hội sâu rộng nhằm nâng cao nhận thức, củng cố niềm tin và sự đồng thuận của nhân dân.

b) Yêu cầu:

- Đại biểu chính thức tham gia Đại hội là người tiêu biểu, đại diện cho 53 dân tộc thiểu số thuộc mọi thành phần, vùng miền, lĩnh vực của đời sống xã hội, được lựa chọn, suy tôn từ Đại hội các cấp;

- Đại hội từ địa phương đến trung ương cần được tổ chức trang trọng với quy mô phù hợp, thiết thực, hiệu quả, tiết kiệm, đồng thời tạo khí thế sôi nổi, phấn khởi, tự hào trong các tầng lớp nhân dân.

2. Nội dung Đại hội:

Tổng kết, đánh giá thành tựu, kết quả thực hiện công tác dân tộc, chính sách dân tộc, phát triển cơ sở hạ tầng, xóa đói giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới từ đại hội lần trước đến đại hội lần này và kết quả thực hiện quyết tâm thư Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số các cấp.

3. Đại hội được tổ chức ở 3 cấp: huyện, tỉnh và trung ương (Đại hội toàn quốc).

4. Thời gian Đại hội các cấp:

a) Đại hội cấp huyện: Thời gian tổ chức trong 1 ngày, hoàn thành xong trước ngày 30 tháng 6 năm 2019.

b) Đại hội cấp tỉnh: Thời gian tổ chức từ 1,5 đến 2 ngày, hoàn thành xong trước ngày 30 tháng 11 năm 2019.

c) Đại hội toàn quốc: Tổ chức trong 3 ngày vào cuối quý I hoặc đầu quý II năm 2020 (Ban Chỉ đạo trình Thủ tướng Chính phủ quyết định thời gian cụ thể).

5. Kinh phí Đại hội

Nguồn kinh phí thực hiện Đại hội các cấp bao gồm: Ngân sách nhà nước đảm bảo theo phân cấp ngân sách; các nguồn kinh phí huy động, tài trợ hợp pháp khác từ cộng đồng, doanh nghiệp, tài trợ của nước ngoài và các tổ chức quốc tế.

Các địa phương chưa tự cân đối được ngân sách xây dựng kế hoạch, dự toán kinh phí, đề nghị Bộ Tài chính trình cấp có thẩm quyền cấp bổ sung để chi phục vụ các hoạt động của Đại hội, theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Thành lập Ban Chỉ đạo Đại hội:

- Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ làm Trưởng ban; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc làm Phó Trưởng ban Thường trực; thành viên Ban Chỉ đạo gồm đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành trung ương liên quan (Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định riêng).

- Ban Chỉ đạo Đại hội cấp tỉnh, huyện do Chủ tịch, hoặc một Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp làm Trưởng ban; thành viên gồm đại diện lãnh đạo các cơ quan, ban, ngành cùng cấp có liên quan (Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp Quyết định).

2. Ủy ban Dân tộc là cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc, giúp Ban Chỉ đạo Đại hội toàn quốc chỉ đạo việc tổ chức Đại hội các cấp; chủ trì, phối hợp với các bộ, ban, ngành trung ương liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch tổ chức Đại hội toàn quốc; hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai tổ chức Đại hội các cấp; theo dõi, tổng hợp, báo cáo Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc về kết quả Đại hội các cấp và thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Đại hội toàn quốc phân công.

3. Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Ủy ban Dân tộc, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tin đại chúng tổ chức công tác thông tin, tuyên truyền trước, trong và sau Đại hội các cấp, bảo đảm theo đúng chỉ đạo của Ban Bí thư và Chính phủ về tổ chức Đại hội.

4. Các bộ, ngành, cơ quan trung ương và Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương liên quan thực hiện các nhiệm vụ quy định trong Đề án.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./

 


Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ;
- Tỉnh ủy, Thành ủy, HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Tổng Bí thư;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Ủy ban trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Trợ lý TTg, TGĐ Cổng TTĐT, các Vụ: KTTH, NN, TCCV, QHQT, TKBT, Công báo;
- Lưu: VT, QHĐP (3b).

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Xuân Phúc