UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2007/QĐ-UBND | Thủ Dầu Một, ngày 24 tháng 01 năm 2007 |
UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Uỷ ban nhân dân ngày 03 tháng 12 năm 2004;
Căn cứ Quyết định số 271/2005/QĐ-TTg ngày 31 tháng 10 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở đến năm 2010;
Căn cứ Nghị quyết số 29/2006/NQ-HĐND ngày 18 tháng 12 năm 2006 của Hội đồng nhân dân tỉnh về Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 – 2010 (điều chỉnh) và định hướng đến năm 2020,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 – 2010 (điều chỉnh) và định hướng đến năm 2020 với các nội dung chủ yếu sau đây:
1. Quan điểm phát triển sự nghiệp văn hóa – thông tin
a) Phát triển sự nghiệp văn hóa thông tin theo định hướng xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa – hiện đại hóa và hội nhập kinh tế quốc tế. Đầu tư phát triển sự nghiệp văn hoá tương xứng với một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, phát triển công nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, thực hiện tốt quan điểm “Tăng trưởng kinh tế đi đôi với phát triển văn hóa – xã hội”.
b) Xây dựng và phát triển hệ thống thiết chế văn hóa là công cụ tuyên truyền, vận động quần chúng thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; đồng thời là nơi hưởng thụ, sáng tạo, bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phải đi đôi với tăng cường chất lượng đội ngũ cán bộ và đổi mới cơ chế quản lý; đảm bảo nội dung hoạt động phong phú, đa dạng, có hiệu quả theo đúng pháp luật; Nhà nước tạo điều kiện để thực hiện xã hội hóa đối với việc xây dựng, phát triển hệ thống thiết chế văn hóa - thông tin.
- Nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, phục vụ công nghiệp hóa – hiện đại hóa của tỉnh; từng bước rút ngắn mức chênh lệch hưởng thụ văn hóa giữa các vùng.
- Đầu tư xây dựng hoàn chỉnh hệ thống thiết chế văn hóa - thông tin từ tỉnh đến cơ sở; bảo tồn, kế thừa, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, truyền thống cách mạng, giá trị di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh,... Đẩy mạnh xã hội hóa, phát huy nguồn lực toàn xã hội đầu tư phát triển sự nghiệp văn hóa – thông tin.
- Tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, phát huy tốt hiệu quả hoạt động các phong trào và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, văn minh, hiện đại.
a) Giai đoạn 2006 – 2010
- Phấn đấu đạt 100% huyện, thị xã xây dựng các Trung tâm văn hóa - thể thao, Nhà thiếu nhi; 90% xã, phường, thị trấn có thiết chế văn hóa, trong đó có 40% thiết chế văn hóa xã được đầu tư hoàn chỉnh. Triển khai mô hình xây dựng đời sống văn hóa đối với công nhân lao động vùng công nghiệp tập trung.
- Đầu tư cho công tác bảo tồn, tôn tạo, trùng tu và phát huy giá trị di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh tiêu biểu, cấp quốc gia. Tăng cường chất lượng biểu diễn nghệ thuật, bảo tồn, bảo tàng, di tích lịch sử, lễ hội, thư viện,… đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân. Nâng cao chất lượng phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa (có 90% hộ gia đình và 70% khu phố, ấp đạt chuẩn văn hóa theo tiêu chí).
- Tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhằm phát huy hiệu lực, trong quản lý nhà nước, công tác tuyên truyền, vận động, các cấp, các ngành và nhân dân trong toàn tỉnh thực hiện tốt việc xây dựng và phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin.
- Thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu về xã hội hóa hoạt động văn hóa theo đề án được Uỷ ban nhân dân tỉnh phê duyệt (có 40 - 60% hoạt động văn hóa nghệ thuật, vui chơi giải trí cho nhân dân từ nguồn vốn xã hội hóa).
b) Giai đoạn 2011 – 2020
- Đầu tư nâng cấp hoàn thiện hệ thống thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở đạt theo tiêu chí quy định (100% xã, phường, thị trấn được đầu tư thiết chế văn hóa hoàn chỉnh). Tập trung đầu tư xây dựng các công trình văn hóa trọng điểm ngang tầm với quá trình phát triển đô thị của tỉnh Bình Dương.
- Hoàn thành công tác trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử đã được xếp hạng; phát triển hệ thống thư viện hiện đại, nhiều tác phẩm văn hóa, nghệ thuật, chương trình biểu diễn, lễ hội…với chất lượng cao; tiếp tục xây dựng, nâng cao chất lượng về hưởng thụ văn hóa và tổ chức đời sống văn hóa theo hướng văn minh, hiện đại và tiến bộ giữa các vùng trong tỉnh.
a) Các dự án đầu tư ngành văn hóa - thông tin giai đoạn 2006 – 2010
- Tổng vốn đầu tư là 425,695 tỉ đồng, trong đó: vốn Trung ương hỗ trợ 3,5 tỉ đồng, vốn ngân sách địa phương 374,995 tỉ đồng, vốn xã hội hóa 47,2 tỉ đồng, tập trung vào các công trình như: bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị di tích lịch sử văn hóa đã được xếp hạng; phát triển hệ thống thư viện; nâng cấp cơ sở vật chất bảo tàng; xây dựng thiết chế văn hóa - thông tin các cấp (nâng cấp Trung tâm văn hóa – thông tin tỉnh, xây dựng mới các Trung tâm văn hóa – thể thao huyện, thị xã và xây dựng hoàn chỉnh các thiết chế văn hóa cơ sở).
- Triển khai chuẩn bị đầu tư dự án công trình văn hóa liên hợp tiêu biểu của tỉnh gồm: Trung tâm văn hoá - thông tin, Quảng trường, công viên văn hóa, tượng đài trong Khu liên hợp Công nghiệp - Dịch vụ - Đô thị tỉnh Bình Dương. Đẩy mạnh công tác huy động nguồn vốn xã hội hóa theo đề án đã được duyệt.
b) Định hướng đầu tư ngành văn hóa – thông tin giai đoạn 2011 – 2020
Tổng vốn đầu tư là 338 tỉ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước là 282 tỉ đồng, vốn huy động xã hội hóa là 56 tỉ đồng, được tập trung vào các công trình trọng điểm như: đầu tư hoàn chỉnh dự án khu Trung tâm văn hóa - thông tin, Quảng trường, công viên văn hóa, tượng đài của tỉnh; Khu di tích địa đạo Tam Giác Sắt, di tích rừng Kiến An, Chiến khu D; tu bổ di tích lịch sử văn hóa; hiện đại hóa thư viện và bảo tàng; đầu tư nâng cấp và xây dựng Trung tâm văn hóa - thông tin huyện, thị xã và quận, huyện theo quy hoạch đơn vị hành chính mới và hoàn chỉnh các cụm văn hóa - thể thao cơ sở.
5. Các giải pháp và tổ chức thực hiện
a) Công tác lãnh đạo, chỉ đạo và thực hiện các Đề án
- Tăng cường lãnh đạo, tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức và ý thức trách nhiệm của các ngành, các cấp chính quyền và toàn dân về vai trò quản lý nhà nước, chăm lo phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin, giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa dân tộc, truyền thống cách mạng.
- Tập trung xây dựng thực hiện các Đề án: Xây dựng hệ thống thiết chế văn hóa - thông tin cơ sở; bảo tồn và phát huy giá trị di tích - danh lam thắng cảnh; phát triển hệ thống thư viện công cộng; xây dựng tượng đài tranh hoành tráng; chương trình mục tiêu quốc gia về văn hóa; xã hội hóa hoạt động văn hóa…
b) Giải pháp về vốn
- Phấn đấu hàng năm tăng mức đầu tư cho ngành văn hóa - thông tin theo tinh thần Quy hoạch được duyệt. Đầu tư cơ sở vật chất phải đi đôi với phân cấp quản lý để nâng cao trách nhiệm quản lý, phát huy hiệu quả sử dụng cơ sở vật chất.
- Sử dụng hiệu quả nguồn vốn do Trung ương hỗ trợ hàng năm, đầu tư phát triển văn hóa thông qua các chương trình mục tiêu Quốc gia về văn hóa.
- Đối với thiết chế văn hóa công lập, Nhà nước chỉ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị ban đầu; nguồn vốn nâng cấp, mở rộng loại hình hoạt động chủ yếu từ nguồn huy động xã hội hóa.
- Xây dựng nguồn vốn tín dụng: Mở rộng cho vay tín dụng, hỗ trợ các dự án trung hạn, ngắn hạn. Có chính sách ưu đãi đối với các công trình văn hóa, vui chơi giải trí của các thành phần kinh tế, phù hợp với đặc thù hoạt động kinh tế trong văn hóa là đầu tư vốn lớn, thu hồi chậm, lợi nhuận thấp.
c) Giải pháp về quỹ đất sử dụng cho thiết chế văn hóa
- Trên cơ sở Quy hoạch đã được duyệt, Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã xác định quỹ đất, nguồn vốn (ngân sách Trung ương, tỉnh và huy động xã hội hóa) dành cho xây dựng các thiết chế văn hóa, công trình văn hóa trọng điểm. Ưu tiên bố trí ở các vị trí trung tâm, thuận tiện cho việc sinh hoạt của nhân dân.
- Có chính sách ưu đãi cho thuê đất đối với các thành phần kinh tế xây dựng thiết chế văn hóa phục vụ nông thôn, vùng công nghiệp tập trung.
d) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực
- Sắp xếp tổ chức bộ máy, tập trung đào tạo nguồn nhân lực của ngành theo hướng đa năng, tổng hợp, đạt chuẩn theo quy định, nhằm đáp ứng nhu cầu quản lý, xây dựng phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin.
- Ban hành các chính sách thu hút nguồn nhân lực.
- Xã hội hóa công tác đào tạo.
đ) Giải pháp về mô hình liên kết
- Xây dựng tốt mối quan hệ phối hợp, hỗ trợ giữa Mặt trận Tổ quốc, ban, ngành, đoàn thể các cấp và doanh nghiệp nhằm phát huy tốt vai trò quản lý, đầu tư xây dựng, phát triển sự nghiệp văn hóa – thông tin trong hệ thống chính trị, chính trị xã hội và quần chúng nhân dân.
- Phát triển rộng khắp phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”.
e) Giải pháp về quản lý, kiểm tra văn hóa
Tăng cường các biện pháp quản lý, thanh kiểm tra và xử lý đúng pháp luật của các cấp chính quyền; phát huy vai trò dân chủ trong xây dựng, bảo vệ môi trường văn hóa văn minh, lành mạnh; nhằm đẩy lùi các tệ nạn xã hội, văn hóa phẩm độc hại… làm ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục văn hóa dân tộc.
Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 4103/QĐ-UBND năm 2007 phê duyệt Quy hoạch phát triển sự nghiệp Văn hóa tỉnh Thanh Hóa giai đoạn 2008-2015 và định hướng đến năm 2020
- 2 Quyết định 17/2007/QĐ-UBND phê duyệt điều chỉnh quy hoạch tổng thể phát triển ngành Văn hóa Thông tin Đồng Nai đến năm 2010
- 3 Nghị quyết 29/2006/NQ-HĐND Quy hoạch phát triển sự nghiệp văn hóa - thông tin tỉnh Bình Dương giai đoạn 2006 – 2010 (điều chỉnh) và định hướng đến năm 2020
- 4 Quyết định 271/2005/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch phát triển hệ thống thiết chế văn hóa thông tin cơ sở đến năm 2010 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 6 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003