Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂNDÂN
TỈNH THÁI BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 11/2009/QĐ-UBND

Thái Bình, ngày 14 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG SẢN THỰC PHẨM CỦA TỈNH THÁI BÌNH GIAI ĐOẠN NĂM 2009 - 2015

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND số 31/2004/QH11 ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Đầu tư số 59/2005/QH11 ngày 29/11/2005; Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư;
Căn cứ Thông báo số 510-TB/TU ngày 23/6/2009 của Tỉnh ủy Thái Bình Thông báo kết luận của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản, thực phẩm giai đoạn 2009-2015;
Căn cứ Nghị quyết số 18/2009/NQ-HĐND ngày 09/7/2009 của HĐND tỉnh Thái Bình về việc phê duyệt Đề án xây dựng cơ chế chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm giai đoạn 2009-2015;
Xét đề nghị của Sở Tư pháp tại Báo cáo thẩm định số 32/BC-STP ngày 19/6/2009 và đề nghị của Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 288/TTr-SKH ngày 10/6/2009
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy định một số cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư phát triển công nghiệp chế biến nông sản thực phẩm của tỉnh Thái Bình, giai đoạn năm 2009 - 2015”.

Điều 2. Giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, Cục Thuế tỉnh và các sở, ngành liên quan hướng dẫn thi hành Quyết định này.

Điều3. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các sở, ban, ngành; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính Phủ;
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư;
- Cục Kiểm tra VB QPPL- Bộ Tư pháp;
- TT Tỉnh uỷ; TT HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Lưu: VT, CN, TM, TH

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hạnh Phúc

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH KHUYẾN KHÍCH ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN NÔNG SẢN THỰC PHẨM CỦA TỈNH THÁI BÌNH, GIAI ĐOẠN NĂM 2009- 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 11/2009/QĐ- UBND ngày 14 tháng 8 năm 2009 của UBND tỉnh Thái Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Uỷ ban nhân dân tỉnh Thái Bình khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản, thực phẩm (CBNSTP) trênđịa bàn tỉnh Thái Bình.

Ngoài các ưu đãi được hưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước, nhà đầu tư còn được hưởng thêm một số chính sách khuyến khích đầu tư của tỉnh Thái Bình theo quy định tại chương II của Quy định này.

Điều 2. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh:

Các dự án đầu tư CBNSTP trên địa bàn tỉnh Thái Bình giai đoạn 2009 - 2015 thực hiện ở một số nhóm nông sản sau:

a) Chế biến sản phẩm ngành chăn nuôi: Lợn, trâu, bò, gà, vịt.

b) Chế biến sản phẩm ngành trồng trọt: Gạo, ngô, đậu tương, khoai tây, rau quả thực phẩm.

2. Đối tượng áp dụng:

Áp dụng đối với tất cả các nhà đầu tư thực hiện việc đầu tư mới, đầu tư mở rộng dự án CBNSTP có quy mô vốn đầu tư từ 18 tỷ đồng (không tính vốn lưu động), sử dụng nguyên liệu được sản xuất trong tỉnh từ 70% trở lên và thực hiện đúng tiến độ đầu tư xây dựng như đã đăng ký trong dự án được cơ quan có thẩm quyền chấp thuận đầu tư.

Chương II

CƠ CHẾ, CHÍNH SÁCH ƯU ĐÃI CỦA TỈNH

Điều3. Ưu đãi về đất đai

Đơn giá cho thuê đất bằng 50% đơn giá thuê đất theo quy định.

Điều 4. Ưu đãi về hạ tầng kỹ thuật

1. Được tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí san lấp mặt bằng và tiền bồi thường giải phóng mặt bằng trên diện tích đất thuê.

2. Ngân sách tỉnh hỗ trợ nhà đầu tư 100% lãi suất tiền vay của các tổ chức tín dụng để đầu tư xây dựng nhà xưởng sản xuất trong thời hạn 3 năm kể từ ngày vay vốn. Số vốn được hỗ trợ lãi suất không quá số vốn đầu tư tài sản cố định sau khi đã trừ đi số vốn tự có của nhà đầu tư nêu trong dự án được UBND tỉnh chấp thuận đầu tư (nhà đầu tư chỉ được hỗ trợ lãi suất khi dự án bắt đầu đi vào sản xuất).

Đối với khoản vay đã được hỗ trợ lãi suất theo chính sách kích cầu của Chính phủ thì chỉ được hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất còn lại.

3. Hỗ trợ hạ tầng cụm công nghiệp: Để tập trung xử lý môi trường; đối với các huyện, thành phố quy hoạch và thu hút được các nhà đầu tư vào cụm công nghiệp dành riêng cho việc đầu tư các dự án CBNSTP được ngân sách tỉnh hỗ trợ 100% kinh phí xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật chính bao gồm đường giao thông; hệ thống thoát nước bên ngoài hàng rào; trạm xử lý môi trường chung của cụm công nghiệp.

Điều 5. Đào tạo lao động

Các dự án có sử dụng lao động kỹ thuật phải qua đào tạo, tỉnh hỗ trợ kinh phí cho nhà đầu tư một lần 1,2 triệu đồng/một lao động của tỉnh Thái Bình được đào tạo (lao động được cấp chứng chỉ đào tạo).

Nhà đầu tư phải ưu tiên tuyển chọn lao động tại địa phương đặc biệt là các hộ gia đình, cá nhân đã được giao đất nhưng bị thu hồi đất để giao đất cho doanh nghiệp.

Điều 6. Ưu đãi trong việc liên kết với nông dân để sản xuất, thu gom nguyên liệu

1. Nhà đầu tư thực hiện việc ứng vốn trước bằng giống, vật tư, phân bón v..v.. phục vụ sản xuất và mua lại nông sản hàng hoá trên cơ sở hợp đồng tiêu thụ nông sản, thực phẩm với người sản xuất ngay từ đầu vụ, từ đầu năm hoặc đầu chu kỳ sản xuất (giá trị hợp đồng từ 1 tỷ đồng trở lên); nếu tổ chức thu mua được từ 50% trở lên khối lượng nông sản theo hợp đồng thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ một phần hoặc toàn bộ số tiền lãi suất vốn vay ngân hàng tương ứng với tỷ lệ khối lượng nông sản đã thu mua theo hợp đồng (thời gian vay vốn tính bằng hợp đồng ứng vốn trước theo một chu kỳ sản xuất của cây, con).

2. Nếu nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng kho trung chuyển để thu gom nguyên liệu thì được ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí xây dựng, tổng số tiền hỗ trợ không vượt quá 500 triệu đồng/kho.

Điều 7. Hỗ trợ quảng cáo, xúc tiến thương mại

Căn cứ chứng từ chi quảng cáo cho việc tuyển chọn lao động, xúc tiến thương mại của nhà đầu tư, ngân sách tỉnh hỗ trợ 50% chi phí, nhưng không quá 30 triệu đồng/năm cho nhà đầu tư trong 3 năm đầu thực hiện dự án.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 8. Trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương

 1. Sở Kế hoạch và Đầu tư tiếp nhận dự án đầu tư, chủ trì phối hợp với các ngành chức năng thẩm định, trình UBND tỉnh chấp thuận dự án đầu tư, hướng dẫn các nhà đầu tư làm thủ tục hưởng các chế độ chính sách ưu đãi của tỉnh.

2. Sở Tài chính hướng dẫn nhà đầu tư về trình tự, thủ tục và thực hiện việc cấp phát, thanh quyết toán tiền hỗ trợ đầu tư theo quy định.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn các nhà đầu tư làm thủ tục giao đất, cho thuê đất theo thẩm quyền.

4. Cục Thuế tỉnh hướng dẫn các nhà đầu tư làm các thủ tục để được hưởng các chính sách ưu đãi về thuế, tiền thuê đất theo quy định.

5. Ngân hàng nhà nước chỉ đạo các Chi nhánh ngân hàng thương mại tạo điều kiện cho các nhà đầu tư vay vốn để phát triển sản xuất.

6. UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm trong việc đề xuất quy hoạch và là chủ đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật của cụm công nghiệp CBNSTP (nếu có) trên địa bàn. UBND các huyện, thành phố; UBND các xã, phường, thị trấn chỉ đạo thực hiện các biện pháp thúc đẩy quá trình tổ chức sản xuất, tiêu thụ nông sản thông qua hợp đồng tại địa phương.

7. Các sở, ngành và các đơn vị có liên quan trong phạm vi chức năng, quyền hạn của mình tổ chức thực hiện các nội dung của Quy định này.

Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc, các nhà đầu tư, các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành phố kịp thời phản ảnh về Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.