Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 11/2002/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 14 tháng 1 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ SỐ 11/2002/QĐ-TTG NGÀY 14 THÁNG 01 NĂM 2002 VỀ VIỆC CHUYỂN HẠNG KHU BẢO TỒN THIÊN NHIÊN U MINH THƯỢNG, TỈNH KIÊN GIANG THÀNH VƯỜN QUỐC GIA

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992.
Căn cứ Luật bảo vệ và phát triển rừng ngày 12 tháng 8 năm 1991.
Xét đề nghị của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Công văn số 4022/BNN-KL ngày 24 tháng 12 năm 2001) của Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang (Công văn số 559/CV-UB ngày 04 tháng 12 năm 2001).

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt chuyển hạng Khu bảo tồn thiên nhiên U Minh Thượng, thuộc huyện An Minh và huyện Vĩnh Thuận tỉnh Kiên Giang thành Vườn quốc gia trong hệ thống các khu rừng đặc dụng của Việt Nam.

Tên gọi của Vườn quốc gia là: Vườn quốc gia U Minh Thượng.

Điều 2. Vị trí, tọa độ địa lý và quy mô diện tích của Vườn quốc gia U Minh Thượng:

1. Vị trí địa lý:

Vườn quốc gia U Minh Thượng bao gồm phạm vi đất đai của xã An Minh Bắc, thuộc huyện An Minh và xã Minh Thuận thuộc huyện Vĩnh Thuận, tỉnh Kiên Giang.

2. Tọa độ địa lý:

- Từ 09031’ đến 09039’ vĩ độ Bắc.

- Từ 105003’ đến 105007’ kinh độ Đông.

3. Quy mô diện tích và các phân khu chức năng:

Tổng diện tích là: 8.053 ha

Trong đó gồm:

- Phân khu bảo vệ nghiêm ngặt: 7.838 ha

- Phân khu phục hồi sinh thái kết hợp bảo tồn di tích lịch sử: 200 ha

- Phân khu hành chính, dịch vụ: 15 ha

Vùng đệm của Vườn quốc gia U Minh Thượng có diện tích 13.069 ha, bao bọc xung quanh phạm vi của Vườn quốc gia, là phần diện tích nằm giữa đê bao trong và đê bao ngoài.

Điều 3. Mục tiêu, nhiệm vụ của Vườn quốc gia U Minh Thượng:

1. Bảo tồn mẫu chuẩn quốc gia về hệ sinh thái rừng Tràm úng phèn trên đất than bùn. Đây là nơi duy nhất ở Việt Nam có hệ sinh thái này, đồng thời là một vùng đất ngập nước quan trọng và có giá trị trong vùng hạ lưu sông Mê Kông và Đông Nam Châu Á.

2. Bảo tồn sự đa dạng sinh học của hệ sinh thái rừng ngập nước, đặc biệt là 8 loài chim nước có tầm quan trọng toàn cầu và các loài động vật hoang dã đặc hữu, quý hiếm khác.

3. Góp phần bảo tồn và tôn tạo di tích lịch sử cấp quốc gia về Chiến khu cách mạng U Minh Thượng trong hai thời kỳ kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ.

4. Góp phần duy trì sự cân bằng sinh thái và gia tăng độ che phủ rừng, đảm bảo an ninh môi trường và sự phát triển bền vững của đồng bằng sông Cửu Long, đồng thời phát huy các giá trị của hệ sinh thái rừng Tràm úng phèn phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, tham quan và du lịch sinh thái.

Điều 4. Giao Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang trực tiếp quản lý Vườn quốc gia U Minh Thượng.

Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang có trách nhiệm:

- Chỉ đạo việc trình, thẩm định, phê duyệt Dự án đầu tư xây dựng và phát triển Vườn quốc gia U Minh Thượng và Dự án đầu tư xây dựng và phát triển vùng đệm của Vườn quốc gia U Minh Thượng theo các quy định hiện hành.

- Chỉ đạo xây dựng Dự án phát triển du lịch sinh thái thuộc Vườn quốc gia U Minh Thượng theo quy định tại Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ về quy chế quản lý rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng sản xuất là rừng tự nhiên, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thực hiện.

Hàng năm, trong nguồn vốn thuộc kế hoạch ngân sách đầu tư cho tỉnh Kiên Giang, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn ghi rõ khoản mục vốn cấp cho các Dự án thuộc Vườn quốc gia U Minh Thượng, để việc triển khai đảm bảo đúng nội dung và tiến độ theo Dự án được phê duyệt.

Điều 5. Về tổ chức và bộ máy của Vườn quốc gia U Minh Thượng:

Giao Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang quyết định về tổ chức và bộ máy của Vườn quốc gia U Minh Thượng trên cơ sở những quy định tại Quy chế quản lý rừng đặc dụng ban hành kèm theo Quyết định số 08/2001/QĐ-TTg ngày 11 tháng 01 năm 2001 của Thủ tướng Chính phủ và ý kiến thống nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Tổ chức Cán bộ Chính phủ .

Điều 6. Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, cơ quan trực thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh Kiên Giang chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Công Tạn

(Đã ký)