Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẮC GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1126/QĐ-UBND

Bắc Giang, ngày 15 tháng 8 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT NẤM TỈNH BẮC GIANG GIAI ĐOẠN 2012 - 2015

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH BẮC GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 02/2010/NĐ-CP ngày 08/01/2010 của Chính phủ về khuyến nông; Nghị định số 61/2010/NĐ-CP ngày 04/6/2010 của Chính phủ về việc khuyến khích chính sách doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

Căn cứ Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020; Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 29/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 183/TTLT-BTC-BNN ngày 15/11/2010 của liên Bộ Tài chính - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn chế độ quản lý, sử dụng kinh phí ngân sách Nhà nước đối với hoạt động khuyến nông;

Căn cứ Công văn số 459/BNN-KH ngày 11/02/2010 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc triển khai Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giống đến năm 2020;

Căn cứ Quyết định số 140/2011/QĐ-UBND ngày 22/4/2011 của UBND tỉnh Bắc Giang ban hành Quy định nội dung chi và mức chi hỗ trợ cho hoạt động khuyến nông từ nguồn ngân sách địa phương trên địa bàn tỉnh Bắc Giang;

Căn cứ Công văn số 292/HĐND-KTNS ngày 09/8/2012 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc hỗ trợ thực hiện đề án phát triển sản xuất nấm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012 - 2015;

Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 21/TTr- SNN ngày 09/4/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án Phát triển sản xuất nấm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2015, với một số nội dung chính sau:

1. Mục tiêu

- Phát triển sản xuất nấm hàng hoá, ổn định, bền vững, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, tạo thêm việc làm và tăng thu nhập cho lao động nông thôn.

- Đến năm 2015: Xây dựng 9 cơ sở sản xuất nấm tập trung (bao gồm các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác) gắn với Chương trình xây dựng nông thôn mới; 500 hộ nông dân sản xuất theo quy mô trang trại, gia trại; sản lượng nấm tươi hàng năm đạt xấp xỉ 6.000 tấn.

- Đầu tư phát triển năng lực nghiên cứu và sản xuất giống nấm phục vụ nhu cầu sản xuất trên địa bàn tỉnh.

2. Phạm vi thực hiện

Đề án phát triển sản xuất nấm tỉnh Bắc Giang giai đoạn 2012-2015 được thực hiện trên địa bàn 9 xã thuộc 4 huyện, gồm: xã Tiên Lục, xã Tân Dĩnh, xã Nghĩa Hưng huyện Lạng Giang; xã Đồng Việt, xã Đồng Phúc huyện Yên Dũng; xã Minh Đức, xã Quang Châu, xã Ninh Sơn huyện Việt Yên và xã Việt Lập huyện Tân Yên.

3. Đối tượng

3.1. Đối tượng sản xuất: Là các loại nấm ăn và nấm dược liệu (gồm: nấm rơm, nấm mỡ, nấm sò, mộc nhĩ, kim trâm, đùi gà, ngọc trâm, trân châu, linh chi...).

3.2. Đối tượng tham gia: Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, nhóm hộ và các hộ nông dân có đủ các điều kiện theo yêu cầu của đề án:

- Các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác sản xuất nấm tự nguyện tham gia và đầu tư hạ tầng tối thiểu như sau:

+ Diện tích mặt bằng sản xuất: 5.000m2; lán nuôi trồng nấm: 3.000m2 trở lên.

+ Nhà xưởng sản xuất và chế biến nấm: 500-700m2.

+ Hệ thống thiết bị gồm: lò hấp, nồi hơi công nghiệp, máy sàng và trộn nguyên liệu, máy sấy nấm thương phẩm và các thiết bị, dụng sản xuất khác.

- Tổ chức sản xuất nấm quy mô trang trại, gia trại: Có hạ tầng sản xuất bao gồm nồi hấp thanh trùng thủ công; 200m2 lán trại/hộ trở lên.

4. Nội dung và định mức hỗ trợ

- Hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn và chuyển giao kỹ thuật.

- Hỗ trợ 60% kinh phí mua giống nấm; 40% kinh phí mua vật tư kỹ thuật (đạm SA, bột nhẹ cho sản xuất nấm mỡ, túi nilon chịu nhiệt).

- Hỗ trợ xây dựng 01 mô hình sản xuất nấm ăn, nấm dược liệu theo hướng công nghệ cao: Xây dựng nhà màng cấp II, nhà sản xuất nấm cao cấp.

- Đầu tư nâng cấp Trung tâm giống nấm Bắc Giang giai đoạn II: xưởng sản xuất giống nấm cấp III, nhà nuôi cấy và sản xuất giống nấm, phòng nuôi cấy mô, kho chứa nguyên liệu sản xuất giống.

- Hỗ trợ xây nhà xưởng, lán trại, các trang biết bị phục vụ sản xuất, chế biến... cho các cơ sở sản xuất nấm tập trung có cam kết tổ chức sản xuất tối thiểu trong 10 năm là 1 tỷ đồng/1 cơ sở sản xuất.

- Hỗ trợ xây nhà xưởng, lán trại phục vụ sản xuất có quy mô sản xuất từ 300m2 trở lên được ngân sách tỉnh hỗ trợ 10 triệu đồng/hộ gia đình.

- Hỗ trợ 100% kinh phí thông tin tuyên truyền, xúc tiến thương mại.

- Hỗ trợ kinh phí tổ chức, quản lý thực hiện Đề án 1% tổng kinh phí ngân sách nhà nước bố trí cho thực hiện đề án hàng năm.

5. Nhu cầu vốn đầu tư

Tổng kinh phí thực hiện đề án là: 234.726,8 triệu đồng, trong đó:

- Nguồn vốn ngân sách trung ương: 59.099,7 triệu đồng.

- Ngân sách tỉnh: 13.601,8 triệu đổng.

- Nguồn khác: 162.025,3 triệu đồng.

 (Chi tiết theo Đề án được duyệt)

6. Thời gian thực hiện: Từ năm 2012 đến năm 2015.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

Chủ trì thực hiện các nội dung liên quan đến Đề án; xây dựng kế hoạch sản xuất nấm hàng năm; chỉ đạo việc sản xuất, cung ứng giống, vật tư kỹ thuật đảm bảo số lượng, chất lượng, chủng loại và kịp thời vụ.

Trung tâm giống nấm Bắc Giang, thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện đề án theo quy định.

2. Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và đầu tư: Căn cứ vào nội dung hỗ trợ và tiến độ thực hiện Đề án để cân đối, bố trí nguồn ngân sách cho Đề án; phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm định giá giống, giá vật tư nguyên liệu. Hướng dẫn trình tự, thủ tục cấp kinh phí, thanh toán hỗ trợ đến tay người sản xuất; giám sát, kiểm tra việc thực hiện hỗ trợ, thanh, quyết toán theo đúng các quy định tài chính hiện hành; mở rộng xúc tiến đầu tư vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nấm.

3. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Đưa nghề sản xuất nấm vào chương trình hỗ trợ đào tạo nghề cho nông dân giai đoạn 2011-2015 và căn cứ vào nội dung của Đề án đã được phê duyệt để cân đối và bố trí nguồn vốn hỗ trợ cho công tác đào tạo, bồi dưỡng, tập huấn cán bộ kỹ thuật, cán bộ quản lý và người sản xuất nấm.

4. Sở Khoa học và Công nghệ: Nghiên cứu, định hướng các công nghệ sản xuất mới, tiên tiến để triển khai trong tỉnh; thường xuyên kiểm tra, đánh giá tình hình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất nấm trên địa bàn tỉnh; xây dựng thương hiệu nấm cho tỉnh Bắc Giang.

5. Sở Tài nguyên và Môi trường: Đánh giá sự tác động của sản xuất nấm tới môi trường; quản lý, hỗ trợ việc thực hiện các chính sách về đất đai, giúp người sản xuất nấm sử dụng đất đai hợp lý, đúng pháp luật.

6. Sở Công Thương: Xây dựng kế hoạch tuyên truyền, quảng bá sản phẩm, xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nấm.

7. UBND các huyện, thành phố

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nội dung Đề án, giúp các doanh nghiệp, hợp tác xã hoặc hộ nông dân xây dựng mô hình giải quyết các vấn đề vướng mắc liên quan đến nội dung Đề án (đất đai, mặt bằng, an ninh xã hội...).

- Căn cứ thực tiễn sản xuất, hàng năm UBND huyện, thành phố cần có cơ chế, chính sách hỗ trợ bổ sung cho sản xuất nấm trên địa bàn; có chính sách khen thưởng, động viên kịp thời các tổ chức, cá nhân triển khai thực hiện tốt Đề án trên địa bàn.

- Chỉ đạo các xã duy trì và mở rộng quy mô sản xuất nấm sau khi đề án kết thúc.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan: Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động, Thương binh xã hội, Sở Khoa học và Công nghệ, Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Công thương, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, Giám đốc Trung tâm giống nấm Bắc Giang và các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Lại Thanh Sơn