Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1127/QÐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 14 tháng 06 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐIỀU LỆ LIÊN ĐOÀN QUẦN VỢT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20 tháng 5 năm 1957 ban hành Luật quy định quyền lập hội;

Căn cứ Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội; Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP và Thông tư số 03/2013/TT-BNV ngày 16 tháng 4 năm 2013 của Bộ Nội vụ quy định chi tiết thi hành Nghị định số 45/2010/NĐ-CP ngày 21 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động và quản lý hội và Nghị định số 33/2012/NĐ-CP ngày 13 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 45/2010/NĐ-CP;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 440/TTr-SNV ngày 13 tháng 6 năm 2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Điều lệ Liên đoàn Quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế, đã được đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2013-2018 của Liên đoàn thông qua ngày 28 tháng 4 năm 2013.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ và Chủ tịch Liên đoàn Quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- PCVP: VX; CV: NC, VH, TH;
- Lưu: VT, NC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Ngô Hòa

 

ĐIỀU LỆ

LIÊN ĐOÀN QUẦN VỢT TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 1127/QĐ-UBND ngày 14 tháng 6 năm 2013 của Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

TÔN CHỈ, MỤC ĐÍCH

Điều 1. Tên gọi và tư cách pháp nhân

Tên gọi là: Liên đoàn Quần vợt Tỉnh Thừa Thiên Huế, tên giao dịch quốc tế là: Thua Thien Hue Province Tennis Federation. Viết tắt là TTH.T.F.

Liên đoàn Quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế (sau đây gọi tắt là Liên đoàn) là một tổ chức quần chúng hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, tự chủ về mặt kinh tế. Liên đoàn hoạt động tuân thủ theo pháp luật và theo điều lệ, đồng thời chịu sự quản lý nhà nước của Ủy ban nhân dân tỉnh (thông qua Sở Nội vụ) và quản lý về chuyên ngành của Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh.

Liên đoàn là thành viên chính thức của Liên đoàn Quần vợt Việt Nam.

Liên đoàn Quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, có biểu trưng và được mở tài khoản tại ngân hàng để hoạt động.

Trụ sở của Liên đoàn Quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế đặt tại thành phố Huế.

Điều 2. Tôn chỉ, mục đích hoạt động

Mục đích hoạt động của Liên đoàn Quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế là tập hợp quần chúng yêu thích môn quần vợt, các thành phần kinh tế, các tổ chức xã hội có nhiệt tình với phong trào quần vợt trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế nhằm:

- Phát triển phong trào môn quần vợt quần chúng đặc biệt trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên.

- Tập hợp lực lượng mọi lứa tuổi tham gia để nâng cao sức khỏe, rèn luyện ý chí, phẩm chất con người mới xã hội chủ nghĩa.

- Nâng cao trình độ cho người tham gia tập luyện.

- Phục vụ cho quần chúng nhân dân thông qua các hoạt động quần vợt.

Chương II

NHIỆM VỤ

Điều 3. Liên đoàn có nhiệm vụ

Phát triển phong trào quần vợt quần chúng nhằm giáo dục thể chất nâng cao sức khỏe, giáo dục nhân cách; giáo dục lòng yêu nước, đặc biệt trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên. Chăm lo bồi dưỡng tài năng trẻ quần vợt, đóng góp lực lượng cho thể thao tỉnh.

Kiến nghị với cơ quan quản lý Nhà nước về thể dục thể thao và các cơ quan nhà nước có liên quan về chủ trương chính sách, biện pháp nhằm phát triển quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tổ chức các giải theo chương trình hoạt động liên đoàn. Tổ chức giải do tỉnh, quốc gia ủy nhiệm; giải quốc tế sau khi được phép của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền.

Hướng dẫn, theo dõi việc áp dụng luật tổ chức - thi đấu quần vợt, công nhận các tiêu chuẩn chuyên môn quần vợt theo thẩm quyền, hoặc được ủy nhiệm công nhận.

Quan hệ với các tổ chức quần vợt quốc tế theo quy định của nhà nước.

Chương III

HỘI VIÊN

Điều 4. Hội viên

Tất cả công dân Việt Nam cư trú trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đủ 18 tuổi, các tổ chức tán thành điều lệ Liên đoàn, tự nguyện xin gia nhập, được Liên đoàn quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế kết nạp và cấp thẻ hội viên. Hội viên có số lượng không giới hạn.

Điều 5. Nghĩa vụ và quyền lợi của hội viên

1. Nghĩa vụ:

Nghiêm chỉnh chấp hành điều lệ, nghị quyết và các quy định của Liên đoàn.

Hoàn thành nhiệm vụ do Liên đoàn giao.

Tích cực tham gia các hoạt động của Liên đoàn, tham gia tập luyện, sinh hoạt ở một tổ chức cơ sở của Liên đoàn. Đóng góp có hiệu quả vào việc đẩy mạnh hoạt động của Liên đoàn.

Đóng hội phí theo quy định.

Thường xuyên tuyên truyền, phổ biến và phát triển hội viên mới.

2. Quyền lợi:

Hội viên được quyền tham gia ý kiến, thảo luận và biểu quyết các chủ trương, kế hoạch của Liên đoàn.

Có quyền bầu cử, ứng cử vào ban chấp hành và các ban chức năng.

Được hưởng các quyền lợi vật chất, tinh thần do Liên đoàn quy định.

Được quyền tham gia các hoạt động, các giải thi đấu quần vợt do Liên đoàn tổ chức. Được quyền xin ra khỏi Liên đoàn.

Điều 6. Hội viên danh dự

Hội viên danh dự là những cá nhân có đóng góp đặc biệt, giúp đỡ cho sự phát triển của Liên đoàn quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế, được Ban chấp hành nhất trí mời làm hội viên danh dự của Liên đoàn.

Điều 7. Thủ tục gia nhập và xin rút khỏi Liên đoàn

Hội viên muốn gia nhập hoặc xin rút khỏi Liên đoàn phải tự nguyện làm đơn theo mẫu do Liên đoàn quy định.

Chương IV

TỔ CHỨC, QUẢN LÝ

Điều 8. Nguyên tắc hoạt động

Liên đoàn Quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế hoạt động theo nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng và tập trung dân chủ.

Điều 9. Hệ thống tổ chức

Liên đoàn Quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế chỉ có ở cấp tỉnh Thừa Thiên Huế; Liên đoàn có các câu lạc bộ trực thuộc.

Ban chấp hành Liên đoàn quy định thủ tục công nhận câu lạc bộ trực thuộc.

Điều 10. Đai hội Liên đoàn

Đại hội đại biểu Liên đoàn Quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Liên đoàn. Đại hội được tổ chức 5 năm một lần.

Khi có hơn một phần hai hội viên đề nghị, Ban chấp hành Liên đoàn Quần vợt có thể triệu tập đại hội bất thường.

Số lượng Ban chấp hành Liên đoàn tùy thuộc vào tính chất và yêu cầu nhiệm vụ của Liên đoàn và do đại hội quyết định.

Điều 11. Nhiệm vụ của đại hội

Thông qua báo cáo kiểm điểm của Liên đoàn.

Định hướng nhiệm vụ kế hoạch thực hiện.

Thông qua báo cáo tài chính và bảng tổng kết tài sản của Liên đoàn.

Quyết định sửa đổi, bổ sung điều lệ (nếu cần).

Kiểm tra và đề xuất những vấn đề về chế độ chính sách, kinh tế tài chính, khen thưởng và kỷ luật.

Thảo luận và quyết định mọi chủ trương, công tác lớn của Liên đoàn, bầu ra Ban chấp hành, Ban kiểm tra Liên đoàn theo nguyên tắc bỏ phiếu kín hoặc giơ tay. Người trúng cử phải được quá nửa số phiếu bầu.

Điều 12. Cơ quan quản lý điều hành của Liên đoàn

Đại hội đại biểu (hoặc đại hội toàn thể)

Ban Chấp hành Liên đoàn

Ban Thường vụ Liên đoàn

Các ban chuyên trách.

Điều 13. Nhiệm vụ, quyền hạn của Ban chấp hành

Ban Chấp hành Liên đoàn là cơ quan điều hành công việc của Liên đoàn giữa hai kỳ đại hội, Ban chấp hành có nhiệm vụ:

Bầu Ban Thường vụ để điều hành công việc thường xuyên của Liên đoàn gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số ủy viên.

Xây dựng kế hoạch ngắn hạn, dài hạn và các biện pháp khả thi thực hiện nghị quyết của đại hội đại biểu.

Triển khai các chương trình công tác về môn quần vợt theo định hướng của cơ quan quản lý nhà nước.

Trình kiến nghị của Liên đoàn với cơ quan quản lý nhà nước về việc xin cấp kinh phí cho hoạt động của Liên đoàn đối với nhiệm vụ được nhà nước giao.

Đề xuất với các cơ quan cấp trên ban hành các quy chuẩn chuyên môn cho các câu lạc bộ quần vợt trong tỉnh Thừa Thiên Huế.

Xét đơn xin gia nhập và rút khỏi Liên đoàn của các hội viên.

Ban hành các quy chế, chế độ bồi dưỡng, thù lao cho những cán bộ tham gia hoạt động của Liên đoàn.

Báo cáo định kỳ hoạt động của Liên đoàn đối với cơ quan quản lý cấp trên.

Xét giải quyết các vụ khiếu kiện, khiếu nại, quyết định về khen thưởng và kỷ luật đối với các tổ chức thành viên và cá nhân thuộc Liên đoàn theo quy định của pháp luật.

Thông qua các dự toán thu - chi, quản lý tài chính của Liên đoàn, quyết định các trường hợp đặc biệt về kinh tế.

Quy định hội phí và niêm liễm của cá nhân và các câu lạc bộ hoạt động môn quần vợt.

Tham gia quản lý đội ngũ vận động viên của tỉnh theo ủy nhiệm của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế góp phần đào tạo và xây dựng lực lượng vận động viên trẻ của tỉnh

Cử cán bộ, huấn luyện viên đi học tập nghiên cứu trong ngoài nước theo nguồn kinh phí Liên đoàn; đề xuất và kiến nghị cơ quan quản lý nhà nước cử cán bộ huấn luyện viên đi học tập, nghiên cứu trong và ngoài nước theo nguồn kinh phí và quy định của nhà nước.

Quyết định cơ cấu tổ chức bộ máy của Liên đoàn.

Ban chấp hành họp một năm 1 lần và các cuộc họp đột xuất để giải quyết các công việc của Liên đoàn.

Điều 14. Ban Thường vụ

Ban Thường vụ của Liên đoàn do ban chấp hành bầu ra là bộ phận điều hành, xử lý công việc thường xuyên của Ban chấp hành Liên đoàn và chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành Liên đoàn.

Ban Thường vụ chiếm tỷ lệ không quá 1/3 số lượng Ủy viên trong Ban chấp hành.

Ban Thường vụ gồm: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số ủy viên.

Ban Chấp hành Liên đoàn quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Thường vụ.

Điều 15. Nhiệm vụ, quyền hạn của các thành viên trong ban lãnh đạo Liên đoàn

- Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Liên đoàn:

Chủ tịch là người thay mặt Liên đoàn về mọi hoạt động đối nội và đối ngoại, là người chịu trách nhiệm cao nhất về mọi mặt hoạt động của Liên đoàn trước pháp luật và trước cơ quan quản lý nhà nước về Thể dục Thể thao là Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh.

Chủ tịch Liên đoàn do ban chấp hành bầu bằng phiếu kín hoặc biểu quyết bằng giơ tay với số phiếu tối thiểu bằng 2/3 tổng số phiếu bầu.

Chủ tịch Liên đoàn có trách nhiệm:

Thực hiện nhiệm vụ theo điều lệ và quy chế do ban chấp hành quy định. Hướng dẫn kiểm tra thực hiện kế hoạch công tác của ban chấp hành và thực hiện các quyết định của ban chấp hành đã được thông qua.

Chủ trì các cuộc họp của ban chấp hành, ban thường vụ và kết luận các vấn đề của cuộc họp.

Báo cáo trước Ban chấp hành, Ban Thường vụ về nội dung tổng kết và phương hướng hoạt động hàng năm.

Chủ tịch Liên đoàn là chủ tài khoản của Liên đoàn.

- Nhiệm vụ, quyền hạn của Phó Chủ tịch Liên đoàn:

+ Phó chủ tịch thường trực Liên đoàn:

Thường trực cho Ban thường vụ của Liên đoàn để điều hành các hoạt động của Liên đoàn, thay mặt cho Chủ tịch khi được ủy nhiệm hoặc Chủ tịch đi vắng;

Thực hiện việc sử dụng các nguồn thu - chi của Liên đoàn theo đúng các quy định về tài chính hiện hành;

Được ủy quyền chủ tài khoản của liên đoàn

+ Các Phó chủ tịch Liên đoàn:

Là người giúp việc cho chủ tịch theo dõi một hay nhiều mặt công tác do chủ tịch phân công.

Phó chủ tịch Liên đoàn do ban chấp hành bầu bằng phiếu kín hoặc biểu quyết với số phiếu tối thiểu bằng 2/3 tổng số phiếu bầu.

Ban chấp hành quy định nhiệm vụ, quyền hạn và số lượng Phó chủ tịch.

- Nhiệm vụ của Tổng thư ký:

Tổng thư ký Liên đoàn do ban chấp hành bầu bằng phiếu kín hoặc biểu quyết với số phiếu tối thiểu bằng 2/3 tổng số phiếu bầu.

Thực hiện nhiệm vụ theo điều lệ ban chấp hành và quy chế do ban chấp hành quy định.

Thường trực cho Ban Thường vụ của Liên đoàn về các hoạt động của ban Thường vụ Liên đoàn.

Cùng với Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Liên đoàn phối hợp các hoạt động của ban Thường vụ, các ban chuyên trách.

Chịu trách nhiệm tổ chức điều hành công tác hành.chính và văn phòng của Liên đoàn, chuẩn bị nội dung và trình bày trước các cuộc họp khi được ban chấp hành ủy quyền.

Theo dõi việc sử dụng các nguồn thu, chi của Liên đoàn theo đúng các quy định tài chính hiện hành. Ký các văn bản do Chủ tịch Liên đoàn ủy nhiệm.

Điều 16. Các ban chuyên trách

Ban chuyên trách là bộ phận của Liên đoàn thực hiện nhiệm vụ chuyên môn do Ban chấp hành quy định nhằm thực hiện nghị quyết của đại hội đại biểu, các ban chuyên trách gồm:

- Ban tuyên truyền đối ngoại.

- Ban vận động tài trợ.

- Ban tài chính, hậu cần.

- Ban đào tạo: đào tạo, huấn luyện.

- Ban phong trào, thi đấu, trọng tài.

- Ban kiểm tra

- Ban chấp hành Liên đoàn quy định nhiệm vụ, quyền hạn của các ban chuyên trách.

Điều 17. Quan hệ với các cơ quan quản lý Nhà nước

Sở Văn hóa, Thể thao và Du Lịch tỉnh Thừa Thiên Huế quản lý nhà nước về chuyên ngành đối với Liên đoàn về kế hoạch hoạt động nhiệm kỳ và hàng năm; thông tin về chủ trương chính sách, luật pháp có liên quan của Đảng và Nhà nước đến liên đoàn; đồng thời hỗ trợ để Liên đoàn thực hiện tốt nhiệm vụ.

Chương V

TÀI CHÍNH, TÀI SẢN

Điều 18. Các nguồn thu của Liên đoàn

Hội phí của hội viên.

Lệ phí thi đấu do Liên đoàn tổ chức giải, hay ủy nhiệm tổ chức giải.

Thu từ các dịch vụ chuyên môn từ huấn luyện đào tạo.

Thu của Nhà nước từ các hoạt động được Nhà nước ủy nhiệm thực hiện.

Thu từ hoạt động gây quỹ của Liên đoàn (theo quy định của nhà nước, được cơ quan có thẩm quyền cho phép).

Thu từ các dịch vụ tổ chức thi đấu, quảng cáo, thu từ tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước và ngoài nước theo quy định của nhà nước

Thu từ các hoạt động đầu tư hợp pháp khác của Liên đoàn.

Điều 19. Các khoản chi của Liên đoàn

Tổ chức thi đấu, bồi dưỡng nghiệp vụ, đào tạo huấn luyện, thi đấu.

Trang bị cơ sở vật chất và trang thiết bị dụng cụ.

Chi hoạt động của đại hội Liên đoàn và ban chấp hành.

Khen thưởng cá nhân và tổ chức có thành tích.

Chi cho các hoạt động đối ngoại, chi cho cán bộ, nhân viên phục vụ công tác của Liên đoàn, chi nghiệp vụ hành chính văn phòng và các khoản chi khác.

Điều 20. Việc kết toán thu chi

Ở bất cứ trường hợp nào, sau khi kết thúc công việc cũng phải hoàn tất kết toán thu chi và phải đảm bảo các nguyên tắc quản lý tài chính, kế toán theo quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 21. Quy chế tài chính của Liên đoàn

Ban chấp hành ban hành quy chế về tài chính của Liên đoàn.

Chương VI

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 22. Khen thưởng

Cá nhân, tập thể hoặc tổ chức thành viên có những đóng góp và có thành tích xuất sắc trong công tác và thi đấu sẽ được liên đoàn khen thưởng hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng.

Ban chấp hành quy định cụ thể về tổ chức khen thưởng.

Điều 23. Kỷ luật

Cá nhân, tập thể hoặc tổ chức thành viên hoạt động trái với điều lệ, trái với quy định chủ trương và nghị quyết của liên đoàn hoặc làm tổn hại đến uy tín của liên đoàn, tùy từng trường hợp vi phạm sẽ bị xử lý kỷ luật thích đáng hoặc đề nghị chính quyền xử lý kỷ luật.

Ban chấp hành quy định cụ thể về tổ chức và hình thức kỷ luật.

Chương VII

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 24. Sửa đổi, bổ sung điều lệ

Chỉ có đại hội đại biểu hoặc đại hội toàn thể Liên đoàn Quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế mới có quyền sửa đổi, bổ sung điều lệ của Liên đoàn và phải được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt mới có hiệu lực.

Điều 25. Hiệu lực thi hành

Điều lệ này có 7 Chương, 24 Điều đã được đại hội lần thứ III, nhiệm kỳ 2013 - 2018 của Liên đoàn Quần vợt tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua ngày 28 tháng 4 năm 2013 và có hiệu lực thi hành kể từ khi được Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế phê duyệt.