ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
SỐ:07/2002/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 07 tháng 02 năm 2002 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TỔNG THỂ PHÁT TRIỂN KINH TẾ XẢ HỘI QUẬN ĐỐNG ĐA GIAI ĐOẠN 2001 - 2010
UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND
Căn cứ Chỉ thị số 32/1998/CT-TTg ngày 23/09/1998 của Thủ tướng Chính phủ về công tác qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010;
Căn cứ kết luận của Hội đồng thẩm định Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quận, huyện của Thành phố về kết quả thẩm định " Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quận Đống Đa giai đoạn 2001 - 2010" tại thông báo số 310/TB-KHĐT ngày 04/12/2001;
Xét đề nghị của Chủ tịch UBND quận Đống Đa tại tờ trình số 58/TTr - UB ngày 17/12/2001;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và đầu tư tại tờ trình số 112/TTr-KH&ĐT ngày 31 tháng 1 năm 2002.
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1 : Phê duyệt qui hoạch tổng thể phát triển kinh tế xã hội quận Đống Đa giai đoạn 2001 - 2010 với những nội dung chủ yếu sau đây : 1. Mục tiêu cơ bản phát triển kinh tế - xã hội quận Đống Đa giai đoạn 2001 - 2010 : Khai thác mọi tiềm năng, nguồn lực và lợi thế so sánh trên địa bàn Quận, xây dựng Đống Đa thành quận có kinh tế phát triển, có đóng góp lớn trong phát triển công nghiệp và dịch vụ của Thành phố, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp; phát triển giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ, chú trọng bồi dưỡng nguồn nhân lực. Kết hợp phát triển kinh tế với xây dựng và quản lý đô thị, nâng cao chất lượng môi trường, giải quyết cơ bản các vấn đề xã hội. Đẩy mạnh cải cách hành chính, kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động của các cấp chính quyền, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trên địa bàn trong mọi tình huống. Xây dựng nếp sống văn minh - hiện đại, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hoá, tinh thần của nhân dân. 2 - Các chỉ tiêu phát triển chủ yếu : 2.1. Kinh tế : - Tốc độ tăng giá trị sản xuất bình quân giai đoạn 2001 - 2010 : Theo lãnh thổ : 12 - 13 % /năm Theo quận quản lý : 13 - 13,5 %/năm - Cơ cấu giá trị sản xuất trên địa bàn: + Năm 2005 : Công nghiệp mở rộng chiếm 61,85%, Dịch vụ 38,15% + Năm 2010 : Công nghiệp mở rộng 61,33%; Dịch vụ 38,67%. - Cơ cấu giá trị sản xuất do Quận quản lý : + Năm 2005 : Công nghiệp mở rộng chiếm 19,54%; Dịch vụ 80,46%. + Năm 2010 : Công nghiệp mở rộng chiếm 18,18%; Dịch vụ 81,82%. - Tăng thu Ngân sách bình quân 3 - 4%/năm - Thu nhập bình quân đầu người của quận cao hơn so với bình quân chung toàn thành phố từ 1,2 - 1,3 lần. 2.2. Văn hoá - xã hội : - Phổ cập THPT và tương đương cho 70% đối tượng trong độ tuổi quy định vào năm 2005 và 100% vào năm 2010. - Giảm tỷ lệ tăng dân số tự nhiên xuống 0,92% vào năm 2005 và 0,85% vào năm 2010. Từng bước ổn định qui mô dân số; dân số quận đến năm 2005 là 353.000 - 354.000 người, đến năm 2010 khoảng 367.000 - 368.000 người. - Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho 7.000 - 8.000 người lao động. - Đến năm 2010 trên địa bàn quận Đống Đa cơ bản không có hộ nghèo; 2.3. Đô thị : - Đến năm 2005 cơ bản hoàn thành việc lập qui hoạch chi tiết cho một số phường trọng điểm của quận, làm cơ sở cho công tác xây dựng và quản lý đô thị theo qui hoạch. - Diện tích đất dành cho giao thông 105 ha, trong đó tỷ lệ diện tích đường giao thông diện tích đất xây dựng 10,41%, mạng đường giao thông tĩnh 35 ha. - Tỷ lệ đáp ứng nhu cầu đi lại của các loại phương tiện giao thông công cộng 40 - 45%; - Lượng nước cấp/người/ngày 180 lít, tỷ lệ dân số được cấp nước 100%, tỷ lệ thất thoát tài chính/kỹ thuật 25 - 30%, tỷ lệ dùng nước lắp đồng hồ 100%; - Tỷ lệ rác thu gom 100%; - Bình quân diện tích nhà ở đến năm 2005 đạt 7 - 8 m2/người và đạt 9 - 10m2/người vào năm 2010. Diện tích đất cây xanh bình quân đầu người đạt 4 - 4,5m2/người vào năm 2010. 3. Nhiệm vụ và định hướng phát triển các ngành, lĩnh vực chủ yếu. 3.1. Phát triển kinh tế. Trong 5 năm 2001 - 2005, cơ cấu kinh tế theo lãnh thổ của Quận Đống Đa chuyển dịch theo hướng Công nghiệp - Dịch vụ, đặc biệt có sự chuyển dịch cơ cấu nội bộ ngành : công nghiệp có hàm lượng trí tuệ cao, tập trung ở một số ngành mũi nhọn như sản xuất, lắp ráp linh kiện điện tử và hàng điện tử dân dụng, may mặc, sản xuất thiết bị y tế, vật liệu xây dựng mới; dịch vụ chất lượng cao, thương mại, du lịch phát triển mạnh ... Giai đoạn 2006 - 2010, cơ cấu kinh tế Quận sẽ chuyển dịch từng bước theo hướng Dịch vụ - Công nghiệp. . Công nghiệp : - Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất công nghiệp mở rộng trên địa bàn bình quân giai đoạn 2001 - 2010 là 14,5 - 15%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 đạt 14,5 - 15,5%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 đạt 13 - 14%/năm. Riêng phần Quận trực tiếp qản lý đạt tốc độ tăng 12,5 - 13%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 đạt 12,5 - 13,5%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 đạt 12 - 12,5%/năm. - Tập trung đổi mới thiết bị - công nghệ nhằm nâng cao sức cạnh tranh của sản phẩm và doanh nghiệp. Lựa chọn những doanh nghiệp, những sản phẩm có khả năng cạnh tranh cao để ưu tiên phát triển. Phát triển mạnh các ngành công nghiệp điện - điện tử, cơ khí, dệt may. - Không xây dựng thêm các khu công nghiệp tập trung mới trên địa bàn Quận. Các khu công nghiệp cũ cần tập trung đầu tư chiều sâu kết hợp với kiểm soát chặt chẽ ô nhiễm môi trường. Có kế hoạch chuyển các doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường lớn ra khỏi các khu dân cư. b. Dịch vụ : - Phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất các ngành dịch vụ trên địa bàn bình quân giai đoạn 2001 - 2010 : 11,5 - 12,5%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 là 10,5 - 11,5 %/năm, giai đoạn 2006 - 2010 là 12,5 - 13,5%/năm. Riêng quận quản lý tăng bình quân : 13 - 13,5%/năm, trong đó giai đoạn 2001 - 2005 là 12,5 - 13,5%/năm, giai đoạn 2006 - 2010 là 13 - 14%/năm. Tổng mức lưu chuyển hàng hoá trên địa bàn giai đoạn 2001 - 2010 tăng bình quân 20 - 25%/năm. Giá trị xuất khẩu địa phương tăng bình quân 15%/năm. - Tập trung đầu tư cải tạo và xây dựng hệ thống chợ theo qui hoạch chung của Thành phố, giải tán các chợ cóc, chợ tạm. Xây dựng hệ thống các trung tâm thương mại, các siêu thị và cửa hàng tự chọn. Phát triển các loại hình dịch vụ trình độ cao, chất lượng cao. - Khai thác tốt các điểm du lịch văn hoá - lịch sử trên địa bàn đẩy mạnh phát triển du lịch : Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Gò Đống Đa, chùa Kim Liên ... 3.2. Phát triển văn hoá - xã hội. a. Giáo dục - Đào tạo Tăng cường công tác quản lý, sắp xếp củng cố hệ thống giáo dục trên địa bàn Quận, đảm bảo những điều kiện về đội ngũ và xây dựng cơ sở vật chất cho ngành giáo dục và đào tạo; nâng cao chất lượng dạy và học, từng bước tiêu chuẩn hoá đội ngũ giáo viên ở các cấp học; phát triển, tăng cường quản lý Nhà nước hệ thống giáo dục ngoài công lập; đào tạo nguồn nhân lực gắn với việc làm. Đến năm 2005, cơ bản các trường học thuộc khối mầm non và phổ thông trên địa bàn quận được nâng cấp, cải tạo, số phòng học đủ về trang thiết bị vá đồ dùng dạy học, đầu tư theo hướng hiện đại; hoàn thành việc tách cơ sở vật chất của trường tiểu học ra khỏi trung học cơ sở. Bổ sung, nâng cao trình độ đội ngũ giáo viên đảm bảo đủ về số lượng, cơ cấu; đến năm 2010, 100% giáo viên tiểu học có trình độ chuẩn trong đó khoảng 50% trên chuẩn; 100% giáo tiên THCS có trình độ chuẩn CĐSP trong đó 40 - 50% đại học hoặc trên đại học. Đầu tư nâng cấp đồ dùng, đồ chơi, phương tiện dạy học, cơ sở vật chất các truờng mầm non; huy động 80% số trẻ trong độ tuổi ra lớp; 100% trẻ từ 3 - 5 tuổi được đến trường; 98% trẻ trong độ tuổi mẫu giáo ra lớp, 99% trẻ 5 tuổi vào mẫu giáo. Đảm bảo 100% trẻ trong độ tuổi đi học tiểu học được đến trường. đến năm 2003 đạt 100% các trường học 2 buổi/ngày. Đảm bảo chất lượng toàn diện. Phát huy những kết quả đạt được về chất lượng đào tạo bậc THCS. Duy trì và tăng tỷ lệ học sinh xếp loại đạo đức, văn hoá khá giỏi. Hoàng thành phổ cập THPT và tương đương trước năm 2010. b. Văn hoá - Thông tin Nâng cao mức hưởng thụ văn hoá của nhân dân trên địa bàn quận, tạo môi trường văn hoá sôi động và lành mạnh, góp phần tích cực xây dựng con người mới; khai thác và nâng cao hiệu quả hoạt động của các thiết chế văn hoá do Quận quản lý. Tăng cường quản lý của Nhà nước đối với các hoạt động văn hoá; bảo vệ và phát huy di sản văn hoá, trong đó có di sản văn hoá vật thể và phi vật thể; đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động văn hoá nhằm phát triển đời sống văn hoá quần chúng, văn hoá cơ sở. c. Thể dục thể thao Phát triển mạnh phong trào TD-TT quần chúng; rèn luyện, bồi dưỡng đào tạo năng khiếu cho thanh thiếu niên theo hướng đa dạng hoá, xã hội hoá công tác TD-TT. Bồi dưỡng đội tuyển để đạt thành tích trong thi đấu các cấp ở Thành phố, Quốc gia và Quốc tế; hình thành màng lưới cơ sở tập luyện có tính liên hoàn hướng tới SEA GAMES lần thứ 22 do Việt Nam đăng cai tổ chức vào năm 2003. Đảm bảo tối thiểu 1 người dân có 1m2 diện ích cho hoạt động TDTT, đáp ứng 100% nhu cầu đào tạo cho các cán bộ quản lý tại Trung tâm TDTT Quận, tất cả các giáo viên TDTT cấp III và 80 - 90% giáo viên cấp I, II; tăng số cụm văn hoá, điểm vui chơi trẻ em lên 1.250 cụm đến năm 2010; nâng dần tỷ lệ người tham gia tập luyện TDTT thường xuyên, đạt 15% so với tổng dân số vào năm 2005 (trong đó có 10% gia đình thể thao) và đạt 30% vào năm 2010 (trong đó có 20% gia đình thể thao). d. Y tế. Kiện toàn mạng lưới y tế Quận, đảm bảo đủ các điều kiện về cơ sở vật chất, số lượng và chất lượng cán bộ trong chăm sóc sức khoẻ cho nhân dân; đa dạng hoá các mô hình phục vụ chăm sóc sức khoẻ trong các cơ sở y tế, tăng cường năng lực quản lý tài chính, đảm bảo sử dụng hợp lý có hiệu quả các nguồn kinh phí trong toàn ngành y tế Quận. Kiện toàn màng lưới y tế cơ sở, tổ chức giám sát chặt chẽ, ngăn chặn và xử lý kịp thời các ổ dịch phát sinh : 100% trẻ dưới 1 tuổi được tiêm chủng đầy đủ 7 loại vacxin; 97% phụ nữ có thai được tiêm phòng uốn ván đầy đủ; 100% trẻ 6 - 36 tháng tuổi được uống vitamin A đầy đủ; khám sức khoẻ định kỳ hàng năm cho 100% học sinh các trường mẫu giáo, nhà trẻ, tiểu học và THCS; quản lý 100% các cửa hàng ăn uống và cơ sở chế biến thực phẩm, 100% cơ sở có cam kết vệ sinh an toàn thực phẩm; quản lý 100% đối tượng có nguy cơ sốt rét. 3.3. Phát triển hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị. - Dành khoảng 105 ha đất cho phát triển giao thông, đảm bảo tỷ lệ diện tích đường giao thông/diện tích đất xây dựng 10,41%, mạng đường giao thông tĩnh 35 ha. Cải tạo và mở rộng tuyến giao thông Tây Sơn - Nguyễn Lương Bằng - Tôn Đức Thắng, đường vành đai I đoạn Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Giảng Võ; tập trung mở rộng và xây dựng nút Ngã Tư Sở, Ô Chợ Dừa, Kim Liên, xây dựng đồng bộ các tuyến đường nhánh, đường nội bộ. - Xây dựng các tuyến đường sắt đô thị, các tuyến xe điện, tổ chức tốt hệ thống xe buýt, đảm bảo tỷ lệ vận tải hành khách công cộng đạt 40 - 45% vào năm 2010. - Nâng công suất cung cấp nước cho Quận đạt 55.000 m3 vào năm 2010, đảm bảo lượng nước cấp/người/ngày đạt khoảng 180 lít, tỷ lệ dân số được cấp nước 100%; đẩy nhanh việc lắp đồng hồ cho các hộ dùng nước, đảm bảo 100% số hộ dùng nước có lắp đồng hồ 100%, tỷ lệ thất thu thất thoát nước còn 25 - 30%, tỷ lệ rác thu gom 100% - Tổng diện tích mặt nước, cây xanh, công viên 105ha; diện tích đất cây xanh bình quân 4-4,5m2/người. 3.4. Bảo vệ môi trường sinh thái. Thu gom và xử lý chất thải rắn : Đến năm 2005 thu gom được 90% rác thải trong ngày và đến 2010 thu gom 100% rác thải trong ngày, đến năm 2005 có 90% chất thải rắn của nhà máy, cơ sở sản xuất trên địa bàn quận được thu gom tập trung đúng địa điểm quy định, có các phương án xử lý. Rác thải bệnh viện phải được tập trung đưa vào các lò đốt. Xử lý và tiêu thoát nước mưa, nước thải : Cải tạo sông Tô Lịch, sông Lừ, các cơ quan đóng trên địa bàn quận phải xây dựng xong hệ thống xử lý nước thải vào năm 2002; các khu nhà ở, các nhà máy xí nghiệp ... trên địa bàn quận đều phải xây dựng hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt trước khi đổ thải ra cống thoát nước chung và hoàn thành cùng với công trình; xây dựng ngầm hệ thống thoát nước thải lộ thiên đang tồn tại nhiều ở các phường Trung Phụng, Ô Chợ Dừa, Khương Thượng ... đến năm 2005 có 80% lượng nước thải sản xuất được xử lý tại nguồn thải trước khi đổ thải vào hệ thống thải chung và đến 2010 xử lý được 100% nước thải sản xuất; 100% nước thải từ các bệnh viện phải được xử lý trước khi đưa vào hệ thống tiêu thoát chung. 4. Các trọng điểm đầu tư và danh mục những dự án đầu tư lớn trên địa bàn. Giai đoạn 2001 - 2005 : Hoàn chỉnh qui hoạch chi tiết một số phường trọng điểm (1/500); xây dựng 4 nút giao thông Phương Mai, Văn Miếu, Ngã Tư Sở, Kim Liên, xây dựng đường Cát Linh - La Thành, Kim Liên - Ô Chợ Dừa - Giảng Võ; xây dựng công viên văn hoá Đống Đa, kè hồ Xã Đàn, hồ Ba Gian, hồ Hào Nam; xây dựng trung tâm TDTT Quận Đống Đa, sân vận động TDTT Hoàng Cầu, xây mới 3 trạm y tế Láng Thượng, Ô Chợ Dừa, Kim Liên; cải tạo nâng cấp một số trụ sở HĐND, UBND phường, trụ sở Quận uỷ. Giai đoạn 2006 - 2010 : Hoàn thiện hệ thống đường đô thị nội đô; hệ thống cấp nước; hệ thống xử lý nước thải bệnh viện và nhà máy độc hại; xây dựng các nhà vệ sinh công cộng trên địa bàn quận. Điều 2 : Tổ chức thực hiện qui hoạch. * UBND Quận Đống Đa có nhiệm vụ : - Công bố công khai qui hoạch để các cơ quan tổ chức, cá nhân và nhân dân biết và thực hiện nghiêm chỉnh. - Chủ trì, có sự giúp đỡ của các Sở, Ngành liên quan của Thành phố, căn cứ mục tiêu, các chỉ tiêu và định hướng phát triển của qui hoạch này tổ chức xây dựng các chương trình phát triển kinh tế - xã hội; xây dựng các chương trình mục tiêu và dự án đầu tư phù hợp, đồng thời đề ra các giải pháp đồng bộ nhằm phát huy tối đa các nguồn lực phục vụ sự phát triển của quận và Thành phố. - Nghiên cứu ban hành hoặc kiến nghị với thành phố ban hành các cơ chế, qui chế phù hợp các quy định của Nhà nước để thực hiện qui hoạch. - Thực hiện đổi mới tổ chức, quản lý và cải cách hành chính, tạo môi trường thuận lợi khuyến khích thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài. Chủ động khai thác các tiềm năng, đặc biệt là đất đai, lao động, vốn và các nguồn lực khác để thực hiện tốt mục tiêu phát triển và các định hướng của qui hoạch này. - Chỉ đạo đầu tư tập trung, có trọng điểm để nhanh chóng mang lại hiệu quả thiết thực; ưu tiên đầu tư phát triển các ngành, lĩnh vực mà quận có thế mạnh. - Theo dõi, chỉ đạo thực hiện qui hoạch, định kỳ tổ chức đánh gía và đề xuất điều chỉnh qui hoạch cho phù hợp với bối cảnh kinh tế - xã hội cụ thể của quận và thành phố. * Các ngành chức năng của thành phố có trách nhiệm phối hợp, hỗ trợ, hướng dẫn quận Đống Đa trong quá trình thực hiện qui hoạch này để đạt được mục tiêu đã đề ra. Các đơn vị của Trung ương và Thành phố đóng trên địa bàn quận có trách nhiệm cùng Quận thực hiện tốt mục tiêu của qui hoạch. Điều 3 : Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày, kể từ ngày ký.Chánh văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Chủ tịch UBND Quận Đống Đa, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Thành phố Hà Nội và các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này ./.
| T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |