THANH TRA NHÀ NƯỚC | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1101-TTNN | Hà Nội , ngày 20 tháng 2 năm 1995 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ 5 ĐIỀU KỶ LUẬT CỦA
VIÊN CHỨC THANH TRA
Căn cứ Pháp lệnh thanh tra ban hành ngày 1-4-1990;
Căn cứ Quy chế Thanh tra viên được ban hành theo Nghị định 191-HĐBT ngày 18-6-1991 của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ);
Thực hiện Nghị quyết 38-CP ngày 4-5-1994 của Chính phủ về cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức;
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Nay ban hành kèm theo quyết định này "5 điều kỷ luật đối với viên chức thanh tra trong hệ thống Thanh tra Nhà nước ". Mọi thanh tra viên, viên chức được các tổ chức Thanh tra Nhà nước trưng tập, khi trực tiếp tiến hành thanh tra, phải chấp hành 5 điều kỷ luật này.
Khi không trực tiếp đi thanh tra, các viên chức trong hệ thống Thanh tra Nhà nước thực hiện nhiệm vụ được giao, theo quy định của quy chế công chức Nhà nước và nội quy cơ quan.
Điều 2.- Thủ trưởng các tổ chức Thanh tra thuộc hệ thống Thanh tra Nhà nước, trưởng đoàn thanh tra và những người được cử đi thanh tra, có trách nhiệm quản lý, giám sát, ngăn chặn không để xảy ra vi phạm 5 điều kỷ luật nói trên.
Người vi phạm 5 điều kỷ luật tuỳ mức độ nặng nhẹ sẽ bị xử lý kỷ luật hành chính, kinh tế hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.
Điều 3.- Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng và thủ trưởng các đơn vị trực thuộc, Chánh Thanh tra các cấp, các ngành chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.
Quyết định này có hiệu lực từ ngày ký.
| Nguyễn Kỳ Cẩm (Đã ký) |
5 ĐIỀU KỶ LUẬT
ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC THANH TRA TRONG HỆ THỐNG THANH TRA NHÀ NƯỚC
Điều 1: Khi thi hành nhiệm vụ, phải xuất trình thẻ thanh tra viên hoặc giấy giới thiệu công tác, bảo đảm thực hiện đúng yêu cầu và thời gian thanh tra theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Điều 2: Ăn, ở, sử dụng phương tiện đi lại của cơ quan, đơn vị được thanh tra phải thanh toán đúng theo chế độ quy định và được thông báo ngay từ đầu với nơi được thanh tra nếu là việc ăn, ở, phương tiện đi lại phải dựa vào nơi đó. Không nhận quà biếu dưới bất kỳ hình thức nào, đồng thời đấu tranh chống mọi hành vi tìm cách mua chuộc, lôi kéo của đối tượng thanh tra.
Điều 3: Chỉ tiếp xúc với đối tượng thanh tra tại công sở. Khi nghe đối tượng thanh tra giải trình, đối với những vụ việc phức tạp cần phải có hai người trở lên cùng dự; trừ trường hợp nghe người tố cáo thì không bắt buộc áp dụng điều này. Không truy ép hoặc gợi ý, chỉ vẽ cho đối tượng thanh tra trả lời chất vấn, trình bày sự việc theo ý muốn chủ quan của mình. Không tìm cách giảm nhẹ, bao che, kết luận sai lệch với sự thật.
Điều 4: Chấp hành nghiêm chỉnh sự chỉ đạo của người ra quyết định thanh tra hoặc của Trưởng đoàn thanh tra (nếu là Đoàn Thanh tra). Khi có ý kiến chưa nhất trí trong quá trình thanh tra, vẫn phải chấp hành sự chỉ đạo, nhưng được quyền bảo lưu và báo cáo ý kiến của mình với cơ quan ra quyết định thanh tra. Trường hợp được giao nhiệm vụ thanh tra, nhưng nếu bản thân có quan hệ xã hội trực tiếp nào đó đối với đối tượng thanh tra phải báo cáo trung thực với người ra quyết định thanh tra quyết định.
Điều 5: Quản lý và sử dụng chứng từ, tài liệu thanh tra đúng với mục đích, yêu cầu thanh tra. Chấp hành nghiêm chỉnh qui chế bảo mật các nguồn thông tin, tài liệu, phương pháp tiến hành thanh tra. Không được cung cấp tài liệu, tình hình, phát ngôn về các nội dung đang thanh tra với bất cứ người ngoài nào khi chưa được phép của người ra quyết định thanh tra hoặc Trưởng Đoàn thanh tra.
- 1 Nghị quyết số 38-CP về việc cải cách một bước thủ tục hành chính trong việc giải quyết công việc của công dân và tổ chức do Chính phủ ban hành
- 2 Nghị định 191-HĐBT năm 1991 ban hành Quy chế thanh tra viên và việc sử dụng cộng tác viên thanh tra do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Pháp lệnh Thanh tra năm 1990 do Hội đồng Nhà nước ban hành