Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TRÀ VINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1099/QĐ-UBND

Trà Vinh, ngày 14 tháng 06 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TĂNG TRƯỞNG XANH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TRÀ VINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

n cứ Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;

Căn cứ Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020;

Căn cứ Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 03/06/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh về việc ban hành Chương trình hành động thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động triển khai thực hiện tăng trưởng xanh giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn, kiểm tra các Sở Ban ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố triển khai thực hiện Kế hoạch này. Định kỳ tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh kết quả thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các Sở Ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- TT. TU, TT. HĐND tỉnh;
- Như Điều 3;
- LĐVP, các Phòng;
- Lưu: VT, PNN.76b

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Dũng

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TĂNG TRƯỞNG XANH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1099/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

Thực hiện Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012 và Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2014 - 2020, trên cơ sở Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 03/06/2013, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Kế hoạch hành động triển khai thực hiện tăng trưởng xanh giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh với các nội dung sau:

I. MỤC TIÊU, YÊU CẦU

1. Mục tiêu

- Cụ thể hóa mục tiêu, định hướng, những giải pháp thực hiện Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ; tạo sự đồng thuận trong nhận thức và hành động của các cấp chính quyền, đoàn thể và nhân dân trong xây dựng tỉnh Trà Vinh theo hướng xanh, sạch, đẹp, văn minh, hiện đại và thân thiện với môi trường góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

- Triển khai các nhiệm vụ trọng tâm về tăng trưởng xanh gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh; lồng ghép nội dung tăng trưởng xanh vào quy hoạch phát triển ngành, lĩnh vực, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hàng năm và 5 năm của tỉnh, bảo đảm phát triển bền vững, hài hòa giữa các lĩnh vực kinh tế, xã hội, bảo vệ tài nguyên và môi trường.

- Triển khai các dự án thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 của tỉnh; gắn phát triển kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội và bảo vệ môi trường, nâng cao ứng dụng các công nghệ tiên tiến vào sản xuất, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên.

2. Yêu cầu

- Tổ chức thực hiện Chiến lược và Kế hoạch quốc gia về tăng trưởng xanh theo Quyết định số 1393/QĐ-TTg ngày 25/9/2012, Quyết định số 403/QĐ-TTg ngày 20/3/2014 của Thủ tướng Chính phủ phù hợp với điều kiện thực tế của tỉnh.

- Nâng cao nhận thức của cộng đồng về tăng trưởng xanh; rà soát, lồng ghép các nội dung về tăng trưởng xanh vào kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, hình thành mô hình tăng trưởng kinh tế theo chiều sâu, gắn với mục tiêu xanh hóa sản xuất, xanh hóa lối sống.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền nâng cao nhận thức và huy động sự tham gia của cộng đồng vào thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và nhân dân về vai trò, ý nghĩa của tăng trưởng xanh, xây dựng lối sống thân thiện với môi trường, sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, ưu tiên sử dụng các nguồn nguyên liệu có thể tái chế, giảm cường độ phát thải khí nhà kính, góp phần ứng phó với biến đổi khí hậu.

- Triển khai xây dựng kế hoạch cụ thể thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh tại các cơ quan đơn vị trên địa bàn tỉnh gắn với trách nhiệm của ngành; đồng thời lồng ghép các nội dung phát triển theo hướng "xanh hóa", phát triển bền vững trong các Quy hoạch, Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội ngành, lĩnh vực.

2. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh

2.1. Tổ chức điều phối triển khai

- Thành lập Tổ triển khai Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

- Xây dựng và ban hành quy chế hoạt động và Kế hoạch hoạt động 5 năm và hàng năm.

- Tổ chức điều phối hoạt động và lập báo cáo định kỳ hàng năm và 5 năm gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư theo quy định.

2.2. Hoàn thiện khung cơ chế thúc đẩy quá trình tái cơ cấu kinh tế phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

- Rà soát các quy định về pháp lý, các chương trình, chiến lược quốc gia triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh cho phù hợp với định hướng tăng trưởng xanh và đề xuất lộ trình để thực hiện.

- Xây dựng khung theo dõi, đánh giá, báo cáo thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh của tỉnh.

3. Thực hiện giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo.

3.1. Sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất và sinh hoạt

- Tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức đến người dân, các doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị ý thức sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, bảo vệ môi trường.

- Triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016-2020. Xây dựng và triển khai nhân rộng các mô hình sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong các tòa nhà, cơ quan, trường học, doanh nghiệp, đèn chiếu sáng công cộng,... Vận động, khuyến khích các doanh nghiệp cải tiến, đổi mới sử dụng các thiết bị, công nghệ ít hao hụt, tiêu tốn nhiều điện năng, nguyên nhiên vật liệu, áp dụng sản xuất sạch hơn trong sản xuất công nghiệp.

- Triển khai có hiệu quả Quyết định số 13309/QĐ-BCT ngày 04/12/2015 của Bộ Công Thương về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển điện gió tỉnh Trà Vinh giai đoạn đến năm 2020, có xét đến năm 2030, phối hợp, đôn đốc hoàn thành các dự án Nhà máy điện gió trong giai đoạn đến năm 2020; tiếp tục xúc tiến kêu gọi đầu tư phát triển các nhà máy điện gió theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tranh thủ các nguồn vốn để phát triển điện năng lượng mặt trời tại các xã cù lao chưa có điện lưới Quốc gia.

- Cải thiện và phát triển hạ tầng năng lượng theo hướng bền vững: Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 2, Duyên Hải 3 mở rộng; Dự án trạm 110kV Long Đức và đường dây đấu nối; công trình Trạm 110kV Cầu Ngang và đường dây đấu nối; Dự án đường dây và trạm trên địa bàn huyện Cầu Kè - Trà Cú - Duyên Hải; Đầu tư lưới điện qua Cồn Bần Chát thuộc ấp An Lộc, xã Hòa Tân, huyện Cầu Kè và Cồn Phụng xã Long Hòa, huyện Châu Thành; Dự án cấp điện nông thôn từ lưới điện quốc gia giai đoạn 2016-2020; dự án hỗ trợ khắc phục hộ câu nối đuôi không an toàn thuộc hộ nghèo, cận nghèo trên địa bàn tỉnh.

3.2. Sử dụng năng lượng tiết kiệm hiệu quả trong lĩnh vực giao thông vận tải

- Đầu tư cải tạo, nâng cấp các hệ thống, mạng lưới giao thông của tỉnh đa dạng đáp ứng nhu cầu vận tải, tiết kiệm nhiên liệu, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu và đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; thực hiện các đề án về kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải, kiểm soát khí thải xe ô tô, mô tô; áp dụng các biện pháp giảm thiểu tác động đến môi trường của các dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông; đẩy nhanh tiến độ triển khai các công trình giao thông trọng điểm, kết nối các địa phương đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, thúc đẩy phát triển của tỉnh.

- Khuyến khích, vận động các phương tiện tham gia giao thông sử dụng các nguồn năng lượng, nhiên liệu sạch, tái chế, giảm ô nhiễm môi trường.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư phát triển các loại hình giao thông công cộng sạch, sử dụng dịch vụ giao thông công cộng với chất lượng tốt. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới và yêu cầu thay thế các phương tiện đã hết niên hạn sử dụng, mở thêm các tuyến xe buýt mới trên địa bàn tỉnh và kết nối với các tỉnh lân cận phù hợp với quy hoạch, quan tâm phát triển các tuyến xe buýt phục vụ người dân vùng sâu, vùng xa đi lại thuận tiện.

3.3. Đổi mới kỹ thuật canh tác trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản

- Triển khai thực hiện Nghị quyết số 08-NQ/TU ngày 23/01/2017 của Tỉnh ủy về phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh Trà Vinh giai đoạn 2016 - 2025 và định hướng đến năm 2030. Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng công nghệ sinh học, tạo giống, các loại hình dịch vụ kỹ thuật, chú trọng dịch vụ giống nông nghiệp nhằm nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp theo hướng chất lượng cao và bền vững, giảm phát thải khí nhà kính, cải thiện môi trường, góp phần ứng phó biến đổi khí hậu.

- Sản xuất nông nghiệp theo quy trình an toàn, áp dụng các kỹ thuật canh tác tiên tiến, thân thiện với môi trường; ứng dụng các giống lúa ngắn ngày năng suất cao để giảm phát thải khí nhà kính, tưới tiêu tiết kiệm nước trong sản xuất lúa và các cây trồng khác, sử dụng phân ủ hữu cơ (compost) trong sản xuất. Tuyên truyền và hướng dẫn nông dân sử dụng giống, phân hóa học, thuốc trừ sâu, thức ăn gia súc hợp lý nhằm nâng cao tính cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, bảo vệ môi trường, hạn chế tối thiểu sự ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp đến sức khỏe con người; đẩy mạnh công tác thanh tra kiểm tra việc sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú y, phân bón và thức ăn chăn nuôi

- Hỗ trợ các dự án xử lý, tái sử dụng phụ phẩm, phế phẩm nông nghiệp tạo ra thức ăn chăn nuôi, trồng nấm, làm nguyên liệu công nghiệp, biogas, phân bón hữu cơ nhằm nâng cao giá trị sản xuất, giảm phát thải ô nhiễm. Phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, xử lý triệt để chất thải, chủ động kiểm soát, khống chế dịch bệnh; phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng tập trung và an toàn sinh học.

- Khuyến khích nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tạo ra các sản phẩm nông nghiệp thân thiện với môi trường và nông nghiệp thông minh.

- Duy trì diện tích rừng hiện có và đẩy nhanh tiến độ các dự án trồng rừng, nâng tỷ lệ che phủ rừng, nâng cao chất lượng rừng, tăng khả năng hấp thụ khí CO2 của rừng, tăng sinh khối để tăng tích trữ các bon, huy động sự tham gia của các thành phần kinh tế - xã hội trong bảo tồn, phát triển bền vững rừng và các hệ sinh thái tự nhiên.

- Rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch các khu vực nuôi trồng thủy sản, áp dụng các quy trình nuôi thủy sản tiên tiến tiết kiệm thức ăn, năng lượng và giảm phát thải chất hữu cơ, giảm thiểu rủi ro, đảm bảo phát triển bền vững; tăng cường công tác kiểm soát an toàn vệ sinh thực phẩm, giám sát dư lượng các chất độc hại trong nông thủy sản.

- Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp và hộ gia đình đổi mới công nghệ, trang thiết bị nâng cao hiệu suất sử dụng năng lượng trong sản xuất ở các làng nghề và các cơ sở ngành nghề ở nông thôn. Thực hiện phòng chống ô nhiễm môi trường, đảm bảo an toàn lao động ở các làng nghề và các cơ sở ngành nghề ở nông thôn.

4. Xanh hóa sản xuất

4.1. Rà soát, triển khai quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch ngành, sản phẩm, lĩnh vực giai đoạn đến năm 2020, tầm nhìn đến trạm 2030; kế hoạch phát triển của tỉnh; Đề án tái cơ cấu kinh tế của tỉnh theo hướng tăng trưởng xanh

4.1.1. Rà soát, triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm

Nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh; tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình hành động Đề án tái cơ cấu nền kinh tế của tỉnh giai đoạn 2013 - 2020 theo Quyết định số 1767/QĐ-UBND ngày 18/9/2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Chiến lược Phát triển bền vững Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020; tăng cường và nâng cao chất lượng công tác nghiên cứu, dự báo, phục vụ tốt cho công tác xây dựng và thực hiện các quy hoạch, kế hoạch, chương trình, đề án phát triển kinh tế - xã hội.

- Rà soát quy hoạch tổng thể phát triển ngành, lĩnh vực, sản phẩm theo hướng phát triển bền vững, đặc biệt những ngành có tác động mạnh đến tài nguyên, môi trường, bảo đảm phát triển ngành bền vững, bảo đảm sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải có hiệu quả.

4.1.2. Rà soát quy hoạch phát triển ngành công nghiệp từ quan điểm phát triển bền vững, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các quy hoạch, kế hoạch của ngành công thương nhằm đáp ứng nhu cầu phát triển, đảm bảo phù hợp với chiến lược, chương trình tăng trưởng xanh của Chính phủ, Bộ Công thương và của tỉnh; tập trung khuyến khích, kêu gọi đầu tư các ngành công nghiệp chế biến sâu, chế biến tinh, sản phẩm xuất khẩu, có giá trị gia tăng cao, hạn chế chế biến thô sơ gây lãng phí tài nguyên; phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ, sản xuất vật liệu xây không nung.

4.1.3. Rà soát quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Rà soát các quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải, xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ngành giao thông vận tải đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đảm bảo phát triển bền vững.

4.1.4. Rà soát quy hoạch phát triển ngành xây dựng đến năm 2020 bền vững, phù hợp với thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Rà soát các chiến lược, quy hoạch, chương trình phát triển ngành xây dựng, phát triển vùng đô thị. Xây dựng khung cơ chế về đô thị hóa xanh và kế hoạch tăng trưởng xanh của ngành xây dựng thực hiện mục tiêu "xanh hóa" các vùng đô thị, giảm phát thải khí nhà kính. Có lộ trình thực hiện các vật liệu xây dựng sạch, thay thế vật liệu có tác động xấu đến môi trường.

4.1.5. Rà soát quy hoạch phát triển ngành tài nguyên và môi trường bền vững, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Rà soát các quy hoạch phát triển ngành tài nguyên và môi trường, quy hoạch sử dụng đất, xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ngành tài nguyên và môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

4.1.6. Rà soát quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn trên quan điểm bền vững, thực hiện xanh hóa ngành nông nghiệp

Rà soát quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp, lồng ghép các hành động tăng trưởng xanh vào quy hoạch phát triển các lĩnh vực ngành nông nghiệp giai đoạn 2014 - 2020, xây dựng kế hoạch hành động tăng trưởng xanh ngành nông nghiệp nhằm phát triển bền vững, sử dụng tiết kiệm tài nguyên thiên nhiên, kiểm soát ô nhiễm và quản lý chất thải một cách có hiệu quả, bảo vệ và hạn chế việc phá bỏ quá nhiều diện tích rừng đầu nguồn.

4.2. Cải thiện và phát triển kết cấu hạ tầng bền vững

4.2.1. Hạ tầng giao thông

Đầu tư cải tạo, nâng cấp các hệ thống, mạng lưới giao thông trên địa bàn tỉnh trên cơ sở tiết kiệm năng lượng, có hiệu quả kinh tế, bảo vệ môi trường và có khả năng chống chịu biến đổi khí hậu, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Tiếp tục triển khai đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, kết nối với các địa bàn đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện.

4.2.2. Hạ tầng năng lượng

- Quy hoạch và đầu tư phát triển nguồn điện, đường dây, trạm biến áp; cải thiện hệ thống mạng lưới cung cấp đảm bảo vận hành tiết kiệm, hiệu quả đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phát triển sản xuất của tỉnh. Áp dụng các biện pháp, giải pháp công nghệ mới nâng cao chất lượng phân phối, đảm bảo an toàn, giảm tổn thất điện năng, tiến tới xây dựng lưới điện thông minh; đánh giá, rà soát đối với dự án nhiệt điện gây tác động xấu đến môi trường.

- Triển khai đúng lộ trình kinh doanh, sử dụng xăng sinh học trên địa bàn tỉnh theo Quyết định số 418/QĐ-UBND ngày 29/02/2016 của UBND tỉnh về việc ban hành kế hoạch triển khai lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống trên địa bàn tỉnh Trà Vinh.

4.2.3. Hạ tầng thủy lợi

- Đầu tư, cải tạo các trạm bơm, hệ thống thủy lợi nâng cao hiệu quả tưới tiêu phục vụ sản xuất, khuyến khích áp dụng các giải pháp tưới tập trung, sử dụng năng lượng tái tạo từ mặt trời, sức nước, sức gió phù hợp với điều kiện của từng địa phương.

- Tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, dự án nâng cấp hệ thống đê điều đảm bảo dân sinh, giao thông, ứng phó với thiên tai, biến đổi khí hậu. Tăng cường đầu tư hệ thống thủy lợi với thiết bị vận hành theo hướng hiện đại đảm bảo điều tiết, cung cấp và bảo vệ tốt nguồn nước.

4.2.4. Tập trung phát triển hạ tầng Công nghệ thông tin

Đầu tư hạ tầng kỹ thuật về công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh; tiếp tục triển khai các chương trình, đề án, dự án ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý Nhà nước. Khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất, tiêu dùng tiết kiệm năng lượng và tài nguyên.

4.3. Sử dụng hiệu quả và bền vững các tài nguyên thiên nhiên, phát triển khu vực kinh tế xanh

4.3.1. Sử dụng hiệu quả và bền vững các tài nguyên thiên nhiên

- Triển khai các hoạt động chống thoái hóa đất, sử dụng có hiệu quả, bền vững tài nguyên đất. Xây dựng khung chính sách và kế hoạch hành động về sử dụng và phát triển tài nguyên đất theo hướng tăng trưởng xanh. Tuyên truyền, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân áp dụng các biện pháp bảo vệ và làm giàu tài nguyên đất.

- Bảo vệ tài nguyên đất và nước giữ cân bằng sinh thái. Xây dựng khung chính sách, kế hoạch hành động về sử dụng và phát triển tài nguyên nước phù hợp với Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh.

4.3.2. Phát triển khu vực kinh tế xanh

a) Áp dụng phương pháp sản xuất sạch trong công nghiệp

- Triển khai có hiệu quả Quyết định số 2377/QĐ-UBND ngày 21/12/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc phê duyệt Kế hoạch hành động về sản xuất sạch hơn trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đến năm 2020. Tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức cộng đồng về hiệu quả áp dụng sản xuất sạch hơn trong công nghiệp; đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức sản xuất sạch hơn cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; hỗ trợ đánh giá sản xuất sạch hơn; hỗ trợ xây dựng mô hình thí điểm, hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường,... nhằm mục tiêu giảm thiểu các phí tổn về nguyên, vật liệu, chi phí xử lý chất thải; tăng năng suất, chất lượng sản phẩm và khả năng cạnh tranh; cải thiện vấn đề an toàn lao động trong sản xuất; nâng cao uy tín của các doanh nghiệp và mối quan hệ với cộng đồng xã hội.

- Tổ chức tuyên truyền các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất sử dụng dán nhãn, bao bì hàng hóa thân thiện với môi trường, hạn chế sử dụng các loại bao nilon, túi xách khó phân hủy gây ô nhiễm môi trường; ưu tiên sử dụng hàng hóa dán nhãn sinh thái, hàng hóa có khả năng tái chế.

- Hỗ trợ các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất đăng ký bảo hộ các đối tượng sở hữu công nghiệp nhằm nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa trên thị trường; đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm, tạo sự an tâm của người tiêu dùng.

- Đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, thông qua các cuộc hội chợ, phiên chợ đưa hàng Việt về nông thôn, tổ chức các điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh, hình thành thói quen dùng hàng Việt của người dân. Khuyến khích, ưu đãi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực phát triển kinh tế xanh, nhập khẩu và nội địa hóa công nghệ xanh; nghiên cứu phát triển và ứng dụng công nghệ xanh, vật liệu không nung, cấp thoát nước và xử lý chất thải, phát triển điện sinh khối; khuyến khích các thành phần kinh tế, nhà đầu tư, doanh nghiệp, cá nhân áp dụng công nghệ cao phát triển một số sản phẩm xanh truyền thống, chủ lực của tỉnh có thế mạnh như: Nông nghiệp, thủy sản, sản phẩm làng nghề.

b) Sản xuất sạch, sản xuất xanh trong nông nghiệp

- Triển khai thực hiện có hiệu quả các chính sách khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn; chính sách hỗ trợ áp dụng quy trình thực hành sản xuất nông nghiệp tốt; chính sách hỗ trợ tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Quy hoạch phát triển kinh tế nông nghiệp, thủy sản theo mô hình khép kín, ít chất thải, nhất là trong chăn nuôi gia súc, gia cầm; nhân rộng các mô hình vùng lúa chất lượng cao và cánh đồng mẫu lớn, mô hình công nghệ sinh thái sinh học và bảo vệ môi trường; nuôi thủy sản theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP...; áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, hạn chế việc sử dụng thuốc, hóa chất trong trồng trọt và chăn nuôi. Khuyến khích hỗ trợ hộ gia đình sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo.

c) Phát triển du lịch sinh thái

- Phát triển các loại hình, tour, tuyến du lịch, chú trọng các loại hình du lịch như: Du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, du lịch dã ngoại. Xây dựng và triển khai thực hiện các cơ chế, quy định về bảo vệ môi trường trong ngành du lịch; nâng cao ý thức bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên, áp dụng các tiêu chí về bảo vệ môi trường trong du lịch; thẩm định và gắn nhãn du lịch xanh cho các cơ sở lưu trú du lịch đạt tiêu chuẩn về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững khi đủ điều kiện.

- Nghiên cứu và đề xuất ban hành các chính sách khuyến khích các doanh nghiệp du lịch sử dụng phương tiện vận chuyển, trang thiết bị phục vụ du lịch thân thiện với môi trường, giảm lượng phát thải khí nhà kính.

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về hoạt động du lịch, du lịch sinh thái trong cộng đồng.

- Tiếp tục đẩy mạnh phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” và triển khai thực hiện “xây dựng nếp sống văn hóa - văn minh đô thị” trên địa bàn tỉnh.

4.4. Phát triển nguồn nhân lực xanh, xây dựng mô hình doanh nghiệp xanh và có trách nhiệm xã hội trong sản xuất

4.4.1. Phát triển nguồn nhân lực xanh

- Hỗ trợ đào tạo nhân lực kỹ thuật trong các ngành nghề thuộc lĩnh vực kinh tế xanh; đẩy mạnh công tác thông tin tuyên truyền, thu hút các doanh nghiệp tham gia tuyển dụng, giới thiệu, tư vấn việc làm cho người lao động tại sàn giao dịch việc làm.

- Gắn tăng trưởng kinh tế với an sinh xã hội, ưu tiên phát triển kinh tế gắn với giải quyết việc làm, tăng cường công tác giảm nghèo, tạo sinh kế, chuyển đổi nghề nghiệp phù hợp, đẩy mạnh các chương trình hỗ trợ về sản xuất và đời sống hộ nghèo và cận nghèo, các đối tượng có hoàn cảnh khó khăn.

- Nâng cao nhận thức cộng đồng, học sinh, sinh viên về cơ hội và lợi ích của nghề nghiệp xanh.

4.4.2. Nâng cao nhận thức của doanh nghiệp về tăng trưởng xanh

- Tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức về tăng trưởng xanh cho các nhóm đối tượng doanh nghiệp, tổ chức các hoạt động chia sẻ kinh nghiệm kỹ thuật và quản lý trong thực hiện tăng trưởng xanh giữa các doanh nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh.

- Thúc đẩy phong trào sản xuất “Hàng Việt Nam chất lượng cao, thân thiện với môi trường” trong các doanh nghiệp.

5. Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững

5.1. Phát triển đô thị xanh và bền vững

- Thực hiện Chương trình phát triển đô thị, xây dựng, lập kế hoạch cải tạo đô thị theo tiêu chuẩn đô thị bền vững; xây dựng thí điểm kế hoạch hành động xây dựng đô thị xanh ở một số khu đô thị mới trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện các giải pháp đồng bộ trong thi công các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, tránh tình trạng đào lấp mặt đường, vỉa hè nhiều lần gây mất an toàn giao thông và mỹ quan đô thị. Khuyến khích các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu thi công, áp dụng các công nghệ mới, các nguyên liệu thay thế, sản phẩm mới thân thiện với môi trường.

- Quy hoạch và quản lý quy hoạch đô thị theo hướng tiếp cận đô thị bền vững (đô thị xanh, sinh thái và kinh tế,...) với trọng tâm sử dụng và quản lý tài nguyên bền vững hợp lý, tránh tình trạng tập trung dân số quá mức tại đô thị; quy hoạch không gian đô thị đảm bảo hiệu quả kinh tế - sinh thái thuận lợi cho phát triển giao thông công cộng, tăng tính hấp dẫn, cạnh tranh và thân thiện môi trường, tiết kiệm thời gian đi lại của dân cư; quy hoạch xây dựng nhà ở, giao thông, cấp - thoát nước và xử lý rác thải đảm bảo khả năng tiếp cận cho người dân với chất lượng tốt; hệ thống thoát nước mưa, thu gom và xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị.

- Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị đối với khu đô thị mới; cải tạo, chỉnh trang đô thị hiện hữu đảm bảo về giao thông, cảnh quan, vệ sinh môi trường.

- Xây dựng đô thị xanh, đô thị sinh thái, công trình xanh; khuyến khích ứng dụng công nghệ xanh, sử dụng năng lượng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng, các vật liệu hiện đại, thân thiện với môi trường, sử dụng các giải pháp điều hòa, thông gió tự nhiên trong xây dựng, đặc biệt là ở các tòa nhà cao tầng. Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm phục vụ cho xây dựng và sử dụng các công trình xây dựng xanh.

- Triển khai các hoạt động sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong xây dựng; vận động thực hiện "công trình Xanh" tiết kiệm năng lượng tại các cơ quan, doanh nghiệp, trung tâm thương mại,... quản lý sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả tại các tòa nhà.

5.2. Xây dựng nông thôn mới với lối sống hài hòa với môi trường thiên nhiên

- Đẩy mạnh công tác bảo vệ môi trường trong quá trình xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn theo tiêu chuẩn ấp văn hóa, gia đình văn hóa nông thôn mới, bảo vệ và phát triển cảnh quan và môi trường xanh - sạch - đẹp - văn minh.

- Hỗ trợ thực hiện các mô hình sản xuất theo quy trình sinh thái khép kín, mô hình xử lý tốt chất thải làng nghề. Đến năm 2020, đảm bảo rác thải nông thôn được thu gom, xử lý theo tiêu chuẩn môi trường.

- Tổ chức thực hiện tốt các dự án cấp nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn, thực hiện đạt các mục tiêu của Chiến lược quốc gia về cấp nước và Vệ sinh nông thôn đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

- Xây dựng công trình kinh tế và dân sinh thích ứng với biến đổi khí hậu và chủ động phòng ngừa tác động của thiên tai.

- Khuyến khích và hỗ trợ các hộ gia đình nông thôn sử dụng rộng rãi các nguồn năng lượng tái tạo (biogas…).

5.3. Lối sống Xanh và tiêu dùng bền vững

5.3.1. Đối với hộ gia đình, cá nhân

a) Triển khai cuộc vận động thực hiện “Lối sống Xanh”

- Tổ chức các hoạt động tuyên truyền đa dạng, nâng cao nhận thức cho cộng đồng về lối sống xanh; phong trào xanh hóa nhà ở, khu dân cư và nơi làm việc; thực hiện lối sống văn minh và bảo vệ môi trường.

- Phổ biến phong trào 3T - "Tiết kiệm, Tái chế, Tái sử dụng" trong cộng đồng dân cư.

b) Triển khai cuộc vận động thực hiện "Sử dụng năng lượng tiết kiệm trong các hộ gia đình"; hướng dẫn và khuyến khích các sáng kiến tiêu dùng bền vững trong dân cư.

- Huy động sự tham gia của cộng đồng trong tuyên truyền và thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong đời sống sinh hoạt, sản xuất.

- Phát động phong trào tiêu dùng tiết kiệm, nhất là đối với các hàng hóa về điện, nước, giấy, chống lãng phí, bảo vệ và làm giàu thêm đối với tài nguyên và của cải xã hội. Tổ chức giám sát sản xuất thực phẩm an toàn, khuyến khích và hỗ trợ kỹ thuật để người dân thực hiện các mô hình sản xuất sinh thái.

- Đẩy mạnh các hình thức tuyên truyền, biện pháp tiêu thụ và sử dụng thực phẩm an toàn, thực phẩm sạch. Tăng cường vai trò giám sát của người dân trong quá trình sản xuất và tiêu dùng thực phẩm an toàn. Vận động phong trào "Người Việt ưu tiên dùng hàng dán nhãn xanh, sản phẩm thân thiện môi trường" đến người tiêu dùng.

5.3.2. Đối với cán bộ, công chức

a) Mở rộng ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và trong đời sống xã hội

- Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, điều hành công tác quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh.

- Tập trung đầu tư xây dựng 100% cáp quang đến trung tâm xã, phường, thị trấn; tập trung đầu tư nâng cấp mạng LAN cho 100% các Sở, Ban, ngành, UBND cấp huyện để kết nối mạng truyền số liệu chuyên dùng của các cơ quan Đảng và Nhà nước.

b) Cải thiện công tác y tế, chăm sóc sức khỏe theo hướng bền vững

- Lồng ghép các tiêu chí liên quan tới nhãn xanh trong việc sử dụng các sản phẩm (thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thực phẩm chức năng, dụng cụ y tế...) và dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho người dân.

- Tăng cường kiểm soát và áp dụng các giải pháp xử lý chất thải y tế.

(Đính kèm nhiệm vụ triển khai kế hoạch)

III. DANH MỤC HÀNH ĐỘNG ƯU TIÊN

- Hồ điều hòa chống ngập úng thành phố Trà Vinh;

- Nạo vét kênh trục và xây dựng công trình điều tiết trên kênh tỉnh Trà Vinh.

- Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững Đồng bằng sông Cửu Long, tiểu dự án kiểm soát nguồn nước thích ứng với biến đổi khí hậu vùng Nam Măng Thít tỉnh Trà Vinh, Vĩnh Long.

- Xây dựng các cầu trên tuyến đê biển tỉnh Trà Vinh.

- Nâng cấp hệ thống đê sông toàn tỉnh.

- Nâng cấp hệ thống đê biển tỉnh Trà Vinh (giai đoạn 2).

- Trồng rừng phòng hộ bảo vệ đê biển ứng phó với biến đổi khí hậu tỉnh Trà Vinh.

- Chống sạt lở bảo vệ khu vực Cồn Hô, xã Đức Mỹ, huyện Càng Long và Kè chống sạt lở bờ sông xã Ninh Thới, huyện Cầu Kè.

- Hệ thống thủy lợi Mỹ Văn - Rùm Sóc - Cái Hóp, tỉnh Trà Vinh.

- Kè bảo vệ đoạn xung yếu bờ biển xã Hiệp Thạnh thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh (giai đoạn 4).

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ, chức năng, nhiệm vụ của ngành, địa phương tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này và Quyết định số 1057/QĐ-UBND ngày 03/06/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh. Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cùng với thời điểm báo cáo kinh tế - xã hội năm).

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan đầu mối đã giao tại Công văn số 750/UBND-NN ngày 03/3/2017; đồng thời chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị có liên quan tổng hợp, lồng ghép mục tiêu tăng trưởng xanh vào các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm và hàng năm của tỉnh và tổ chức thực hiện các hoạt động của nội dung tại khoản 2.2, mục 2 và điểm 4.1.1 khoản 4.1 mục 4 phần II Kế hoạch này.

Theo dõi, kiểm tra, tổng hợp kết quả triển khai thực hiện các nhiệm vụ, chương trình trong Kế hoạch hành động; định kỳ đánh giá kết quả thực hiện, tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường căn cứ nhiệm vụ, hướng dẫn của Bộ Tài nguyên và Môi trường tham mưu, đề xuất Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện các những nội dung liên quan đến tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh; chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thực hiện các nội dung tại điểm 4.1.5, khoản 4.1 và điểm 4.3.1, khoản 4.3 mục 4 phần II Kế hoạch này.

4. Sở Xây dựng tổ chức triển khai các hoạt động ưu tiên thực hiện tăng trưởng xanh trong ngành xây dựng; rà soát bổ sung, hoàn chỉnh về công tác quy hoạch đô thị; tham mưu xây dựng, ban hành các chương trình, dự án tăng trưởng xanh trong lĩnh vực phát triển đô thị gắn với cải thiện môi trường; đề xuất các cơ chế, phương án tổ chức, hướng dẫn việc thực hiện các chương trình, dự án nhằm thực hiện Kế hoạch này. Tổng hợp tình hình thực hiện và định kỳ báo cáo kết quả với Ủy ban nhân dân tỉnh. Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các hoạt động của nội dung tại điểm: 4.1.4 khoản 4.1, mục 4 và khoản 5.1, mục 5 phần II Kế hoạch này.

5. Sở Công Thương căn cứ các văn bản có liên quan triển khai các hoạt động tăng trưởng xanh trong lĩnh vực Công Thương, gồm xác định các ngành, phân ngành, doanh nghiệp sử dụng nhiều tài nguyên, năng lượng, có tổng lượng phát thải khí nhà kính lớn... đồng thời tổ chức thực hiện các nội dung tại khoản 3.1 mục 3; điểm: 4.1.2 khoản 4.1; điểm 4.2.2; tiết a, điểm 4.3.2; điểm 4.4.2 mục 4 và tiết b, điểm 5.3.1, khoản 5.3 mục 5 phần II Kế hoạch này.

6. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn triển khai các nội dung ưu tiên thực hiện tăng trưởng xanh trong ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn; rà soát, bổ sung quy hoạch ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn phù hợp với tăng trưởng xanh; chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các hoạt động của nội dung tại khoản 3.3 mục 3; điểm: 4.1.6 khoản 4.1; điểm 4.2.3 khoản 4.2; tiết b, điểm 4.3.2 khoản 4.3 mục 4 và khoản 5.2 mục 5 phần II Kế hoạch này.

7. Sở Giao thông Vận tải:

- Thực hiện lồng ghép tăng trưởng xanh trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải trên địa bàn tỉnh; triển khai cơ chế, chính sách khuyến khích phát triển vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 13/2015/QĐ-TTg ngày 05/5/2015; tiếp tục triển khai đẩy nhanh tiến độ các công trình giao thông trọng điểm, kết nối với các địa bàn đảm bảo nhanh chóng, thuận tiện, thúc đẩy phát triển của các địa phương

- Khuyến khích các doanh nghiệp vận tải sử dụng nhiên liệu CNG, LPG, năng lượng mặt trời và phương tiện sử dụng công nghệ mới, ít tiêu tốn nhiên liệu;

- Chủ trì phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các nội dung tại khoản 3.2 mục 3; điểm: 4.1.3 khoản 4.1; điểm 4.2.1 và phối hợp với Sở Công thương thực hiện điểm 4.2.2 khoản 4.2 mục 4 phần II Kế hoạch này.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các ngành có liên quan xây dựng các chương trình, dự án tăng trưởng xanh trong lĩnh vực văn hóa - xã hội, giáo dục và đào tạo, các hoạt động xã hội; thực hiện các hoạt động của nội dung tại điểm: 4.4.1 khoản 4.4, mục 4 phần II Kế hoạch này.

9. Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình Trà Vinh, Báo Trà Vinh xây dựng các chuyên trang, chuyên mục giáo dục và nâng cao ý thức về tăng trưởng xanh; tăng cường thời lượng phát sóng và thường xuyên đưa tin về các hoạt động liên quan đến tăng trưởng xanh; đồng thời, tổ chức thực hiện các hoạt động của nội dung tại điểm 4.2.4 khoản 4.2, mục 4 và tiết a, điểm 5.3.2 khoản 5.3, mục 5 phần II Kế hoạch này.

10. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các hoạt động của nội dung tại tiết c, điểm 4.3.2 khoản 4.3 mục 4 và tiết a điểm 5.3.1 khoản 5.3, mục 5 phần II Kế hoạch này.

11. Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thực hiện các hoạt động của nội dung tại tiết b, điểm 5.3.2, khoản 5.3, mục 5 phần II Kế hoạch này.

12. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh tăng cường công tác tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên về tăng trưởng xanh và phát triển bền vững đến toàn thể người dân trên địa bàn và các tổ chức thành viên.

Trên đây là Kế hoạch hành động triển khai thực hiện tăng trưởng xanh giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc cần điều chỉnh bổ sung, các Sở, Ban, ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố phản ảnh về Sở Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.

 

NHIỆM VỤ TRIỂN KHAI KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG TRIỂN KHAI THỰC HIỆN TĂNG TRƯỞNG XANH GIAI ĐOẠN 2017 - 2020 TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TRÀ VINH

(Kèm theo Quyết định số: 1099/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Trà Vinh)

TT

Nhiệm vụ/công việc cụ thể

Đơn vị chủ trì

Đơn vị phối hợp

Kết quả thực hiện

1

Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh trên địa bàn tỉnh Trà Vinh,

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Cơ chế, chính sách

2

Xây dựng khung theo dõi, đánh giá thực hiện Chiến lược Tăng trưởng xanh khi được Bộ Kế hoạch và Đầu tư ban hành

Sở Kế hoạch và Đầu tư

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Khung theo dõi, đánh giá

3

Thực hiện giảm cường độ phát thải khí nhà kính và thúc đẩy sử dụng năng lượng sạch, năng lượng tái tạo, cụ thể: Nâng cao nhận thức và năng lực về sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả trong sản xuất và sinh hoạt, trong lĩnh vực giao thông vận tải và đổi mới kỹ thuật canh tác trong lĩnh vực nông lâm nghiệp, thủy sản

Sở Công thương, Sở TN&MT, Sở GTVT, Sở NN&PTNT

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Kế hoạch, mô hình

4

Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch, kế hoạch phát triển KT-XH tỉnh Trà Vinh phù hợp với Chiến lược tăng trưởng xanh của quốc gia; Rà soát, triển khai quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch các ngành, lĩnh vực, sản phẩm

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Các Sở, Ban, ngành và địa phương có liên quan

Quy hoạch, Đề án

5

Tăng cường thu hút đầu tư vào tỉnh Trà Vinh theo hướng có chọn lọc các dự án có chất lượng, sử dụng tiết kiệm tài nguyên, năng lượng, công nghệ hiện đại và thân thiện với môi trường

Sở Kế hoạch và Đầu tư, Trung tâm Xúc tiến Đầu tư

Các Sở, Ban, ngành và địa phương có liên quan

Cơ chế, chính sách

6

Rà soát quy hoạch phát triển ngành công nghiệp thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Sở Công thương

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Quy hoạch, Kế hoạch

7

Rà soát quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Sở Giao thông Vận tải

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Quy hoạch, Kế hoạch

8

Rà soát quy hoạch phát triển ngành xây dựng bền vững, phù hợp với thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Sở Xây dựng

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Chiến lược, Quy hoạch, Kế hoạch

9

Rà soát quy hoạch phát triển ngành tài nguyên và môi trường bền vững, thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh

Sở TN&MT

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Quy hoạch, Kế hoạch

10

Rà soát quy hoạch phát triển ngành nông nghiệp và nông thôn trên quan điểm bền vững, thực hiện xanh hóa ngành nông nghiệp

Sở NN&PTNT

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Quy hoạch, Kế hoạch

11

Hoàn thiện và phát triển kết cấu hạ tầng bền vững

Sở GTVT, Sở Công thương, Sở NN&PTNT, Sở TT&TT

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Hạ tầng giao thông, hạ tầng năng lượng, hạ tầng thủy lợi, hạ tầng Công nghệ thông tin được đầu tư và cải thiện

12

Sử dụng hiệu quả và bền vững các tài nguyên thiên nhiên

Sở TN&MT

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Kế hoạch, chính sách

13

Áp dụng sản xuất sạch trong công nghiệp trên địa bàn tỉnh

Sở Công thương

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Chính sách, hướng dẫn, hỗ trợ

14

Sản xuất sạch, sản xuất xanh trong nông nghiệp, trong đó:

Triển khai thực hiện có hiệu quả Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng bền vững và thân thiện với môi trường; phát triển chăn nuôi gắn với bảo vệ môi trường, chủ động kiểm soát, khống chế dịch bệnh; phát triển đàn gia súc, gia cầm theo hướng tập trung và an toàn sinh học

Sở NN&PTNT

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Quy hoạch, chính sách, hỗ trợ, mô hình

15

Phát triển các mô hình du lịch sinh thái, du lịch thân thiện với môi trường, du lịch cộng đồng, du lịch văn hóa

Sở VH, TT&DL

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Kế hoạch, chính sách, mô hình

16

Phát triển nguồn nhân lực xanh, xây dựng mô hình doanh nghiệp xanh và có trách nhiệm xã hội trong sản xuất

Sở LĐ, TB&XH, Sở TT&TT, Sở GD&ĐT

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Kế hoạch, tuyên truyền, hỗ trợ

17

Xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững, trong đó đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước; quan tâm đầu tư hạ tầng CNTT trên địa bàn;

Sở XD, Sở NN&PTNT, Sở Công thương, Sở TT&TT, Sở Y tế

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Chương trình, Quy hoạch, kế hoạch, các địa phương đạt tiêu chí 17 về môi trường và an toàn thực phẩm

18

Xử lý rác thải y tế có hiệu quả; ứng dụng công nghệ trong xử lý rác thải y tế như: Lò đốt, các bể lắng tụ, công nghệ sinh học, đảm bảo đạt tiêu chuẩn theo quy định

Sở Y tế

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Xây dựng kế hoạch, chính sách

19

Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị, cải tạo, chỉnh trang các đô thị hiện hữu đảm bảo về giao thông, cảnh quan, vệ sinh môi trường

Sở Xây dựng

Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Xây dựng kế hoạch, chính sách

20

Khuyến khích các đơn vị tư vấn thiết kế, nhà thầu áp dụng công nghệ mới, vật liệu xanh thân thiện với môi trường

Sở Xây dựng

Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Xây dựng kế hoạch, chính sách

21

Nâng cao chất lượng công tác kiểm định xe cơ giới; kiểm tra nghiêm ngặt tiêu chuẩn khí thải đảm bảo đúng quy định

Sở Giao thông vận tải

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Xây dựng kế hoạch, Đề án

22

Đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong quản lý nhà nước; quan tâm đầu tư hạ tầng CNTT trên địa bàn

Sở Thông tin và Truyền thông

Các Sở, Ban, ngành tỉnh; UBND các huyện, TX, TP

Xây dựng kế hoạch, Đề án, mô hình