Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH PHÚ YÊN
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1138/2008/QĐ-UBND

Tuy Hòa, ngày 24 tháng 7 năm 2008

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH PHÚ YÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở ngày 25 tháng 12 năm 1998;

Căn cứ Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 387/TTr-STP ngày 26 tháng 6 năm 2008,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế hoạt động của Hòa giải viên ở cơ sở.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ban, ngành; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Chủ tịch UBND các xã, phường, thị trấn và các Hòa giải viên ở cơ sở chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Phạm Ngọc Chi

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1138/2008/QĐ-UBND ngày 24 tháng 7 năm 2008 của Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Yên)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và áp dụng

Quy chế này được áp dụng đối với Hòa giải viên ở cơ sở thuộc tỉnh Phú Yên nhằm cụ thể hóa các quy định của Pháp lệnh hòa giải ở cơ sở và Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ. Các quy định trong Quy chế này không áp dụng đối với hoạt động hòa giải trong tố tụng của Tòa án nhân dân và của Trọng tài kinh tế.

Điều 2. Hòa giải viên ở cơ sở

1. Hòa giải viên ở cơ sở là người được nhân dân tín nhiệm bầu ra và được Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn quyết định công nhận.

2. Thuật ngữ “cơ sở” theo Quy chế này là: thôn, xóm, làng, khối phố, khu vực, tổ dân phố và các cụm dân cư khác như các chợ cố định, tụ điểm du lịch vui chơi giải trí.

3. Hòa giải viên ở cơ sở có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến các văn bản pháp luật, đồng thời hướng dẫn giúp đỡ thuyết phục các bên tranh chấp đạt được thỏa thuận, tự nguyện giải quyết với nhau những việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ, nhằm giữ gìn đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Điều 3. Yêu cầu hòa giải ở cơ sở của Hòa giải viên

Việc hòa giải ở cơ sở, Hòa giải viên phải đảm bảo các yêu cầu sau đây:

1. Phù hợp với đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước, đạo đức xã hội và phong tục, tập quán tốt đẹp của nhân dân.

2. Tôn trọng sự tự nguyện của các bên; không bắt buộc, áp đặt các bên tranh chấp phải tiến hành hòa giải.

3. Khách quan, công minh, có lý, có tình, giữ bí mật thông tin đời tư của các bên tranh chấp; tôn trọng quyền, lợi ích hợp pháp của người khác; không xâm phạm lợi ích của nhà nước, lợi ích công cộng.

4. Kịp thời, chủ động, kiên trì nhằm ngăn chặn vi phạm pháp luật, hạn chế những hậu quả xấu khác có thể xảy ra và đạt được kết quả hòa giải.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ TIÊU CHUẨN CỦA HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ

Điều 4. Nhiệm vụ, quyền hạn của Hòa giải viên ở cơ sở

1. Tiến hành hòa giải đối với việc vi phạm pháp luật và tranh chấp nhỏ trong cộng đồng dân cư, cụ thể:

- Mâu thuẫn xích mích giữa các thành viên trong gia đình do khác nhau về quan niệm sống, lối sống, tính tình không hợp hoặc mâu thuẫn xích mích giữa các cá nhân trong quan hệ xóm làng.

- Tranh chấp về quyền, lợi ích phát sinh từ quan hệ tài sản, hợp đồng dân sự, nghĩa vụ dân sự, thừa kế, quyền sử dụng đất; thực hiện quyền và nghĩa vụ của vợ chồng; quyền và nghĩa vụ của cha, mẹ và con; nhận nuôi con nuôi; ly hôn, yêu cầu cấp dưỡng.

- Tranh chấp phát sinh từ những việc vi phạm pháp luật mà theo quy định của pháp luật, những việc vi phạm đó chưa đến mức bị xử lý bằng biện pháp hình sự hoặc biện pháp hành chính như: trộm cắp vặt, đánh chửi nhau gây mất trật tự công cộng, đánh nhau gây thương tích nhẹ, va quệt xe cộ gây thương tích nhẹ.

2. Thông qua hoạt động hòa giải, tuyên truyền, vận động nhân dân nghiêm chỉnh chấp hành pháp luật.

3. Đối với những tranh chấp không thuộc phạm vi hòa giải có thể ảnh hưởng đến trật tự an ninh ở địa phương, thì Hòa giải viên phải báo cáo với Tổ trưởng Tổ hòa giải để Tổ trưởng Tổ hòa giải báo cáo Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn để xem xét và có biện pháp giải quyết.

Điều 5. Tiêu chuẩn của Hòa giải viên ở cơ sở

1. Là công dân Việt Nam, có độ tuổi từ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự.

2. Có phẩm chất đạo đức tốt, nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và có uy tín trong nhân dân.

3. Có khả năng thuyết phục vận động nhân dân thực hiện chính sách, pháp luật.

4. Có tinh thần trách nhiệm, nhiệt tình trong công tác hòa giải.

Chương III

HOẠT ĐỘNG HÒA GIẢI VÀ CHẾ ĐỘ CỦA HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ

Điều 6. Hoạt động hòa giải

Hòa giải viên ở cơ sở hoạt động theo quy định tại chương III của Pháp lệnh hòa giải ở cơ sở và chương III Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ.

Điều 7. Chế độ của Hòa giải viên ở cơ sở

1. Chế độ của Hòa giải viên ở cơ sở được thực hiện theo quy định tại Quyết định số 1840/2007/QĐ-UBND ngày 02 tháng 10 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc quy định mức chi thực hiện nhiệm vụ phổ biến, giáo dục pháp luật trên địa bàn tỉnh. Được bồi dưỡng về đường lối chính sách của Đảng, pháp luật của nhà nước và được hỗ trợ nâng cao nghiệp vụ hòa giải theo kế hoạch của từng địa phương.

2. Nghiêm cấm hòa giải viên tự ý hoặc cùng với Tổ hòa giải lập biên bản khống vụ việc hòa giải để được hưởng chế độ.

Chương IV

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC ĐỐI VỚI HÒA GIẢI VIÊN Ở CƠ SỞ

Điều 8. Công tác quản lý nhà nước đối với Hòa giải viên

1. Hàng năm, Sở Tư pháp phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh có kế hoạch hướng dẫn, kiểm tra và quản lý công tác hòa giải ở cơ sở trong phạm vi toàn tỉnh. Định kỳ hàng quý, 6 tháng, năm báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động công tác hòa giải về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp để theo dõi.

2. Phòng Tư pháp hướng dẫn, kiểm tra, quản lý và có kế hoạch bồi dưỡng nghiệp vụ cho các Hòa giải viên ở cơ sở trong phạm vi địa phương mình. Định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động công tác hòa giải về Sở Tư pháp để theo dõi.

3. Ban Tư pháp hướng dẫn hoạt động của các Tổ hòa giải, các Hòa giải viên; bồi dưỡng cung cấp tài liệu nghiệp vụ cho các Hòa giải viên theo sự hướng dẫn của cơ quan Tư pháp cấp trên, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã xem xét, quyết định việc miễn nhiệm Hòa giải viên. Định kỳ hàng tháng, quý, năm báo cáo tình hình tổ chức và hoạt động công tác hòa giải về Phòng Tư pháp để theo dõi.

Chương V

KHEN THƯỞNG - XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 9. Khen thưởng

Hòa giải viên có thành tích trong công tác hoà giải thì được khen thưởng theo quy định của pháp luật.

Điều 10. Xử lý vi phạm

Hòa giải viên có hành vi vi phạm Pháp lệnh về tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở, vi phạm Nghị định số 160/1999/NĐ-CP ngày 18 tháng 10 năm 1999 của Chính phủ và Quy chế này thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật, xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật./.