Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG

--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------------

Số: 1071/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 12 tháng 4 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỒ ÁN QUY HOẠCH CHUNG XÂY DỰNG ĐÔ THỊ THUẬN AN ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2030

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 07/2008/TT-BXD ngày 07/4/2008 của Bộ Xây dựng về việc hướng dẫn lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch xây dựng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Xây Dựng tại tờ trình số 455/TTr-SXD ngày 02 tháng 04 năm 2010 về việc xin phê duyệt đề án quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An tới năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, với những nội dung sau:

A. Phần nội dung:

1. Vị trí, ranh giới, quy mô

a) Vị trí: Đô thị Thuận An nằm giữa thành phố Hồ Chí Minh và đô thị Dĩ An, đô thị Nam Tân Uyên, đô thị Thủ Dầu Một của tỉnh Bình Dương.

b) Quy mô diện tích: 84,258km2.

c) Giới hạn:

- Đông giáp: Đô thị Dĩ An;

- Tây giáp: Sông Sài Gòn và bên kia sông là Quận 12, thành phố Hồ Chí Minh;

- Nam giáp: Thành phố Hồ Chí Minh:

- Bắp giáp: Đô thị Thủ Dầu Một và đô thị Tân Uyên.

2. Tính chất đô thị:

Thuận An được xác định đến năm 2020 là 1 đô thị công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp - du lịch; là đầu mối giao thông đường bộ và một phần đường thủy của khu vực Nam Bình Dương và phía Bắc thành phố Hồ Chí Minh; có vị trí quan trọng về an ninh quốc phòng. Trong giai đoạn này, công nghiệp vẫn giữ vai trò chủ đạo. Phấn đấu tới năm 2020, đô thị Thuận An là một quận của thành phố Bình Dương - đô thị loại I.

3. Quy mô dân số:

- Năm 2009, dân số đô thị Thuận An là 373.255 người (dân số nội thị là 280.000 người).

- Đến năm 2015, dân số đô thị Thuận An là 450.000 người (dân số nội thị là 383.000 người).

- Đến năm 2020, dân số đô thị Thuận An là 500.000 người (dân số nội thị là 430.000 người).

- Tầm nhìn đến năm 2030, dân số đô thị Thuận An là 600.000 người (dân số nội thị là 540.000 người)

4. Quy mô đất xây dựng:

- Đến năm 2015: toàn bộ đất đai của Thuận An thuộc đất đô thị, bình quân diện tích đô thị khoảng 187,24 m2/người. Trong đó, đất dân dụng khoảng 2.560,05 ha, bình quân 56,89,2/người.

- Đến năm 2020: bình quân diện tích đô thị khoảng 168,52m2/người. Trong đó, đất dân dụng khoảng 2.844.50ha.

5. Định hướng phát triển không gian và kiến trúc cảnh quan đô thị:

a) Hướng phát triển đô thị:

- Ổn định các khu chức năng đã hình thành, phát triển các khu mới.

- Xây dựng mới kết hợp với cải tạo, nâng cấp các cơ sở, hạ tầng hiện có để từng bước nâng cấp đô thị Thuận An thành một đô thị văn minh, hiện đại:

+ Giữ lại và thu hút lấp đầy tại các khu, cụm công nghiệp hiện hữu theo hướng thu hút các dự án đầu tư phát triển công nghiệp công nghệ cao, ít lao động phổ thông. Không mở thêm các khu, cụm công công nghiệp trong đô thị.

+ Phát triển hạ tầng kỹ thuật khu vườn cây Lái Thiêu để phát triển thành vùng dịch vụ, du lịch mang tính sinh thái (khoảng 1000ha). Phát triển mở rộng không gian đô thị ra khu vực ven sông Sài Gòn.

+ Từng bước chuyển đổi chức năng các cơ sở công nghiệp nằm chen lẫn trong các khu dân cư sang loại hình công nghiệp công nghệ sạch. Di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường, các cụm công nghiệp không còn phù hợp như lò gạch ngói thủ công, cơ sở nhuộm, mạ, hóa chất, thuốc trừ sâu, trại chăn nuôi, giết mổ gia súc… Chuyển diện tích đất đai các cơ sở này sang mục đích dân dụng.

- Phát triển trung tâm hành chính tại khu hành chính hiện hữu tại Lái Thiêu, mở rộng về hướng Bình Nhâm.

- Phát triển các khu nhà ở, khu dân cư đô thị gần với trung tâm thương mại - dịch vụ và các hạ tầng kinh tế - xã hội phục vụ dân sinh.

- Phát triển đường ven sông Sài Gòn tạo cảnh quan phát triển du lịch dịch vụ giải trí trên sông.

b) Phân khu chức năng:

* Các khu sản xuất:

- Duy trì các khu, cụm công nghiệp hiện hữu như: Khu công nghiệp Việt Nam-Singapore 500 ha, khu công nghiệp Đông An 120 ha, Khu công nghiệp Việt Hương 150 ha, Cụm công nghiệp An Phú, Bình Chuẩn. Cho phép chuyển đổi một phần diện tích khu - cụm công nghiệp thành đất xây dựng nhà ở xã hội cho công nhân và công trình dịch vụ.

- Khu kho tàng, bến bãi bố trí trong cảng khô IDC và các khu công nghiệp.

- Hình thành khu kho cảng An Sơn.

* Các khu dịch vụ:

- Trung tâm thương mại cấp vùng: gồm trung tâm thương mại - dịch vụ tài chính, ngân hàng, khách sạn, chung cư cao cấp,… được xác định tại khu vực trung tâm Lái Thiêu từ hai bên đường Quốc lộ 13 tới đường Nguyễn Văn Tiết.

- Trung tâm thương mại cấp đô thị:

+ Trung tâm 1: khu trung tâm Lái Thiêu là khu vực chợ và trung tâm thương mại hiện hữu.

+ Trung tâm 2: Ngã tư Quốc lộ 13 và đường An Thạnh - Bình Chuẩn.

+ Trung tâm 3: Ngã 5 An Phú và đường ĐT 743;

+ Trung tâm 4: Trục ngang Lái Thiêu - Dĩ An.

+ Trung tâm 5: Ngã tư Quốc lộ 13 và trục Bình Hòa - Vĩnh Phú.

- Hệ thống công trình giáo dục:

+ Giáo dục phổ thông trung học: ngoài các trường hiện hữu tại Lái Thiêu, An Thạnh, Thuận Giao, xây dựng mới thêm 2 trường tại Bình Chuẩn, An Phú, 1 trường tại Bình Hòa, quy mô khoảng 2ha/trường.

+ Giáo dục đào tạo dạy nghề: trường Việt Nam-Singapore, dự kiến bố trí ở khu vực An Thạnh kết hợp với trường Đại học Thủy lợi.

- Hệ thống công trình y tế:

+ Bệnh viện đa khoa hiện hữu nâng cấp quy mô.

+ Xây dựng Bệnh viện sản nhi tại Vĩnh Phú.

+ Xây dựng Bệnh việc quốc tế tại ngã tư Gò Cát.

- Trung tâm văn hóa thể thao:

+ Trung tâm chính 1: triển khai khu B Trung tâm văn hóa - Thể dục thể thao tổng hợp huyện tại khu vực đường Nguyễn Văn Tiết - Lái Thiêu với quy mô 10 - 15ha.

+ Trung tâm 2: khu vực An Thạnh phía Đông Trường phổ thông trung học Trịnh Hoài Đức, quy mô 5-10ha.

+ Trung tâm 3: khu vực Thuận An hòa, quy mô 10 -11ha.

- Công viên cây xanh:

+ Công viên văn hóa tập trung: tại Lái Thiêu, quy mô 15ha.

+ Công viên An Phú: khu đất giáp cụm công nghiệp An Phú, quy mô 15 ha.

+ Công viên ven sông đất giáp rạch Chòm sao - Bình Nhâm gắn với vui chơi giải trí trên sông nước. Ngoài ra còn dự kiến các công viên khu vực tại An Thạnh, An Phú, Vĩnh Phú 1, 2.

+ Vành đai cây xanh cách ly giữa khu công nghiệp và khu dân cư.

- Hình Thành và phát triển các khu du lịch: Vườn cây Lái Thiêu, Hưng Định, hình thành khu du lịch nghỉ dưỡng, thu hút đầu tư du lịch khu Vĩnh Phú kết hợp các điểm du lịch hiện hữu (Phương Nam, Thanh Cảnh, Dìn Ký…).

* Các khu ở:

- Khu trung tâm:

+ Trung tâm tổng hợp lấy khu dịch vụ và trục đường chính làm trung tâm: Trên các trục này xây dựng các kiến trúc đô thị, công trình dịch vụ và các khối nhà cao tầng để tạo một nét kiến trúc cho đô thị.

+ Trung tâm các khu ở lấy trung tâm thương mại và dịch vụ làm hạt nhân: Các khu ở hiện hữu có mật độ xây dựng cao sẽ được cải tạo, chỉnh trang thành các khu ở tập trung tầng cao trung bình (2 - 4 tầng); Các khu ở hiện hữu có mật độ xây dựng thấp, hình thành các cụm nhà ở có cùng tầng cao xây dựng (5 - 7 tầng), các khu liên kế kết hợp với các trung tâm thương mại khu ở cao tầng.

- Từng bước xây dựng các khu ở theo dự án nhà ở xã hội, dự án tái định cư, nhà ở cho người thu nhập thấp.

- Các khu vực dọc theo triền sông, suối phát triển nhà ở thấp tầng, nhà biệt thự vườn.

* Khu chức năng khác:

- Đất an ninh quốc phòng.

- Giữ lại và tôn tạo các khu di tích lịch sử, cách mạng, các công trình tôn giáo tín ngưỡng trong đô thị.

c) Định hướng phát triển kiến trúc cảnh quan đô thị:

- Xây dựng biểu tượng hoặc các khối công trình kiến trúc ấn tượng trong đô thị Thuận An tại cửa ngõ đô thị (điểm đầu các tuyến đường chính đô thị kết hợp với khu vực xung quanh).

- Xây dựng các tổ hợp kiến trúc cao tầng: tại các khu trung tâm dịch vụ tổng hợp cao cấp để tạo không gian kiến trúc, tiết kiệm đất xây dựng và nâng mật độ dân cư.

- Hình thành kiến trúc đô thị dọc các đường chính đô thị và đường sông Sài Gòn tạo không gian xanh đô thị.

6. Định hướng quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

a) Giao thông:

* Hệ thống giao thông đối ngoại:

- Quốc lộ 13 (mặt cắt 1-1), hướng tuyến từ cầu Vĩnh Bình đến hết ranh thị xã Thủ Dầu Một: lộ giới 64m.

- Đường ĐT 743a (từ km2+500 đến ĐT743b) và đường ĐT743b (từ ngã 3 An Phú đến Khu công nghiệp Sóng Thần), mặt cắt 2-2, lộ giới 54m.

- Đường ĐT 743c (hướng tuyến từ cầu Ông Bố đi ngã 3 Đông Tân) và ĐT746 (từ ngã 3 Bình Quới đến ngã 3 Bình Hòa), mặt cắt 3-3, lộ giới 42m.

- Đường Mỹ Phước - Tân Vạn: hướng tuyến và mặt cắt ngang theo dự án cụ thể.

- Đường Vành Đai 3: hướng tuyến và mặt cắt ngang theo dự án cụ thể.

* Đường trục chính đô thị của đô thị Thuận An cũng là các tuyến đường giao thông đối ngoại

* Đường liên khu vực:

- Hướng Bắc Nam gồm đường ĐT 745, đường Thủ Khoa Huân nối dài qua Tân Uyên, đường tỉnh lộ 43 về Gò Dưa (Thành phố Hồ Chí Minh), đường liên khu vực số 1, 2, 5, 6, 7, 9 (mặt cắt 6-6): lộ giới 32m. Riêng đoạn qua khu dân cư tuân thủ theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt. Đường Nguyễn Thị Minh Khai: lộ giới 30m.

- Hướng Đông Tây gồm hai tuyến đường Độc lập và Tự do (khu công nghiệp Việt Nam - Singapore), tuyến liên khu vực số 3, 4, 8, 10 (mặt cắt 6-6): lộ giới 32m. Riêng đoạn qua khu dân cư tuân thủ theo quy hoạch chi tiết đã được phê duyệt.

- Đường dọc sông Sài Gòn: hướng tuyến và mặt cắt ngang theo dự án cụ thể.

- Đường Nguyễn Trãi: lộ giới 25m.

- Đường Nguyễn Văn Tiết: lộ giới 24m.

- Đường vào cầu Phú Long mới (6 làn xe): lộ giới từ 34m - 48,5m.

* Đường chính khu vực: đường hiện hữu nâng cấp và đường làm mới có lộ giới từ 22m-30m.

* Nút giao thông

- Các nút giao thông giữa các đường đối ngoại; giữa các đường đối ngoại và đường chính đô thị xây dựng khác cốt.

- Các nút giao thông tại 2 ngã ba đối diện và gần nhau sẽ cải tạo theo hướng ngã tư hoặc đảo giao thông.

* Hệ thống giao thông công cộng: Giao thông công cộng tới năm 2020 chủ yếu là xe buýt. Phát triển tuyến đường sắt đô thị sau năm 2020.

- Bến xe khách: bố trí tại ngã tư cầu Ông Bố (ngã tư Quốc lộ 13 và đường ĐT 743c), diện tích 1,5ha.

- Bến đậu xe tải: bố trí tại khu vực xã Bình Hòa (ngã tư Quốc lộ 13 và đường Lái Thiêu - Dĩ An), diện tích 2-3 ha.

- Bố trí bãi đỗ xe tại vị trí giáp ranh thị xã Thủ Dầu Một, gần Suối Cát, quy mô 2ha - 3ha.

- Đường sắt thành phố Hồ Chí Minh - Mỹ Tho - Cần Thơ: đi qua khu vực ấp Phú Hội - xã Vĩnh Phú.

- Đường thủy: cải tạo bến Sông Lái Thiêu, bến Cầu ngang.

b) Cấp điện:

- Nguồn - lưới điện 220KV: Nguồn điện lưới quốc gia qua các đường điện cao thế 230KV Trị An - Bình Hòa - Thuận An - Hóc Môn, tuyến cao thế 220KV Bình Hòa - Trạm 500/220KV Tân Định (nằm trên địa bàn tỉnh Bình Dương).

Trạm 220KV: Trạm 220/110KV-2 x 250MVA Bình Hòa hiện hữu, xây dựng trạm mới 220KV/110KV-2 x 250MVA Thuận An trạm nhận điện trên lưới 220KV Tân Định - Bình Hòa - Hóc Môn.

- Lưới và trạm 110KV: có 3 trạm hiện hữu 110/22KV tại Bình Hòa, Sóng Thần, Vsip I. Trạm xây dựng mới Vsip II, trạm Thuận An.

- Lưới trung thế 22KV: dung giải pháp đi ngầm chọn ngầm trong đất, đi dọc theo các trục đường giao thông. Các tuyến hiện hữu xây dựng chuyên môn theo phương án cuốn chiếu. Đối với các khu công nghiệp, khu vực ngoại thị dùng giải pháp đi nổi trên cột bê tông ly tâm cao 12 - 14m.  Đối với các khu dân cư, khu đô thị mới có thể ngầm hóa hệ thống điện toàn bộ khu quy hoạch.

- Lưới điện hạ thế và chiếu sang: dung giải pháp đi ngầm trong khu vực nội thị và các khu vực quan trọng.

- Trạm biến áp: đặt tại các khu thương mại - dịch vụ, các khu dân cư tập trung, các cơ sở công nghiệp lớn phải bố trí trạm biến áp.

c) Thông tin liên lạc: lắp đặt thêm 3 trạm vệ tinh cho các khu dân cư và khu công nghiệp, hệ thống truyền dẫn truyền cáp quang và truyền vi ba. Các tuyến cáp treo hiện hữu tương lai sẽ ngầm hóa, Dự kiến mật độ máy điện thoại là 115 máy/100 dân. Xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng thông tin có công nghệ hiện đại, cung cấp dịch vụ bưu chính viễn thông đa dạng tiến tới dịch vụ truyền thông cao.

d) Cấp nước: Nguồn nước chủ yếu lấy từ và nhà máy nước thị xã Thủ Dầu Một và nhà máy nước Dĩ An, nhà máy nước Tân Vĩnh Hiệp. Mạng lưới đường ống thiết kế theo các mạch vòng khép kín để đảm bảo tính an toàn và hiệu quả của hệ thống dựa trên cơ sở mạng lưới hiện hữu.

đ) Chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng:

* San nền:

- Chủ yếu giữ địa hình tự nhiên chỉ đạo đắp nền khi cần thiết phải tạo mặt bằng để xây dựng.

- Khống chế cao độ xây dựng: khu vực phía đất cao giữ theo địa hình tự nhiên. Khu vực đất thấp ven các kênh rạch ven sông Sài Gòn được đắp đến cao độ xây dựng đối với những khu vực xây dựng đô thị, khu vực nhà vườn giữ nguyên hiện trạng tạo cảnh quang và phát triển vườn cây theo quy trình thực hiện quy hoạch.

* Thoát nước mưa: Các cống thoát nước mưa chính được quy hoạch trên các hè đường chính đô thị, xây dựng mới kết hợp hệ thống hiện hữu tách riêng giữa nước mưa và nước thải. Hướng thoát nước mưa xuống các sông, rạch hiện hữu chia ra 5 lưu vực thoát nước chính:

- Lưu vực 1: hướng thoát xuống công suốt Cát và một phần trên tuyến ĐT 743a xuống rạch Ông Bố.

- Lưu vực 2: từ phía Bắc khu Việt-Sing đến kho cảng ICD theo tuyến cống hộp thoát xuống rạch Ông Bố

- Lưu vực 3: từ cảng ICD đến ranh phía Nam đô thị kết hợp trên tuyến ĐT 743 xuống kênh D, rạch Ông Bố rồi chảy ra Sông Sài Gòn.

- Lưu vực 4: hướng thoát nước ra sông rạch hiện hữu Sông Bà Lụa, suối Cát, rạch Vàm Búng.

- Lưu vực 5: hướng thoát nước ra rạch Lái Thiêu, Bình Nhâm, Vĩnh Bình.

e) Thoát nước thải và vệ sinh môi trường:

- Thoát nước thải sinh hoạt: Lượng nước thải đô thị cần thu gom và xử lý đến năm 2020 khoảng 93.800 m3/ngày đêm, đợt đầu (2015) khoảng 65.000 m3/ngày đêm. Nước thải công nghiệp phải được xử lý triệt để tại trạm xử lý của từng khu; xây dựng mạng lưới cống thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt sau năm 2010.

- Xử lý chất thải: chất thải rắn sinh hoạt được thu gom và xử lý tại khu liên hợp xử lý chất thải rắn Bình Dương.

- Nghĩa trang: không đầu tư mới nghĩa trang; chấm dứt việc chọn cất lẻ ở khu vực dân cư,… chấm dứt việc chôn cất tại nghĩa trang Lái Thiêu A, B trước 2015; sau năm 2020 giải tỏa làm công viên.

7. Quy hoạch xây dựng đợt đầu đến năm 2015:

a) Chương trình xây dựng các hệ thống hạ tầng kỹ thuật:

- Hệ thống giao thông:

+ Xác định cắm mốc các tuyến đường chính giao thông đối ngoại đã quy hoạch: đường Quốc lộ 13 - Đại lộ Bình Dương, đường ĐT 743a, đường ĐT 743c.

+ Nâng cấp các tuyến đường liên khu vực… đường ĐT 745, đường sân golf, đường Thủ Khoa Huân nối dài, đường An Thạnh - An Phú, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trãi, Nguyễn Văn Tiết, tỉnh lộ 43. Phát triển đấu nối một số tuyến đường mới trong khu quy hoạch đường Tự Do, đường Độc Lập…

+ Xây dựng mới trục đường chính khu vực, đường dọc sông Sài Gòn: Đường cầu Phú Long mới, Tuyến Mỹ Phước - Tân Vạn, tuyến Vành đai 3.

- Hệ thống cấp nước: Giữ nguyên mạng lưới cấp nước hiện hữu, xây dựng mới và bổ sung các tuyến ông cấp theo dự án cấp nước Nam Bình Dương. Tiêu chuẩn cấp nước sinh hoạt đô thị ≥ 80 lít/người/ngày đêm.

- Hệ thống thoát nước bẩn, quản lý chất thải rắn:

Tại thị trấn Lái Thiêu: cải tạo mảng cấp và xây dựng theo dự án thoát nước của đô thị Nam Bình Dương. Xây dựng 3 trạm xử lý nước thải sinh hoạt cho 3 khu vực tập trung dân cư chính đô thị tổng công suất trạm xử lý 22.000 m3/ngày đêm.

Tại các khu công nghiệp, khu dân cư, khu đô thị mới: xây dựng trạm xử lý nước thải, thu gom 100% nước thải xử lý tại trạm xử lý nước thải đạt tiêu chuẩn loại A mới được thải ra hệ thống chung.

Thu gom rác thải hằng ngày từng khu vận chuyển về khu liên hợp xử lý chất thải rắn của tỉnh.

- Hệ thống cấp điện:

+ Nâng công suất 3 năm 110/22KV hiện hữu lên 2 x 63MVA.

+ Xây dựng trạm biến áp 220/110KV Thuận An.

+ Xây dựng trạm biến áp 110/110KV Thuận An, Thuận Giao, Hưng Định, Khu công nghiệp VSIP trạm 2.

Xây dựng các tuyến 22KV trên các trục chính đô thị. Một số tuyến trung thế 22KV hiện hữu giữ lại, từng bước cải tạo ngầm hóa đảm bảo an toàn và mỹ quan đô thị.

- Hệ thống thông tin liên lạc:

Tăng dung lượng tổng đài đô thị lên 200.000 số. Thay thế ngầm hóa mạng cáp trong trong khu vực trung tâm đô thị Thuận An. Từng bước cáp quang hóa mạng truyền dẫn trong đô thị, có ưu tiên các khu công nghiệp.

b) Chương trình xây dựng hạ tầng xã hội:

- Y tế: Nâng cấp bệnh viện đa khoa hiện hữu, nâng cấp 3/10 trạm y tế phòng khám đa khoa khu vực tại An Thạnh, Thuận Giao, An Phú.

- Giáo dục - Đào tạo: đầu tư 3 trường tiểu học Lý Tự Trọng, Nguyễn Thái Bình, An Phú, trường phổ thông cơ sở Trịnh Hoài Đức, Phú Long, trường phổ thông trung học tại An Phú, Bình Hòa, quy hoạch phát triển trung tâm dạy nghề ở khu vực An Thạnh, xây dựng cơ sở vật chất cho trường phổ thông trung học.

- Văn hóa thông tin - Thể dục thể thao: xây dựng mở rộng công viên chính của đô thị tại chiến khu Thuận An Hòa từ 3ha lên 10 - 15ha; xây dựng hoàn chỉnh trung tâm thể dục thể thao khu B Lái Thiêu; Nhà văn hóa xã An Thạnh, An Phú.

- Thương mại: hình thành trung tâm khu phố thương mại tại trung tâm Lái Thiêu, An Phú và các khu - cụm công nghiệp phục vụ công nhân.

- Du lịch: hình thành khu du lịch văn hóa Thuận An Hòa, cụm du lịch nghỉ dưỡng (Phương Nam Thanh Cảnh, Dìn Ký…); nâng cấp khu du lịch vườn cây Lái Thiêu.

8. Thiết kế đô thị:

- Nghiên cứu các vùng kiến trúc, cảnh quan trong đô thị, đề xuất tổ chức không gian cho các khu trung tâm, cửa ngõ đô thị, các tuyến, phố chính, các trục không gian chính, quảng trường lớn, không gian cây xanh, mặt nước và các điểm nhấn trong đô thị.

- Nghiên cứu xác định tầng cao tối đa, tối thiểu của công trình xây dựng thuộc các khu chức năng và toàn đô thị.

- Thiết kế cốt san nền cho toàn đô thị Thuận An.

9. Thành phần hồ sơ:

- Sơ đồ vị trí và mối liên hệ vùng.

- Sơ đồ hiện trạng sử dụng đất tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ các phương án cơ cấu phân khu chức năng tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ định hướng phát triển không gian đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ định hướng giao thông đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ định hướng chuẩn bị đất xây dựng đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ định hướng cấp điện đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ định hướng cấp nước đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ định hướng thoát nước bẩn - quản lý chất thải rắn - nghĩa trang giai đoạn đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030 tỷ lệ 1/10.000.

-  Sơ đồ định hướng thông tin liên lạc đến năm 2020 - tầm nhìn đến năm 2030 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ đánh giá môi trường chiến lược tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ quy hoạch sử dụng đất giai đoạn ngắn hạn đến năm 2015 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ định hướng giao thông giai đoạn ngắn hạn đến năm 2015 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ quy hoạch chuẩn bị kỹ thuật đất xây dựng giai đoạn ngắn hạn đến năm 2015 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ định hướng cấp điện giai đoạn ngắn hạn đến năm 2015 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ định hướng cấp nước giai đoạn ngắn hạn đến năm 2015 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ định hướng thoát nước bẩn - quản lý chất thải rắn - nghĩa trang giai đoạn ngắn hạn đến năm 2015 tỷ lệ 1/10.000.

- Sơ đồ quy hoạch thông tin liên lạc giai đoạn ngắn hạn đến năm 2015 tỷ lệ 1/10.000.

- Thuyết minh tổng hợp.

Điều 2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân huyện Thuận An:

1. Phối hợp với đơn vị tư vấn lập thủ tục trình Bộ xây dựng công nhận đô thị Thuận An là đô thị loại IV và trình Chính phủ nâng cấp huyện Thuận An thành thị xã Thuận An.

2. Phối hợp với đơn vị tư vấn soạn thảo và ban hành Quy định về quản lý quy hoạch - kiến trúc theo đồ án quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An.

3. Tổ chức công bố, công khai quy hoạch chung xây dựng đô thị Thuận An gồm:

- Sơ đồ định hướng phát triển không gian.

- Bản đồ quy hoạch tổng mặt bằng sử dụng đất.

- Các bản vẽ quy hoạch hệ thống hạ tầng kỹ thuật.

4. Triển khai quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 các đơn vị hành chính của đô thị Thuận An theo quy hoạch các đơn vị hành chính tỉnh Bình Dương giai đoạn 2007 - 2020 đã được Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương phê duyệt tại Quyết định 3123/QĐ-UBND ngày 11/7/2007

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông Vận tải, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Thuận An, Thủ trưởng các cơ quan ban hành có liên quan và chủ đầu tư chịu trách nhiệm thi hành quyết định này, kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Bộ Xây dựng;
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT;
- Sở: Xây dựng, Nội vụ, Tài chính;
- Sở Tài nguyên - Môi trường;
- Sở: Giao thông Vận tải, Công thương;
- Sở: Kế hoạch Đầu tư, Thông tin Truyền thông;
- LĐVP, Km, TH;
- Lưu VT.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Cung