HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 113-HĐBT | Hà Nội, ngày 10 tháng 7 năm 1982 |
QUYẾT ĐỊNH
CỦA HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG SỐ 113-HĐBT NGÀY 10 THÁNG 7 NĂM 1982 VỀ MỘT SỐ BIỆN PHÁP PHÁT TRIỂN HÀNG XUẤT KHẨU VÀ TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHẬP KHẨU
HỘI ĐỒNG BỘ TRƯỞNG
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Bộ trưởng ngày 4-7-1981;
Căn cứ Nghị định số 40-CP ngày 7-2-1980 của Hội đồng Chính phủ ban hành bản quy định về chính sách và biện pháp nhằm khuyến khích phát triển sản xuất hàng xuất khẩu và Nghị định số 200-CP ngày 26-5-1981 bổ sung và sửa đổi một số điểm trong bản quy định ban hành kèm theo Nghị định số 40-CP;
Để phát triển nguồn hành xuất khẩu và tăng cường công tác quản lý xuất nhập khẩu, phát huy tính chủ động và tinh thần sáng tạo của ngành, các địa phương và đơn vị cơ sở trên nguyên tắc Nhà nước độc quyền ngoại thương và Trung ương thống nhất quản lý công tác ngoại thương;
Theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ Ngoại thương,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1.- Trong kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm, ủy ban Kế hoạch Nhà nước phải ghi chỉ tiêu đầu tư thích đáng cho việc mở rộng, đổi mới trang bị hoặc xây dựng mới các cơ sở sản xuất hàng xuất khẩu và cho việc xây dựng và hoàn chỉnh các vùng chuyên canh cây, con xuất khẩu. Tỷ lệ đầu tư cho xuất khẩu phải tương ứng với nhịp động phát triển xuất khẩu. Chỉ tiêu đầu tư phải thể hiện chính sách trung ương và địa phương cùng làm, Nhà nước và nhân dân cùng làm.
Chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu giao cho các ngành, các địa phương phải được bảo đảm cân đối bằng các chỉ tiêu cung ứng nguyên liệu, vật tư... cần thiết để sản xuất, thu mua, giải quyết bao bì, vận chuyển và bảo quản hàng xuất khẩu, kể cả hàng xuất khẩu thu mua của khu vực kinh tế tập thể và cá thể.
Điều 2.- Hàng xuất khẩu được phân định như sau:
- Hàng xuất khẩu đặc biệt, chỉ có các cơ quan được Hội đồng Bộ trưởng chỉ định mới được phép kinh doanh.
- Hàng xuất khẩu do Trung ương thống nhất quản lý và các tổ chức xuất nhập khẩu của trung ương trực tiếp xuất khẩu (gọi tắt là hàng xuất khẩu Trung ương), có danh mục kèm theo Quyết định này.
- Hàng xuất khẩu địa phương.
Điều 3.- Các cơ quan Nhà nước ở trung ương và địa phương phải nghiêm chỉnh chấp hành các quy định của Nhà nước về quản lý thị trường và giá cả trong công tác thu mua hàng xuất khẩu.
Nghiêm cấm tư thương cạnh tranh mua hàng xuất khẩu với các tổ chức quốc doanh. Nghiêm cấm các tổ chức quốc doanh nâng giá thu mua hoặc dùng các biện pháp khác để tranh mua hàng xuất khẩu với nhau.
Cấm các tổ chức kinh doanh của tỉnh, thành phố này tổ chức việc mua hàng xuất khẩu ở tỉnh, thành phố khác, trừ trường hợp được ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố sở tại cho phép.
Điều 4.- Đối với hàng xuất khẩu trung ương mà địa phương đã giao nộp vượt mức kế hoạch, hoặc tuy trung ương không giao chỉ tiêu, hay có giao chỉ tiêu nhưng không cung cấp nguyên liệu tương ứng, song địa phương vẫn giao nộp được cho trung ương thì số hàng ấy coi như là của địa phương ủy thác cho các tổ chức trung ương xuất khẩu và địa phương được sử dụng từ 70 đến 90% ngoại tệ thu được (theo giá trị FOB) của số hàng đó.
Điều 5.- Các tổ chức xuất nhập khẩu trung ương trực tiếp xuất khẩu các mặt hàng do trung ương thống nhất quản lý.
Trong trường hợp tổ chức xuất nhập khẩu trung ương không nhận ủy thác xuất khẩu phần hàng nói trong điều 4 thì địa phương được phép xuất khẩu phần hàng đó, nhưng phải được Bộ Ngoại thương cấp giấy phép.
Nếu các tổ chức xuất nhập khẩu Trung ương vay ngoại tệ của nước ngoài hoặc của quỹ ngoại tệ xuất khẩu Nhà nước để sản xuất hàng xuất khẩu thì sau khi hoàn trả vốn và lãi, được sử dụng 70% số ngoại tệ thu được, và coi là vốn tự có để công ty dùng vào việc nhập khẩu vật tư, hàng hóa phục vụ phát triển, mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu, không được dùng vào việc khác: 30% ngoại tệ còn lại được bổ sung vào quỹ ngoại tệ xuất khẩu Nhà nước.
Điều 7.- Các tổ chức hoạt động kinh doanh dịch vụ thu ngoại tệ được sử dụng 10% số ngoại tệ thu được nếu hoàn thành chỉ tiêu ngoại tệ Nhà nước giao, và 70% số ngoại tệ thu được đối với phần vượt chỉ tiêu để nhập khẩu vật tư, hàng hóa... phục vụ cho việc phát triển , mở rộng kinh doanh của đơn vị, không được dùng vào việc khác.
Điều 8.- Bộ Ngoại thương và Bộ Tài chính có trách nhiệm quy định mức trợ cấp xuất khẩu đối với từng nhóm hàng hoặc từng mặt hàng chủ yếu.
Điều 9.- Ngoại tệ mà các ngành và các địa phương thu được phải sử dụng vào việc nhập khẩu tư liệu sản xuất và những mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, không được nhập khẩu những loại hàng xa xỉ, các hàng trong nước có thể sản xuất được và sản xuất đủ, và các mặt hàng tiêu dùng không phù hợp với chính sách tiêu dùng của Nhà nước ta.
Điều 10.- Tất cả các hoạt động xuất nhập khẩu đều phải có giấy phép của Bộ Ngoại thương. Thủ tục cấp giấy phép phải thích hợp với từng hoàn cảnh và không gây trở ngại không cần thiết cho hoạt động của các tổ chức xuất nhập khẩu, nhất là các tổ chức ở xa Trung ương.
Điều 11.- Cấm các hình thức buôn bán trái phép với nước ngoài.
Điều 12.- Không được thành lập tổ chức công tư hợp doanh để trực tiếp kinh doanh xuất nhập khẩu. Những nơi đã lập các công ty hùn vốn với tư nhân để kinh doanh xuất nhập khẩu thì nay phải chuyển sang sản xuất, chế biến. Cấm tư nhân trực tiếp kinh doanh xuất nhập khẩu.
Tất cả các ngành, các địa phương và cơ sở đều có nhiệm vụ phục vụ xuất nhập khẩu, ra sức mở rộng sản xuất hàng xuất khẩu để cân đối với nhu cầu nhập khẩu của mình, song chỉ có các tổ chức xuất nhập khẩu của trung ương và của những tỉnh, thành phố được Hội đồng Bộ trưởng cho phép như đã quy định trong Nghị định số 200-CP ngày 26-5-1981 của Hội đồng Chính phủ mới được phép trực tiếp xuất nhập khẩu.
Các tỉnh, thành phố có thể thành lập các tổ chức xuất nhập khẩu liên doanh với nhau hoặc với các tổ chức xuất nhập khẩu của Trung ương.
Tỉnh, thành phố nào có nhiều tổ chức trực tiếp xuất nhập khẩu phải sắp xếp lại để tổ chức thành một đầu mối giao dịch, ký kết hợp đồng mua bán với nước ngoài.
Điều 13.- Bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.
Điều 15.- Bộ trưởng các Bộ, chủ nhiệm ủy ban Nhà nước, thủ trưởng các cơ quan khác thuộc Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương có trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Tố Hữu (Đã ký) |
DANH MỤC
CÁC MẶT HÀNG DO TRUNG ƯƠNG THỐNG NHẤT QUẢN LÝ VÀ TẬP TRUNG XUẤT KHẨU
(Ban hành kèm theo Quyết định số 113/HĐBT ngày 10/7/1982)
I. HÀNG NÔNG SẢN VÀ SẢN PHẨM CHẾ BIẾN TỪ NÔNG SẢN:
1. Gạo
2. Đậu tương hạt và dầu đậu tương
3. Thuốc lá điếu và lá thuốc lá
4. Rượu, bia
5. Đường các loại
6. Lạc và dầu lạc
7. Đay và sản phẩm làm từ đay
8. Cao-su và sản phẩm làm từ cao-su
9. Cà-phê
10. Chè
11. Quả hộp và quả ướp đông lạnh
12. Thịt các loại
13. Sơn ta
II. HÀNG HẢI SẢN:
14. Tôm và mực tươi và đông lạnh, tôm khô.
III. HÀNG LÂM SẢN:
15. Gỗ cây và gỗ xẻ
16. Quế và tinh dầu quế
17. Hoa hồi và dầu hồi
IV. HÀNG CÔNG NGHIỆP
18. Than đá
19. Thiếc
20. Apatít
21. Xi-măng
22. Crômít
23. Sợi, vải
24. Các sản phẩm khác do Trung ương đặt gia công
V. HÀNG VĂN HOÁ PHẨM:
25. Tác phẩm nghệ thuật về hội hoạ, điêu khắc, đồ cổ.
- 1 Quyết định 207-HĐBT năm 1991 huỷ bỏ các văn bản pháp luật do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 2 Quyết định 177-HĐBT năm 1985 về chính sách, biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường quản lý xuất nhập khẩu do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 3 Quyết định 177-HĐBT năm 1985 về chính sách, biện pháp đẩy mạnh xuất khẩu và tăng cường quản lý xuất nhập khẩu do Hội đồng Bộ trưởng ban hành
- 1 Thông tư liên tịch 7-TTLB/VH/NgT năm 1985 quy định phạm vi kinh doanh xuất nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ thu ngoại tệ của ngành văn hoá do Bộ Văn hoá- Ngoại thương ban hành
- 2 Thông tư liên tịch 118-LB/TT/NgT/NHNN năm 1983 hướng dẫn Điều 6 Quyết định 113-HĐBT về một số biện pháp phát triển hàng sản xuất và tăng cường công tác quản lý xuất nhập khẩu do Bộ Ngoại thương- Ngân hàng nhà nước ban hành
- 3 Luật tổ chức Hội đồng Bộ trưởng 1981
- 4 Nghị định 200-CP năm 1981 quy định chính sách và biện pháp nhằm phát triển sản xuất hàng xuất khẩu do Hội đồng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị định 40-CP năm 1980 Quy định về chính sách và biện pháp nhằm phát triển sản xuất hàng xuất khẩu do Hội đồng Chính phủ ban hành