Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ THUỶ SẢN
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 111/1997/QĐ-NC

Hà Nội, ngày 08 tháng 3 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ GIAO NHIỆM VỤ CÔNG TÁC KHUYẾN NGƯ NĂM 1997

BỘ TRƯỞNG BỘ THUỶ SẢN

Căn cứ NĐ 50-CP ngày 21/6/1994 của Chính phủ quy định chức năng nhiệm vụ và tổ chức bộ máy của Bộ Thuỷ sản;
Căn cứ vào Thông tư liên Bộ Bộ Nông nghiệp - Công nghiệp thực phẩm, Bộ Lâm nghiệp, Bộ Thuỷ sản, Bộ Tài chính, Ban Tổ chức cán bộ Chính phủ số 02; ngày 2/8/1993 hướng dẫn thi hành NĐ 13 CP ngày 2/3/1993 của Chính phủ về công tác khuyến nông;
Căn cứ vào chương trình khuyến ngư năm 1996-2000 đã được Chính phủ phê duyệt;
Căn cứ vào thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trần Đức Lương ngày 27/2/1997 về Đề án khai thác hải sản ở vùng biển xa bờ;
Sau khi xem xét kết quả hoạt động khuyến ngư năm 1996;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Giao cho Vụ Nghề cá thực hiện nhiệm vụ giúp Bộ trưởng Bộ Thuỷ sản thống nhất quản lý Nhà nước về khuyến ngư, và tổ chức tốt các hoạt động khuyến ngư trong cả nước. Công tác khuyến ngư với nội dung là thông tin, phổ biến, bồi dưỡng, trong năm 1997 cần tập trung giải quyết những vấn đề sau đây:

1. Đặt trọng tâm công tác khuyến ngư vào lĩnh vực khai thác hải sản cụ thể là tuyên truyền, phổ biến kiến thức và dạy nghề để thực hiện việc chuyển đổi cơ cấu nghề nghiệp vùng ven bờ sang khai thác xa bờ và nuôi biển, nhằm giảm dần sức ép khai thác quá mức đối với nguồn lợi ven bờ.

2. Trong lĩnh vực nuôi trồng thuỷ sản công tác khuyến ngư cần hướng vào việc tập huấn, tuyên truyền kỹ thuật nuôi thâm canh, xem canh, chọn lựa để áp dụng các kỹ thuật mới, giúp nông dân chọn đúng loại sản phẩm và kỹ thuật phù hợp với yêu cầu thị trường và điều kiện tự nhiên của từng vùng sinh thái, nhằm đạt tới sự phát triển sản lượng ổn định, bền vững và hiệu quả cao.

3. Mở rộng tập huấn, phổ biến những kết quả mới trong nghiên cứu khoa học, các kỹ thuật mới, các kinh nghiệm sản xuất giỏi, các mô hình sản xuất có hiệu quả. Tổ chức tốt các kênh thông tin nhằm giúp ngư dân có các hiểu biết cần thiết và hệ thống về ngư trường, nguồn lợi, các kỹ thuật khai thác, sử dụng trang thiết bị khai thác, hàng hải, an toàn lao động, kỹ thuật sơ chế bảo quản, thông tin về thị trường, kiến thức về Bảo vệ nguồn lợi, tổ chức sản xuất hợp lý từ sản xuất nguyên liệu, đến chế biến, tiêu thụ.

4. Đặt công tác khuyến ngư trong mối quan hệ chặt chẽ với công tác nghiên cứu khoa học, công tác thông tin thương mại, thị trường, công tác bảo vệ nguồn lợi và an toàn trên biển.

5. Kết hợp chặt chẽ với các Cục, Vụ, Viện, Trường, các doanh nghiệp để làm tốt việc xây dựng mô hình, tập huấn, thông tin và tổng kết kinh nghiệm khuyến ngư.

Điều 2: Giao cho các Vụ, Cục, Viện, Trường, các doanh nghiệp Nhà nước thuộc Bộ với chức năng nhiệm của mình, chủ động tham gia, phối hợp với Vụ Nghề cá phấn đấu đưa công tác khuyến ngư năm 1997 đạt hiệu quả cụ thể và thiết thực hơn.

Cụ thể là: - Vụ Khoa học Công nghệ: Định hướng cho hoạt động khuyến ngư thông qua việc xác định và báo cáo kết quả nghiên cứu của những đề tài đã được nghiệm thu, những giống mới nhập đã qua khảo nghiệm đạt kết quả tốt. Những kỹ thuật mới cần nhân rộng, phổ biến.

- Cục Bảo vệ nguồn lợi: Phối hợp với Vụ Nghề cá phổ biến các kiến thức an toàn lao động trên biển, phòng chống dịch bệnh và bảo vệ nguồn lợi, bảo vệ môi trường bền vững.

- Các Vụ, Viện, Trung tâm KCS, Trung tâm thông tin, Tạp chí Thuỷ sản và các Công ty, Xí nghiệp thuộc Bộ có nhiệm vụ phối hợp với Vụ Nghề cá để tập huấn chuyển giao kỹ thuật và cung cấp thông tin, giúp ngư dân sản xuất đạt hiệu quả cao nhất.

Điều 3: Các ông Chánh Văn phòng, Thủ trưởng các Vụ, Cục, Thanh tra Bộ, các Viện, các Trung tâm nghiên cứu, các doanh nghiệp Nhà nước trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Nguyễn Thị Hồng Minh

 (Đã ký)