Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
 THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 1074/2008/QĐ-UBND

Hải Phòng, ngày 30 tháng 6 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC SỬA ĐỔI, BỔ SUNG NỘI DUNG MỘT SỐ ĐIỀU TẠI QUYẾT ĐỊNH SỐ 1761/2007/QĐ-UBND NGÀY 19/9/2007 QUY ĐỊNH VỀ CHÍNH SÁCH BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ VÀ TÁI ĐỊNH CƯ KHI NHÀ NƯỚC THU HỒI ĐẤT TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân năm 2003;
Căn cứ Luật Đất đai số 13/2003/QH11 ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư­ khi nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định hướng dẫn thi hành Luật Đất đai năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 của Chính phủ quy định bổ sung về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;
Căn cứ Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính về hướng dẫn và sửa đổi thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi thường, hỗ trợ và tái định c­ư khi nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Thông t­ư số 69/2006/TT-BTC ngày 02/8/2006 về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 116/2004/TT-BTC ngày 07/12/2004 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ về bồi th­ường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất;
Căn cứ Quyết định số 1761/2007/QĐ-UBND ngày 19/9/2007 của Uỷ ban nhân dân thành phố quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng;
Xét đề nghị của liên Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng tại Tờ trình số 633/TTr-LCQ ngày 10/6/2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định việc sửa đổi, bổ sung nội dung một số điều tại Quyết định số 1761/2007/QĐ-UBND ngày 19/9/2007 của Uỷ ban nhân dân thành phố quy định về chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất trên địa bàn thành phố Hải Phòng.

(Có các Phụ lục sửa đổi, bổ sung chi tiết kèm theo).

Các nội dung khác vẫn thực hiện theo Quyết định số 1761/2007/QĐ-UBND ngày 19/9/2007 của Uỷ ban nhân dân thành phố.

Điều 2. Giao các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng hướng dẫn thực hiện Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký .

Điều 3. Các Ông (bà): Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện; Thủ trưởng các ngành, các cấp, các đơn vị có liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
CHỦ TỊCH




Trịnh Quang Sử

 

PHỤ LỤC SỐ 01 (Sửa đổi)

BẢNG GIÁ BỒI THƯỜNG DI CHUYỂN MỒ MẢ.
(Kèm theo Quyết định số 1074/2007/QĐ-UBND ngày 30/6/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

* Nguyên tắc: Bồi thường theo chi phí đào bốc, đắp, di chuyển mộ đến nơi mới và xây dựng phần mộ đảm bảo đúng thực trạng ban đầu.

* Mức giá:(Tính gọn các công đoạn di chuyển vào nghĩa trang trong địa phương)

I. MỘ CÁT TÁNG.

A. Mộ đất: (Có chủ và không có chủ): 1.500.000đ/mộ

B. Mộ xây đơn giản: Thể tích 1 mộ: Dài bình quân x Rộng bình quân x Cao bình quân (Không kể phần bia):

 + Thể tích: < 0,4m3 = 1.500.000đ/mộ

 + Thể tích: từ 0,4m3 đến 0,6m3 = 2.000.000đ/mộ

 + Thể tích: > 0,6m3 = 2.500.000đ/mộ

C. Mộ xây đặc biệt có trang trí ốp lát và mộ xây theo kiểu lăng tẩm:

Bồi thường theo hiện trạng để có thể di chuyển xây dựng như cũ.

Mức bồi thường theo đơn giá của mộ xây đơn giản cộng thêm các chi phí xây dựng phần trang trí ốp lát. Trường hợp lăng tẩm đặc biệt có dự toán thiết kế riêng.

D. Mộ xây quây: Bồi thường như mộ đơn lẻ: Mộ đất hoặc mộ xây cộng thêm chi phí cho khối lượng cổng vào, tường xây bao.

II. MỘ HUNG TÁNG:

- Thời gian trước 3 năm : 5.000.000đ/ngôi

- Thời gian sau 3 năm : 4.000.000đ/ngôi

* Đối với các ngôi mộ hung táng mới chôn thời gian ngắn đề nghị chính quyền địa phương cùng tham gia với cơ quan chức năng xác định thêm mức trợ cấp cho phù hợp.

III. CÁC CHI PHÍ PHÁT SINH KHÁC.

- Di chuyển ra ngoài địa bàn xã từ 5 - 10 km : 1.000.000đ/ngôi

- Di chuyển trong địa bàn xã dưới 5 km : 500.000đ/ngôi

- Bổ sung thêm chi phí di chuyển:

+ Thay tiểu mới cho các mộ cát táng bị vỡ phải thay thế: 300.000đ/ngôi

+ Các hộ có yêu cầu chuyển về nghĩa trang ở nơi khác được trợ cấp tiền đất: 500.000đ/ngôi.

+ Chi phí hương, hoa quả.....: 100.000đ/ngôi

- Chi phí thăm thuốn mộ vô chủ nằm rải rác: 45.000đ/ngôi

* Ghi chú:

- Đối với các dự án di chuyển số lượng mồ mả lớn tổ chức thực hiện bồi thường. Phải thực hiện lập phương án mở rộng hoặc xây dựng mới nghĩa trang trước khi thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng.

Trường hợp Uỷ ban nhân dân thành phố cho phép được hợp đồng với Công ty Dịch vụ mai táng Hải Phòng tổ chức di chuyển mồ mả vào nghĩa trang theo qui hoạch thì chi phí di chuyển mồ mả được tính theo đơn giá chuyên ngành do Uỷ ban nhân dân thành phố phê duyệt cho Công ty Dịch vụ mai táng Hải Phòng.

- Những công việc phát sinh trong công tác bồi thường giải phóng mặt bằng di chuyển mồ mả chưa được quy định trong bảng đơn giá này tổ chức thực hiện công tác bồi thường các cấp kê khai hoặc lập dự toán cụ thể báo cáo cơ quan Tài chính thẩm định để trình Uỷ ban nhân dân cùng cấp quyết định cụ thể.

 

PHỤ LỤC SỐ 02 (Sửa đổi)

BẢNG GIÁ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ KHI THU HỒI ĐẤT NUÔI TRỒNG THỦY SẢN VÀ ĐẤT LÂM NGHIỆP
(Kèm theo Quyết định số 1074/2008/QĐ-UBND ngày 30/6/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

HỖ TRỢ KHI THU HỒI ĐẤT LÂM NGHIỆP (ĐẤT RỪNG SẢN XUẤT):

1. Hạng (vị trí) đất để tính hỗ trợ:

- Theo hạng (vị trí) đất tính thuế nông nghiệp.

- Trường hợp đất mới khai hoang đưa vào sản xuất: tính theo đất hạng VI (vị trí 3) nếu có sự đầu tư cải tạo có năng suất cao, căn cứ hạng (vị trí) đất tương đương trong vùng để đề xuất mức giá bồi thường cho phù hợp.

2. Mức hỗ trợ:

a) Đất rừng sản xuất: Hỗ trợ cho các hộ và chính quyền địa phương chi phí đầu tư vào đất tương đương 20% tiền đất. Được phân bổ cụ thể:

+ Đất rừng do xã phường đầu tư hoàn chỉnh giao các hộ canh tác:

Hộ dân: 8%; Xã, phường: 12%

+ Đất rừng do xã, huyện cho phép dân hợp đồng và đầu tư:

Hộ dân: 12%; Xã, phường 8%

+ Đất rừng do dân tự khai hoang đầu tư:

 Hộ dân: 10%; Xã, phường10%

b) Đất rừng sản xuất của các hộ dân do nhà nước giao sử dụng lâu dài được hỗ trợ chi phí đầu tư vào đất tương đương 20% tiền đất. Được phân bổ cụ thể:

+ Hộ dân: 10%; Xã, phường10%

c) Đất rừng thuộc các tổ chức kinh tế:

- Các hộ và tổ chức được hỗ trợ chi phí đầu từ tương đương: 15% tiền đất. Không hỗ trợ tiền đất cho ngân sách các cấp.

- Phân bổ chi phí đầu tư vào đất 15% cho các hộ và tổ chức:

+ Các hộ canh tác : 5%.

+ Các tổ chức : 10%.

HỖ TRỢ KHI THU HỒI ĐẤT NUÔI TRỒNG THUỶ SẢN:

I. VỀ HỖ TRỢ BỒI THƯỜNG ĐẤT:

1. Hạng (vị trí) đất bồi thường:

- Theo hạng (vị trí đất) đất tính thuế nông nghiệp.

- Trường hợp đất mới khai hoang đưa vào sản xuất: tính theo đất hạng VI (vị trí 3) nếu có sự đầu tư cải tạo có năng suất cao, căn cứ hạng đất (vị trí) tương đương trong vùng để đề xuất mức giá bồi thường cho phù hợp.

2. Mức hỗ trợ:

2.1. Đất đầm thuộc quỹ đất công ích: Hỗ trợ cho các hộ dân và chính quyền địa phương chi phí đầu tư vào đất tương đương 30% tiền đất. Được phân bổ cụ thể:

+ Đầm do xã phường đầu tư hoàn chỉnh giao các hộ dân canh tác:

Hộ dân: 15%; Xã, phường: 15%

+ Đầm do xã, huyện cho phép hộ dân hợp đồng và đầu tư:

Hộ dân: 20%; Xã, phường 10%

+ Đầm do hộ dân tự khai hoang đầu tư:

Hộ dân: 20%; Xã, phường 10%

2.2. Đất đầm thuộc các tổ chức kinh tế, nuôi trồng thủy sản:

- Các hộ và tổ chức được hỗ trợ chi phí đầu từ tương đương: 20% tiền đất. Không hỗ trợ tiền đất cho ngân sách các cấp.

- Phân bổ chi phí đầu tư vào đất 20% cho các hộ dân và tổ chức:

+ Các hộ dân canh tác : 10%.

+ Các tổ chức : 10%.

II. VỀ BỒI THƯỜNG VẬT KIẾN TRÚC, CÔNG CỤ, CHI PHÍ CẢI TẠO ĐẦM:

1. Chi phí đào đắp bờ đầm:

- Chi phí đào đắp bờ đầm tại chỗ : 25.000đ/m3

- Đào mương dẫn tháo nước trong đầm : 15.000đ/m3

(Đơn giá đào đắp trên đã tính đến giá trị của khối lượng độ lún và độ dãn bùn)

Tại những vùng phía ngoài đê biển, nếu có chi phí cao hơn:

- Chi phí đào đắp bờ đầm tại chỗ: 30.000đ/m3

- Đào mương dẫn tháo nước trong đầm: 15.000đ/m3

(Đơn giá đào đắp trên đã tính đến giá trị của khối lượng độ lún và độ dãn bùn)

(Riêng mương dẫn nước sát bờ- tính từ tim bờ đầm đến tim của mương là 10m không bồi thường vì đã tính trong khối lượng đắp đào).

2. Công trình trên đất giao có thời hạn theo hợp đồng hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền (Nhà chòi, cống dẫn nước, bờ đầm và các công trình khác phục vụ sản xuất) tính bồi thường theo giá trị còn lại của công trình (căn cứ giá trị xây mới tại thời điểm thu hồi đất trừ đi phần người được giao đất đã sử dụng công trình để phục vụ quá trình sản xuất). Cách tính cụ thể: Số tiền tính bồi thường = Giá trị xây mới - (giá trị xây mới/thời gian được giao đất theo hợp đồng hoặc quyết định x thời gian đã sử dụng đất).

Đối với tài sản thực còn lại trên đất sau khi đã hết thời hạn hợp đồng được xác định lại giá trị để giao cho người sử dụng đất theo hợp đồng mới, khi nhà nước thu hồi đất tính hỗ trợ bổ sung cho các hộ 50% giá trị xác định lại nếu các hộ là người đứng tên hợp đồng trước đó (các hộ ký kết hợp đồng sau không phải chủ hợp đồng trước không được hỗ trợ khoản này), chuyển về ngân sách địa phương 50% giá trị còn lại.

3. Công cụ sản xuất:

a) Đối với đầm nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức quảng canh (nguồn con cây giống, thức ăn từ tự nhiên, không phải thả con giống và cho ăn) và đầm nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức quảng canh kết hợp giữa nuôi thả con giống với khai thác nguồn lợi thuỷ sản từ tự nhiên: công cụ sản xuất như thuyền, đăng đó, vó, chài, lưới phục vụ sản xuất nuôi trồng, khai thác thuỷ sản tính theo khẩu độ cống lấy nước (tính theo độ thông thuỷ của cống).

- Cống khẩu độ > 2m :10 triệu đồng/cống

- Cống khẩu độ >1,4m đến £ 2m : 8 triệu đồng/cống

- Cống khẩu độ >1,2m đến £ 1,4m : 7 triệu đồng/cống

- Cống khẩu độ từ > 0,9m đến £ 1,2m : 6 triệu đồng/cống

- Cống khẩu £ 0,9m: 5 triệu đồng/cống

b) Đối với đầm nuôi trồng thuỷ sản theo hình thức thâm canh, nuôi công nghiệp (cây con giống phải thả vào đầm và phải chăm sóc cho ăn và áp dụng các biện pháp kỹ thuật khác để nuôi trồng): công cụ sản xuất như giàn sục khí, máy bơm, máy nổ, máy hút bùn, thuyền, đăng đó, vó, chài, lưới .v..v. phục vụ sản xuất nuôi trồng thuỷ sản, để đơn giản thủ tục đánh giá chất lượng chủng loại của công cụ vậy quy định mức hỗ trợ về công cụ sản xuất tính theo diện tích đầm nuôi trồng thuỷ sản như sau:

- Diện tích đầm > 10 ha : 15 triệu đồng/đầm

- Diện tích đầm > 7 ha đến £ 10 ha : 10 triệu đồng/đầm

- Diện tích đầm > 5 ha đến £ 7 ha : 7 triệu đồng/đầm

- Diện tích đầm > 3 ha đến £ 5 ha : 6 triệu đồng/đầm

- Diện tích đầm > 1ha đến £ 3 ha : 5 triệu đồng/đầm

- Diện tích đầm > 0,3ha đến £ 1 ha : 4 triệu đồng/đầm

- Diện tích đầm nhỏ > 0,1ha £ 0,3 ha : 2 triệu đồng/đầm

- Diện tích đầm nhỏ £ 0,1 ha không hỗ trợ về công cụ sản xuất.

Trường hợp hộ gia đình (chủ đầm) đầu tư công cụ đặc biệt tổ chức thực hiện bồi thường báo cáo Uỷ ban nhân dân cùng cấp về số lượng, chủng loại, hãng nước sản xuất,...quyết định xử lý, trước khi lập phương án bồi thường phải có đánh giá chất lượng giá trị còn lại của công cụ do cơ quan có thẩm quyền thực hiện.

4. Rào dóc: (theo tiêu chuẩn của đầm nuôi thuỷ sản).

- Rào thưa trên bờ, (khoảng cách không quá 20 cm x 20 cm): 5.000đ/md

- Rào dày ken trên bờ (khoảng cách không quá 15 cm x 15 cm): 7.000đ/md

- Rào dày ken sát mép nước (khoảng cách không quá 10 cm x 10 cm): 10.000đ/md

5. Chi phí cải tạo đầm:

- Mặt nước thoáng : 2 triệu đồng/ha

- Mặt nước có sú vẹt : 0,5 triệu đồng/ha

6. Kè đá và các công trình bảo vệ khác ven biển cho đầm được tính cụ thể cho từng trường hợp và phân bổ bồi thường theo nguyên tắc tại mục II.

III. BỒI THƯỜNG THỦY SẢN:

1. Mức giá bồi thường: Tính chung cho đầm nuôi thuỷ sản gồm: tôm, cua, rau câu, cá..

a) Đối với đầm lớn nuôi quảng canh:

Trên 10 ha: 12.000.000 đ/ha

Dưới 10 ha: 15.000.000 đ/ha

b) Đối với đầm nhỏ nuôi thâm canh: (diện tích dưới 1.000m2)

- Thủy sản có giá trị kinh tế cao (tôm sú, cua, baba) : 5.000đ/m2

- Các loại thủy sản khác : 3.000đ/m2

c) Đối với ngao, sò nuôi trên nước biển : 1.500đ/m2

d) Cá giống : 3.500đ/m2

Cá thịt : 3.000đ/m2

- Các mức giá trên áp dụng cho đầm có nước thường xuyên, đối với vùng đầm ghềnh gồ, sú vẹt không có nước thường xuyên được tính bằng 70% mức giá.

2. Khung giá bồi thường:

- Đã thu hoạch xong : Không bồi thường

- Đã đến kỳ thu hoạch : Hỗ trợ 10% mức giá.

- Mới nuôi thả : Hỗ trợ 50% mức giá.

- Giữa chu kỳ sản xuất : Hỗ trợ 70% mức giá.

- Diện tích ảnh hưởng của đầm chỉ thu hồi 1 phần, diện tích còn lại lớn đủ điều kiện tiếp tục sản xuất trong phạm vi tối thiểu 20m từ chỉ giới thu hồi trở ra hỗ trợ 50% mức bồi thường trong chỉ giới nói trên.

IV. TRỢ CẤP LAO ĐỘNG:

1. Định mức lao động:

- Đầm lớn nuôi quảng canh: Trên 10 ha: 1 lao động/3 ha

Dưới 10 ha: 1 lao động/2 ha

- Đầm nhỏ nuôi thâm canh: Trên 1 ha: 3 lao động/đầm

Dưới 1 ha: 2 lao động/đầm

2. Mức hỗ trợ: 2.200.000đ/lao động.

Các loại tài sản vật kiến trúc, hoa màu khác áp dụng như quy định hiện hành. Các trường hợp phát sinh đặc biệt, giao cho liên Sở xem xét, xác định trình Uỷ ban nhân dân thành phố quy định cụ thể.

 

PHỤ LỤC SỐ 03 (bổ sung)

VỀ CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ.
(Kèm theo Quyết định số 1074/2008/QĐ-UBND ngày 30/6/2008 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hải Phòng)

I- CÁC TRƯỜNG HỢP HỖ TRỢ VÀ CHI TIẾT MỨC HỖ TRỢ TẠI ĐIỀU 21.

1. Đối với người sử dụng đất ở thuộc đối tượng được bồi thường, các hộ sử dụng nhà thuê hoặc nhà của tổ chức tự quản:

1.1. Các hộ có nhà ở phải di chuyển hoàn toàn được hỗ trợ các khoản sau:

a) Hỗ trợ di chuyển với các hộ có nhà ở và vật kiến trúc:

Hộ gia đình khi nhà nước thu hồi đất phải di chuyển chỗ ở trong phạm vi thành phố mức hỗ trợ tối đa: 3.000.000đ/hộ. Di chuyển sang tỉnh khác hỗ trợ tối đa: 5.000.000đ/hộ.

b) Trợ cấp ổn định cuộc sống:

Đối với nhân khẩu có tên trong sổ hộ khẩu và thực tế ăn ở trong hộ gia đình có đất bị thu hồi (Về số khẩu trong gia đình có xác nhận của cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật) tại thời điểm có quyết định thu hồi đất được trợ cấp ổn định cuộc sống: mức hỗ trợ 2.200.000đ/khẩu.

c) Hỗ trợ tạm trú di chuyển khi chưa xây dựng được nhà ở:

Người có nhà ở trên đất bị thu hồi đủ điều kiện giao đất tái định cư khi nhận tiền bồi thường và được giao đất tái định cư hoặc nhận tiền tự lo đất ở thì được hỗ trợ tạm trú di chuyển khi chưa xây dựng được nhà ở là: 4.000.000đ/hộ (Khoản hỗ trợ tạm trú được tính hỗ trợ đối với các hộ có nhà thực ở trên đất bị thu hồi và tính ngay khi lập phương án bồi thường).

Trường hợp do dự án chậm bố trí mặt bằng tái định cư, thời gian tạm trú kéo dài sẽ được bổ sung chi phí tạm trú cho thời gian tính từ khi bàn giao mặt bằng đến khi nhận đất tái định cư phù hợp theo mức giá thuê nhà thực tế tại khu vực thu hồi đất với mức quy định: Khu vực các huyện là 700.000đ/tháng/hộ, khu vực các quận là 800.000đ/tháng/hộ.

Riêng các hộ không đủ điều kiện giao đất tái định cư nhưng không có nơi ở khác nếu được xét giao đất dân cư thì được hỗ trợ 50% mức tạm trú.

d) Hỗ trợ gia đình chính sách:

- Gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động (có thành viên trong sổ hộ khẩu đang hưởng chính sách tại địa phương có đất bị thu hồi), gia đình có công với cách mạng được hỗ trợ: 3.000.000đ/hộ.

Hộ thuộc diện xoá đói giảm nghèo theo tiêu chuẩn nghèo do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định bị thu hồi đất di chuyển hoàn toàn nhà ở có xác nhận của chính quyền địa phương và cơ quan Lao động - Thương binh cấp quận, huyện được hỗ trợ: 5.000.000đ/hộ.

e) Hộ sản xuất kinh doanh có đăng ký kinh doanh, hạch toán sổ sách kế toán phải ngừng sản xuất di chuyển đến địa điểm mới được hỗ trợ 30% số tiền thu nhập 1 năm sau thuế theo mức bình quân của 3 năm liền kề trước năm có quyết định thu hồi đất được cơ quan thuế xác nhận. (nếu thu hồi một phần diện tích đất có ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh thì hỗ trợ 50% mức trên).

Đối với hộ kinh doanh cá thể không hạch toán sổ sách kế toán quyết toán thuế hàng năm với cơ quan thuế khi bị thu hồi đất phải ngừng sản xuất di chuyển đến địa điểm mới được hỗ trợ theo các mức trên cơ sở mức thuế môn bài nộp theo quy định tại Nghị định số 75/2002/NĐ-CP ngày 30/8/2002, cụ thể:

- Hộ kinh doanh cá thể nộp mức 1.000.000đ được hỗ trợ 6.000.000đ/hộ.

- Hộ kinh doanh cá thể nộp mức 750.000đ được hỗ trợ 5.000.000đ/hộ.

- Hộ kinh doanh cá thể nộp mức 500.000đ được hỗ trợ 4.000.000đ/hộ.

- Hộ kinh doanh cá thể nộp mức 300.000đ được hỗ trợ 3.000.000đ/hộ.

- Hộ kinh doanh cá thể nộp mức 100.000đ được hỗ trợ 2.000.000đ/hộ.

- Hộ kinh doanh cá thể nộp mức 50.000đ được hỗ trợ 1.000.000đ/hộ.

(nếu thu hồi một phần diện tích đất có ảnh hưởng tới sản xuất kinh doanh thì hỗ trợ 50% mức trên).

1.2. Đối với những hộ sử dụng đất ở chưa hợp lệ không được bồi thường về đất, chỉ được hỗ trợ đất và tài sản trên đất: Nếu chấp hành nghiêm túc việc tự tháo dỡ di chuyển đúng thời gian quy định thì cũng được hưởng chính sách hỗ trợ bằng 50% mức hỗ trợ theo quy định tại điểm a, b, c,d, e mục 1 của Điều 21 quy định này (khoản kinh phí này được lập trong phương án bồi thường, chỉ thanh toán khi các hộ bàn giao mặt bằng đúng tiến độ, nếu không chi hết sẽ hoàn trả nhà đầu tư hoặc nộp ngân sách).

1.3. Trường hợp thu hồi một phần nhà chính (không phải di chuyển hoàn toàn) mức hỗ trợ bằng 50% mức quy định tại điểm a, b, d, e khoản 1 điều 21 quy định này.

1.4. Đối với các hộ bị thu hồi đất ở đủ điều kiện bồi thường đất ở và nhà ở được bố trí tái định cư mà tự nguyện lo chỗ ở (có văn bản cam kết tự lo chỗ ở) được hỗ trợ thêm một khoản tiền bằng 10% tiền bồi thường về đất của hộ đó khi bị thu hồi, nhưng mức hỗ trợ:

- Tối đa không quá 100.000.000đ/hộ, tối thiểu không dưới 30.000.000đ/hộ đối với khu vực các quận;

- Tối đa không quá 50.000.000đ/hộ, tối thiểu không dưới 15.000.000đ/hộ đối với khu vực các huyện.

2. Các khoản hỗ trợ đối với các hộ sử dụng đất nông nghiệp được giao lâu dài:

a) Hỗ trợ đào tạo nghề và hướng nghiệp: 5.000.000đ/1 lao động.

b) Hỗ trợ ổn định cuộc sống đối với hộ sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất được giao theo hạn mức tại Quyết định 03/QĐ-UB ngày 04/01/1994 của Uỷ ban nhân dân thành phố được hỗ trợ ổn định cuộc sống theo mức: 1.100.000đ/khẩu.

c) Hỗ trợ bổ sung về mức giá đất nông nghiệp để đảm bảo ổn định cuộc sống và chi phí đầu tư vào đất (các khoản tôn dâng nền, vườn, chi phí cải tạo làm tăng giá trị của đất) từ năm 1993 đến nay chưa được điều chỉnh lại hạng đất đối với các hộ sản xuất nông nghiệp có đất giao lâu dài tại địa phương theo quy định tại thời điểm năm 1994 của Uỷ ban nhân dân thành phố bị thu hồi được hỗ trợ 20% mức giá theo vị trí đất nông nghiệp.

d) Hộ gia đình chính sách:

Hỗ trợ gia đình chính sách (Hộ gia đình liệt sỹ, thương bệnh binh, anh hùng các lực lượng vũ trang nhân dân, anh hùng lao động, gia đình có công với cách mạng) bị thu hồi trên 30% diện tích đất theo hạn mức giao lâu dài ngoài các khoản đã được hỗ trợ như các hộ khác được hỗ trợ động viên bổ sung: 2.000.000đ/hộ.

Hộ thuộc diện xoá đói giảm nghèo theo tiêu chuẩn nghèo do Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quy định, bị thu hồi đất trên 30% diện tích đất theo hạn mức giao lâu dài có xác nhận của chính quyền địa phương và cơ quan Lao động - Thương binh cấp quận, huyện, ngoài các khoản đã được hỗ trợ như các hộ khác được hỗ trợ động viên bổ sung để vượt nghèo: 5.000.000đồng/hộ.

e) Hỗ trợ bằng tiền cho hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất lâu dài của địa phương tại thời điểm năm 1994:

Các hộ gia đình cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% diện tích đất nông nghiệp trong hạn mức giao đất lâu dài của địa phương thời điểm năm 1994 nhưng địa phương không có điều kiện giao đất để các hộ sản xuất kinh doanh, giao đất ở (do quỹ đất của địa phương có hạn) thì tính hỗ trợ cho hộ gia đình khi bị thu hồi đất trên 30% diện tích đất nông nghiệp giao lâu dài với số tiền cụ thể 60.000đ/m2 đối với khu vực các quận, và 40.000đ/m2 đối với khu vực các huyện. Quy định về hỗ trợ bằng tiền được xác định cụ thể như sau:

Đối với diện tích đất nông nghiệp của hộ gia đình được giao lâu dài đã bị thu hồi và đã được bồi thường theo Quyết định số 485/QĐ-UB ngày 30/3/2005 và Quyết định số 1761/2007/QĐ-UBND ngày 19/9/2007 thì phần diện tích đó được cộng dồn để xác định tỷ lệ % mất đất; Riêng phần diện tích đất thu hồi được bồi thường theo Quyết định số 1761/2007/QĐ-UBND thì được cộng dồn để tính tiền hỗ trợ theo m2 đất đối với khoản hỗ trợ bằng tiền do không có đất sản xuất kinh doanh dịch vụ để giao nhưng phải trừ đi số tiền hỗ trợ lần trước.

Trường hợp diện tích đất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% thì tính hỗ trợ trên diện tích thực tế bị thu hồi (theo cách tính tỷ lệ % nêu trên), nhưng mức hỗ trợ tối đa không quá 90.000.000đ/hộ đối với khu vực các quận và không quá 70.000.000đ/hộ đối với khu vực các huyện.

Trường hợp diện tích đất nông nghiệp được giao lâu dài bị thu hồi dưới 30% thì không được tính hỗ trợ, diện tích thu hồi dưới 30% của lần thu hồi trước sẽ được phép tính cộng dồn để tính tỷ lệ % mất đất khi giao đất ở, đất sản xuất kinh doanh hoặc hỗ trợ bằng tiền khi dự án sau thu hồi.

Trường hợp diện tích đất nông nghiệp được giao lâu dài bị thu hồi trên 30% ở dự án trước và đã được giao đất sản xuất kinh doanh dịch vụ hoặc đất ở thì phần diện tích thu hồi lần sau không được tính hỗ trợ bằng tiền.

Trường hợp các hộ gia đình khi được giao đất sản xuất nông nhiệp lâu dài từ khi văn bản có hiệu lực năm 1994, trong quá trình sử dụng có phân chia cho các thành viên trong gia đình (hộ bố mẹ và hộ các con trong độ tuổi lao động) hoặc đã thực hiện giao dịch chuyển nhượng thì diện tích đất thu hồi được tính tỷ lệ % trên tổng số diện tích đất của chủ hộ được giao lâu dài ban đầu.

Ví dụ về các trường hợp nêu trên:

Ví dụ 1: Một hộ thuộc các quận được giao (1.000m2) ruộng để sản xuất nông nghiệp. Trường hợp là các dự án thu hồi tại các thời điểm có chính sách bồi thường hỗ trợ khác nhau:

- Nếu thu hồi lần I thời điểm áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ tại Quyết định số 485/QĐ-UB ngày 30/3/2005 là: 150m2 lần này là thời điểm Nghị định số 84/2007/NĐ-CP chưa ban hành do vậy chưa tính tiền hỗ trợ.

- Khi dự án sau (lần II) thời điểm áp dụng chính sách bồi thường hỗ trợ tại Quyết định số 1761/2007/QĐ-UBND ngày 19/9/2007 thu hồi 200m2 tổng cộng 2 dự án (2 lần) thu hồi là 350m2 đạt tỷ lệ trên 30% nhưng diện tích thu hồi chưa đạt 360m2 do vậy lần thu hồi sau đã tính hỗ trợ tính hỗ trợ: 20.000.000đ;

- Dự án lần III thu hồi số còn lại 650m2 thì lần này tính hỗ trợ là:

(850m2 x 60.000đ - 20.000.000đ) = 31.000.000đ.

Ví dụ 2: Một hộ thuộc các quận được giao 5 sào (1.800m2) ruộng để sản xuất nông nghiệp.Trường hợp là các dự án thu hồi khác nhau tại thời điểm sau khi có quy định về chính sách bồi thường hỗ trợ này:

- Nếu thu hồi 100% thì chỉ được hỗ trợ 1.500m2 x 60.000đ = 90.000.000đ, diện tích còn lại 300m2 không tính hỗ trợ.

- Nếu thu hồi lần I: 500m2 như vậy lần này chưa tính tiền hỗ trợ, khi dự án sau (lần II) thu hồi 300m2 tổng cộng 2 (2 lần) dự án thu hồi là 800m2 đạt tỷ lệ trên 30% do vậy lần thu hồi sau tính hỗ trợ: 800m2 x 60.000đ = 48.000.000đ; Dự án lần III thu hồi số còn lại 1.000m2 thì lần này cũng chỉ hỗ trợ trên 700m2 x 60.000đ = 42.000.000đ, diện tích còn lại 300m2 không tính hỗ trợ.

- Nếu hộ gia đình chia tách cho 3 người sử dụng (01hộ bố mẹ và 2 hộ các con trong độ tuổi lao động) mỗi hộ là 2 sào (720m2) thì khi thu hồi cách tính toán như một chủ hộ (Bố mẹ) được giao đất ban đầu.

(Đối với các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi trên 30% tại các huyện cách tính như ví dụ trên)

3. Hỗ trợ sản xuất và đời sống tại khu tái định cư:

Các hộ có đất ở hợp pháp bị thu hồi được giao đất tái định cư được hỗ trợ để ổn định sản xuất và đời sống như (hỗ trợ về giống cây trồng, giống vật nuôi cho vụ sản xuất nông nghiệp đầu tiên, các dịch vụ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư,kinh doanh dịch vụ...) mức hỗ trợ là 3.000.000đ/hộ.