Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH VĨNH LONG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1098/QĐ-UBND

Vĩnh Long, ngày 07 tháng 5 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CHỨNG THƯ SỐ CHUYÊN DÙNG TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2020-2025

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH VĨNH LONG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương, ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Công nghệ thông tin, ngày 29/6/2006;

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử, ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP , ngày 10/4/2007 của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 130/2018/NĐ-CP , ngày 27/09/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số chuyên dùng và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng;

Căn cứ Chỉ thị số 02/CT-TTg , ngày 23/01/2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong hoạt động của cơ quan nhà nước các cấp;

Căn cứ Thông tư số 185/2019/TT-BQP , ngày 04/12/2019 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng về việc hướng dân việc cung cấp, quản lỷ, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 28/TTr-STTTT, ngày 22/4/2020.

QUYÊT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch triển khai ứng dụng chứng thư số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2020-2025.

(Kèm theo Kế hoạch số 39/KH-STTTT, ngày 22/4/2020 của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông)

Điều 2. Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Kế hoạch này.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Tài chính, Giám đốc Sở Nội vụ và Thủ trưởng các sở, ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Thị Quyên Thanh

 

UBND TỈNH VĨNH LONG
SỞ THÔNG TIN VÀ
TRUYỀN THÔNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 39/KH-STTTT

Vĩnh Long, ngày 22 tháng 4 năm 2020

 

KẾ HOẠCH

TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CHỨNG THƯ SỐ CHUYÊN DÙNG TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH VĨNH LONG GIAI ĐOẠN 2020-2025

I. CĂN CỨ LẬP KẾ HOẠCH

Căn cứ Luật Giao dịch điện tử số 51/2005/QH11 ngày 29/11/2005;

Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/4/2007 của Chính phủ về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước;

Căn cứ Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27/09/2018 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật giao dịch điện tử về chữ ký số chuyên dùng và dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng;

Căn cứ Thông tư số 185/2019/TT-BQP ngày 4/12/2019 của Bộ Quốc phòng về việc hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng chính phủ,

II. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ ĐÃ THỰC HIỆN

1. Việc triển khai chữ ký số chuyên dùng

Việc triển khai chữ ký số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước (CQNN) được bắt đầu từ năm 2012. Đến cuối tháng 2/2020, toàn tỉnh đã cấp 1.441 chứng thư số chuyên dùng cho hơn 250 đơn vị gồm: 18 Sở, ban, ngành; 37 đơn vị trực thuộc Sở, ban, ngành; 8 UBND huyện, thị xã, thành phố; 78 phòng, ban và 109 xã, phường thị trấn trực thuộc của các huyện, thị xã, thành phố.

Các đơn vị đã tích cực triển khai sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong giao dịch điện tử, kết quả triển khai đã có tác động rất tích cực trong việc rút ngắn thời gian giao dịch. Các giao dịch điện tử nhanh chóng, thuận lợi, an toàn góp phần đơn giản hóa thủ tục hành chính hỗ trợ hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo và nâng cao hiệu quả trong quá trình cải cách thủ tục hành chính, giảm văn bản giấy tờ.

2. Việc triển khai phần mềm quản lý văn bản và điều hành, ứng dụng văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số

Hệ thống Quản lý văn bản và điều hành của tỉnh đã được triển khai cho tất cả các CQNN cấp tỉnh, UBND cấp huyện, UBND cấp xã, hệ thống đáp ứng nhu cầu trao đổi văn bản điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn.

Ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong gửi nhận văn bản điện tử của các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh đã được triển khai thực hiện từ cấp tỉnh đến cấp xã. Tỷ lệ sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện, cấp xã được cấp chữ ký số chuyên dùng đạt 100%. Tỷ lệ sở, ban, ngành cấp tỉnh, UBND cấp huyện ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong gửi nhận văn bản điện tử là 100%. Tỷ lệ UBND cấp xã ứng dụng chữ ký số trong gửi nhận văn bản điện tử đạt trung bình 70%.

3. Ứng dụng chữ ký số trong khai báo thuế, giao dịch với Kho bạc Nhà nước

Đến cuối tháng 2/2020, toàn tỉnh có 1.441 chứng thư số chuyên dùng trong đó đã có 320 chứng thư số chuyên dùng được sử dụng cho mục đích khai báo thuế điện tử, bảo hiểm xã hội điện tử và giao dịch với Kho bạc Nhà nước.

Việc triển khai, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ đã góp phần quan trọng đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử. Tạo ra môi trường làm việc hiện đại, tiết kiệm thời gian và chi phí. Nâng cao hiệu quả công việc, tăng tính công khai, minh bạch trong quản lý, điều hành. Góp phần tích cực trong việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, cải cách hành chính và phát triển Chính phủ điện tử.

Đối việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong khai báo thuế giúp thực hiện thủ tục nộp thuế đơn giản, nhanh chóng, thuận tiện; đơn giản thủ tục giấy tờ khi thực hiện nghĩa vụ thuế. Người nộp thuế có thể truy cập Cổng thông tin điện tử của Cơ quan thuế để xem, giám sát quản lý giao dịch nộp thuế, theo dõi tình hình thực hiện nộp ngân sách nhà nước qua tài khoản.

Đối việc ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong giao dịch với Kho bạc nhà nước là tạo sự công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính, hướng tới tăng độ hài lòng, thuận lợi và giảm thời gian, chi phí đi lại, giảm chi phí hoạt động của các đơn vị sử dụng ngân sách. Theo đó, các đơn vị sử dụng ngân sách có thể thực hiện gửi hồ sơ và nhận kết quả với kho bạc ngay tại đơn vị.

4. Đánh giá thuận lợi và hạn chế, khó khăn

4.1 Thuận lợi

Các văn bản tạo môi trường pháp lý cho ứng dụng chữ ký số chuyên dùng ngày càng hoàn thiện như: Luật công nghệ thông tin ngày 29 tháng 6 năm 2006; Luật phí và lệ phí ngày 25 tháng 11 năm 2015; Nghị định số 130/2018/NĐ-CP ngày 27 tháng 9 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Giao dịch điện tử về chữ ký số và dịch vụ chứng thực chữ ký số; Thông tư 185/2019/TT-BQP ngày 04/12/2019 của Bộ Quốc phòng hướng dẫn việc cung cấp, quản lý, sử dụng dịch vụ chứng thực chữ ký số chuyên dùng Chính phủ; Quyết định số 2341/QĐ- BTC của Bộ Tài chính về việc ban hành lộ trình triển khai sử dụng chữ ký số công cộng trong thủ tục hải quan điện tử.

Lĩnh vực ứng dụng chữ ký ngày càng mở rộng (ký số khai báo thuế, BHXH, dịch vụ công,...). Ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong giao dịch điện tử đảm bảo tính bảo mật, tính toàn vẹn, tính chống từ chối, chống chối bỏ của các dữ liệu đã ký, giao dịch trên môi trường mạng.

Ứng dụng chữ ký số chuyên dùng góp phần tiết kiệm chi phí sử dụng dịch vụ ký số cho các cơ quan đơn vị do không phát sinh chi phí đăng ký sử dụng chứng thư số công cộng trong giao dịch điện tử.

Được sự quan tâm của Lãnh đạo tỉnh, sở, ngành và UBND các cấp, Lãnh đạo thấy vai trò quan trọng của ứng dụng chữ ký số chuyên dùng góp phần tạo thuận lợi chung.

4.2 Khó khăn

Trong thời gian qua, bên cạnh những kết quả đạt được, hoạt động cung cấp, quản lý, sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ trong cơ quan nhà nước các cấp vẫn còn những bất cập, hạn chế như: hiệu quả công tác triển khai sử dụng ở một số đơn vị chưa cao, có nơi còn mang tính hình thức; việc áp dụng chữ ký số trên các thiết bị di động thông minh chưa được triển khai rộng rãi; công tác kiểm tra đánh giá tại các cơ quan nhà nước chưa tiến hành thường xuyên.

Ứng dụng hiệu quả chữ ký số trong các phần mềm nghiệp vụ còn nhiều hạn chế do các ứng dụng nghiệp vụ chuyên ngành phần lớn chưa hỗ trợ ký số.

III. KẾ HOẠCH TRIỂN KHAI ỨNG DỤNG CHỮ KÝ SỐ CHUYÊN DÙNG TRONG CƠ QUAN NHÀ NƯỚC TỈNH GIAI ĐOẠN 2020 -2025

1. Mục đích, yêu cầu

Tăng cường sử dụng chữ ký số chuyên dùng Chính phủ như một công cụ quan trọng để đảm bảo an toàn các giao dịch điện tử và đảm bảo giá trị pháp lý của văn bản điện tử, góp phần nâng cao năng lực quản lý, điều hành, phục vụ tốt hơn nhu cầu của người dân và doanh nghiệp.

Mở rộng phạm vi ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các dịch vụ công mức độ 3, mức độ 4 của cơ quan nhà nước, các giao dịch điện tử và phần mềm nghiệp vụ khác.

Tăng cường ứng dụng chữ ký số chuyên dùng đa nền tảng, mở rộng ứng dụng chữ ký số chuyên dùng từ các nền tảng điện tử truyền thống sang nền tảng di động (mobile) tạo điều kiện thuận lợi cho người sử dụng.

2. Nội dung thực hiện

2.1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức

Nội dung: Tuyên truyền nâng cao nhận thức về ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong các giao dịch điện tử như khai báo thuế, bảo hiểm xã hội, giao dịch điện tử với kho bạc nhà nước.

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

Đơn vị phối hợp: Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2.2. Rà soát việc triển khai thực hiện chữ ký số trong cơ quan hành chính nhà nước

Nội dung: Đăng ký, cấp, chuyển giao chữ ký số chuyên dùng cho các đối tượng sử dụng, gồm: Chữ ký số cá nhân (lãnh đạo cơ quan) và chữ ký số dành cho cơ quan, tổ chức là các cơ quan nhà nước. Đính kèm phục lục 01 nhu cầu cấp phát chữ ký số chuyên dùng giai đoạn 2021-2025.

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

Đơn vị phối hợp: Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2.3. Tiếp tục triển khai chữ ký số chuyên dùng trên các phần mềm nghiệp vụ và các giao dịch điện tử

Nội dung: Tiếp tục triển khai thực hiện ký số chuyên dùng, xác thực điện tử trên các hệ thống phần mềm dùng chung như: quản lý văn bản và điều hành, thư điện tử, dịch vụ công trực tuyến,... nhằm đảm bảo an toàn thông tin.

Tiếp tục triển khai chữ ký số chuyên dùng trong các giao dịch điện tử như khai báo thuế, bảo hiểm xã hội, giao dịch điện tử với Kho bạc Nhà nước.

Đơn vị thực hiện: Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2.4. Triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến tích hợp phần mềm một cửa điện tử

Nội dung: Triển khai chữ ký số chuyên dùng trên hệ thống dịch vụ công trực tuyến tích hợp phần mềm một cửa điện tử.

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

Đơn vị phối hợp: Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian thực hiện: Năm 2021.

2.5. Đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng chữ ký số chuyên dùng

Nội dung: Tiếp tục đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn sử dụng chữ ký số chuyên dùng cho cán bộ, công chức tại các cơ quan thuộc hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh nhằm mục tiêu quản lý, khai thác và sử dụng có hiệu quả chữ ký số chuyên dùng.

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

Đơn vị phối hợp: Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian thực hiện: Hằng năm.

2.6. Đảm bảo hạ tầng kỹ thuật, ứng dụng phục vụ triển khai chữ ký số chuyên dùng

Nội dung: Đảm bảo hạ tầng công nghệ thông tin hệ thống mạng, đường truyền tốc độ cao kết nối mạng truyền số liệu hoặc mạng Internet hoạt động ổn định; Đảm bảo 100% cán bộ, công chức trên địa bàn tỉnh sử dụng hộp thư điện tử công vụ để trao đổi công việc; tất cả các cơ quan hành chính nhà nước cấp tỉnh, huyện, xã được triển khai sử dụng phần mềm quản lý văn thư và hồ sơ công việc.

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

Đơn vị phối hợp: Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2.7. Tham mưu xây dựng cơ chế chính sách phục vụ triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng

Nội dung: Tham mưu ban hành văn bản, hướng dẫn sử dụng chữ ký số chuyên dùng, thường xuyên rà soát các văn bản liên quan đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ.

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

Đơn vị phối hợp: Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian thực hiện: Thường xuyên.

2.8. Kiểm tra đánh giá hiệu quả ứng dụng chữ ký số chuyên dùng

Nội dung: thường xuyên tổ chức kiểm tra, đánh giá hiệu quả ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong giao dịch điện tử như: tiết kiệm thời gian xử lý, đảm bảo an toàn giao dịch,...

Đơn vị chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông

Đơn vị phối hợp: Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố.

Thời gian thực hiện: Hằng năm.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Thông tin và Truyền thông

Làm đầu mối tiếp nhận, phối hợp với Cục Chứng thực số và Bảo mật thông tin - Ban Cơ yếu Chính phủ về việc triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng. Thực hiện quản lý thuê bao chứng thư số trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long theo chỉ đạo tại Quyết định số 800/QĐ-UBND ngày 30/3/2020 của Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long.

Chủ trì, phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành, Đoàn thể chính trị tỉnh; UBND cấp huyện, thị xã, thành phố rà soát việc triển khai thực hiện chứng thư số trong cơ quan hành chính nhà nước;

Đánh giá hiệu quả sử dụng, đảm bảo tất cả cơ quan hành chính nước được cấp chứng thư số cơ quan.

Phối hợp các đơn vị rà soát hạ tầng thiết bị công nghệ thông tin tại các cơ quan nhà đảm bảo đáp ứng yêu cầu triển khai văn bản điện tử có sử dụng chữ ký số chuyên dùng.

Định hướng cho các cơ quan thông tấn báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền về vai trò quan trọng của việc sử dụng chữ ký số chuyên dùng trong giao dịch điện tử.

Phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức triển khai ứng dụng chữ ký số chuyên dùng vào phần mềm một cửa điện tử, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm Quản lý văn bản và điều hành, hệ thống thư điện tử của tỉnh,...

2. Văn phòng Uỷ Ban Nhân dân tỉnh

Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Nội vụ tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

3. Sở Nội vụ

Phối hợp với Văn phòng UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo thúc đẩy ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong giao dịch điện tử trong các cơ quan nhà nước trên địa bàn tỉnh.

4. Sở Tài chính

Căn cứ vào kế hoạch được cấp thẩm quyền phê duyệt, tham mưu bố trí kinh phí cho đơn vị thực hiện ứng dụng chữ ký số chuyên dùng.

5. Các Sở, ban, ngành; UBND các huyện, thị xã, thành phố

Tổ chức triển khai thực hiện ứng dụng chữ ký số chuyên dùng trong giao dịch điện tử theo Kế hoạch này. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông có kế hoạch định kỳ tổ chức đánh giá tình hình sử dụng chữ ký số chuyên dùng.

Trên đây là Kế hoạch Triển khai ứng dụng chứng thư số chuyên dùng trong cơ quan nhà nước tỉnh Vĩnh Long giai đoạn 2020-2025./.

 

 

GIÁM ĐỐC




Đoàn Hồng Hạnh

 

PHỤ LỤC 01

NHU CẦU CẤP PHÁT, THU HỒI CHỨNG THƯ SỐ CHUYÊN DÙNG GIAI ĐOẠN 2020-2025

TT

Nội dung

2020

2021

2022

2023

2024

2025

I

Cấp mới chứng thư số

 

 

 

 

 

 

1

Tổ chức

50

50

50

50

50

50

2

Cá nhân

200

200

150

150

200

200

3

Sim-PKI

150

150

150

100

100

100

Tổng

400

400

350

300

350

350

II

Thu hồi chứng thư số

 

 

 

 

 

 

1

Tổ chức

70

70

70

70

70

70

2

Cá nhân

150

150

150

150

150

150

Tổng

220

220

220

220

220

220