Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 112/2002/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 06 tháng 08 năm 2002 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH CHI TIẾT TUYẾN ĐƯỜNG PHỐ LÁNG HẠ - THANH XUÂN, TỶ LỆ 1/500.

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
Căn cứ Pháp lệnh Thủ đô Hà Nội;
Căn cứ Nghị định số 91/CP ngày 17/8/1994 của Chính phủ;
Căn cứ Quyết định số 108/1998/QĐ-TTg ngày 20 tháng 6 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô Hà Nội đến năm 2020;
Căn cứ Quyết định số 322/BXD-ĐT ngày 28/12/1993 của Bộ trưởng Bộ Xây dựng về việc ban hành Quy định lập các đồ án Quy hoạch xây dựng đô thị;
Xét đề nghị của Kiến trúc sư trưởng Thành phố tại Tờ trình số 1189/TTr-KTST ngày 08/03/2002,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Phê duyệt Quy hoạch chi tiết tuyến đường phố Láng Hạ - Thanh Xuân, tỷ lệ 1/500 do Công ty Tư vấn phát triển Đô thị - Nông thôn lập và hoàn thành tháng 2/2002, với một số nội dung chủ yếu như sau:

1. Vị trí, ranh giới, qui mô

1.1. Vị trí.

Khu vực quy hoạch thuộc địa bàn phường Nhân Chính, quận Thanh Xuân và phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy.

1.2. Ranh giới:

- Phía Đông - Nam: giáp khu vực dân cư phường Nhân Chính và phường Thanh Xuân Bắc, quận Thanh Xuân.

- Phía Tây – Nam: giáp đường vành đai 3.

- Phía Tây - Bắc: Giáp khu đất ruộng và khu dân cư phường Trung Hoà, quận Cầu Giấy.

- Phía Đông - Bắc: Giáp sông Tô Lịch và đường vành đai 2.

1.3. Quy mô: Tổng diện tích khu vực quy hoạch là 94,3710 ha.

2. Nội dung quy hoạch chi tiết

2.1. Tính chất:

- Tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân được quy hoạch là đường phố khu vực với mặt cắt ngang rộng từ 40m đến 53m, được tập trung xây dựng đồng bộ, bao gồm: đường, hạ tầng kỹ thuật và các công trình kiến trúc 2 bên tuyến đường, hình thành tuyến phố văn minh, hiện đại của Thủ đô.

2.2. Quy hoạch sử dụng đất: (xem bản vẽ Quy hoạch sử dụng đất)

Trong khu vực quy hoạch có các khu chức năng sau:

- Khu công trình công cộng: bao gồm 9 ô đất có ký hiệu 3.7-CC, 4.1-CC, 4.4-CC, 5.3-CC, 8.1-CC, 9.1-CC, 9.5-CC, 9.7-CC, 11.1-CC. Các công trình công cộng xây dựng cao tầng, tầng hầm làm chỗ đỗ xe, tầng 1 đến tầng 4,5 làm dịch vụ thương mại, các tầng trên bố trí văn phòng hoặc căn hộ cho thuê.

- Khu cơ quan: Gồm 16 ô đất có ký hiệu từ 1.1-CQ đến 1.10-CQ, 3.1-CQ, 3.3- CQ, 3.6-CQ, 3.8-CQ, 3.9CQ, 7.2-CQ chủ yếu là các cơ quan hiện có được giữ lại, cải tạo chỉnh trang theo quy hoạch và xây mới.

- Khu chức năng hỗn hợp: gồm 6 ô đất có ký hiệu 1.14-HH, 2.1-HH, 2.2-HH, 2.3-HH, 2.5-HH, 11.5-HH.

- Công trình trường học nhà trẻ: gồm 5 ô đất có ký hiệu 1.15-NT, 3.4-TH, 6.6-TH, 10.2-TH, 10.6-NT ở đây cần cải tạo, chỉnh trang lại hình thức và bộ mặt kiến trúc của công trình đã có. Các trường học, nhà trẻ, mẫu giáo khác được nghiên cứu xây dựng mới theo các dự án riêng.

- Các công trình di tích lịch sử và tưởng niệm: gồm 4 ô đất có ký hiệu 6.3-DT, 6.4-DT, 7.1-DT, 11.7-TN được khoanh vùng bảo vệ, tôn tạo theo quy định của pháp luật. Ô đất 11.7-TN là công trình tưởng niệm - Nghĩa trang Nhân Chính.

- Khu xí nghiệp công nghiệp: gồm 2 ô đất có ký hiệu 3.2-XN, 8.2-XN là Xí nghiệp Thuỷ sản và xí nghiệp Xây dựng quân đội được chỉnh trang cải tạo lại để đảm bảo vệ sinh môi trường.

- Khu ở xây dựng mới: gồm 15 ô đất ký hiệu 2.4-NO, 2.5-NO, 2.6-NO, 3.10-NO, 4.5-NO, 4.6-NO, 8.3-NO, 9.2-NO, 9.3-NO, 9.4-NO, 10.1-NO, 10.4-NO, 10.5-NO, 10.7-NO, 10.8-NO. Chủ yếu xây dựng nhà ở cao tầng từ 9 đến 18 tầng.

- Khu dân cư làng xóm 2 bên tuyến đường: gồm 12 ô đất ký hiệu 4.2-NO, 4.3-NO, 4.7-NO, 5.1-NO, 5.2-NO, 5.4-NO, 5.5-NO, 6.1-NO, 6.5-NO, 6.7-NO, 6.8-NO, 7.4-NO. Khu vực giáp đường sẽ giải toả mặt bằng, di dân tại chỗ để xây dựng nhà ở cao tầng tạo bộ mặt kiến trúc hiện đại cho tuyến đường, khu vực làng xóm phía trong sẽ vận động nhân dân tự chỉnh trang theo quy hoạch, mở rộng đường làng, ngõ xóm với mặt cắt ngang rộng khoảng 5,5m để đảm bảo giao thông, xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị, nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hoá làng xóm của địa phương.

- Khu ở trong khu vực sản xuất: Gồm 2 ô 1.11-NO, 1.12-NO ở đây cần được cải tạo nâng cấp hoặc có thể chuyển đổi chức năng.

- Khu quân đội: Khu đất hiện do sư đoàn 361 đang quản lý, sử dụng (có ký hiệu 7.3-QĐ) và khu đất hiện là hầm ngầm của quân đội (có ký hiệu là 5.6-QĐ) dự kiến là sẽ xây dựng công trình dịch vụ hỗn hợp, kết hợp nhà ở cao tầng phục vụ nhu cầu quân đội.

- Khu cây xanh, công viên: Hệ thống cây xanh trong khu vực bao gồm cây xanh trồng dọc theo các tuyến đường có vỉa hè và cây xanh trong công viên (3 ô đất có ký hiệu 6.2-CX, 9.6-CX, 12.3-CX).

- Bãi đỗ xe: gồm 4 ô đất có ký hiệu 3.5-ĐX, 10.3-ĐX, 11.2-ĐX, 11.4-ĐX.

- Đất dự trữ: ô đất có ký hiệu 1.13-DA (hiện trạng là khu nghĩa địa làng Nhân Chính trước mắt được giữ lại, trồng thêm cây xanh và không chôn mới.

- Các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật:

+ Tổng số dân dự kiến khoảng 27.000 người.

+ Chỉ tiêu áp dụng cho nhà ở:

- Diện tích trung bình khoảng 20-25 sàn m²/người

- Mật độ xây dựng tối đa: 55-60%

- Hệ số sử dụng đất: trung bình 2,0-2,5 lần

+ Chỉ tiêu cấp nước:

- Nước cho sinh hoạt 200L/người/ngày đêm.

- Nước cho các công trình công cộng 38m³/ha/ngày.

- Nước cho tưới cây, rửa đường 10m³/ha/ngày.

- Nước dự phòng: 25% lượng nước cấp.

+ Chỉ tiêu thoát nước: 20m³/gy.

+ Chỉ tiêu rác thải: 0,9 kg rác / người / ngày.

+ Chỉ tiêu cấp điện:

- Đất ở 0,7 KW/người

- Công cộng: 0,05 KW/m² sàn XD

- Đất trường tiểu học, THCS 0,09 kw/cháu

- Đất trường tiểu học 0,15 kW/cháu

- Đất công nghiệp phân tán 200KW/ha

- Đất an ninh, quốc phòng 200 KW/ha.

BẢNG TỔNG HỢP CÁC CHỈ TIÊU SỬ DỤNG ĐẤT

TT

Loại đất

Diện tích (m2)

Tỷ lệ

Ghi chú

1

Đất ở

247.348

29,07%

Bao gồm cả đất giao thông giữa các ô đất

2

Đất công cộng

85137

9,02%

 

3

Đất chức năng hỗn hợp

53.822

5,70%

 

4

Đất trường học, nhà trẻ

31.789

3,37%

Bao gồm cả đất T.tâm tin học ngoại ngữ & trường dạy nghề quận Thanh Xuân

5

Đất cơ quan, xí nghiệp

129.165

13,69%

 

6

Đất di tích, tưởng niệm

5.065

0,54%

 

7

Đất quân đội

9.737

1,03%

 

8

Đất dự trữ

18.131

1,92%

 

9

Đất cây xanh mặt nước

86.838

9,21%

 

9.1

- Đất mặt nước

58.760

6,23%

 

9.2

- Đất cây xanh công viên

21.422

2,27%

 

9.3

- Đất cây xanh cách ly

3.466

0,37%

 

9.4

- Đất cx ven sông Tô lịch

3.190

0,34%

 

10

Đất giao thông

238.439

25,27%

 

11

Bãi đỗ xe

11.239

1,19%

 

Tổng cộng

943.710

100.00%

 

2.3. Tổ chức không gian kiến trúc cảnh quan:

- Các công trình xây dựng mới 2 bên đường chủ yếu là công trình cao tầng (tối thiểu 10 tầng). Công trình làm điểm nhấn cho cả tuyến được tổ chức tại góc phía Đông Bắc của tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân giao cắt với đường Nguyễn Trãi - Yên Hòa có chiều cao khoảng 30 tầng.

- Các khu đất phía sau tuyến đường bố trí các nhà thấp tầng, trường học nhà trẻ, sân vườn và khu vực nhà ở dân cư làng xóm.

- Các công trình cao tầng được xây dựng đảm bảo khoảng lùi theo quy chuẩn xây dựng ở Việt Nam.

2.4. Quy hoạch giao thông.

2.4.1. Tuyến đường chính (Láng Hạ - Thanh Xuân):

Là tuyến đường khu vực, có mặt cắt ngang rộng từ 40m đến 53m với các thành phần: 2 lòng đường, mỗi lòng đường rộng 11,25m; vỉa hè hai bên đường mỗi vỉa hè rộng từ 7,25m đến 15,25m; dải phân cách trung tâm rộng từ 3 đến 8m, được chia thành 4 đoạn như sau:

- Đoạn 1: (từ đường vành đai 3 đến đường Nguyễn Tuân kéo dài) có mặt cắt ngang rộng 43÷45m.

- Đoạn 2: (từ đường Nguyễn Tuân kéo dài đến đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài) có mặt cắt ngang rộng 53m.

- Đoạn 3: (từ đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài đến đường vào Sư đoàn 361) có mặt cắt ngang rộng 45m.

- Đoạn 4: (từ đường vào Sư đoàn 361 đến đường vành đai 2) có mặt cắt ngang rộng 40m.

2.4.2. Mạng đường hai bên tuyến đường chính:

a) Mạng đường nhánh

- Phía Tây Bắc tuyến đường: tuân thủ các dự án đã được duyệt.

- Phía Đông Nam tuyến đường: Mạng đường nhánh trong khu vực này có mặt cắt ngang rộng từ 13,5m đến 17,5m.

- Khu vực dân cư hiện có thuộc Phường Nhân Chính và phường Trung Hòa: mở các tuyến đường nội bộ có mặt cắt ngang rộng khoảng 11,5m.

- Cải tạo các ngõ, ngách với mặt cắt ngang rộng 5,5m đảm bảo giao thông hợp lý.

b) Các đường liên khu vực và khu vực cắt qua tuyến đường

- Đường liên khu vực: đường vành đai 2 có mặt cắt ngang rộng 53,5 - 57,5m; đường vành đai 3 có mặt cắt ngang rộng 68,0m.

- Đường khu vực: tuyến đường Nguyễn Phong Sắc kéo dài có mặt cắt ngang rộng 40m.

- Đường phân khu vực: đường Nguyễn Tuân có lòng đường rộng 15m; mặt cắt ngang phía Tây Bắc tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân rộng 30m; phóa Đông Nam tuyến đường Láng Hạ Thanh Xuân rộng 21m.

- Tuyến đường dọc bờ sông Tô Lịch có mặt cắt ngang rộng 17,5m.

2.4.3. Đối với các nút giao thông:

Hai đầu tuyến đường Láng Hạ - Thanh Xuân tiếp nối với đường vành đai 2 và vành đai 3 là hai nút giao thông quan trọng sẽ được xác định theo dự án riêng.

2.4.4. Cầu qua sông Tô Lịch

Đảm bảo yêu cầu giao thông và mỹ quan đô thị, xây dựng theo dự án riêng.

2.5. Quy hoạch thoát nước mưa và san nền:

2.5.1. Hệ thống thoát nước mưa:

- Hệ thống thoát nước mưa (được thiết kế tách riêng khỏi hệ thống thoát nước bẩn): Xây dựng tuyến cống hộp với lưu lượng tính toán 20m3/giây ở phía Nam tuyến đường. Tuyến cống hộp này sẽ được đấu nối với tuyến mương hiện có chạy song song với đường vành đai 3 để đưa về trạm bơm Phú Đô. Miệng xả phía đông của tuyến cống thoát ra sông Tô Lịch được bố trí ở phần hạ lưu cầu Cống Mọc mới sẽ được xây dựng.

- Đối với khu vực dân cư hiện có 2 bên tuyến đường: xây dựng rãnh, đậy nắp tấm đan, đảm bảo độ dốc thủy lực để tự chảy.

2.5.2. San nền:

- Cao độ nền thiết kế Hmax = 6,55 ÷ 6,60m, Hmin = 6,10 ÷ 6,15m; hướng dốc nền thoải dần về hai bên tuyến đường.

- Độ dốc nền (đảm bảo tự thoát) i nền = 0,004.

- San nền sơ bộ nhằm tạo mặt bằng xây dựng và dùng phương pháp đường đồng mức thiết kế với độ chênh cao ∆h=0,05.

2.6. Quy hoạch cấp nước:

+ Nguồn cấp nước: Nhà máy nước Hạ Đình (công suất 25000m3/ngày đêm) và Nhà máy nước Mai Dịch (công suất 60000m3/ngày đêm). Ngoài ra tiếp tục duy trì và khai thác một số trạm cấp nước cục bộ hiện có như: trạm cấp nước Thanh Xuân công suất 2000m3/ngày đêm, trạm cấp nước sư đoàn 361 công suất 900m3/ngày đêm.

+ Hệ thống đường ống:

Được thiết kế dạng mạch vòng có kết hợp với các nhánh cụt, cấp nước đến từng ô đất. Cấp nước cho khu vực quy hoạch được lấy từ:

- Các tuyến ống truyền dẫn có D600mm hiện có trên đường Láng.

- Tuyến ống D400mm dự kiến kéo từ nhà máy nước Mai Dịch.

- Các tuyến ống phân phối chính có đường kính D110 đến D160 đặt dọc hai bên tuyến đường và dọc các đường khu vực, phân khu vực cắt ngang qua tuyến đường Láng Hạ-Thanh Xuân.

- Đối với mạng phân phối: được thiết kế riêng cho hai loại công trình: với công trình cao tầng sẽ sử dụng trạm bơm bể chứa để đảm bảo cấp nước ổn định; với công trình thấp tầng sẽ được cấp nước trực tiếp từ các đường ống phân phối. Các đường ống phân phối có đường kính D50mm đến D90mm.

+ Cấp nước cứu hỏa:

Các họng cứu hỏa được đấu nối với các tuyến ống phân phối chính có đường kính từ 110mm đến 160mm tại các ngã ba, ngã tư hoặc trên tuyến đường lớn; khoảng cách giữa các họng cứu hỏa khoảng 150m.

2.7. Qui hoạch thoát nước bẩn và VSMT:

2.7.1. Thoát nước bẩn:

- Khu vực làng xóm thuộc các phường Trung Hòa, Nhân Chính: nước thải được sử lý sơ bộ thông qua các bể bán tự hoại, sau đó chảy vào hệ thống thoát nước trong phường và đưa về đường cống thoát nước chung của Thành phố.

- Khu vực mới xây dựng: Nước thải được thu gom qua hệ thống cống riêng rồi tự chảy về các trạm bơm trong khu vực và bơm về các trạm xử lý của Thành phố (phía Bắc tuyến đường bơm về trạm Phú Đô, phía Nam tuyến đường bơm về trạm xử lý Yên Xá).

- Hệ thống thoát nước bẩn được thiết kế theo nguyên tắc: phải tiếp cận đến từng ô đất xây dựng công trình. Tại các khu vực chỉnh trang và cải tạo theo qui hoạch: nước thải sau khi xử lý qua bể bán tự hoại sẽ tự chảy theo đường cống về trạm bơm. Bố trí các giếng thăm tại vị trí các đường cống giao nhau và trên các đoạn cống quá dài.

2.7.2. Thu gom rác:

- Rác thải được tổ chức thu gom theo hình thức tập kết rác tại các vị trí được bố trí trong khu vực, sau đó được các đơn vị có chức năng về công tác vệ sinh, thu gom, vận chuyển về nơi xử lý rác của Thành phố.

- Đối với các khu vực nhà thấp và các khu vực làng xóm: đặt các thùng chứa rác trong khu vực và thu gom rác theo giờ, các hộ dân đổ trực tiếp vào xe chở.

- Đối với các cơ quan: rác được thu gom, vận chuyển thông qua hợp đồng với doanh nghiệp làm công tác vệ sinh môi trường.

2.8. Cấp điện - thông tin:

2.8.1. Cấp điện:

Nguồn cấp điện: Được lấy từ hai trạm 110KV là:

Trạm Thượng Đình có công suất 3x40MVA

Trạm Thanh Xuân có công suất 2x40MVA

Trạm biến thế: Vị trí các trạm biến thế được bố trí theo nguyên tắc gần trung tâm phụ tải dùng điện với bán kính phục vụ khoảng 300m, gần đường giao thông để tiện thi công và quản lý.

2.8.2. Thông tin:

Các thuê bao điện thoại cố định trong khu vực quy hoạch được lấy từ tổng đài Thượng Đình trên đường Nguyễn Trãi. Từ tổng đài sẽ có các tuyến cáp nối đến các tủ cáp. Mạng lưới cáp nhánh từ các tủ cáp đến các thuê bao sẽ được thiết kế ở các giai đoạn thiết kế sau.

Điều 2: Giao Kiến trúc sư trưởng Thành phố căn cứ Quy hoạch chi tiết được duyệt, kiểm tra, xác nhận hồ sơ bản vẽ, lập mô hình và tổ chức công bố công khai để các tổ chức và nhân dân biết, thực hiện.

- Giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp các sở, ngành có liên quan, căn cứ Quy hoạch chi tiết được duyệt, kêu gọi và hướng dẫn các tổ chức cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế có khả năng và nhu cầu đầu tư thực hiện các thủ tục theo quy định để được tham gia đầu tư xây dựng tuyến đường.

- Giao Giám đốc Sở Khoa học công nghệ và Môi trường theo dõi kiểm tra đánh giá tác động môi trường của các dự án xây dựng trong quá trình thực hiện quy hoạch theo quy chuẩn của Nhà nước và Luật môi trường.

- Giao Chủ tịch UBND các quận: Cầu Giấy, Thanh Xuân kiểm tra, quản lý, giám sát xây dựng theo Quy hoạch chi tiết được duyệt, xử lý các trường hợp xây dựng sai quy hoạch và quy định của Pháp luật.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng HĐND và UBND Thành phố, Kiến trúc sư trưởng Thành phố, Giám đốc các Sở: Xây dựng, Giao thông công chính, Kế hoạch và Đầu tư, Địa chính nhà đất, Tài chính vật giá, Khoa học công nghệ và Môi trường, Công nghiệp; Giám đốc Bưu điện Hà nội, Giám đốc Công ty điện lực Hà Nội, Chủ tịch UBND các quận Thanh Xuân, Cầu Giấy; Chủ tịch UBND các phường Nhân Chính, Trung Hòa, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

T/M. UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên