Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1073-KHKT/QĐ

Hà Nội, ngày 31 tháng 12 năm 1986

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH VỀ VIỆC CHỨNG NHẬN NHÀ NƯỚC CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM

CHỦ NHIỆM UỶ BAN KHOA HỌC VÀ KỸ THUẬT NHÀ NƯỚC

Căn cứ Điều lệ và tổ chức của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước ban hành kèm theo Nghị định số 192-CP ngày 13-10-1975 của Hội đồng Chính phủ;
Căn cứ Điều lệ kiểm tra chất lượng sản phẩm hàng hoá ban hành kèm theo Nghị định số 62-CP ngày 12-4-1976 của Hội đồng Chính phủ;
Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng được Nhà nước giao trong Nghị định số 22-HĐBT ngày 8-2- 1984 của Hội đồng Bộ trưởng;
Theo đề nghị của Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng;
Xét nhu cầu của công tác quản lý chất lượng sản phẩm hiện nay,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. - Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy định về việc chứng nhận Nhà nước chất lượng sản phẩm thay thế cho Quy định về việc chứng nhận chất lượng sản phẩm của Nhà nước ban hành kèm theo Quyết định số 399-QĐ ngày 30-9-1978 của Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước.

Điều 2. - Tất cả các ngành, các địa phương, các cơ sở phải theo đúng quy định này trong việc tiến hành công tác chứng nhận Nhà nước chất lượng sản phẩm.

Điều 3. - Tổng cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra việc thi hành Quyết định này.

Điều 4. - Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.

 

 

Đoàn Phương

(Đã ký)

 

QUY ĐỊNH

VỀ VIỆC CHỨNG NHẬN NHÀ NƯỚC CHẤT LƯỢNG SẢN PHẨM
(ban hành kèm theo Quyết định số 1073-KHKT/QĐ ngày 31-12-1986 của Uỷ ban Khoa học và Kỹ thuật Nhà nước).

1. Mục đích ý nghĩa.

Chứng nhận Nhà nước chất lượng sản phẩm (dưới đây gọi tắt là chứng nhận) là một trong những biện pháp quan trọng về tổ chức kỹ thuật và kinh tế nhằm khuyến khích cơ sở sản xuất áp dụng kịp thời các thành tựu khoa học - kỹ thuật vào sản xuất để bảo đảm ổn định và không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế quốc dân.

Chứng nhận là cơ sở để:

- Nâng cao từng bước trình độ kỹ thuật và chất lượng sản phẩm một cách có kế hoạch;

- Đánh giá hoạt động của các cơ sở sản xuất trong việc nâng cao trình độ kỹ thuật và chất lượng sản phẩm cũng như trong việc tăng sản lượng các sản phẩm được mang dấu chất lượng;

- Khuyến khích các cơ sở sản xuất ra nhiều sản phẩm được mang dấu chất lượng, cải tiến hoặc loại bỏ các sản phẩm lạc hậu, kém chất lượng.

2. Đối tượng chứng nhận.

Đối tượng chứng nhận là các sản phẩm công nghiệp, các sản phẩm nông, lâm, ngư nghiệp... đã qua gia công chế biến công nghiệp do các tổ chức kinh tế quốc doanh và tập thể sản xuất.

Các sản phẩm trọng yếu do Nhà nước thống nhất quản lý thuộc đối tượng bắt buộc chứng nhận.

Danh mục sản phẩm bắt buộc chứng nhận cụ thể cho từng thời kỳ kế hoạch do Chủ nhiệm Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước thoả thuận với Chủ nhiệm Uỷ ban Kế hoạch Nhà nước công bố.

Ngoài sản phẩm thuộc danh mục bắt buộc chứng nhận, các sản phẩm khác có đủ điều kiện được các cơ sở sản xuất, ngành và địa phương chủ quản đề nghị cũng được xét chứng nhận.

Sản phẩm thuộc diện bắt buộc chứng nhận đã đưa vào kế hoạch, nếu đến thời hạn chứng nhận mà cơ sở sản xuất chưa thực hiện việc đánh giá và chuẩn bị chứng nhận thì không được công nhận hoàn thành kế hoạch chất lượng. Trong trường hợp có lý do chính đáng, cơ sở sản xuất phải có công văn xin hoãn. Sản phẩm chỉ được hoãn chứng nhận sau khi được Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng đồng ý bằng văn bản.

Sản phẩm thuộc bí mật quốc gia, sản phẩm chỉ phục vụ cho các mục tiêu quốc phòng và an ninh, sản phẩm là thuốc chữa bệnh, công trình xây dựng... không thuộc đối tượng chứng nhận.

3. Phân cấp chất lượng.

Sản phẩm được phân theo 3 cấp chất lượng sau đây:

- Sản phẩm đạt chất lượng cấp cao là sản phẩm đạt và vượt những chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đề ra trong tiêu chuẩn hoặc quy định hiện hành về chất lượng, có mức chất lượng tương đương hoặc cao hơn mức chất lượng trung bình tiên tiến của sản phẩm cùng loại trên thị trường thế giới;

- Sản phẩm đạt chất lượng cấp một là sản phẩm đạt và vượt những chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đề ra trong tiêu chuẩn hoặc quy định hiện hành về chất lượng, có mức chất lượng tương đương với trình độ tiên tiến của sản phẩm cùng loại trong nước, đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế quốc dân.

- Sản phẩm chất lượng kém là sản phẩm không đạt các chỉ tiêu quy định trong tiêu chuẩn, có những chỉ tiêu kinh tế - kỹ thuật đã lỗi thời cần được cải tiến hoặc loại khỏi sản xuất.

4. Cơ sở và phương thức chứng nhận.

Cơ sở để chứng nhận là mẫu chuẩn. Mẫu chuẩn có thể là tiêu chuẩn mẫu sản phẩm cụ thể, các tài liệu pháp quy kỹ thuật quy định cho sản phẩm...

Việc đánh giá chứng nhận chất lượng được tiến hành theo các phương pháp đánh giá chất lượng đã được duyệt, thông qua Hội đồng đánh giá chất lượng sản phẩm. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng do Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng quy định.

5. Giấy chứng nhận chất lượng và dấu chất lượng Nhà nước.

Những sản phẩm đạt chất lượng cấp cao và cấp một có chất lượng ổn định được cấp giấy chứng nhận chất lượng và dấu chất lượng Nhà nước theo cấp tương ứng.

Thời hạn có hiệu lực của giấy chứng nhận chất lượng và dấu chất lượng Nhà nước không quá 5 năm đối với sản phẩm là tư liệu sản xuất và không quá 3 năm đối với sản phẩm là tư liệu tiêu dùng.

Việc chứng nhận lại được tiến hành trước khi hết hiệu lực của giấy chứng nhận chất lượng và dấu chất lượng Nhà nước.

Dấu chất lượng Nhà nước có giá trị pháp lý chung trong cả nước. Hình dáng, kích thước và cách trình bày dấu chất lượng Nhà nước trên sản phẩm được quy định trong TCVN 2844-79.

6. Khuyến khích tinh thần và vật chất.

Tuỳ theo mức độ hiệu quả do việc nâng cao chất lượng mang lại, sản phẩm mang dấu chất lượng cấp cao và cấp một được hưởng những quyền lợi về tinh thần và vật chất như khen thưởng, khích lệ, trợ giá cho sản phẩm được mang dấu chất lượng Nhà nước... theo các quy định hiện hành.

Sản phẩm có chất lượng kém sẽ bị khấu giá, buộc cải tiến hoặc loại khỏi sản xuất.

Việc trợ giá và khấu giá sản phẩm được tiến hành theo quy định hiện hành của liên Bộ Uỷ ban Khoa học và kỹ thuật Nhà nước - Uỷ ban Vật giá Nhà nước và Bộ Tài chính.

Thời hạn loại khỏi sản xuất hoặc cải tiến sản phẩm chất lượng kém do Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố, đặc khu chủ quản quy định sau khi thoả thuận với Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng. Hết thời hạn quy định nếu cơ sở sản xuất không khắc phục được thiếu sót của sản phẩm thì Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng có thể quyết định tạm ngừng xuất xưởng và yêu cầu cơ quan có thẩm quyền quyết định ngừng sản xuất.

Trường hợp có yêu cầu chính đáng, việc tiếp tục sản xuất sản phẩm chất lượng kém phải được Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố, đặc khu chủ quản quyết định sau khi đã thoả thuận với cơ quan tiêu thụ sản phẩm đó và được sự đồng ý của Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng (bằng văn bản).

7. Trách nhiệm về việc chứng nhận nhà nước chất lượng sản phẩm.

Tổng cục Tiêu chuẩn - Đo lường - Chất lượng chịu trách nhiệm xây dựng, ban hành quy chế về nội dung và thủ tục tiến hành chứng nhận Nhà nước chất lượng sản phẩm, hướng dẫn việc chuẩn bị và phối hợp với các ngành, các địa phương và các cơ sở sản xuất tổ chức việc đánh giá để xét cấp hoặc thu hồi giấy chứng nhận và dấu chất lượng Nhà nước, cũng như thông báo sản phẩm có mức chất lượng kém.

Bộ, Tổng cục, tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các cơ sở sản xuất, xây dựng các biện pháp bảo đảm và nâng cao chất lượng sản phẩm và tự tổ chức đánh giá, phân cấp chất lượng sản phẩm để đề nghị Nhà nước xét chứng nhận và cấp dấu chất lượng, đồng thời tạo điều kiện giúp đỡ các cơ sở sản xuất giữ vững và nâng cao trình độ chất lượng sản phẩm đã được chứng nhận, cũng như cải tiến hoặc loại khỏi sản xuất sản phẩm có trình độ chất lượng kém.

Các cơ sở sản xuất có trách nhiệm xây dựng và thực hiện các biện pháp bảo đảm nâng cao chất lượng sản phẩm, tiến hành đánh giá, phân cấp chất lượng để đề nghị xét chứng nhận và cấp dấu chất lượng theo đúng thủ tục, kế hoạch quy định, thực hiện các biện pháp bảo đảm sản xuất, sản phẩm phù hợp với cấp chất lượng đã được chứng nhận, cải tiến hoặc loại khỏi sản xuất sản phẩm chất lượng kém.