Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH SƠN LA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 11/2012/QĐ-UBND

Sơn La, ngày 09 tháng 7 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ, TÁI ĐỊNH CƯ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ ỔN ĐỊNH DÂN CƯ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG CHUYỂN DÂN SÔNG ĐÀ XÂY DỰNG THUỶ ĐIỆN HOÀ BÌNH ” THUỘC TỈNH SƠN LA, GIAI ĐOẠN 2011 - 2015

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH SƠN LA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất;

Căn cứ Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ Quy định bổ sung về việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai;

Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;

Căn cứ Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và TĐC;

Căn cứ Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020 ”;

Căn cứ Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện;

Thực hiện Quyết định số 1460/QĐ-TTg ngày 23 tháng 8 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án “ Ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân Sông Đà xây dựng thuỷ điện Hòa Bình ” thuộc tỉnh Sơn La, giai đoạn 2011 - 2015;

Theo đề xuất của Giám đốc Sở Tài chính tại Tờ trình số 164/TTr-STC ngày 02 tháng 4 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số nội dung về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thực hiện Đề án “ Ổn định dân cư phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân Sông Đà xây dựng thuỷ điện Hòa Bình ” thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015 ( Gọi tắt là Đề án 1460 ).

Điều 2. Giám đốc các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài Nguyên và Môi Trường, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trưởng Ban Quản lý dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La. Theo chức năng, nhiệm vụ của ngành có trách nhiệm hướng dẫn UBND các huyện thuộc vùng Đề án, các Chủ đầu tư tổ chức triển khai thực hiện.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các sở, ban, ngành của tỉnh; các thành viên Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án 1460, Thủ trưởng các đơn vị có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện vùng Đề án 1460 chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- TT Tỉnh uỷ;
- TT HĐND tỉnh;
- TT UBND tỉnh;
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- Như Điều 3;
- Trung tâm Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, TĐC, Tú 40 bản.

TM.UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Toa

 

QUY ĐỊNH

CỤ THỂ MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ BỒI THƯỜNG, HỖ TRỢ TÁI ĐỊNH CƯ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN “ ỔN ĐỊNH DÂN CƯ, PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI VÙNG CHUYỂN DÂN SÔNG ĐÀ XÂY DỰNG THUỶ ĐIỆN HOÀ BÌNH ” THUỘC TỈNH SƠN LA, GIAI ĐOẠN 2011 – 2015
(Kèm theo Quyết định số 11/2012/QĐ -UBND ngày 09 tháng 7 năm 2012 của UBND tỉnh Sơn La)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi áp dụng

Vùng ảnh hưởng chuyển dân sông Đà xây dựng thuỷ điện Hoà Bình thuộc tỉnh Sơn La gồm 50 xã và 2 thị trấn, thuộc 5 huyện bao gồm: Huyện Phù Yên 24 xã, thị trấn; huyện Mộc Châu 14 xã, thị trấn; huyện Bắc Yên 7 xã; huyện Mường La 4 xã; huyện Mai Sơn 3 xã. Tổng số 664 bản, với số dân trong vùng Đề án là 54.153 hộ, trong đó: 37.445 hộ dân sở tại bị ảnh hưởng do phải chia sẻ đất đai; hộ gốc và hộ phát sinh là dân tái định cư là 16.708 hộ.

Điều 2. Đối tượng

Đối tượng áp dụng: Các hộ dân phải di chuyển đến các điểm tái định cư tập trung và xen ghép trong nội bộ xã; hộ nghèo theo chuẩn hộ nghèo (theo tiêu chí mới) áp dụng cho giai đoạn 2011 - 2015 trong vùng Đề án.

Điều 3. Mục tiêu

Quy định chính sách bồi thường, hỗ trợ, TĐC góp phần thực hiện có hiệu quả Đề án “ Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân Sông Đà xây dựng thuỷ điện Hoà Bình ” thuộc tỉnh Sơn La, giai đoạn 2011 - 2015, đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; phát triển sản xuất, ổn định và nâng cao đời sống nhân dân vùng dự án.

Điều 4. Nguyên tắc thực hiện Đề án

1. Sắp xếp, bố trí dân cư phải thực hiện theo quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của huyện, gắn với hoàn thiện quy hoạch xây dựng nông thôn mới, quy hoạch dân cư, quy hoạch sản xuất, quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, và theo Đề án được duyệt. Hình thành các điểm dân cư mới, đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng theo mô hình nông thôn mới, phù hợp với phong tục, tập quán văn hoá của từng dân tộc; chuyển dịch cơ cấu sản xuất để phát triển bền vững; bố trí đủ đất ở, đất sản xuất cho các hộ TĐC theo quy hoạch, ưu tiên bố trí đất sản xuất lương thực; trong đó phát triển sản xuất được coi là yếu tố quan trọng nhất.

2. Việc áp dụng, cụ thể hoá nội dung chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, bảo đảm đúng yêu cầu, nội dung Đề án được phép áp dụng, trên nguyên tắc: tạo điều kiện thuận lợi nhất để các hộ dân TĐC ổn định chỗ ở, cuộc sống ổn định, có điều kiện phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập, từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng, cuộc sống vật chất và tinh thần ngày càng tốt hơn nơi ở cũ, ổn định lâu dài, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của tỉnh.

3. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn thuộc các chương trình, dự án đang triển khai trên địa bàn để thực hiện có hiệu quả mục tiêu của đề án. Căn cứ khả năng huy động vốn và tính cấp thiết của từng dự án, công trình cần lựa chọn đầu tư theo thứ tự ưu tiên để đảm bảo từng bước hoàn thiện cơ sở hạ tầng vùng Đề án. Bảo đảm tính phù hợp trong thực hiện chính sách, không vượt tổng mức đầu tư của Đề án được duyệt.

4. Các cơ chế chính sách áp dụng thực hiện Đề án: Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ về chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và TĐC; Quyết định số 1956/QĐ-TTg ngày 27 tháng 11 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020”; Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy định về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các dự án thuỷ lợi, thuỷ điện.

5. Phân cấp toàn bộ công tác bồi thường, hỗ trợ, tái đinh cư cho UBND các huyện thực hiện theo đúng quy trình về tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; đảm bảo dân chủ, công bằng, công khai, minh bạch, đúng mục tiêu, đúng đối tượng và hiệu quả.

Chương II

BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ ĐẤT

Điều 5. Nguyên tắc, điều kiện bồi thường đất

1. Nguyên tắc bồi thường đất

Thực hiện theo quy định tại Điều 14, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ Quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và các Quy định cụ thể của UBND tỉnh.

2. Điều kiện để được bồi thường đất

Thực hiện theo quy định tại Điều 8, Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; Quy định tại Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ Quy định bổ sung về việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

3. Đối tượng bồi thường thiệt hại về đất

3.1. Hộ dân tái định cư do thiếu đất ở, đất sản xuất, di chuyển đến điểm tái định cư tập trung.

Hộ tái định cư chuyển đến điểm tái định cư tập trung nông thôn được bồi thường thiệt hại về đất tại nơi ở cũ bằng việc giao đất mới tại điểm tái định cư có cùng mục đích sử dụng (đất ở, đất sản xuất) theo quy hoạch điểm tái định cư được duyệt và theo quỹ đất của điểm tái định cư.

3.2. Hộ dân đến điểm tái định cư xen ghép nội xã, bị thu hồi đất ở nơi ở cũ.

a) Hộ dân tái định cư xen ghép trong nội xã do thiếu đất ở (không thiếu đất sản xuất) di chuyển đến chỗ ở mới trong nội bản, nội xã: Được giao đất ở tại vị trí ở mới, phù hợp với quỹ đất của điểm tái định cư xen ghép và theo quy định chung của tỉnh (từ 200 đến 400 m2/hộ tuỳ theo quỹ đất quy hoạch điểm dân cư nông thôn) nhưng tối thiểu đảm bảo tương đương với mức trung bình của hộ dân sở tại ; đất sản xuất các hộ vẫn giữ nguyên canh.

b) Trường hợp nơi ở mới có khoảng cách xa địa bàn đất sản xuất: Bản, Xã xây dựng phương án, tổ chức triển khai việc hoán đổi, dồn điền đổi thửa đất sản xuất trong nội bản, nội xã.

3.3. Hộ dân sở tại bị thu hồi đất để quy hoạch xây dựng điểm tái định cư được bồi thường đất theo quy định.

3.4. Các trường hợp đặc thù khác do bản, xã đề nghị, Ban Quản lý đề án 1460 huyện thẩm định, báo cáo UBND huyện duyệt và gửi hồ sơ về Sở Tài nguyên và Môi trường thẩm định, trình UBND tỉnh quyết định.

4. Thu hồi đất nơi ở cũ của các hộ dân TĐC

Hộ dân tái định cư di chuyển đến điểm tái định cư tập trung, tái định cư xen ghép được giao đất ở, đất sản xuất tại nơi ở mới theo quy hoạch điểm tái định cư được duyệt, phải bàn giao đất ở, đất sản xuất tại nơi ở cũ cho xã, bản nơi đi, để quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Đất đai.

Điều 6. Diện tích, giá đất tính bồi thường

1. Diện tích đất tính bồi thường

a) Đối với trường hợp có giấy tờ về quyền sử dụng đất hợp pháp theo quy định của pháp luật thì diện tích đất được bồi thường là diện tích đất thực tế bị thu hồi.

b) Đối với trường hợp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật thực hiện theo quy định tại Điều 44, Điều 45, điều 46, Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2007 của Chính phủ Quy định về việc cấp Giấy Chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

c) Trường hợp người có đất bị thu hồi có đủ điều kiện được bồi thường, thiệt hại về đất nhưng giấy tờ đó không xác định rõ được diện tích đất sử dụng, thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 5, Quyết định số 34/2010/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ.

2. Giá đất tính bồi thường là giá đất theo mục đích đang sử dụng đã được UBND tỉnh quy định và công bố tại thời điểm bồi thường; không bồi thường theo giá đất sẽ được chuyển mục đích sử dụng.

Chương III

BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI VỀ TÀI SẢN

Điều 7. Bồi thường nhà ở, công trình xây dựng trên đất kèm theo nhà ở

1. Hộ dân di chuyển đến điểm TĐC tập trung, TĐC xen ghép

- Hộ dân tái định cư có nhà ở là nhà sàn, khi di chuyển tháo dỡ lắp dựng lại tại nơi ở mới, không tính bồi thường, được hỗ trợ các chi phí tháo dỡ, bổ sung vật liệu, di chuyển, dựng lại nhà, theo quy định tại Điều 10, Quy định này.

- Trường hợp hộ dân tái định cư có nhà ở không phải là nhà sàn (không tháo dỡ, lắp dựng lại tại nơi ở mới được) được bồi thường thiệt hại theo Quy định tại Điểm 2.1, Khoản 2, Điều này.

2. Hộ dân sở tại bị thu hồi đất để xây dựng điểm tái định cư

2.1. Trường hợp hộ dân có nhà xây được bồi thường về nhà ở, công trình phụ, vật kiến trúc kèm theo nhà ở theo quy định tại Nghị định số 197/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004; Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ, Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; các Quy định cụ thể hoá chính sách, Quyết định đơn giá bồi thường hiện hành của UBND tỉnh.

2.2. Trường hợp hộ dân có nhà ở là nhà sàn, khi di chuyển tháo dỡ lắp dựng lại tại nơi ở mới, được hỗ trợ các chi phí tháo dỡ, bổ sung vật liệu, di chuyển, dựng lại nhà theo quy định tại Điều 10 Quy định này.

Điều 8. Bồi thường cơ sở hạ tầng, công trình công cộng, các công trình văn hoá, di tích lịch sử

1. Công trình công cộng được xây dựng bằng vốn ngân sách Nhà nước bị thiệt hại thì không phải bồi thường.

2. Bồi thường thiệt hại đối với công trình công cộng được xây dựng bằng vốn của tập thể hay do dân đóng góp thì được bồi thường thiệt hại với giá trị tương đương để xây dựng mới công trình đó. Mức bồi thường thiệt hại, theo quy định tại Khoản 2, Điều 24, Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ.

Riêng đối với các thôn, bản, không phải di chuyển hoặc phải di chuyển một phần, bị thiệt hại một phần hoặc toàn bộ hệ thống cơ sở hạ tầng thì được xem xét đầu tư cải tạo, nâng cấp hoặc xây dựng mới cơ sở hạ tầng bảo đảm phục vụ sản xuất và đời sống với cộng đồng dân cư còn lại theo dự án được duyệt.

3. Bồi thường thiệt hại đối với công trình văn hoá, di tích lịch sử: Đối với công trình văn hoá, di tích lịch sử phải có phương án bảo tồn; trường hợp phải di chuyển, lập phương án bồi thường, hỗ trợ, trình Chủ tịch UBND tỉnh quyết định đối với công trình do địa phương quản lý, Thủ tướng Chính phủ quyết định đối với công trình do Trung ương quản lý.

Điều 9. Bồi thường cây trồng, vật nuôi (vật nuôi trồng thuỷ sản)

1. Hộ dân sở tại bị thu hồi đất được bồi thường đối với cây trồng, vật nuôi trồng thuỷ sản trên đất phải thu hồi, như sau:

1.1. Đối với cây lâu năm, cây hàng năm, vật nuôi trên đất có mặt nước: mức bồi thường, hỗ trợ thực hiện theo chính sách Quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ, Quyết định số 34/QĐ-TTg ngày 08 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ; các Quy định về chính sách, Quyết định đơn giá bồi thường, hỗ trợ hiện hành của UBND tỉnh.

1. 2. Rừng trồng

a) Hộ được giao đất và tự bỏ vốn trồng rừng: Mức bồi thường thiệt hại rừng trồng được tính bằng diện tích trồng nhân với (x) đơn giá trồng cộng với (+) chi phí đầu tư chăm sóc, bảo vệ rừng từ khi trồng đến thời điểm phương án bồi thường được duyệt.

b) Hộ trồng, chăm sóc rừng cho Doanh nghiệp

- Rừng đặc dụng, rừng phòng hộ đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách được bồi thường phần công trồng, chăm sóc chưa được trả.

- Trồng, chăm sóc và bảo vệ rừng sản xuất: bồi thường cho doanh nghiệp để hoàn trả tổ chức cho vay và công trồng, chăm sóc của các hộ chưa được trả. Mức bồi thường thiệt hại theo quy định tại Điểm a, Khoản 2 Điều này.

2. Trường hợp hộ dân tái định cư có tài sản là cây cối, hoa màu (cây trồng) khi di chuyển chưa đến vụ thu hoạch hoặc không chuyển đổi, chuyển nhượng được; phải thực hiện công khai trước cộng đồng bản, xã, thì được bồi thường thiệt hại theo quy định tại Khoản 1, Điều này và phải bàn giao đất và tài sản cây trồng trên đất cho cộng đồng bản, xã quản lý.

Chương IV

CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ

Điều 10. Hỗ trợ tháo dỡ, di chuyển, lắp dựng đối với Nhà sàn

1. Hỗ trợ chi phí tháo dỡ, bốc xếp: 2.000.000 đồng/hộ.

2. Hỗ trợ vận chuyển tài sản, nhà cửa.

a) Đối với hộ tái định cư xen ghép trong nội xã.

- Di chuyển trong phạm vi dưới 2 km, mức hỗ trợ 2 triệu đồng/hộ.

- Di chuyển trong phạm vi từ 2 km đến 5 km, mức hỗ trợ 3,5 triệu đồng /hộ.

- Di chuyển trên 5 km, mức hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ.

b) Đối với các hộ tái định cư di chuyển đến điểm tái định cư tập trung, được hỗ trợ kinh phí di chuyển tài sản, nhà cửa, gia súc bằng bố trí xe ô tô để vận chuyển cho hộ hoặc khoán tiền để hộ tự thuê xe vận chuyển, mức hỗ trợ:

- Hộ có một người được hỗ trợ 1 chuyến xe ô tô có trọng tải 5 tấn.

- Hộ có từ 2 người trở lên được hỗ trợ theo số lượng tài sản vận chuyển thực tế, nhưng tối đa không quá 03 chuyến xe ô tô có trọng tải 5 tấn.

Mức cước xe ô tô vận chuyển: Do Ban Quản lý Đề án 1460 huyện lập dự toán gửi phòng Tài chính - Kế hoạch thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt (tính theo loại đường, cự ly vận chuyển cụ thể, đơn giá cước xe ô tô theo quy định của UBND tỉnh tại thời điểm di chuyển).

3. Hỗ trợ kinh phí mua bổ sung vật tư, lắp dựng lại nhà

- Hộ độc thân: 8.000.000 đồng/hộ.

- Hộ có 2 - 4 người: 12.000.000 đồng/hộ.

- Hộ có từ 5 người trở lên: Cứ thêm 01 khẩu được cộng thêm 1.000.000 đồng, mức hỗ trợ tối đa không quá 15.000.000 đồng/hộ.

4. Hỗ trợ tiền xây dựng công trình phụ, đối với hộ dân phải di chuyển nhà ở là nhà sàn:

- Hộ độc thân: 7.500.000 đồng/hộ.

- Các hộ khác 12.000.000 đồng/hộ.

5. Hỗ trợ tiền làm lán trại tạm: Hộ dân tái định cư, hộ dân sở tại phải di chuyển nhà ở, được hỗ trợ một lần chi phí làm lán tạm (hoặc thuê nhà ở), mức hỗ trợ 2.250.000 đồng/hộ.

Điều 11. Hỗ trợ khác

1. Đối với hộ dân tái định cư

a) Hỗ trợ lương thực

- Mỗi nhân khẩu hợp pháp của hộ tái định cư được hỗ trợ lương thực bằng tiền có giá trị tương đương 30 kg gạo/người/tháng.

- Thời gian hỗ trợ cụ thể như sau:

+ Hộ dân phải di chuyển đến điểm TĐC: 36 tháng tính từ thời điểm di chuyển.

+ Hộ dân di chuyển nhà, không thu hồi đất sản xuất: 18 tháng tính từ thời điểm di chuyển.

- Phương thức chi trả: Thực hiện chi trả tiền theo từng Quý; tính theo giá gạo tẻ trung bình tại địa phương ở thời điểm hỗ trợ; giá gạo tính hỗ trợ do UBND huyện xem xét quyết định.

b) Hỗ trợ y tế

- Được cấp không thu tiền bảo hiểm y tế theo chính sách quy định.

- Được hỗ trợ về y tế để phòng, chống dịch bệnh tại nơi ở mới với mức hỗ trợ là 30.000 đồng/khẩu (cấp một lần).

c) Hỗ trợ giáo dục

- Được hưởng các chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ kinh phí học tập đối với học sinh phổ thông các cấp (Mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông) theo Nghị định số 49/2010/NĐ-CP ngày 14 tháng 5 năm 2010 của Chính phủ Quy định về miễn giảm học phí, hỗ trợ kinh phí học tập và cơ chế sử dụng học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục Quốc dân từ năm học 2010 - 2011 đến năm học 2014 - 2015.

- Học sinh con hộ nghèo được hỗ trợ tiền mua sách vở, trang thiết bị học tập, mức hỗ trợ 100.000/học sinh/năm học, trong 3 năm học.

d) Hỗ trợ thắp sáng, chất đốt

- Được hỗ trợ tiền sử dụng điện hoặc dầu thắp sáng (với nơi chưa có điện) trong thời gian đầu, kể từ ngày chuyển đến nơi ở mới. Mức hỗ trợ tương đương 1,5 lít dầu hoả/khẩu/tháng.

- Được hỗ trợ về chất đốt trong 01 năm đầu; mức hỗ trợ tương đương 3 lít dầu hoả/khẩu/ tháng.

- Thời gian hỗ trợ.

+ Hộ dân phải di chuyển đến điểm tái định cư (680 hộ): 12 tháng tính từ thời điểm di chuyển.

+ Hộ dân di chuyển nhà, không thu hồi đất sản xuất (1150 hộ): 6 tháng tính từ thời điểm di chuyển.

- Mức giá hỗ trợ cụ thể, giao UBND huyện quyết định phù hợp với giá dầu hoả tại thời điểm hỗ trợ.

2. Hỗ trợ khác

a) Hộ TĐC có nhu cầu đi tham quan điểm tái định cư được hỗ trợ chi phí tham quan, gồm: chi phí thuê phương tiện, ăn, ở (theo chế độ quy định hiện hành) trong thời gian tham quan. Chủ đầu tư lập kế hoạch, tổ chức cho các hộ đi tham quan điểm TĐC, lập dự toán chi tiết trình UBND huyện phê duyệt.

b) Hỗ trợ chi phí đo đạc lập hồ sơ địa chính thu hồi đất, giao đất, cấp giấy CNQSD đất: Thực hiện theo dự án đo đạc địa chính, hoặc thiết kế kỹ thuật - dự toán phục vụ thu hồi đất, giao đất được duyệt theo quy định.

c) Khuyến khích di chuyển theo tiến độ: Hộ tái định cư di chuyển theo đúng kế hoạch, tiến độ thông báo của Hội đồng bồi thường, được thưởng bằng tiền 01 lần, mức thưởng: từ 2 đến 3 triệu đồng/hộ, mức cụ thể do UBND huyện xem xét, quyết định.

d) Hỗ trợ chi phí làm thủ tục dời nhà cũ, lên nhà mới: 300.000 đồng/hộ.

đ) Hỗ trợ di chuyển mồ mả.

- Di chuyển Mộ xây: 1.560.000 đồng/mộ.

- Di chuyển Mộ không xây: 1.000.000 đồng/mộ.

- Trường hợp theo phong tục tập quán hộ gia đình, cá nhân không thực hiện di chuyển mộ, chỉ làm thủ tục theo phong tục tập quán địa phương, được hỗ trợ 500.000 đồng/mộ (Hộ gia đình, cá nhân phải có đơn đề nghị, trong đơn có nội dung cam kết, gửi Hội đồng bồi thường, GPMB).

e) Hỗ trợ đối tượng hộ gia đình chính sách: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 5, Điều 21, Quyết định số 07/2010/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2010 của UBND tỉnh; mức hỗ trợ 4.500.000 đồng/hộ.

Điều 12. Hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp

1. Hỗ trợ sản xuất nông nghiệp

a) Hỗ trợ xây dựng các mô hình sản xuất nông nghiệp phục vụ công tác tập huấn, chuyển giao công nghệ, quy trình kỹ thuật sản xuất cho các hộ dân: Do Trạm Khuyến nông huyện triển khai thực hiện (Trường hợp Trạm Khuyến nông huyện không thực hiện được, do Trung tâm Khuyến nông tỉnh thực hiện). Quy mô, danh mục các mô hình sản xuất nông nghiệp áp dụng theo Quyết định số 3766/QĐ-BNN-KHCN ngày 28 tháng 11 năm 2007 của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Xây dựng mô hình sản xuất phải bảo đảm phù hợp với quy hoạch sản xuất điểm TĐC và thực tế điều kiện sản xuất, kinh tế của hộ dân, được người dân ủng hộ và theo phương án được UBND huyện phê duyệt.

Kinh phí thực hiện do Trạm khuyến nông (hoặc Trung tâm Khuyến nông tỉnh) lập dự toán theo mô hình phương án được duyệt, gửi Phòng Nông nghiệp huyện thẩm định, trình UBND huyện phê duyệt.

b) Hỗ trợ xây dựng nương định canh: Mức hỗ trợ 5 triệu đồng/ha nương định canh tạo băng cây xanh.

c) Hỗ trợ đầu tư sản xuất đối với hộ dân TĐC, hộ nghèo (vùng đề án)

Được hỗ trợ một lần tiền mua giống: Gia súc, gia cầm, nuôi ong, nuôi trồng thuỷ sản, giống cây trồng, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng có giá trị kinh tế cao theo quy hoạch điểm tái định cư, ưu tiên hỗ trợ giống trồng lúa lai, ngô lai. Mức hỗ trợ 11.000.000 đồng/hộ.

d) Đối với các hộ nghèo, ngoài các chính sách được hưởng nêu trên, còn được hỗ trợ phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thuỷ sản và phát triển ngành nghề:

- Được vay vốn tối đa 5 triệu đồng/hộ, được hỗ trợ lãi suất tiền vay Ngân hàng thương mại Nhà nước trong thời gian 2 năm, để mua giống gia súc hoặc giống gia cầm chăn nuôi tập trung hoặc giống thuỷ sản; hỗ trợ một lần: 01 triệu đồng/hộ để làm chuồng trại chăn nuôi hoặc tạo diện tích nuôi trồng thuỷ sản và 02 triệu đồng/ha mua giống để trồng cỏ nếu chăn nuôi gia súc; được hỗ trợ 500.000 đồng/hộ để mua công cụ, dụng cụ sản xuất.

- Đối với hộ không có điều kiện chăn nuôi mà có nhu cầu phát triển ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp tạo thu nhập được vay 5 triệu đồng/hộ, được hỗ trợ lãi suất tiền vay tại Ngân hàng thương mại Nhà nước trong thời gian 2 năm.

2. Hỗ trợ khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất

a) Hộ gia đình nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng tự nhiên, rừng trồng: Mức hỗ trợ 200.000 đồng/ha/năm.

b) Hộ gia đình được giao rừng sản xuất và giao đất để trồng rừng sản xuất theo quy hoạch:

- Được hưởng toàn bộ sản phẩm trên diện tích rừng sản xuất được giao và trồng.

- Được hỗ trợ lần đầu giống cây Lâm nghiệp theo quy trình trồng rừng sản xuất. Mức hỗ trợ 5.000.000 đồng/ha.

c) Hỗ trợ hộ trồng rừng phòng hộ, kết hợp rừng kinh tế, mức hỗ trợ tối đa 15.000.000 đồng/ha/4 năm (Bao gồm trồng và 3 năm chăm sóc tiếp theo).

d) Hộ nghèo nhận khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, được giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất ngoài chính sách được hưởng theo quy định tại Điểm a, Điểm b nêu trên còn được hỗ trợ:

Được trợ cấp 15 kg gạo/khẩu/tháng trong thời gian chưa tự túc được lương thực hàng năm; thời gian tối đa không quá 03 năm (Thời gian hỗ trợ cụ thể do UBND huyện phê duyệt).

3. Hộ dân sở tại không phải di chuyển nhà ở, bị thu hồi đất được hỗ trợ sản xuất (ổn định đời sống)

Hộ không phải di chuyển nhà ở, nhưng bị thu hồi đất sản xuất tuỳ theo diện tích đất (m 2) thực tế bị thu hồi được hỗ trợ bằng tiền, như sau:

a) Thu hồi dưới 30% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng hợp pháp (được giao hoặc giao khoán) được hỗ trợ 1.000 đồng/m2 theo diện tích đất thực tế bị thu hồi, cấp 1 lần.

b) Hộ bị thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng hợp pháp (được giao hoặc giao khoán) được hỗ trợ 1.500 đồng/m2 theo diện tích đất thực tế bị thu hồi, cấp 1 lần.

c) Hộ bị thu hồi trên 70% diện tích đất sản xuất nông nghiệp đang sử dụng hợp pháp (được giao hoặc giao khoán) được hỗ trợ 2.000 đồng/m2 theo diện tích đất thực tế bị thu hồi, cấp 1 lần.

Điều 13. Hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn

a) Đối với người học

- Được hỗ trợ chi phí học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp nghề và dạy nghề dưới 3 tháng, theo ngành nghề được cấp có thẩm quyền phê duyệt): 03 triệu đồng/người/khóa học.

- Hỗ trợ tiền ăn với mức 15.000 đồng/ngày thực học/người.

- Hỗ trợ chi phí đi lại theo giá vé giao thông công cộng với mức tối đa không quá 200.000 đồng/người/khoá học đối với người học nghề xa nơi cư trú từ 15 km trở lên.

Mỗi lao động nông thôn chỉ được hỗ trợ học nghề một lần theo chính sách của Đề án. Những người đã được hỗ trợ học nghề theo các chính sách khác của Nhà nước thì không được tiếp tục hỗ trợ học nghề theo chính sách này. Riêng những người đã được hỗ trợ học nghề nhưng bị mất việc làm do nguyên nhân khách quan thì UBND huyện tổng hợp, gửi Sở Lao động - Thương binh và Xã hội thẩm định, trình UBND tỉnh xem xét, quyết định tiếp tục hỗ trợ học nghề để chuyển đổi việc làm theo chính sách của Đề án.

b) Đối với giáo viên, giảng viên

- Người dạy nghề được trả tiền công giảng dạy: 25.000 đồng/giờ.

- Giáo viên dạy nghề phải thường xuyên xuống bản vùng Đề án 1460 để dạy nghề thời gian từ 15 ngày trở lên trong tháng, được hưởng phụ cấp lưu động hệ số 0,2 so với mức lương tối thiểu chung.

c) Đối với cơ sở đào tạo nghề cho lao động nông thôn

- Được đầu tư xây dựng cơ sở dạy nghề theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2008 của Chính phủ.

+ Đối với các huyện đang thực hiện chương trình Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP đầu tư từ nguồn vốn Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

+ Đối với các huyện không thuộc chương trình Nghị quyết số 30a /2008/NQ-CP được lồng ghép từ các nguồn vốn XDCB của tỉnh để thực hiện.

- Đầu tư cơ sở, vật chất, thiết bị nghề.

+ Đối với các huyện đang thực hiện chương trình Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP được đầu tư từ nguồn vốn Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP.

+ Đối với huyện không thuộc chương trình Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP, được đầu tư từ nguồn vốn của Đề án 1460 và các nguồn vốn XDCB khác của tỉnh.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Nguồn vốn đầu tư và cơ chế tài chính thực hiện Đề án

1. Nguồn vốn đầu tư

- Nguồn vốn ngân sách Trung ương đầu tư cho Đề án tập trung vào thực hiện nhiệm vụ điều chỉnh ổn định dân cư, bao gồm: Chi phí lập quy hoạch chi tiết, thực hiện bồi thường, hỗ trợ và xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng tại các điểm tái định cư; đầu tư hỗ trợ sản xuất ....

- Thực hiện lồng ghép nguồn vốn các chương trình, dự án khác trên địa bàn như: vốn ĐTPT cân đối NSĐP; Vốn thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP; Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo; Chương trình bảo vệ và phát triển rừng; các chương trình mục tiêu y tế, giáo dục, chương trình nước sinh hoạt vệ sinh môi trường nông thôn; Chương trình kiên cố hoá trường lớp học; Chương trình xây dựng nông thôn mới; Hỗ trợ các bản đặc biệt khó khăn ....

- Các nguồn vốn khác: Vốn góp và công sức lao động của người dân tham gia vào đầu tư sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, công trình công cộng. Nguồn vốn ủng hộ tự nguyện của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đầu tư cho Đề án.

2. Quản lý Tài chính thực hiện Đề án

- Đối với những đối tượng đang hưởng chính sách theo quy định của các chương trình, dự án khác, nếu trùng với chính sách quy định tại Đề án này thì chỉ được áp dụng, hưởng chính sách theo một mức cao nhất.

- Việc lồng ghép nguồn vốn thực hiện Đề án 1460.

+ Nguồn vốn thực hiện Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP và các nguồn vốn khác để hỗ trợ phát triển sản xuất thực hiện theo Quy định tại Thông tư số 10/2009/TTLT-BKH-BTC ngày 30 tháng 10 năm 2009 của liên Bộ: Kế hoạch và Đầu tư - Tài chính quy định lồng ghép các nguồn vốn thực hiện Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững trên địa bàn các huyện nghèo theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ.

+ Nguồn vốn thực hiện Đề án “ Đào tạo nghề cho lao động nông thôn đến năm 2020” và các nguồn vốn khác để hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn thực hiện theo Quy định tại Thông tư liên tịch số 112/2010/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30 tháng 7 năm 2010 của liên Bộ: Tài chính - Lao động, Thương binh và xã hội.

Điều 15. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành

1. Ban Quản lý dự án di dân tái định cư tỉnh.

- Tham m­ưu giúp UBND tỉnh thẩm định Quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư­; thẩm định các dự án thành phần theo phân cấp thuộc dự án tái định cư­ trên địa bàn tỉnh.

- Chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về công tác quy hoạch, kế hoạch; Kiểm tra, hướng dẫn, đôn đốc tiến độ lập quy hoạch chi tiết các khu, điểm tái định cư, công tác xây dựng kế hoạch của các huyện.

- Tổ chức thực hiện dự án nhiệm vụ quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết; tổng hợp kế hoạch vốn; theo dõi tiến độ thực hiện và thực hiện chế độ thông tin báo cáo theo quy định.

- Kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn quá trình tổ chức triển khai thực hiện và thanh quyết toán các dự án thành phần; quyết toán các khu điểm tái định cư do UBND các huyện được giao làm Chủ đầu tư.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư.

- Chủ trì, phối hợp với Ban quản lý dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La và các ngành liên quan tổng hợp, xây dựng phương án phân bổ vốn đầu tư hàng năm cho các huyện để thực hiện Đề án; xây dựng cơ chế và phương án lồng ghép các nguồn vốn đầu tư theo tiến độ sắp xếp, ổn định dân cư, trình HĐND tỉnh, UBND tỉnh phê duyệt.

- Nghiên cứu, đề xuất các chính sách khuyến khích đầu tư và phát triển kinh tế tại vùng tái định cư Đề án 1460, chính sách khuyến khích đối với các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư phát triển sản xuất tại vùng tái định cư.

- Hướng dẫn, kiểm tra công tác giám sát và đánh giá đầu tư trong quá trình thực hiện dự án.

3. Sở Tài nguyên và Môi trường

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, UBND các huyện kiểm tra việc thực hiện chính sách về quy hoạch và sử dụng đất đai, tài nguyên, khoáng sản, tài nguyên nước; tham gia ý kiến về quy hoạch tái định cư phù hợp với chính sách của Nhà nước về đất đai, tài nguyên, môi trường.

- Chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan hướng dẫn giải quyết những khó khăn, vướng mắc của các huyện trong quá trình thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo thẩm quyền.

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc Đề án 1460.

4. Sở Tài chính

- Hướng dẫn UBND các huyện, Chủ đầu tư, Ban Quản lý Đề án 1460 các huyện về công tác quản lý, sử dụng, thanh toán, quyết toán nguồn vốn thực hiện Đề án.

- Phối hợp với cơ quan thanh toán vốn xử lý vướng mắc trong giải ngân thanh toán nguồn vốn.

- Phối hợp với Ban Quản lý dự án di dân tái định cư thuỷ điện Sơn La và cơ quan thanh toán vốn thực hiện chế độ thông tin báo cáo định kỳ và đột xuất về tiến độ giải ngân thanh toán nguồn vốn.

- Tổ chức thẩm định, trình UBND Tỉnh phê duyệt và phê duyệt quyết toán các dự án hoàn thành theo phân cấp.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên - Môi trường và các Ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thực hiện Đề án.

5. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

- Phối hợp với các ngành, UBND các huyện chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện đồng bộ xây dựng mô hình nông thôn mới các bản, điểm TĐC vùng đề án.

- Hướng dẫn UBND các huyện bố trí sản xuất nông, lâm nghiệp gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm vùng tái định cư; hướng dẫn việc lập, thẩm định phương án hỗ trợ sản xuất.

- Chủ trì, phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn vùng đề án; phối hợp triển khai thực hiện các chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn.

- Xây dựng tiêu chuẩn, định mức hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp đối với vùng tái định cư và hướng dẫn các huyện triển khai thực hiện.

- Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường và các Ngành liên quan kiểm tra, đôn đốc và hướng dẫn việc thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thuộc Đề án 1460.

6. Sở Xây dựng

Hướng dẫn, kiểm tra việc lập quy hoạch xây dựng các điểm dân cư nông thôn, khu đô thị; quy hoạch xây dựng nhà ở và xây dựng nông thôn mới; về tiêu chuẩn, định mức, dự toán xây dựng các công trình trong điểm tái định cư.

7. Sở Công nghiệp

- Xây dựng quy hoạch phát triển công nghiệp, tiểu, thủ công nghiệp gắn với sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp ở vùng tái định cư.

- Tham gia chỉ đạo xây dựng tổng tiến độ di dân, tái định cư phù hợp với tổng tiến độ xây dựng của Đề án 1460.

8. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Nội vụ hướng dẫn các huyện xây dựng kế hoạch đào tạo nghề cho lao động nông thôn hàng năm, tổng hợp nội dung và nhu cầu kinh phí gửi Sở Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, trình phương án phân bổ vốn để triển khai thực hiện.

- Kiểm tra, giám sát tình hình thực hiện dạy nghề cho lao động nông thôn vùng Đề án; định kỳ tổng hợp báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Đề án; tham mưu trình UBND tỉnh tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn trong triển khai thực hiện Đề án.

- Phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT xây dựng danh mục nghề, chương trình dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn vùng đề án; phối hợp triển khai thực hiện các chính sách về dạy nghề cho lao động nông thôn.

9. Ban Dân tộc tỉnh

- Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan kiểm tra việc thực hiện chính sách dân tộc tại các vùng tái định cư.

- Phối hợp với các ngành liên quan, UBND các huyện tổ chức tuyên truyền vận động đồng bào thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc tại vùng thực hiện Đề án.

- Phối hợp triển khai thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đầu tư các xã, bản vùng đặc biệt khó khăn áp dụng vào vùng Đề án.

10. Kho bạc Nhà nước tỉnh

Thực hiện quản lý, cấp phát, thanh toán vốn Đề án; hướng dẫn các Chủ đầu tư thực hiện các nội dung, trình tự tạm ứng, cấp phát, thanh toán vốn thuộc Đề án 1460 theo quy định của Chính phủ và hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương.

Điều 16. Trách nhiệm của UBND các huyện thực hiện Đề án

1. Tổ chức thực hiện bồi thường, hỗ trợ, xây dựng, điểm khu tái định cư theo đúng Quy định này. Việc xây dựng khu, điểm tái định cư phải thực hiện theo quy hoạch và Dự án đầu tư được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.

2. Xây dựng kế hoạch bồi thường, di dân tái định cư hàng năm của huyện trình UBND tỉnh phê duyệt và tổ chức thực hiện kế hoạch đã được giao.

3. Tổ chức triển khai các dự án hỗ trợ sản xuất, các dự án hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn theo đúng các quy định hiện hành.

4. Tổ chức tuyên truyền, vận động nhân dân chấp hành nghiêm chỉnh Quy định này nhằm thực hiện đúng tiến độ Đề án 1460.

Điều 17. Điều khoản thi hành

Quy định này áp dụng thực hiện các chính sách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc Đề án “ Ổn định dân cư, phát triển kinh tế - xã hội vùng chuyển dân Sông Đà xây dựng nhà máy thuỷ điện Hoà Bình ” thuộc tỉnh Sơn La giai đoạn 2011 - 2015. Trong quá trình triển khai thực hiện nếu có vướng mắc, UBND các huyện, các đơn vị phản ánh kịp thời về UBND tỉnh (qua Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Ban quản lý Đề án 1460 tỉnh) để nghiên cứu, xem xét trình điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp./.