Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
 THÀNH PHỐ HÀ NỘI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 111/2005/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 27 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC: SỬA ĐỔI, BỔ SUNG, MỘT SỐ ĐIỀU, KHOẢN CỦA QUY ĐỊNH BAN HÀNH KÈM THEO QUYẾT ĐỊNH SỐ 23/2005/QĐ-UB NGÀY 18-02-2005 CỦA UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ VỀ CẤP GIẤY CHỨNG NHẬN QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT Ở TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
- Căn cứ Luật Đất đai năm 2003;
- Căn cứ Chỉ thị số 05/2004/CT-TTg ngày 09 tháng 02 năm 2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2003;
- Căn cứ Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai và Thông tư số 01/2005/TT-BTNMT ngày 13 tháng 4 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường hướng dẫn thi hành Nghị định số 181/2004/NĐ-CP;
- Căn cứ Nghị định số 182/2004/NĐ-CP ngày 29 tháng 10 năm 2004 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai;
- Căn cứ Nghị định số 198/2004/NĐ-CP ngày 03 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về thu tiền sử dụng đất và Thông tư số 117/2004/TT-BTC ngày 07 tháng 12 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định số 198/2004/NĐ-CP;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên, Môi trường và Nhà đất tại Tờ trình số 2809/TT-TNMTNĐ-ĐKTK ngày 22 tháng 7 năm 2005,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số Điều, Khoản của Quy định ban hành kèm theo Quyết định số 23/2005/QĐ-UB ngày 18-02-2005 của Uỷ ban nhân dân thành phố Hà Nội quy định về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở trên địa bàn thành phố Hà Nội, như sau:

1. Bổ sung Khoản 12, 13, Điều 2 về các loại đất ở được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, như sau:

“12. Đất Nhà nước giao cho tổ chức sử dụng vào mục đích không phải là đất ở, nhưng tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm đất ở cho cán bộ, công nhân viên trước ngày 1-7-2004, giao Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất kiểm tra, nếu đã sử dụng ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch đất ở thì trình Uỷ ban nhân dân thành phố quyết định để Uỷ ban nhân dân quận, huyện (nơi có đất) làm căn cứ cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Trường hợp đất Nhà nước giao cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng vào mục đích phi nông nghiệp, nhưng tự chuyển đổi mục đích sử dụng đất sang làm đất ở trước ngày 1-7-2004, nếu đã sử dụng ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch đất ở thì Uỷ ban nhân dân quận, huyện (nơi có đất) kiểm tra, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

13. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng nhà, đất thuộc sở hữu Nhà nước do các cơ quan, tổ chức tự quản, nhưng nay các cơ quan, tổ chức đã giải thể, không còn đầu mối quản lý, đã sử dụng ổn định, không tranh chấp, phù hợp với quy hoạch đất ở thì Uỷ ban nhân dân các quận, huyện (nơi có đất) cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở. Chính sách tài chính về đất được áp dụng theo quy định khi thực hiện Nghị định 61/CP ngày 05-7-1994 của Chính phủ."

2. Sửa đổi, bổ sung Điều 8 về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở, như sau:

“1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở được cấp tới từng thửa đất cho hộ gia đình, cá nhân theo mẫu thống nhất do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành. Nội dung, cách viết và quản lý Giấy chứng nhận theo quy định tại Quyết định số 24/2004/QĐ-BTNMT ngày 02/12/2004 và Thông tư 01/2005/TT-BTNMT ngày 13-4-2005 của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; Việc ghi nhận tài sản gắn liền với đất theo nhu cầu tự nguyện của chủ sử dụng đất.

2. Trường hợp thửa đất chưa có trên bản đồ địa chính do chưa đo vẽ hoặc do tách thửa thì được phép vẽ sơ đồ thửa đất, ghi kích thước các cạnh trên Giấy chứng nhận và ghi chú: "Sơ đồ, diện tích thửa đất chưa được đo đạc chính xác, sẽ được hiệu chỉnh khi có bản đồ địa chính chính quy.

3. Trường hợp thửa đất ở có vườn, ao mà trên bản đồ địa chính có xác định cụ thể vị trí, diện tích đất ở, đất vườn, ao thì sơ đồ thửa đất trên Giấy chứng nhận theo bản đồ. Trường hợp không xác định cụ thể vị trí, diện tích đất ở, đất vườn, ao thì căn cứ hồ sơ, kê khai đăng ký để lập sơ đồ trên Giấy chứng nhận.”

3. Thay thế Mục e, g Khoản 1/Điều 6 về không cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ở như sau:

"e) Lấn chiếm đất lưu không giữa các nhà chung cư:"

4. Sửa đổi, bổ sung Khoản 2 và Mục a Khoản 4 Điều 11 quy định về hạn mức khi xét cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với trường hợp thửa đất ở có vườn, ao, như sau:

“2. Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được sử dụng trước ngày 18 tháng 12 năm 1980 mà ranh giới thửa đất chưa được xác định trong hồ sơ địa chính hoặc trên các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại Khoản 1, 2, 3 Điều 5 bản quy định này thì diện tích đất ở được xác định không quá năm (5) lần hạn mức quy định tại Mục a Khoản 2/Điều 10 bản quy định này, nhưng tổng diện tích không vượt quá diện tích đất mà hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng. Phần diện tích còn lại, nếu tại hồ sơ, chủ sử dụng kê khai là đất vườn, ao liền kề thì xác định là đất vườn, ao liền kề; nếu chủ sử dụng kê khai là đất ở thì xác định là đất ở nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định.

4- Trường hợp đất ở có vườn, ao trong cùng thửa đất có nhà ở thuộc khu dân cư được hình thành từ ngày 18 tháng 12 năm 1980 đến trước ngày 01-7-2004 và người đang sử dụng có một trong các loại giấy tờ về quyền sử dụng đất quy định tại các Khoản 1, 2, 3 Điều 5 bản quy định này mà trong giấy tờ đó không ghi rõ diện tích đất vườn, ao thì diện tích đất ở được xác định như sau:

a- Trường hợp diện tích thửa đất ở có vườn, ao lớn hơn hạn mức quy định tại Mục a Khoản 2/Điều 10 bản quy định này thì diện tích đất ở được xác định bằng hạn mức quy định. Phần diện tích còn lại, nếu tại hồ sơ, chủ sử dụng kê khai là đất vườn, ao liền kề thì xác định là đất vườn, ao liền kề; nếu chủ sử dụng kê khai là đất ở thì xác định là đất ở nhưng phải nộp tiền sử dụng đất theo quy định."

5- Sửa đổi Mục b/Khoản 2 Điều 19 về trình tự, thủ tục cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp người sử dụng đất trực tiếp lập và nộp hồ sơ, như sau:

“- Phòng Tài nguyên và Môi trường quân, huyện có trách nhiệm thẩm định hồ sơ; xác nhận trường hợp đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và ghi ý kiến (bằng văn bản) đối với trường hợp không đủ điều kiện. Trường hợp đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì làm trích lục bản đồ địa chính hoặc trích đo địa chính thửa đất đối với nơi chưa có bản đồ địa chính: xác định nghĩa vụ tài chính đối với người sử dụng đất phải thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định của pháp luật, trình Uỷ ban nhân dân quận, huyện quyết định cấp Giấy chứng nhận. Sau khi Uỷ ban nhân dân quận, huyện quyết định, Phòng Tài nguyên và Môi trường quận, huyện ra thông báo (kèm theo bản sao Quyết định cấp Giấy chứng nhận) gửi người được cấp Giấy chứng nhận và cơ quan Thuế về thực hiện nghĩa vụ tài chính của người sử dụng đất và chế độ thu tiền, nộp ngân sách Nhà nước theo quy định. Phòng Tài nguyên Môi trường và Nhà đất hoặc Văn phòng Đăng ký đất nhà tổ chức trả Giấy chứng nhận tại trụ sở Uỷ ban nhân dân quận, huyện hoặc trụ sở Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn (nơi có đất)."

6. Sửa đổi Điều 25 quy định về trách nhiệm đính chính nghĩa vụ tài chính, như sau:

“Các trường hợp người sử dụng đất yêu cầu xử lý tồn tại về nộp tiền sử dụng đất sau khi Nghị định số 198/2004/NĐ-CP và Thông tư 117/2004/TT-BTC có hiệu lực thi hành theo quy định tại Khoản 1, 3 Điều 24 bản quy định này thì trách nhiệm giải quyết như sau:

1. Văn phòng đăng ký đất nhà (Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất) có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm bắt đầu sử dụng đất ở, cung cấp thông tin địa chính cho Cục Thuế làm căn cứ thu nghĩa vụ tài chính đối với Giấy chứng nhận do Uỷ ban nhân dân thành phố cấp.

2. Văn phòng đăng ký đất nhà quận, huyện (nơi đã thành lập), Phòng Tài nguyên và Môi trường (nơi chưa thành lập Văn phòng đăng ký đất nhà) có trách nhiệm xác nhận nguồn gốc sử dụng đất, thời điểm bắt đầu sử dụng đất ở và cung cấp thông tin địa chính cho Chi Cục thuế làm căn cứ thu nghĩa vụ tài chính đối với Giấy chứng nhận do Uỷ ban nhân dân quận, huyện cấp”.

7. Sửa đổi Mục b Khoản 11 Điều 26 về trách nhiệm của các Sở, Ngành và Uỷ ban nhân dân các cấp, như sau:

“b. Thành lập Hội đồng xét cấp giấy chứng nhận phường, xã, thị trấn để tổ chức cho nhân dân kê khai, đăng ký, tổ chức phân loại, xét cấp giấy chứng nhận. Thành phần Hội đồng gồm:

+ Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn - Chủ tịch Hội đồng;

+ Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân phường, xã, thị trấn phụ trách nhà đất - đô thị - Uỷ viên thường trực;

+ Cán bộ địa chính phường, xã thị trấn - Uỷ viên thường trực;

+ Đại diện Mặt trận Tổ quốc phường, xã, thị trấn - Uỷ viên;

+ Cán bộ Tư pháp phường, xã, thị trấn - Uỷ viên;

+ Trưởng Công an phường, xã, thị trấn - Uỷ viên;

+ Trưởng thôn, Trưởng cụm dân cư (nơi cấp Giấy chứng nhận) - Uỷ viên".

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, Các Điều, Khoản khác của Quyết định 23/2005/QĐ-UB ngày 18 tháng 02 năm 2005 của Uỷ ban nhân dân thành phố giữ nguyên hiệu lực thực hiện. Giao Sở Tài nguyên Môi trường và Nhà đất có Văn bản hướng dẫn Quyết định 23/2005/QĐ-UB và Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở, Ban, Ngành thành phố; Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các quận, huyện, phường, xã, thị trấn; các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
KT. CHỦ TỊCH 
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quý Đôn