UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1107/QĐ-UBND | Tam Kỳ, ngày 08 tháng 4 năm 2009 |
BAN HÀNH ĐỀ ÁN QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Công chứng ngày 29/11/2006;
Căn cứ Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công chứng;
Căn cứ Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 16/TTr-STP ngày 25 tháng 3 năm 2009,
QUYẾT ĐỊNH:
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
Nơi nhận: | TM. UỶ BAN NHÂN DÂN |
QUY HOẠCH VÀ PHÁT TRIỂN TỔ CHỨC HÀNH NGHỀ CÔNG CHỨNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM ĐẾN NĂM 2015
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1107 /QĐ-UBND ngày 08 /4/2009 của UBND tỉnh Quảng Nam)
I. SỰ CẦN THIẾT VÀ CƠ SỞ PHÁP LÝ VỀ VIỆC XÂY DỰNG ĐỀ ÁN.
Quảng Nam là một tỉnh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm của miền Trung, là nơi giao lưu kinh tế, văn hoá đang phát triển của cả nước. Trình độ nhận thức của người dân về kinh tế, pháp luật ngày một được nâng lên, các quan hệ giao dịch kinh tế dân sự giữa các cá nhân, các chủ thể kinh doanh đang ngày càng hướng đến các chứng cứ viết đảm bảo độ an toàn theo đúng pháp luật, góp phần làm lành mạnh hoá các quan hệ xã hội.
Trong chủ trương cải cách tư pháp của Nhà nước, đã đặt vấn đề xã hội hoá một trong những dịch vụ hành chính công, đó là lĩnh vực công chứng các hợp đồng giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại và đã được cụ thể hoá bằng Luật Công chứng năm 2006, có hiệu lực thi hành từ ngày 01/7/2007. Khi thực hiện tốt chính sách xã hội hoá công chứng, nhà nước sẽ giảm thiểu được nhiều công sức, tiền của, hạn chế được các tranh chấp kinh tế dân sự, đồng thời chính người dân được hưởng lợi từ dịch vụ công chứng mang lại.
Trên cơ sở tổng thể sự phát triển kinh tế, xã hội và nhu cầu về công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng đến năm 2015 nhằm định hướng cho các tổ chức hành nghề công chứng hoạt động có hiệu quả.
1. Thực trạng về tổ chức và hoạt động của các Phòng Công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam:
Trong những năm qua, hoạt động công chứng đã góp phần nhất định vào sự phát triển kinh tế, xã hội của tỉnh, phòng ngừa và hạn chế các tranh chấp kinh tế, thương mại, dân sự do quá trình công chứng các giao dịch hợp đồng đã được sàng lọc đúng qui trình, đúng pháp luật và đạo đức xã hội.
Hiện nay tỉnh Quảng Nam có 2 Phòng Công chứng đang hoạt động tương đối ổn định, đó là Phòng Công chứng số 1 và Phòng Công chứng số 2.
a. Tổ chức bộ máy:
+ Phòng Công chứng số 1 tỉnh Quảng Nam: Được thành lập theo Quyết định số 12/QĐ-UB ngày 13/01/1997 của UBND tỉnh Quảng Nam, trên cơ sở Phòng Công chứng số 2 tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng (cũ); Phòng có 06 cán bộ, công chức, bao gồm:
- 03 Công chứng viên (trong đó: 01 Trưởng phòng và 01 Phó phòng là Công chứng viên);
- 01 chuyên viên nghiệp vụ Công chứng;
- 01 kế toán;
- 01 thủ quỹ kiêm văn thư lưu trữ.
Trụ sở của phòng đặt tại số 06 Nguyễn Chí Thanh, thành phố Tam Kỳ.
+ Phòng Công chứng số 2 tỉnh Quảng Nam: Được thành lập theo Quyết định số 42/2003/QĐ-UB ngày 23/5/2003 của UBND tỉnh Quảng Nam; Phòng có 05 cán bộ, công chức, bao gồm:
- 02 Công chứng viên (01 Trưởng phòng là Công chứng viên);
- 01 chuyên viên nghiệp vụ Công chứng;
- 01 kế toán;
- 01 thủ quỹ kiêm văn thư lưu trữ.
Trụ sở của Phòng đặt tại thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam.
b. Những khó khăn, tồn tại trong hoạt động của các Phòng Công chứng:
Trước khi Luật Công chứng ra đời và Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 15/8/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký thì Phòng công chứng số 1 và số 2 hoạt động theo Nghị định số 75/2000/NĐ-CP ngày 08/12/2000 của Chính phủ về công chứng, chứng thực. Khối lượng công việc trước đây tại 2 Phòng Công chứng tương đối nhiều, nguồn thu tương đối lớn. Công việc chủ yếu là chứng thực bản sao và công chứng các hợp đồng, giao dịch thế chấp, bảo lãnh, vay vốn ngân hàng.
Từ ngày 01/7/2007 khi Luật Công chứng có hiệu lực thi hành và thực hiện Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 15/8/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký được phân cấp cho xã, phường, thị trấn thực hiện và Thông tư liên tịch số 04 /2006/TTLT/BTP-BTNMT ngày 13/6/2006 của Bộ Tư pháp – Bộ Tài nguyên & Môi trường hướng dẫn việc công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất cho UBND xã, phường, thị trấn thực hiện, thì lượng công việc của các Phòng Công chứng giảm mạnh, nguồn thu do đó cũng giảm.
Hiện nay, 02 Phòng Công chứng đã chuyển đổi sang mô hình đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động, ngân sách nhà nước cấp ít, nguồn thu giảm, kinh phí hoạt động và nguồn thu nhập gặp khó khăn. Khi chuyển đổi thành đơn vị sự nghiệp tự chủ một phần thì cán bộ, công chức sẽ chuyển sang chế độ viên chức. Như vậy, các Phòng Công chứng sẽ phải kiện toàn nhân sự để bộ máy vừa đảm bảo hoạt động, vừa phải tự đảm bảo chi trả lương cho các viên chức. Trong thời gian tới khi các Văn phòng Công chứng được thành lập và đi vào hoạt động theo Luật Công chứng thì hoạt động công chứng vừa mang tính phục vụ, vừa mang tính cạnh tranh tuân thủ theo pháp luật. Về trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của các Phòng Công chứng còn thiếu, máy móc chưa được trang bị mới, phòng làm việc tiếp dân chật chội, Phòng Công chứng số 2 còn phải đi thuê trụ sở nên chưa ổn định.
2. Cơ sở pháp lý về việc xây dựng Đề án.
Kinh tế Việt Nam nói chung, kinh tế tỉnh Quảng Nam nói riêng đang trên đà phát triển trong xu thế hội nhập quốc tế, qua đó pháp luật về kinh doanh ngày càng thông thoáng. Do vậy, các loại hình doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế xuất hiện ngày càng nhiều, hoạt động sôi động hơn. Thực tiễn cho thấy, trong nền kinh tế nhiều thành phần, cơ chế thị trường các tổ chức và công dân đều rất cần đến các chứng cứ viết đảm bảo độ an toàn đáng tin cậy theo đúng pháp luật, góp phần lành mạnh hoá các quan hệ xã hội. Hoạt động công chứng góp phần phục vụ cho các hoạt động kinh tế, xã hội, phòng ngừa tranh chấp, cung cấp tài liệu có giá trị chứng cứ phục vụ cho điều tra xét xử, giải quyết tranh chấp, góp phần xây dựng và hoàn thiện nhà nước pháp quyền của dân, do dân và vì dân. Việc đổi mới tổ chức và hoạt động công chứng nhằm góp phần thiết thực vào cải cách hành chính và cải cách tư pháp giảm bớt phiền hà cho nhân dân là cần thiết.
Các căn cứ pháp lý để xây dựng Đề án:
- Luật Công chứng đã được Quốc hội khoá XI tại kỳ họp thứ 10 Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2006, có hiệu lực từ ngày 1/7/2007;
- Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Công chứng ;
- Công văn số 3830/BTP-HCTP ngày 10/9/2007 của Bộ Tư pháp về việc đăng ký hoạt động Văn phòng Công chứng;
- Nghị định số 79/2007/NĐ-CP ngày 18/5/2007 của Chính phủ về cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký;
- Công văn số 4282/BTP-HCTP ngày 10/10/2007 của Bộ Tư pháp về việc chuyển đổi Phòng Công chứng sang đơn vị sự nghiệp;
- Công văn số 222/BTP-HCTP ngày 24/01/2008 của Bộ Tư pháp về việc triển khai thực hiện Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Công chứng.
Với các căn cứ pháp lý trên, việc xây dựng Đề án phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam là rất cần thiết, sẽ đáp ứng được nhu cầu xã hội hóa ngày càng cao của tổ chức, nhân dân tỉnh Quảng Nam.
1. Khái niệm và địa vị pháp lý về tổ chức hành nghề công chứng theo Luật Công chứng.
a. Phòng Công chứng (Điều 24; Điều 25 Luật Công chứng)
Phòng Công chứng là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng do UBND cấp tỉnh quyết định thành lập.
Nhiệm vụ của Phòng Công chứng là công chứng tính xác thực, hợp pháp của các loại hợp đồng, giao dịch bằng văn bản và theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng như: mua bán, thế chấp, cho tặng, di chúc, uỷ quyền theo yêu cầu của các tổ chức và công dân.
Người đại diện theo pháp luật của Phòng Công chứng là Trưởng phòng. Trưởng phòng Công chứng phải là Công chứng viên và do Chủ tịch UBND tỉnh bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức.
Về con dấu của Phòng Công chứng theo Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ, Phòng Công chứng sử dụng con dấu không có hình Quốc huy.
Chế độ tài chính của Phòng Công chứng hoạt động theo Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ về quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính; Thông tư số 71/2006/TT-BTC ngày 09/8/2006 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 43/2006/NĐ-CP ; Thông tư số 93/2001/TTLT/BTC-BTP ngày 21/11/2001 về hướng dẫn chế độ thu, nộp và quản lý sử dụng phí, lệ phí công chứng, chứng thực.
b. Văn phòng Công chứng (Điều 26,27 Luật Công chứng)
Văn phòng Công chứng do một Công chứng viên thành lập được tổ chức và hoạt động theo loại hình doanh nghiệp tư nhân.
Văn phòng Công chứng do hai Công chứng viên trở lên thành lập được tổ chức và hoạt động theo hình thức Công ty hợp danh.
Văn phòng Công chứng có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng.
Văn phòng Công chứng tại tỉnh Quảng Nam có đặc điểm sau:
+ Văn phòng Công chứng do UBND tỉnh Quảng Nam quyết định cho phép thành lập (sau khi được Sở Tư pháp tiếp nhận, xem xét, kiểm tra hồ sơ đề nghị thành lập Văn phòng Công chứng của Công chứng viên)
+ Nhiệm vụ của Văn phòng Công chứng là công chứng tính xác thực, hợp pháp của các loại hợp đồng, giao dịch bằng văn bản và theo quy định của pháp luật phải công chứng hoặc cá nhân, tổ chức tự nguyện yêu cầu công chứng các loại hợp đồng, giao dịch như: mua bán, thế chấp, cho tặng, di chúc, uỷ quyền… theo Luật Công chứng.
+ Người đại diện theo pháp luật của Văn phòng Công chứng là Trưởng Văn phòng công chứng, đồng thời là Công chứng viên.
+ Về con dấu của Văn phòng Công chứng theo Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ, con dấu không có hình Quốc huy.
+ Chế độ tài chính của Văn phòng Công chứng hoạt động theo nguyên tắc tự chủ về tài chính bằng nguồn thu từ kinh phí đóng góp của Công chứng viên, phí công chứng, thù lao công chứng và các nguồn thu hợp pháp khác.
c. Địa vị pháp lý của tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam:
Luật Công chứng đã khẳng định vị trí của Công chứng viên và các tổ chức hành nghề công chứng trong xã hội, tạo điều kiện thuận lợi, khung pháp lý cho hoạt động hành nghề công chứng của Công chứng viên, góp phần bảo đảm an toàn pháp lý cho các hợp đồng, giao dịch dân sự, kinh tế, thương mại. Bên cạnh đó, Luật Công chứng đã quy định cụ thể về giá trị pháp lý và giá trị thi hành của các văn bản công chứng của các tổ chức hành nghề công chứng, góp phần phòng ngừa các tranh chấp, vi phạm pháp luật, phục vụ có hiệu quả công tác quản lý Nhà nước.
2. Điều kiện để thành lập và hoạt động của các Văn phòng Công chứng:
Để thành lập và hoạt động của các Văn phòng Công chứng phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện mà pháp luật yêu cầu bao gồm:
a. Về tổ chức và nhân sự:
Các Văn phòng Công chứng phải có Công chứng viên và bộ máy giúp việc có chuyên môn nghiệp vụ cao; thường xuyên được cập nhập về chuyên môn, thông tin pháp luật phục vụ công tác công chứng. Đồng thời, các Công chứng viên, nhân viên phải có đạo đức trong hoạt động nghề nghiệp. Nhân sự Văn phòng Công chứng, bao gồm:
- Công chứng viên làm Trưởng Văn phòng.
- Chuyên viên pháp lý am hiểu về giao dịch hợp đồng dân sự, kinh tế, thương mại có trách nhiệm giúp Trưởng Văn phòng rà soát thẩm định hồ sơ, xác minh khi thực tiễn yêu cầu.
- Nhân viên văn thư, lưu trữ quản lý hồ sơ.
- Kế toán và thủ quỹ.
- Nhân viên bảo vệ kiêm hướng dẫn khách hàng đến công chứng.
b. Về cơ cấu (tổ chức thành 3 bộ phận).
- Bộ phận nghiệp vụ gồm: Trưởng Văn phòng và các chuyên viên pháp lý.
- Bộ phận tài chính gồm: Kế toán và thủ quỹ.
- Bộ phận hành chính gồm: Văn thư lưu trữ và bảo vệ
c. Về trụ sở và các điều kiện, cơ sở vật chất khác:
Các Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng phải có trụ sở riêng và các điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị khác để phục vụ tốt và đảm bảo cho hoạt động.
Ngoài các yêu cầu trên, trước khi được cấp giấy phép hoạt động, các tổ chức hành nghề công chứng phải có cam kết về thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ được pháp luật quy định trong hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng.
3. Định hướng phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.
a. Yêu cầu của việc định hướng:
Luật Công chứng 2006 mang tính xã hội hóa trong việc thành lập các Văn phòng công chứng, đối tượng trở thành công chứng viên cũng được mở rộng, cụ thể là: Luật sư, cán bộ, công chức đã nghỉ hưu hoặc có nguyện vọng thôi việc (có đủ điều kiện theo Điều 13 Luật Công chứng).
Xã hội hoá về hoạt động công chứng đồng nghĩa với việc các cơ quan quản lý sẽ đóng một vai trò quan trọng trong định hướng phát triển các tổ chức hành nghề công chứng. Luật Công chứng không quy định hạn chế về số lượng các Văn phòng công chứng sẽ được thành lập. Như vậy, các công chứng viên tự do lựa chọn địa điểm, trụ sở hành nghề công chứng nếu đáp ứng đầy đủ các yêu cầu cơ bản để đảm bảo về hoạt động theo quy định của pháp luật. Để định hướng và phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Quảng Nam có sự cạnh tranh lành mạnh, thì phải xúc tiến thành lập các Văn phòng công chứng, đồng thời nâng cao chất lượng các Phòng Công chứng (là đơn vị sự nghiệp thuộc Sở Tư pháp Quảng Nam) làm nòng cốt.
Việc thành lập các tổ chức hành nghề công chứng phải căn cứ vào vị trí địa lý, mật độ dân số, kinh tế của từng vùng, miền và thực tiễn nhu cầu công chứng của tổ chức và công dân tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh. Các Văn Phòng công chứng được mở tại các huyện trung du, miền núi, vùng sâu, vùng xa sẽ được khuyến khích.
Việc qui hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng, quyết định số lượng và phân bố vị trí tổ chức hành nghề công chứng được đặt ra không chỉ với Phòng Công chứng mà cả Văn phòng Công chứng.
Mặc dù mô hình tổ chức Văn phòng Công chứng theo mô hình doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh, nhưng khi quyết định thành lập cần xem xét vị trí đặt trụ sở Văn phòng công chứng để phù hợp với nhu cầu, việc phân bố hợp lý của các tổ chức hành nghề công chứng cũng nhằm tạo thuận tiện cho nhân dân trong việc sử dụng dịch vụ công chứng.
b. Quy hoạch, phát triển trong việc thành lập các Phòng Công chứng và Văn phòng Công chứng từ nay đến năm 2015:
- Về Tổ chức hành nghề công chứng:
Căn cứ vào nhu cầu công chứng của các tổ chức và công dân trên địa bàn tỉnh, việc quy hoạch và phát triển tổ chức hành nghề công chứng tỉnh Quảng Nam đến năm 2015 như sau:
- Củng cố, kiện toàn 2 Phòng Công chứng để đảm bảo hoạt động.
- Cho phép thành lập các Văn phòng Công chứng tại các huyện, thành phố.
Tùy từng trường hợp cụ thể, Sở Tư pháp phối hợp các sở, ban ngành liên quan đề xuất UBND tỉnh có chính sách hỗ trợ ban đầu cho hoạt động của các tổ chức hành nghề công chứng ở những nơi còn nhiều khó khăn và chưa có Phòng Công chứng, như miễn, giảm tiền thuê đất làm trụ sở và các chính sách ưu đãi khác...
Tuy nhiên, về lâu dài để thực hiện đúng tinh thần Luật Công chứng, theo đó tất cả các hợp đồng, giao dịch đều do Phòng Công chứng, Văn phòng Công chứng chứng nhận thì 16 huyện của tỉnh có tối thiểu 01 tổ chức hành nghề công chứng và 02 thành phố có tối thiểu 02 tổ chức hành nghề công chứng để đáp ứng nhu cầu công chứng của nhân dân.
- Về đội ngũ Công chứng viên:
Hiện nay, tỉnh Quảng Nam có 05 Công chứng viên làm việc tại 2 phòng Công chứng. Trong đó: Phòng Công chứng số 1: 03 Công chứng viên và Phòng Công chứng số 2: 02 Công chứng viên.
Như vậy, xét về mặt số lượng, đội ngũ Công chứng viên hiện nay của tỉnh còn quá ít, chưa đủ sức để đảm nhiệm công chứng tất cả các hợp đồng, giao dịch theo tinh thần của Luật Công chứng.
Với việc Luật Công chứng có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2007, Nghị định số 02/2008/NĐ-CP ngày 04/01/2008 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn một số điều của Luật Công chứng, thì đối tượng công chứng viên do Bộ trưởng Bộ Tư pháp bổ nhiệm đó là các thẩm phán, luật sư, điều tra viên, kiểm sát viên... đối tượng tương đối rộng rãi, nhiều thành phần, am hiểu pháp luật đáp ứng tiêu chuẩn sẽ được bổ nhiệm làm công chứng viên tham gia công tác xã hội hoá công chứng.
Để xây dựng một hệ thống công chứng đủ mạnh về số lượng, bảo đảm về chất lượng, đảm nhiệm nhiệm vụ công chứng trong thời kỳ mới nhằm phục vụ đắc lực hơn các nhiệm vụ cải cách tư pháp, hội nhập kinh tế quốc tế, góp phần bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của doanh nghiệp, tổ chức và người dân thì định hướng kiện toàn, phát triển số lượng Công chứng viên từ nay đến 2015 phân bố tại các huyện thuộc các khu vực như sau:
- Vùng đồng bằng,ven biển: Từ 4 đến 8 Công chứng viên;
- Vùng Trung du: Từ 3 đến 6 Công chứng viên;
- Vùng Miền Núi: Từ 2 đến 4 Công chứng viên;
Xuất phát từ các tiêu chuẩn bổ nhiệm Công chứng viên được quy định tại Điều 13 của Luật Công chứng và do đặc thù nghề nghiệp của Công chứng viên là gắn liền với vấn đề tài sản của các cá nhân, tổ chức và bí mật cá nhân nên đòi hỏi Công chứng viên phải là người có phẩm chất đạo đức tốt, khách quan, trung thực, có trình độ chuyên môn sâu.
Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ hỗ trợ kinh phí đào tạo nghề công chứng cho sinh viên mới tốt nghiệp Đại học Luật có nhu cầu mở Văn phòng công chứng tại các huyện trong tỉnh.
Sở Tư pháp là cơ quan giúp UBND tỉnh Quảng Nam thống nhất quản lý nhà nước đối với các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, có trách nhiệm tổ chức thực hiện và phối hợp với các cơ quan hữu quan tổ chức thực hiện các công việc sau đây:
1. Tiếp nhận, xem xét, kiểm tra hồ sơ đề nghị bổ nhiệm Công chứng viên, thành lập Văn phòng Công chứng trước khi trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.
2. Theo dõi và thực hiện báo cáo định kỳ về tình hình hoạt động các tổ chức hành nghề công chứng theo quy định.
3. Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Tài Nguyên - Môi trường xem xét việc thuê đất xây dựng trụ sở của tổ chức hành nghề công chứng trình UBND tỉnh ra quyết định cho phép.
4. Phối hợp với Cục Thuế tỉnh xây dựng kế hoạch kiểm tra các tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh.
5. Tổ chức thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo về tổ chức hoạt động của tổ chức hành nghề công chứng theo quy định của pháp luật.
6. Tham mưu đề xuất với UBND tỉnh các biện pháp hỗ trợ phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn tỉnh, đảm bảo cho hoạt động công chứng đáp ứng với nhu cầu thực tế của người dân về lĩnh vực này.
Trong quá trình thực hiện Đề án, nếu có những thay đổi, bổ sung của pháp luật có liên quan đến tổ chức và hoạt động công chứng, thì những nội dung có liên quan cũng sẽ được điều chỉnh theo quy định của pháp luật. Đồng thời, xuất phát từ thực tiễn trong hoạt động công chứng, mà những quy định không còn phù hợp, thì cũng được thay đổi, bổ sung cho phù hợp./.
- 1 Quyết định 97/QĐ-UBND năm 2013 điều chỉnh Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020
- 2 Quyết định 3121/QĐ-UBND năm 2012 về Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020
- 3 Quyết định 1860/QĐ-UBND năm 2011 về phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020
- 4 Nghị định 02/2008/NĐ-CP Hướng dẫn Luật Công chứng
- 5 Công văn số 4282/BTP-HCTP về việc chuyển đổi Phòng công chứng sang đơn vị sự nghiệp do Bộ tư pháp ban hành.
- 6 Công văn 3830/BTP-HCTP về đăng ký hoạt động Văn phòng công chứng do Bộ Tư pháp ban hành
- 7 Nghị định 79/2007/NĐ-CP về việc cấp bản sao từ sổ gốc, chứng thực bản sao từ bản chính, chứng thực chữ ký
- 8 Luật Công chứng 2006
- 9 Thông tư 71/2006/TT-BTC hướng dẫn Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập do Bộ Tài chính ban hành
- 10 Thông tư liên tịch 04/2006/TTLT-BTP-BTNMT hướng dẫn công chứng, chứng thực hợp đồng, văn bản thực hiện quyền của người sử dụng đất do Bộ Tư pháp - Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành
- 11 Nghị định 43/2006/NĐ-CP quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập
- 12 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 13 Quyết định 42/2003/QĐ-UB năm 2003 về thành lập Phòng Công chức số 2 tỉnh Quảng Nam
- 14 Thông tư liên tịch 93/2001/TTLT-BTC-BTP hướng dẫn chế độ thu, nộp quản lý và sử dụng phí, lệ phí công chứng, chứng thực do Bộ Tài chính - Bộ Tư pháp ban hành
- 15 Nghị định 75/2000/NĐ-CP về công chứng, chứng thực
- 1 Quyết định 97/QĐ-UBND năm 2013 điều chỉnh Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020
- 2 Quyết định 3121/QĐ-UBND năm 2012 về Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020
- 3 Quyết định 1860/QĐ-UBND năm 2011 về phê duyệt Đề án quy hoạch phát triển tổ chức hành nghề công chứng tại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020