Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 109/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 16 tháng 8 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 109/2002/QĐ-TTG NGÀY 16 THÁNG 8 NĂM 2002 VỀ VIỆC THÀNH LẬP BAN CHỈ ĐẠO CỦA CHÍNH PHỦ VỀ PHÂN GIỚI, CẮM MỐC BIÊN GIỚI TRÊN ĐẤT LIỀN VIỆT NAM - TRUNG QUỐC

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Để thực hiện Nghị quyết của Quốc hội ngày 09 tháng 6 năm 2000 về việc phê chuẩn Hiệp ước biên giới trên đất liền giữa nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và nước Cộng hoà nhân dân Trung Hoa;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Bộ trưởng Bộ Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Thành lập Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phân giới, cắm mốc biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc (dưới đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc), gồm các đồng chí sau đây :

Trưởng ban: Đồng chí Vũ Khoan, Phó Thủ tướng Chính phủ.

Uỷ viên thường trực: Đồng chí Lê Công Phụng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao, Trưởng Ban Biên giới Bộ Ngoại giao.

Các ủy viên:

- 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Quốc phòng;

- 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

- 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài chính;

- 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Công an;

- 1 đồng chí Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ;

- 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

- 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Xây dựng;

- 1 đồng chí Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường;

- 1 đồng chí Tư lệnh Bộ đội Biên phòng;

- Các tỉnh Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh : mỗi tỉnh 01 đồng chí Phó Chủ tịch ủy ban nhân dân tỉnh.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan và Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh có tên nêu trên báo cáo tên của người được cử tham gia Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc với Trưởng Ban Chỉ đạo trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày Quyết định này có hiệu lực.

Điều 2. Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc có nhiệm vụ và quyền hạn sau :

1. Chỉ đạo việc thực hiện Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc, giải quyết những vấn đề còn tồn tại trong Hiệp ước biên giới trên đất liền Việt Nam - Trung Quốc và những vấn đề nảy sinh trong quá trình phân giới, cắm mốc, đề xuất với cơ quan có thẩm quyền của Đảng và Nhà nước chủ trương, biện pháp xử lý thích hợp;

2. Chỉ đạo và giải quyết các vấn đề liên ngành và các nội dung quan trọng trong việc phân giới, cắm mốc, phối hợp giữa việc bảo vệ chủ quyền biên giới, bảo đảm an ninh quốc phòng, quản lý chặt chẽ biên giới kết hợp với việc phát triển kinh tế - xã hội vùng biên giới;

3. Chỉ đạo việc xây dựng và thực hiện kế hoạch tổng thể phân giới, cắm mốc trên tuyến biên giới đất liền Việt - Trung nhằm chuyển chính xác đường biên giới từ Hiệp ước ra thực địa;

4. Chỉ đạo đàm phán song phương hoàn chỉnh các văn bản pháp lý, kỹ thuật, hướng dẫn các Bộ, ngành, địa phương thực hiện đầy đủ các nội dung, trong giai đoạn chuẩn bị phân giới, cắm mốc;

5. Chỉ đạo, xử lý và kiểm tra, các Bộ, ngành, địa phương thực hiện các nhiệm vụ phân giới, cắm mốc được Thủ tướng Chính phủ giao; tổ chức hợp đồng giữa các Bộ, ngành, địa phương giải quyết các vấn đề phát sinh của các Bộ, ngành, địa phương trong tổ chức triển khai phân giới, cắm mốc;

6. Chỉ đạo soạn thảo Nghị định thư và ký Nghị định thư biên giới đất liền Việt Nam - Trung Quốc; xuất bản Nghị định thư và bản đồ kèm theo Nghị định thư; xây dựng cơ sở dữ liệu phục vụ công tác quản lý biên giới; chỉ đạo các địa phương giải quyết các vấn đề liên quan đến bàn giao, điều chỉnh đất đai theo đường biên giới đã được phân giới, cắm mốc;

7. Tổ chức lực lượng phân giới, cắm mốc bao gồm cán bộ, chiến sĩ thuộc các Bộ, ngành và địa phương hữu quan có ý thức kỷ luật cao, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt, đủ mạnh để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

8. Yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương báo cáo tình hình và kết quả thực hiện nhiệm vụ phân giới, cắm mốc, cung cấp những thông tin có liên quan đến những vấn đề phức tạp phát sinh trong quá trình phân giới, cắm mốc; báo cáo công tác định kỳ tháng, qúy, năm và những vấn đề đột xuất, quan trọng vượt quá thẩm quyền của Ban Chỉ đạo lên Ban Bí thư Trung ương Đảng và Thủ tướng Chính phủ.

Điều 3. Ban Biên giới - Bộ Ngoại giao là cơ quan thường trực của Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phân giới, cắm mốc.

Điều 4. Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phân giới, cắm mốc được sử dụng con dấu của Chính phủ và của Bộ Ngoại giao, có kinh phí riêng. Trưởng Ban Chỉ đạo ban hành quy chế hoạt động và sử dụng kinh phí của Ban.

Điều 5. Trưởng Ban Chỉ đạo của Chính phủ về phân giới, cắm mốc hướng dẫn việc thành lập và chỉ đạo hoạt động của Ban Chỉ đạo phân giới, cắm mốc ở địa phương và các Bộ, ngành hữu quan.

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch ủy ban nhân dân các tỉnh : Lai Châu, Lào Cai, Hà Giang, Cao Bằng, Lạng Sơn và Quảng Ninh chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Văn Khải

(Đã ký)