ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 11/2022/QĐ-UBND | Thái Nguyên, ngày 03 tháng 6 năm 2022 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ, ĐẢM BẢO AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THÁI NGUYÊN
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;
Căn cứ Luật Điện lực ngày 14 tháng 12 năm 2004; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Điện lực ngày 20 tháng 11 năm 2012;
Căn cứ Nghị định số 134/2013/NĐ-CP ngày 17 tháng 10 năm 2013 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;
Căn cứ Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện;
Căn cứ Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ Quy định chi tiết thi hành Luật Điện lực về an toàn điện;
Căn cứ Nghị định số 17/2022/NĐ-CP ngày 31 tháng 01 năm 2022 của Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của các nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hóa chất và vật liệu nổ công nghiệp; điện lực, an toàn đập thủy điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; hoạt động dầu khí, kinh doanh xăng dầu và khí;
Theo đề nghị của Sở Công Thương tại Tờ trình số 1078/TTr-SCT ngày 06 tháng 5 năm 2022.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý, đảm bảo an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày 15 tháng 6 năm 2022 và thay thế Quyết định số 21/2015/QĐ-UBND ngày 15 tháng 9 năm 2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên về việc ban hành quy định xử lý nhà ở, công trình xây dựng vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ QUẢN LÝ, ĐẢM BẢO AN TOÀN LƯỚI ĐIỆN CAO ÁP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THÁI NGUYÊN
(Kèm theo Quyết định số 11/2022/QĐ-UBND ngày 03 tháng 6 năm 2022 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
1. Phạm vi điều chỉnh: Quy định về quản lý, đảm bảo an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
2. Đối tượng áp dụng: Các tổ chức, cá nhân hoạt động điện lực, sử dụng điện và các đối tượng có hoạt động khác liên quan đến lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên.
Trong Quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Lưới điện cao áp là lưới điện có điện áp danh định từ 1.000V trở lên.
2. Trạng thái võng cực đại của dây dẫn điện là trạng thái tính toán dây dẫn khi đồng thời chịu tác động khắc nghiệt nhất của các yếu tố ảnh hưởng như dòng điện qua dây dẫn, nhiệt độ môi trường xung quanh, tải trọng gió.
3. Đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp là các tổ chức hoạt động điện lực theo quy định của pháp luật có quản lý, vận hành lưới điện cao áp.
Điều 3. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Các hành vi bị nghiêm cấm thực hiện theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ hướng dẫn Luật Điện lực về an toàn điện.
2. Cấm thả diều, vật bay trong khoảng cách 1.000 m tính từ lưới điện cao áp.
Điều 4. Trách nhiệm của Sở Công Thương
1. Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành các văn bản có liên quan đến bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh.
2. Phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương tuyên truyền, phổ biến các quy định của Nhà nước về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đến nhân dân trên địa bàn tỉnh.
3. Chủ trì, phối hợp với các ngành, đơn vị liên quan trong việc xử lý các trường hợp vi phạm an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh theo thẩm quyền.
4. Giải quyết các khiếu nại, tố cáo các vấn đề có liên quan đến an toàn lưới điện cao áp theo thẩm quyền.
Điều 5. Trách nhiệm của các sở, ngành liên quan
1. Sở Xây dựng
a) Không cấp giấy phép xây dựng cho các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện có điện áp từ 500kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó.
b) Trước khi cấp giấy phép xây dựng cho các cá nhân, tổ chức xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình thuộc thẩm quyền mà các công trình này nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng, cơi nới, cải tạo, sử dụng nhà ở công trình này.
c) Khi thẩm định quy hoạch các dự án đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền mà có đường dây dẫn điện cao thế trên không cắt qua khu vực dự án, cần đảm bảo khoảng cách an toàn theo quy định tại Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ và Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ.
d) Phối hợp với các ngành liên quan và chính quyền địa phương kiểm tra việc cấp giấy phép xây dựng và xây dựng thực hiện đúng các quy định về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp đối với các cá nhân, tổ chức nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới nhà ở, công trình.
2. Sở Tài chính
a) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí ngân sách đảm bảo cho hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp và hoạt động xử lý vi phạm an toàn lưới điện cao áp cấp tỉnh.
b) Trong trường hợp Nhà nước có quy hoạch xây dựng lưới điện mới hoặc điều chỉnh lưới điện theo quy định của cấp có thẩm quyền phê duyệt vướng vào nhà ở, công trình, đất và cây của nhân dân, Sở Tài chính chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành có liên quan hướng dẫn việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ nhà ở, công trình, đất và cây trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo quy định.
3. Sở Tài nguyên và Môi trường
a) Cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, đồng thời hướng dẫn Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo quy định của Luật Đất đai, Luật Xây dựng, Luật Điện lực, Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ và Nghị định số 51/2020/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2020 của Chính phủ.
b) Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các địa phương tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh bố trí quỹ đất cho việc xây dựng các công trình đường dây tải điện, trạm biến áp và đất dành cho hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp theo quy định của pháp luật.
4. Sở Giao thông vận tải
Hướng dẫn các đơn vị quản lý giao thông đường bộ, đường thủy, đường sắt phối hợp với các đơn vị điện lực thực hiện đúng quy định tại Điều 51, Điều 52 của Luật Điện lực năm 2004 và Điều 10 Nghị định số 14/2014/NĐ-CP ngày 26 tháng 02 năm 2014 của Chính phủ.
5. Công an tỉnh
a) Phối hợp với các cơ quan, đơn vị, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố xử lý các hành vi vi phạm an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh theo quy định.
b) Tham mưu cho Thường trực Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh giải quyết các tình huống khẩn cấp về an ninh trật tự khi xảy ra sự cố lưới điện theo chức năng nhiệm vụ của lực lượng Công an.
Điều 6. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các địa phương
1. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:
a) Quản lý toàn diện các hoạt động xây dựng trên địa bàn theo thẩm quyền.
b) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn phối hợp với đơn vị quản lý vận hành lưới điện tuyên truyền, vận động nhân dân nắm rõ các quy định hiện hành của pháp luật để tích cực, chủ động trong việc bảo vệ hành lang an toàn lưới điện cao áp.
c) Phối hợp với các đơn vị quản lý vận hành xác định khu vực cấm thả diều, vật thể bay.
d) Không cấp giấy phép xây dựng cho các tổ chức, cá nhân xây dựng nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện có điện áp từ 500kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó. Trước khi cấp giấy phép xây dựng cho các cá nhân, tổ chức xây dựng mới hoặc cơi nới, cải tạo nhà ở, công trình thuộc thẩm quyền mà các công trình này nằm trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không, phải yêu cầu chủ đầu tư xây dựng nhà ở, công trình thỏa thuận bằng văn bản với đơn vị quản lý lưới điện cao áp về các biện pháp bảo đảm an toàn đường dây dẫn điện trên không và an toàn trong quá trình xây dựng, cơi nới, cải tạo, sử dụng nhà ở công trình này.
e) Bố trí kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cấp huyện.
2. Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn
a) Quản lý toàn diện các hoạt động xây dựng trên địa bàn theo thẩm quyền.
b) Kiểm tra, phát hiện, xử lý kịp thời theo thẩm quyền ngay từ đầu đối với các công trình xây dựng và cây vi phạm an toàn lưới điện cao áp.
c) Phối hợp với các cơ quan chức năng xử lý các công trình xây dựng và cây vi phạm hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn.
d) Báo cáo kịp thời những hành vi vi phạm an toàn lưới điện cao áp vượt quá thẩm quyền xử lý với Ban Chỉ đạo bảo vệ an toàn lưới điện cao áp cấp huyện.
e) Phối hợp với đơn vị vận hành lưới điện cao áp kiểm tra ngăn chặn việc thả diều, vật thể bay trong phạm vi bị cấm, rà soát và xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm hành lang an toàn lưới điện cao áp còn tồn đọng trên địa bàn quản lý.
Điều 7. Trách nhiệm của các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp
1. Kiểm tra thường xuyên hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong phạm vi quản lý của mình. Khi phát hiện hành vi vi phạm, phải yêu cầu đối tượng vi phạm dừng ngay các hành vi vi phạm, báo cáo và phối hợp với cơ quan nhà nước có thẩm quyền tại địa phương lập biên bản xử lý các hành vi vi phạm đó.
2. Kiểm tra, sửa chữa, bảo dưỡng lưới điện đúng thời hạn quy định. Không vận hành quá tải đối với đường dây phía trên nhà ở, công trình xây dựng.
3. Thực hiện việc khảo sát, lập văn bản thỏa thuận với chủ công trình về các biện pháp an toàn khi xây dựng (hoặc cải tạo) nhà ở, công trình trong hành lang bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị hợp lệ.
4. Khi thực hiện công việc chặt, tỉa cây để bảo đảm an toàn lưới điện cao áp hoặc bắt buộc phải chặt cây để khắc phục sự cố, phải thông báo cho tổ chức quản lý hoặc chủ sở hữu cây theo đúng quy định.
5. Cung cấp sơ đồ mặt bằng lưới điện cao áp đang quản lý, vận hành trên địa bàn cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.
6. Phối hợp với các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương xác định khu vực cấm thả diều, các vật thể bay dọc theo hành lang an toàn của lưới điện cao thế và tuyên truyền, phổ biến các quy định của nhà nước về bảo vệ an toàn lưới điện cao áp bằng nhiều hình thức đến nhân dân trên địa bàn.
7. Đặt biển báo khu vực cấm thả điều và các vật thể bay dọc theo hành lang lưới điện cao áp thuộc phạm vi quản lý của mình.
Sở Công Thương chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, các ngành, các đơn vị liên quan phổ biến, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy định này.
Các đơn vị quản lý vận hành lưới điện cao áp; các tổ chức cá nhân có hành vi vi phạm bảo vệ an toàn lưới điện cao áp trên địa bàn tỉnh phải chấp hành Quy định này và các quy định khác có liên quan.
Trong quá trình thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc, các ngành, các địa phương, các đơn vị phản ánh về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, sửa đổi bổ sung cho phù hợp./.