BỘ QUỐC PHÒNG | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 110/2007/QĐ-BQP | Hà Nội, ngày 11 tháng 7 năm 2007 |
BAN HÀNH QUY CHẾ QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CÂU LẠC BỘ HÀNG KHÔNG
BỘ TRƯỞNG BỘ QUỐC PHÒNG
Căn cứ Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 12 tháng 11 năm 1996 đã sửa đổi, bổ sung một số điều ngày 16 tháng 12 năm 2002;
Căn cứ Quyết định số 391/QĐ-TTg ngày 16 tháng 5 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án thành lập Câu lạc bộ Hàng không, Câu lạc bộ Hàng hải;
Căn cứ Nghị định số 30/2004/NĐ-CP ngày 16 tháng 01 năm 2004 của Chính phủ quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Quốc phòng;
Theo đề nghị của đồng chí Tổng Tham mưu trưởng,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế quản lý hoạt động Câu lạc bộ Hàng không”.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày, kể từ ngày đăng Công báo.
Điều 3. Tổng Tham mưu trưởng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị và cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
QUẢN LÝ HOẠT ĐỘNG CÂU LẠC BỘ HÀNG KHÔNG
(ban hành kèm theo Quyết định số 110/2007/QĐ-BQP ngày 11 tháng 7 năm 2007 của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng)
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng
Quy chế này quy định những vấn đề cơ bản về tổ chức, quản lý và điều hành hoạt động Câu lạc bộ Hàng không trên lãnh thổ Việt Nam.
Quy chế này áp dụng đối với Câu lạc bộ Hàng không; các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động tại Câu lạc bộ Hàng không; các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan trong tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không.
Điều 2. Quản lý Câu lạc bộ Hàng không
1. Câu lạc bộ Hàng không chịu sự quản lý của Bộ Quốc phòng, do Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp chỉ đạo và tổ chức hoạt động.
2. Câu lạc bộ Hàng không là đơn vị có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản riêng, tổ chức bộ máy kế toán theo Luật kế toán; là đơn vị sự nghiệp công lập, được Nhà nước và Bộ Quốc phòng đầu tư ngân sách xây dựng cơ sở vật chất, kỹ thuật ban đầu, từng bước xã hội hóa, từ đơn vị tự bảo đảm một phần kinh phí tiến tới tự bảo đảm toàn bộ chi phí hoạt động.
3. Bộ Tổng tham mưu quy định tổ chức, biên chế, cờ hiệu, biểu tượng và chỉ đạo nghiệp vụ giáo dục quốc phòng của Câu lạc bộ Hàng không.
Điều 3. Nội dung hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không
1. Hoạt động bay thể thao, giải trí trên các phương tiện bay có người điều khiển.
2. Điều khiển từ xa các loại mô hình máy bay.
3. Nhảy dù và dù bay các loại.
4. Nghiên cứu chế tạo, sản xuất, lắp ráp các phương tiện bay phục vụ nhu cầu hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không và các hoạt động bay khác ở trong nước.
5. Huấn luyện, đào tạo người điều khiển các phương tiện bay thể thao và giải trí.
6. Hoạt động thể dục, thể thao hàng không.
7. Các hoạt động dịch vụ hàng không khác.
Điều 4. Phương tiện bay của Câu lạc bộ Hàng không
1. Máy bay thể thao, máy bay huấn luyện, máy bay (trực thăng và vận tải hạng nhẹ) dùng để thả dù, máy bay siêu nhẹ và tàu lượn do người điều khiển;
2. Mô hình máy bay điều khiển từ xa;
3. Khinh khí cầu có hoặc không có người điều khiển;
4. Dù nhảy, dù bay, dù kéo;
5. Các thiết bị bay tương tự khác.
Điều 5. Điều kiện tổ chức hoạt động bay của Câu lạc bộ Hàng không
1. Khi tổ chức hoạt động bay Câu lạc bộ Hàng không phải tuân thủ quy định tại các văn bản sau đây:
a) Luật hàng không dân dụng Việt Nam;
b) Quy chế không lưu Hàng không dân dụng Việt Nam;
c) Quy tắc về bay, quản lý và điều hành bay trong vùng trời Việt Nam;
d) Quy chế dự báo, thông báo bay;
đ) Quy chế bay trong khu vực sân bay;
e) Điều lệ bay, điều lệ công tác chuyên ngành và các quy định khác có liên quan đến hoạt động bay, nhảy dù do Quân chủng Phòng không - Không quân ban hành.
2. Các tổ chức, cá nhân sở hữu phương tiện bay không được tự tổ chức hoạt động bay khi chưa được các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp phép. Mọi hoạt động bay ngoài Câu lạc bộ Hàng không phải chấp hành các quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến việc tổ chức, quản lý, điều hành các hoạt động bay trong vùng trời nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ CÂU LẠC BỘ HÀNG KHÔNG
1. Chức năng:
Câu lạc bộ Hàng không có chức năng giáo dục quốc phòng chung, giáo dục chuyên ngành hàng không và hàng không quân sự thông qua các hoạt động thể thao hàng không (bay, nhảy dù, điều khiển mô hình…), nghiên cứu thiết kế, chế tạo các phương tiện bay và các nội dung hoạt động khác của Câu lạc bộ Hàng không theo quy định của Quy chế này.
2. Nhiệm vụ:
a) Tập trung các tổ chức, cá nhân và các phương tiện bay do mua, nhập khẩu hoặc lắp ráp, chế tạo, sản xuất tại Việt Nam vào Câu lạc bộ Hàng không để quản lý và tổ chức các hoạt động bay theo đúng quản lý của pháp luật;
b) Huấn luyện, đào tạo và cấp bằng (phép bay), chứng chỉ nghề cho các đối tượng là người điều khiển các phương tiện bay, vận động viên nhảy dù, nhân viên kỹ thuật;
c) Tổ chức giáo dục hướng nghiệp quốc phòng, bồi dưỡng kiến thức về Luật hàng không dân dụng Việt Nam và các quy định của Bộ Quốc phòng liên quan đến quản lý điều hành bay, quản lý vùng trời nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
d) Phát hiện bồi dưỡng nhân tài cho ngành Hàng không dân dụng và quân sự, đặc biệt trong lĩnh vực thiết kế, chế tạo, sản xuất và điều khiển các phương tiện bay;
e) Từng bước xây dựng và phát triển các môn thể thao hàng không, tham gia hoặc tổ chức thi đấu trong nước và quốc tế;
g) Thực hiện các hoạt động hợp tác quốc tế phù hợp với chức năng, tôn chỉ mục đích của Câu lạc bộ Hàng không;
h) Tổ chức hoạt động thể dục thể thao, các hoạt động dịch vụ hàng không bảo đảm cho tổ chức thực hành bay và các dịch vụ khác phù hợp với các quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng.
Tổ chức, biên chế Câu lạc bộ Hàng không thực hiện theo quy định của Bộ Tổng tham mưu và Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập, cụ thể:
1. Tổ chức Câu lạc bộ Hàng không gồm:
a) Ban lãnh đạo và Văn phòng;
b) Các bộ môn chuyên ngành: Lý thuyết bay và lý thuyết dù hàng không; Kỹ thuật hàng không; Nghiên cứu chế tạo phương tiện bay, mô hình máy bay; Thể thao hàng không;
c) Các bộ phận chuyên môn và bảo đảm: Kế toán; Hành chính; Bảo đảm và phục vụ;
d) Các đơn vị thực hành: Trung tâm thực hành bay; Xưởng bảo dưỡng kỹ thuật; Xưởng cơ khí thực hành và thử nghiệm mô hình.
Khi mới thành lập, tổ chức Câu lạc bộ Hàng không được rút gọn cho phù hợp với điều kiện thực tế.
2. Biên chế Câu lạc bộ Hàng không gồm:
a) Các chức danh quản lý, điều hành Câu lạc bộ: Chủ tịch Câu lạc bộ, các Phó Chủ tịch Câu lạc bộ, Chủ nhiệm Câu lạc bộ, các Phó Chủ nhiệm Câu lạc bộ;
b) Các chức danh chuyên môn: giáo viên, hướng dẫn viên, nhân viên kỹ thuật, lái xe, hàng y, bảo vệ…
Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân bổ nhiệm các chức danh theo quy định của Bộ Tổng tham mưu; mời hoặc tuyển dụng các chức danh khác quy định tại khoản 2 Điều này theo nhu cầu của Câu lạc bộ Hàng không.
Điều 8. Tiêu chuẩn bổ nhiệm Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng không
1. Là cán bộ lãnh đạo có uy tín của Không quân, Hàng không dân dụng đã nghỉ hưu (hoặc đang làm việc) hoặc người có vị trí, uy tín lớn trong các tổ chức kinh tế, chính trị, xã hội.
2. Nhiệt tình, ham mê với các hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không.
3. Có khả năng tập hợp được nguồn nhân lực, trí lực, vật lực để thúc đẩy nhanh sự phát triển của Câu lạc bộ Hàng không theo kịp với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội đất nước và nhu cầu ngày càng cao về giải trí, thể thao cảm giác mạnh của thanh niên.
Điều 9. Nhiệm vụ và quyền hạn của Quân chủng Phòng không - Không quân
1. Quân chủng Phòng không - Không quân trực tiếp quản lý Câu lạc bộ Hàng không trên phạm vi lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Nội dung gồm:
a) Chủ trì xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành nhằm đảm bảo Câu lạc bộ Hàng không hoạt động tự chủ, năng động, sáng tạo, đạt hiệu quả cao;
b) Chủ trì lập quy hoạch phát triển và tổ chức Câu lạc bộ Hàng không trên toàn quốc. Chủ trì và tổ chức các cuộc thi đấu giữa các Câu lạc bộ Hàng không trong và ngoài nước;
c) Thiết lập và giữ mối quan hệ toàn diện với Câu lạc bộ Hàng không, Trung tâm thực hành bay, nhảy dù của các quốc gia khác;
d) Chỉ đạo các ngành chức năng thuộc quyền phối hợp với cơ quan nhà nước có liên quan để quản lý chặt chẽ hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không, công tác nhập khẩu trang bị kỹ thuật, vật tư linh kiện, quản lý thành viên và các phương tiện bay để bảo đảm an toàn, an ninh trên không, mặt đất;
đ) Thanh tra, kiểm tra, sơ tổng kết việc thực hiện nhiệm vụ của Câu lạc bộ Hàng không.
2. Nhiệm vụ và quyền hạn của Quân chủng Phòng không - Không quân đối với Câu lạc bộ Hàng không thể hiện trên các mặt chủ yếu sau:
a) Quyết định nhân sự chủ chốt, xác định quyền hạn, trách nhiệm của các thành viên Ban lãnh đạo và kiện toàn về tổ chức biên chế của Câu lạc bộ Hàng không;
b) Chỉ đạo phương hướng hoạt động; kiểm tra, hướng dẫn cho Câu lạc bộ Hàng không thực hiện đúng các quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền;
c) Chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan hiệp đồng, giúp đỡ, bảo đảm các điều kiện cần thiết cho hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không;
d) Yêu cầu Câu lạc bộ Hàng không tham gia thực hiện các nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn, cấp cứu, phòng chống cháy rừng khi cần thiết;
đ) Phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng để đầu tư về kinh phí, trang thiết bị, cơ sở vật chất, tài liệu huấn luyện bảo đảm cho sự phát triển lâu dài của Câu lạc bộ Hàng không;
e) Giúp đỡ về cán bộ, cơ sở vật chất, trang thiết bị hoặc kinh phí cho Câu lạc bộ Hàng không khi cần thiết;
g) Kiểm tra, giải quyết khiếu nại tố cáo, khen thưởng và xử lý các vi phạm;
h) Cấp, đình chỉ, gia hạn, thu hồi, huỷ bỏ các chứng chỉ, bằng, giấy phép và các giấy tờ khác có liên quan tới hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không, bao gồm:
- Chứng chỉ hành nghề cho các giáo viên, huấn luyện viên và hội viên các Câu lạc bộ Hàng không;
- Phép bay cho các phương tiện bay và người điều khiển, chứng chỉ cho vận động viên nhảy dù, nhân viên kỹ thuật;
- Cho phép tổ chức các hoạt động giao lưu, thi đấu cấp câu lạc bộ trong nước và quốc tế.
Điều 10. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban Giáo dục quốc phòng Quân chủng Phòng không - Không quân
Ban Giáo dục quốc phòng là cơ quan thường trực giúp Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ đạo về nghiệp vụ giáo dục quốc phòng và là cơ quan quản lý cấp trên trực tiếp của Câu lạc bộ Hàng không, có trách nhiệm và quyền hạn:
a) Nắm chắc hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không cả về tổ chức biên chế, con người, nội dung hoạt động;
b) Phối hợp chặt chẽ với các cơ quan, ngành chức năng của Quân chủng Phòng không - Không quân kiểm soát việc chấp hành các quy định, luật lệ, tổ chức hoạt động Câu lạc bộ, quản lý tài chính, tài sản của Ban chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng không. Chủ động đề xuất, tham mưu cho Quân chủng trong tổ chức thanh tra, kiểm tra, kiểm soát các hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không;
c) Thường xuyên lĩnh hội ý kiến chỉ đạo của Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương và của Quân chủng Phòng không - Không quân để chỉ đạo hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không kịp thời, đúng chức năng, nhiệm vụ và quy định của pháp luật;
d) Trực tiếp kiểm tra giám sát, phát hiện và chủ động đề xuất với Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng những nội dung liên quan tới chức năng, nhiệm vụ, phương hướng phát triển, quy hoạch của hệ thống Câu lạc bộ Hàng không, xây dựng và đào tạo con người;
đ) Phối hợp chặt chẽ với lãnh đạo Câu lạc bộ Hàng không, các tổ chức, đơn vị của địa phương và Bộ, ngành liên quan trong quan hệ đối ngoại, tổ chức giao lưu quốc tế. Chủ trì, đề xuất cùng với Ban lãnh đạo Câu lạc bộ và giúp Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân trong tổ chức thi đấu trong nước và quốc tế.
Điều 11. Nhiệm vụ và quyền hạn của Câu lạc bộ Hàng không
1. Thực hiện nhiệm vụ giáo dục quốc phòng theo chỉ đạo của Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương và Quân chủng Phòng không - Không quân.
2. Chấp hành nghiêm túc các quy định của Quân chủng Phòng không - Không quân, điều lệ công tác chuyên ngành liên quan đến các hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không .
3. Phối hợp với Ban Giáo dục quốc phòng và các cơ quan chức năng có liên quan của Quân chủng Phòng không - Không quân trong việc xây dựng chiến lược phát triển, kế hoạch hoạt động dài hạn, ngắn hạn của Câu lạc bộ Hàng không.
4. Kiến nghị Quân chủng Phòng không - Không quân và Bộ Quốc phòng ban hành các cơ chế, chế độ, chính sách và văn bản quy phạm pháp luật bảo đảm cho các hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không.
5. Thực hiện nghĩa vụ tài chính của Câu lạc bộ với Nhà nước và Bộ Quốc phòng.
6. Định kỳ (3 tháng, 6 tháng và hàng năm) báo cáo tình hình hoạt động, các đề xuất, kiến nghị để Ban Giáo dục quốc phòng tổng hợp báo cáo Quân chủng Phòng không - Không quân và cơ quan nghiệp vụ cấp trên.
Điều 12. Nhiệm vụ và quyền hạn của các thành viên Ban lãnh đạo Câu lạc bộ Hàng không
1. Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng không có nhiệm vụ và quyền hạn:
a) Nghiên cứu nắm chắc các quy định, chính sách của Nhà nước liên quan đến tổ chức hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không, đề xuất các bước đi, biện pháp xây dựng, tổ chức Câu lạc bộ Hàng không. Tham gia chỉ đạo các hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không, điều hành bộ máy và các thành viên Ban lãnh đạo thực hiện đầy đủ chức trách, nhiệm vụ được giao;
b) Chủ trì đề xuất chủ trương lãnh đạo Câu lạc bộ Hàng không chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, Quân đội, Quân chủng Phòng không - Không quân và chịu trách nhiệm trước pháp luật khi tham gia chỉ đạo hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không;
c) Thay mặt Câu lạc bộ Hàng không giữ mối quan hệ với các cơ quan quản lý nhà nước về chuyên ngành hàng không, các ban, ngành khác có liên quan, các tổ chức chính trị xã hội, các nhà tài trợ;
d) Định kỳ báo cáo với lãnh đạo Quân chủng Phòng không - Không quân và đề xuất những kiến nghị, những chủ trương lớn về xây dựng Câu lạc bộ Hàng không với Quân chủng và Bộ Quốc phòng.
2. Các Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng không là các cán bộ chuyên môn có kinh nghiệm, đương nhiệm hoặc đã từng phục vụ trong lực lượng Không quân hoặc Hàng không dân dụng, là người giúp và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch Câu lạc bộ Hàng không về các mặt công tác được phân công.
3. Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng không (Giám đốc điều hành) là Phó chủ tịch thường trực, là sĩ quan thuộc biên chế của Quân chủng Phòng không - Không quân, có nhiệm vụ và quyền hạn:
a) Là người đại diện của Quân đội và chịu trách nhiệm trước Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân về các hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không; được thay mặt Chủ tịch Câu lạc bộ phân công công việc cho các Phó chủ tịch để thực hiện nhiệm vụ, kế hoạch công tác đã được Chủ tịch ký trình Tư lệnh Quân chủng phê duyệt (khi Chủ tịch vắng mặt);
b) Thường xuyên, trực tiếp điều hành mọi mặt công tác của Câu lạc bộ Hàng không. Quán triệt đầy đủ chức năng, nhiệm vụ; tích cực chủ động, nắm chắc sự chỉ đạo của cấp trên; trực tiếp quản lý nội bộ và tổ chức, điều hành mọi hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không đạt hiệu quả cao, bảo đảm an toàn về con người và tài sản;
c) Cùng với Ban lãnh đạo nghiên cứu, đề xuất những cơ chế, chủ trương, chính sách phát triển Câu lạc bộ Hàng không; xây dựng các đề án chương trình, kế hoạch ngắn hạn và dài hạn về chuyên môn, thu hút đầu tư, quan hệ quốc tế và các mặt công tác khác;
d) Đánh giá toàn diện tình hình liên quan, xác định đầy đủ các yếu tố, điều kiện cơ bản để tổ chức các hoạt động đa dạng của Câu lạc bộ Hàng không theo quy định của pháp luật và các quy định hiện hành;
đ) Nắm vững nội dung của hệ thống các văn bản liên quan đến hoạt động bay. Chấp hành nghiêm các quy định, chế độ công tác, đặc biệt là trong tổ chức chuẩn bị và thực hành bay, tổ chức nhảy dù, bay mô hình phù hợp với công tác quản lý bay, quản lý vùng trời. Khi tổ chức bay, nhảy dù tại trung tâm thực hành bay trên các sân bay quân sự, sân bay dã chiến… phải thực hiện nghiêm quy định của Quân chủng Phòng không - Không quân về công tác hiệp đồng với đơn vị không quân chủ quản sây bay, chính quyền và cơ quan quân sự địa phương, thông báo dự báo bay đúng quy định;
e) Hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan có liên quan của Quân chủng Phòng không - Không quân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ. Liên kết, hợp tác với các tổ chức, đơn vị của ngành Hàng không dân dụng, Du lịch, Thể dục thể thao, tổ chức Đoàn thanh niên và các đoàn thể khác trên địa bàn để đẩy mạnh hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không;
g) Chấp hành nghiêm các quy định của Nhà nước, Bộ Quốc phòng và Quân chủng Phòng không - Không quân về công tác an toàn chống cháy nổ, bảo quản, bảo dưỡng và khai thác sử dụng phương tiện bay, trang bị kỹ thuật và cơ sở vật chất của Câu lạc bộ Hàng không. Thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bảo hiểm đối với người và phương tiện khi tổ chức hoạt động bay, nhảy dù;
h) Thực hiện nghiêm chế độ báo cáo, kịp thời rút kinh nghiệm, đánh giá hiệu quả hoạt động, xây dựng Câu lạc bộ Hàng không ngày càng đi vào nề nếp;
i) Là chủ tài khoản của Câu lạc bộ Hàng không.
4. Các Phó chủ nhiệm (Phó giám đốc) Câu lạc bộ Hàng không là các cán bộ chuyên môn và là người giúp Chủ nhiệm Câu lạc bộ Hàng không điều hành các mặt công tác được phân công, bao gồm:
a) Phó chủ nhiệm (Phó giám đốc) bay-kiêm Chỉ huy Trung tâm thực hành bay, là phi công đang hoặc đã thôi bay, từng chỉ huy đơn vị Không quân, có nhiều kinh nghiệm tổ chức, chỉ huy điều hành bay, huấn luyện, đào tạo phi công, chịu trách nhiệm trước Ban lãnh đạo Câu lạc bộ Hàng không về việc tổ chức huấn luyện bay, huấn luyện nhảy dù;
b) Phó chủ nhiệm (Phó giám đốc) kỹ thuật hàng không, là kỹ sư hàng không có kinh nghiệm phục vụ và tổ chức bảo đảm kỹ thuật hàng không, là người chịu trách nhiệm chỉ đạo công tác bảo đảm kỹ thuật (máy bay, dù…); tổ chức học tập lý thuyết máy bay, dù và các phương tiện bay khác; nghiên cứu chế tạo, sản xuất mô hình máy bay;
c) Phó chủ nhiệm (Phó giám đốc) kế hoạch, là người đang phục vụ trong biên chế của Quân chủng Phòng không - Không quân, giúp Chủ nhiệm (Giám đốc) về công tác quản lý hành chính, kế hoạch và điều hành bộ máy để thực hiện các nhiệm vụ theo kế hoạch của Chủ nhiệm (Giám đốc).
HỘI VIÊN CÂU LẠC BỘ HÀNG KHÔNG
1. Công dân Việt Nam, người nước ngoài hiện đang sinh sống, làm việc tại Việt Nam, người Việt Nam hiện đang định cư ở nước ngoài không vi phạm pháp luật Việt Nam và quốc gia cư trú, có mối quan tâm, sở thích, sau khi có đơn xin gia nhập Câu lạc bộ Hàng không, tự nguyện thừa nhận, chấp hành đầy đủ quy định của Quy chế này và các quy định của Câu lạc bộ Hàng không, thì được công nhận là Hội viên của Câu lạc bộ. Đối với người nước ngoài du lịch tại Việt Nam nếu đáp ứng đầy đủ yêu cầu trên thì được công nhận là Hội viên có thời hạn của Câu lạc bộ Hàng không.
2. Khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hợp tác, đầu tư, xây dựng Câu lạc bộ Hàng không bằng cách đóng góp phương tiện, trang bị, tài chính và các khoản đóng góp hợp pháp khác.
3. Khuyến khích các cán bộ là phi công, kỹ sư hàng không, vận động viên nhảy dù giỏi, có uy tín của Không quân, Hàng không dân dụng hợp tác, tham gia làm giáo viên, huấn luyện viên cho Câu lạc bộ Hàng không.
Điều 14. Quyền lợi và nghĩa vụ của Hội viên
1. Quyền lợi:
a) Được phép tham gia hoạt động theo nguyện vọng tại đơn xin gia nhập Câu lạc bộ Hàng không;
b) Các thành viên Câu lạc bộ Hàng không tự nguyện đóng góp phương tiện (nêu tại Điều 4) hoặc nguồn kinh phí lớn để xây dựng Câu lạc bộ Hàng không được hưởng ưu đãi về sử dụng phương tiện, trang bị của mình và cơ sở vật chất của Câu lạc bộ trong các hoạt động do Câu lạc bộ Hàng không tổ chức. Ngoài ra tuỳ theo giá trị đóng góp mà được hưởng lợi sau khi cân đối thu chi chung của Câu lạc bộ Hàng không;
c) Được cấp bằng, chứng chỉ theo đúng chuyên môn được học tập;
d) Đối với các hội viên là công dân Việt Nam có năng khiếu và thành tích xuất sắc sẽ được ưu tiên xem xét tuyển chọn phục vụ trong Quân chủng Phòng không - Không quân và giới thiệu cho ngành Hàng không dân dụng.
2. Nghĩa vụ:
a) Tự giác chấp hành nghiêm kỷ luật, Quy chế và các quy định khác của Câu lạc bộ; đoàn kết, xây dựng Câu lạc bộ Hàng không vững mạnh về mọi mặt;
b) Tích cực học tập, tham gia đầy đủ các sinh hoạt, đạt được những yêu cầu theo chương trình huấn luyện, đào tạo;
c) Thực hiện nghiêm các quy chế, quy định về công tác bảo mật, tuyệt đối giữ bí mật quân sự, bí mật nhà nước và những thông tin khác liên quan đến lợi ích của Quân đội và Nhà nước khi hoạt động tại các căn cứ quân sự;
d) Thực hiện đầy đủ nghĩa vụ đóng góp lệ phí, học phí và bảo hiểm theo quy định;
đ) Tự bảo đảm các nhu cầu cá nhân trong thời gian sinh hoạt tại Câu lạc bộ Hàng không. Khi có quan hệ với cá nhân và tổ chức nước ngoài phải tự giác báo cáo với lãnh đạo Câu lạc bộ;
e) Tuyên truyền, giới thiệu Hội viên mới cho Câu lạc bộ Hàng không.
Điều 15. Điều kiện tham gia bay, nhảy dù của Hội viên
1. Được học tập, chuẩn bị dưới mặt đất đầy đủ các nội dung lý thuyết chuyên ngành, có kết quả kiểm tra đạt tiêu chuẩn cho phép.
2. Đủ sức khoẻ (theo kết luận của Viện y học Hàng không và kết quả kiểm tra sức khoẻ trước chuyến bay).
3. Có tâm lý vững vàng, có nguyện vọng và sẵn sàng bay, nhảy dù.
4. Đã mua bảo hiểm thân thể.
CÁC HÌNH THỨC HOẠT ĐỘNG CỦA CÂU LẠC BỘ HÀNG KHÔNG
Điều 16. Điều khiển các phương tiện bay
1. Hoạt động bay:
a) Bay đào tạo, bay củng cố kỹ thuật và nâng cao cho học viên và phi công trên các phương tiện bay: máy bay, trực thăng, tầu lượn;
b) Bay thả dù từ máy bay, trực thăng;
c) Bay giải trí, biểu diễn và thi đấu kỹ thuật bay.
2. Hoạt động nhảy dù:
a) Nhảy dù từ máy bay (trực thăng), từ khinh khí cầu hoặc từ các đỉnh núi, tháp cao tầng;
b) Dù lượn lợi dụng sức gió từ các sườn núi;
c) Dù bay có động cơ.
3. Hoạt động điều khiển mô hình bay:
a) Điều khiển bay theo chương trình huấn luyện cơ bản;
b) Điều khiển các động tác kỹ thuật phức tạp, cao cấp, theo luật thi đấu quốc tế;
c) Bay trên các thiết bị mô phỏng (buồng tập lái máy bay).
Điều 17. Huấn luyện, đào tạo và cấp chứng chỉ
1. Câu lạc bộ Hàng không được phép đào tạo người điều khiển các loại phương tiện bay nêu tại Điều 4. Người điều khiển phương tiện bay của Câu lạc bộ Hàng không được Quân chủng Phòng không - Không quân cấp phép bay, nhảy dù (bằng lái máy bay, khinh khí cầu, vận động viên dù) sau khi bay đủ chương trình đào tạo và đạt yêu cầu khi được kiểm tra sát hạch.
2. Chương trình, kế hoạch bay đào tạo của Câu lạc bộ Hàng không phải bám sát hệ thống các văn bản liên quan đến hoạt động bay và đào tạo phi công của Quân chủng Phòng không - Không quân (Điều lệ bay, giáo trình huấn luyện đào tạo trên từng loại máy bay và các quy định khác) cũng như của các nước tiên tiến có nhiều kinh nghiệm tổ chức hoạt động Câu lạc bộ Hàng không và được Quân chủng Phòng không - Không quân phê chuẩn.
3. Đối với người nước ngoài đã có bằng lái máy bay của nước chủ quản, muốn bay trên phương tiện bay cùng loại của Câu lạc bộ Hàng không, ngoài việc chứng minh tính xác thực của giấy phép đó còn phải được giáo viên của Câu lạc bộ Hàng không trực tiếp bay kiểm tra, nếu đủ điều kiện mới được bay.
4. Thẩm quyền cấp phép bay, chứng chỉ và các văn bằng khác do Quân chủng Phòng không - Không quân quy định. Các loại văn bằng đó được quy định thống nhất và có giá trị trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Trường hợp liên kết đào tạo với các Trung tâm, Câu lạc bộ Hàng không nước ngoài thì văn bằng do phía Việt Nam cấp có giá trị quốc tế tương đương các văn bằng của Câu lạc bộ Hàng không của quốc gia đó.
Điều 18. Nghiên cứu chế tạo, sản xuất và sửa chữa các phương tiện bay
1. Việc nghiên cứu chế tạo, sản xuất các phương tiện bay của Câu lạc bộ Hàng không trước mắt là mô hình máy bay điều khiển bằng vô tuyến điện, phục vụ cho nhu cầu trong nước. Khi đã có đủ các điều kiện cần thiết về vốn, tri thức, công nghệ sẽ nghiên cứu chế tạo và sản xuất các phương tiện bay loại nhỏ (máy bay) có người điều khiển, các loại dù.
2. Xưởng bảo dưỡng kỹ thuật của Câu lạc bộ Hàng không chịu trách nhiệm duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa các chi tiết hoặc hỏng hóc nhỏ của các phương tiện bay của Câu lạc bộ Hàng không. Việc sửa chữa lớn được tiến hành tại các nhà máy của Quân chủng Phòng không - Không quân.
Điều 19. Giáo dục hướng nghiệp quốc phòng
1. Mục tiêu giáo dục hướng nghiệp quốc phòng là bồi dưỡng, nâng cao nhận thức về quốc phòng, an ninh, lòng yêu nước, tự hào dân tộc, xây dựng ý chí quyết tâm bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa cho toàn dân, góp phần giữ vững hoà bình, ổn định, tạo môi trường thuận lợi để phát triển kinh tế xã hội.
2. Hoạt động giáo dục quốc phòng được tiến hành tại Câu lạc bộ Hàng không (chương trình bắt buộc) hoặc tại các tổ chức xã hội, trường học (theo yêu cầu) nhằm giáo dục ý thức, trang bị kiến thức và những kỹ năng cần thiết liên quan đến quốc phòng. Cụ thể là các vấn đề về không gian, không phận, chủ quyền quốc gia, hệ thống đường bay hàng không , quản lý điều hành bay, quản lý vùng trời, bảo đảm kỹ thuật hàng không, các kiến thức liên quan đến Hàng không quân sự và quốc phòng hiện đại.
Điều 20. Thể dục, thể thao hàng không
1. Thành viên, Hội viên của Câu lạc bộ Hàng không đều được tham gia sử dụng các trang thiết bị thể thao quốc phòng, thể thao hàng không có trong Câu lạc bộ Hàng không.
2. Các môn thể thao trong Câu lạc bộ Hàng không bao gồm: bóng chuyền, bóng rổ, bóng bàn, quần vợt, thể hình, bơi lội, vòng quay, đu quay, bắn súng thể thao và các môn khác.
3. Hệ thống trang thiết bị bao gồm bãi tập, sân tập, bể bơi và các trang thiết bị thể thao đáp ứng nhu cầu rèn luyện, nâng cao sức khoẻ cho mọi người.
Ngoài các hoạt động đã nêu tại các Điều 16, 17, 18, 19, 20 của Quy chế này, Câu lạc bộ Hàng không được phép tổ chức các hoạt động khác phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Câu lạc bộ và các quy định của pháp luật, cụ thể:
1. Các hoạt động có thu khi thực hiện bảo quản, bảo dưỡng, sửa chữa các máy bay thể thao, máy bay loại nhỏ của tư nhân góp vào Câu lạc bộ Hàng không hoặc các dịch vụ hàng không theo yêu cầu của các chủ máy bay (xăng, dầu mỡ, kiểm tra trước và sau khi bay, phí sân đỗ, bảo vệ) và các hoạt động bảo đảm có thu phí khác.
2. Các khóa học liên quan đến chuyên ngành hàng không, không quân.
3. Tổ chức hoạt động thi đấu cấp câu lạc bộ trong nước và quốc tế.
4. Quảng cáo, sản xuất và kinh doanh các sản phẩm, đồ lưu niệm tuyên truyền cho Quân đội, Quân chủng Phòng không - Không quân, Không quân nhân dân, Câu lạc bộ Hàng không.
CÔNG TÁC BẢO ĐẢM HOẠT ĐỘNG CỦA CÂU LẠC BỘ HÀNG KHÔNG
Điều 22. Bảo đảm trang thiết bị và cơ sở hạ tầng
1. Trang thiết bị gồm: máy bay, mô hình máy bay, dù, nhà xưởng và các trang thiết bị khác được Nhà nước, Hội đồng Giáo dục quốc phòng Trung ương, Bộ Quốc phòng cấp, cho phép mua và do các tổ chức, cá nhân đóng góp.
2. Cơ sở bảo đảm gồm: cơ sở học tập lý thuyết, rèn luyện thể lực, luyện tập mặt đất và các cơ sở bảo đảm khác được bố trí cùng với bộ máy lãnh đạo, các bộ môn chuyên ngành và chuyên môn khác tại vị trí được Bộ Quốc phòng giao làm trụ sở và cơ sở học tập mặt đất.
3. Căn cứ hoạt động bay, nhảy dù và bảo đảm trực tiếp cho bay do Quân chủng Phòng không - Không quân đề nghị Bộ Quốc phòng quyết định, được bố trí tại các sân bay quân sự, sân bay dã chiến, sân bay dự bị trong hệ thống sân bay quân sự phù hợp với điều kiện thực tế trong từng khu vực quản lý điều hành bay.
Kinh phí hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không được huy động từ các nguồn thu hợp pháp khác nhau và phải được quản lý, sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả, tuân thủ các quy định về tài chính của Nhà nước áp dụng cho đơn vị sự nghiệp công lập. Nguồn thu của Câu lạc bộ Hàng không bao gồm:
1. Ngân sách do Nhà nước, Bộ Quốc phòng cấp và cho vay ưu đãi;
2. Các khoản viện trợ, tài trợ, góp vốn, ủng hộ của tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước;
3. Các khoản thu từ hoạt động nghiệp vụ (sản xuất phương tiện bay, huấn luyện, đào tạo, điều khiển phương tiện bay, nhảy dù, bảo dưỡng bảo quản máy bay dịch vụ thể dục thể thao) và các hoạt động có thu khác phù hợp với quy định của pháp luật và chức năng hoạt động của Câu lạc bộ Hàng không.
Điều 24. Hoạt động phối hợp bảo đảm
1. Hoạt động bay của Câu lạc bộ Hàng không được tổ chức chủ yếu tại một số sân bay quân sự, sân bay dự bị, sân bay dã chiến trong hệ thống sân bay quân sự toàn quốc và một số địa điểm được Bộ Tổng tham mưu cho phép; quá trình hoạt động không ảnh hưởng tới hoạt động của hàng không quân sự và hàng không dân dụng.
2. Câu lạc bộ Hàng không hoạt động ở sân bay nào phải tuân thủ Quy chế của sân bay đó. Khi hoạt động bay tại sân bay có đơn vị không quân hoặc hàng không dân dụng đóng quân thì người chỉ huy hoặc quản lý sân bay đó chủ trì hiệp đồng, phân công cụ thể việc phối hợp điều hành các hoạt động bay bảo đảm an toàn trên không và an ninh mặt đất. Câu lạc bộ Hàng không được phép liên kết, hợp tác với các cơ quan, đơn vị của địa phương để tổ chức các hoạt động.
3. Khi tổ chức các hoạt động, Câu lạc bộ Hàng không được phép phối hợp, sử dụng công tác bảo đảm cho các hoạt động của không quân như: sân bay, cơ sở hậu cần, kỹ thuật, hệ thống dẫn đường, thông tin, các số liệu khí tượng thuỷ văn, phương tiện tìm kiếm cứu nạn…
Điều 25. Đưa phương tiện bay vào sử dụng
1. Các phương tiện bay của Câu lạc bộ Hàng không phải có chứng chỉ của nhà sản xuất và được Quân chủng Phòng không - Không quân cấp phép lưu hành trước khi đưa vào sử dụng.
2. Trong quá trình sử dụng phải tuân thủ các quy định về khai thác sử dụng và các thông báo kỹ thuật bổ sung của nhà sản xuất phương tiện bay, Điều lệ công tác kỹ thuật Không quân và Hướng dẫn công tác kỹ thuật Không quân.
Điều 26. Sử dụng tần số thông tin liên lạc
1. Việc sử dụng tần số thông tin liên lạc đối với các phương tiện bay của Câu lạc bộ Hàng không (bao gồm cả máy thu phát vô tuyến điện điều khiển mô hình bay) đều phải làm thủ tục xin phép, đăng ký và được Chủ nhiệm Thông tin Quân chủng Phòng không - Không quân phân theo quy định.
2. Khi sử dụng tần số đã được cấp phép ở khu vực nào phải thông báo cho đơn vị phòng không, không quân, hàng không dân dụng đóng trên địa bàn khu vực đó biết để không gây ảnh hưởng lẫn nhau.
Điều 27. Các hành vi bị nghiêm cấm
1. Tổ chức bay không có thông báo, dự báo bay.
2. Tổ chức bay trong các khu vực cấm bay (trừ trường hợp được cấp có thẩm quyền cho phép).
3. Vận chuyển trên phương tiện bay chất nổ, chất cháy, súng đạn, hàng cấm.
4. Phóng, bắn, thả từ trên không vật dụng, tài liệu, hàng hóa, các chất gây hại hoặc chứa đựng nguy cơ gây hại.
5. Treo cờ, biểu ngữ, sơn vẽ quảng cáo, phát loa tuyên truyền trên phương tiện bay khi chưa được phép.
6. Sử dụng phương tiện bay không có đăng ký hoặc dấu hiệu đăng ký, dấu hiệu quốc tịch không phù hợp với quy định của Nhà nước Việt Nam.
7. Cho phép phương tiện bay chưa được nhà chức trách kiểm tra, cấp phép khả thi tham gia hoạt động trên vùng trời Việt Nam.
8. Sử dụng phương tiện bay có tiếng ồn vượt quá tiêu chuẩn quy định.
Tổ chức, cá nhân vi phạm các quy định trong Quy chế này, tuỳ theo mức độ vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính hoặc người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
Điều 29. Giải quyết tranh chấp
1. Người tham gia sinh hoạt trong Câu lạc bộ Hàng không, hoặc góp vốn, tham gia khai thác, sử dụng các phương tiện bay, sản xuất phương tiện bay và các hoạt động khác của Câu lạc bộ đều bình đẳng trước pháp luật Việt Nam.
2. Khi phát sinh tranh chấp, các bên có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phối hợp giải quyết trên cơ sở tôn trọng lẫn nhau. Nếu không thoả thuận được sẽ giải quyết theo trình tự quy định của pháp luật Việt Nam.
Quân chủng Phòng không - Không quân chủ trì phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Quốc phòng, các ban ngành, đoàn thể, địa phương và các tổ chức cá nhân có liên quan tổ chức thực hiện Quy chế này.
Điều 31. Sửa đổi bổ sung Quy chế
Khi các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan được sửa đổi, bổ sung hoặc quá trình thực hiện Quy chế này có những vấn đề không phù hợp, Quân chủng Phòng không - Không quân có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan liên quan của Bộ Quốc phòng nghiên cứu, tổng hợp, trình Thủ trưởng Bộ Quốc phòng sửa đổi, bổ sung Quy chế./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
(Công báo số 594+595 ngày 23/8/2007)
- 1 Thông tư 20/2014/TT-BQP về Quy chế quản lý hoạt động Câu lạc bộ Hàng không Việt Nam do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành
- 2 Quyết định 1316/QĐ-BQP năm 2019 công bố hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng kỳ 2014-2018
- 3 Quyết định 1316/QĐ-BQP năm 2019 công bố hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Quốc phòng kỳ 2014-2018