THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1087/QĐ-TTg | Hà Nội, ngày 15 tháng 08 năm 2012 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC ASEAN VỀ CHỐNG KHỦNG BỐ
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ Luật tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Luật ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế ngày 14 tháng 6 năm 2005;
Căn cứ Quyết định số 65/2011/QĐ-CTN ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam về việc phê chuẩn Công ước ASEAN về chống khủng bố;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Công an,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai thực hiện Công ước ASEAN về chống khủng bố được ban hành kèm theo Quyết định này.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | THỦ TƯỚNG |
TRIỂN KHAI THỰC HIỆN CÔNG ƯỚC ASEAN VỀ CHỐNG KHỦNG BỐ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1087/QĐ-TTg ngày 15 tháng 8 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ)
Xác định nội dung công việc, trách nhiệm và phân công nhiệm vụ cụ thể cho các Bộ, cơ quan, địa phương trong triển khai thực hiện Công ước ASEAN về chống khủng bố (sau đây gọi tắt là Công ước) bảo đảm phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và điều kiện thực tiễn của xã hội Việt Nam và nhằm thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của nước thành viên trong đấu tranh phòng, chống tội phạm khủng bố; góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật, nâng cao hiệu quả và thúc đẩy hợp tác quốc tế trong phòng, chống khủng bố.
1. Quá trình triển khai thực hiện Kế hoạch phải đồng bộ, phù hợp với Chiến lược xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam năm 2010 định hướng đến năm 2020, Chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020 và Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội.
2. Các Bộ, cơ quan, địa phương được giao nhiệm vụ chủ trì hoặc tham gia phối hợp thực hiện phải tích cực chủ động xây dựng kế hoạch và tổ chức triển khai đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác.
3. Bảo đảm quan hệ chặt chẽ và phối hợp đồng bộ giữa các Bộ, cơ quan, địa phương, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc phát sinh trong quá trình thực hiện kế hoạch.
4. Việc tuyên truyền, phổ biến, hướng dẫn thực hiện Công ước và pháp luật về phòng, chống khủng bố phải được tiến hành thường xuyên, liên tục.
I. TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN CÔNG ƯỚC VÀ PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG KHỦNG BỐ
1. Nội dung
a) Tuyên truyền, phổ biến Công ước và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống khủng bố nhằm thống nhất nhận thức và nâng cao trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ, chiến sĩ được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống khủng bố trong Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, các Bộ, cơ quan, địa phương có liên quan và toàn thể nhân dân.
b) Xây dựng Đề án tuyên truyền, phổ biến cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về những nội dung cơ bản của Công ước và pháp luật về phòng, chống khủng bố. Trong Đề án phải thể hiện rõ mục tiêu, nội dung, hình thức, phương thức tuyên truyền, phổ biến; làm rõ trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc tuyên truyền.
c) Biên soạn, in, cấp phát tài liệu, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Công ước và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống khủng bố cho lực lượng chuyên trách phòng, chống khủng bố trong Công an nhân dân và Quân đội nhân dân.
2. Phân công
a) Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các Bộ, cơ quan liên quan chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị tổ chức biên soạn, in ấn tài liệu, quán triệt, tổ chức tập huấn chuyên sâu về Công ước và các văn bản quy phạm pháp luật cho các lực lượng được giao nhiệm vụ đấu tranh phòng, chống khủng bố.
b) Đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao tổ chức quán triệt những nội dung của Công ước và các văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống khủng bố cho lãnh đạo và cán bộ thuộc ngành tòa án và kiểm sát; phối hợp với Bộ Công an trong việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, hướng dẫn thi hành các điều luật quy định các tội về khủng bố.
c) Các Bộ: Tư pháp, Quốc phòng, Ngoại giao, Nội vụ, Thông tin và Truyền thông; các cơ quan: Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, các cơ quan thông tấn báo chí, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương là cơ quan phối hợp.
3. Thời gian thực hiện: Từ năm 2012 đến năm 2015.
II. RÀ SOÁT, HỆ THỐNG HÓA CÁC VĂN BẢN QUY PHẠM PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG KHỦNG BỐ
1. Nội dung
a) Rà soát, hệ thống hóa các văn bản quy phạm pháp luật trong nước
Các Bộ, cơ quan căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình tổ chức rà soát văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến phòng, chống khủng bố; đối chiếu, so sánh với các quy định của Công ước, đề xuất văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ gửi về Bộ Công an tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
b) Rà soát các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố quy định tại Điều 2 Công ước
- Nghiên cứu cụ thể từng điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố của Liên hợp quốc được quy định tại Điều 2 của Công ước, trước hết tập trung vào 07 điều ước mà Việt Nam đã phê chuẩn và gia nhập từ đó đề xuất và đưa ra lộ trình thực hiện hoặc gia nhập;
- Đối chiếu, so sánh các quy định tại các điều ước này với quy định hiện hành của pháp luật Việt Nam, từ đó đề xuất văn bản cần sửa đổi, bổ sung, thay thế hoặc bãi bỏ gửi Bộ Công an tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ nhằm góp phần hoàn thiện quy định pháp luật về phòng, chống khủng bố.
2. Phân công
a) Cơ quan chủ trì: Bộ Công an
- Đề xuất việc phân công các Bộ, ngành nghiên cứu các điều ước quốc tế của Liên hợp quốc về phòng, chống khủng bố được quy định trong Công ước;
- Tập hợp các nghiên cứu và đưa ra đề xuất tổng thể.
b) Cơ quan phối hợp: Các Bộ, ngành, cơ quan có liên quan.
3. Thời gian hoàn thành: 2013 - 2014.
III. HỢP TÁC QUỐC TẾ VỀ PHÒNG, CHỐNG KHỦNG BỐ
1. Nội dung
- Đẩy mạnh nghiên cứu khả năng gia nhập các điều ước quốc tế có liên quan đến phòng, chống khủng bố của Liên hợp quốc mà Việt Nam chưa là thành viên; tăng cường ký kết các điều ước quốc tế đa phương, thỏa thuận quốc tế song phương về phòng, chống khủng bố; tương trợ tư pháp; dẫn độ;
- Xây dựng và triển khai các biện pháp phòng, chống khủng bố, tăng cường chia sẻ thông tin, kinh nghiệm và tranh thủ sự hỗ trợ về đào tạo, kỹ thuật, ứng dụng công nghệ cao trong phòng, chống khủng bố với các nước thành viên ASEAN, các cơ quan, tổ chức quốc tế; nâng cao năng lực và tính sẵn sàng ứng phó khủng bố hóa học, sinh học, hạt nhân, khủng bố mạng và các hình thức khủng bố mới;
- Triển khai, thực hiện các hoạt động hợp tác theo quy định của Công ước, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, phối hợp xử lý các vụ việc liên quan đến khủng bố, trao đổi thông tin về phòng, chống khủng bố, tương trợ tư pháp, dẫn độ;
- Tổ chức các Đoàn ra nước ngoài nhằm tham khảo mô hình, thực tiễn nội luật hóa các quy định của Công ước và các điều ước quốc tế về phòng, chống khủng bố của Liên hợp quốc có liên quan; nghiên cứu kinh nghiệm, trao đổi thông tin, tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ phòng, chống khủng bố;
- Tích cực tham gia các diễn đàn, hội nghị, hội thảo quốc tế nhằm trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm với các quốc gia thành viên ASEAN về lĩnh vực phòng, chống khủng bố.
2. Phân công
a) Bộ Công an là cơ quan đầu mối của Việt Nam trong trao đổi thông tin, quan hệ công tác, làm việc với cơ quan tổ chức nước ngoài theo khuôn khổ hợp tác của Công ước.
b) Các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ, cơ quan liên quan là cơ quan phối hợp.
IV. XÂY DỰNG CƠ CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC BỘ, CƠ QUAN, ĐỊA PHƯƠNG TRONG HÀNH ĐỘNG PHÒNG, CHỐNG KHỦNG BỐ
1. Nội dung
Xây dựng các văn bản, quy chế phối hợp giữa các Bộ, cơ quan, địa phương, đơn vị có liên quan để triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch này.
2. Phân công
a) Cơ quan chủ trì: Bộ Công an.
b) Cơ quan phối hợp, gồm các Bộ: Quốc phòng, Tài chính, Ngoại giao, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Giao thông vận tải; các cơ quan: Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao và các Bộ, cơ quan, địa phương liên quan.
3. Thời gian thực hiện: 2013 - 2014.
Kinh phí thực hiện Kế hoạch này do ngân sách nhà nước bảo đảm theo quy định của Luật ngân sách.
Hàng năm, các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, chủ động lập dự toán ngân sách, bảo đảm kinh phí làm việc của Bộ, cơ quan mình, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Riêng năm 2012, các Bộ, cơ quan ngang Bộ và các địa phương chủ động bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách nhà nước đã được giao năm 2012 để triển khai thực hiện nhiệm vụ.
1. Các cơ quan được phân công chủ trì có trách nhiệm hoàn thành các nội dung công việc được giao, bảo đảm tiến độ, chất lượng, hiệu quả; các cơ quan phối hợp có trách nhiệm cùng với cơ quan chủ trì thực hiện các nội dung, nhiệm vụ cụ thể được phân công.
2. Bộ Công an chịu trách nhiệm hướng dẫn, theo dõi, kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện; định kỳ báo cáo kết quả thực hiện lên Thủ tướng Chính phủ./.
- 1 Công văn 2654/CHHVN-VT&DVHH năm 2013 triển khai Quyết định 2382/QĐ-BGTVT phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước MLC 2006 do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành
- 2 Luật phòng, chống khủng bố năm 2013
- 3 Quyết định 32/2006/QĐ-BQP áp dụng tạm thời chế độ chính sách đối với lực lượng chống khủng bố chuyên trách thuộc Bộ Quốc phòng
- 4 Luật Ký kết, gia nhập và thực hiện điều ước quốc tế 2005
- 5 Luật Tổ chức Chính phủ 2001
- 1 Luật phòng, chống khủng bố năm 2013
- 2 Công văn 2654/CHHVN-VT&DVHH năm 2013 triển khai Quyết định 2382/QĐ-BGTVT phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước MLC 2006 do Cục Hàng hải Việt Nam ban hành
- 3 Quyết định 32/2006/QĐ-BQP áp dụng tạm thời chế độ chính sách đối với lực lượng chống khủng bố chuyên trách thuộc Bộ Quốc phòng