Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 114/2003/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 25 tháng 09 năm 2003 

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH TẠM THỜI VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN THU PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân;
Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật NSNN;
Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002;
Căn cứ Nghị định số 48/CP ngày 05/05/1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị;
Căn cứ Quyết định số 19/2003/QĐ-UB ngày 24/01/2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố Về việc Ban hành Quy định về quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội;
Xét đề nghị của Sở Tài chính - Vật giá tại tờ trình số 2623/TTr-STCVG ngày 04 tháng 09 năm 2003.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này " Quy định tạm thời về quản lý và sử dụng các khoản thu phạt vi phạm hành chính trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và sẽ được bổ sung, sửa đổi khi có văn bản quy định của Chính phủ. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều 3: Chánh Văn phòng Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc các Sở, Ban, Ngành, Đoàn thể thuộc Thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, xã, phường,Thủ trưởng các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.  

 

 

T/M. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
CHỦ TỊCH




Hoàng Văn Nghiên

 

QUY ĐỊNH TẠM THỜI

VỀ QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG CÁC KHOẢN THU PHẠT VI PHẠM HÀNH CHÍNH TRONG QUẢN LÝ TRẬT TỰ XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HÀ NỘI.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 114/2003/QĐ-UB ngày 25 tháng 9 năm 2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố Hà Nội)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Bản Quy định này quy định việc quản lý và sử dụng khoản thu phạt, tịch thu tang vật, phương tiện do vi phạm hành chính trong công tác quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội.

Người có thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính phải thực hiện đúng quy định tại Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002; Nghị định số 48/CP ngày 05/05/1997 của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong quản lý xây dựng, quản lý nhà và công trình kỹ thuật hạ tầng đô thị (Trong khi chờ Chính phủ ban hành Nghị định mới hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính) và Quyết định số 19/2003/QĐ-UB ngày 24/01/2003 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Điều 2: Số tiền thu phạt được nộp đấy đủ, kịp thời vào Ngân sách Nhà nước qua hệ thống Kho bạc Nhà nước Hà Nội:

- Cơ quan ra quyết định xử phạt trực tiếp thu tiền đối với những trường hợp có mức phạt từ 5.000 đồng đến 100.000 đồng và định kỳ 2 ngày nộp tiền vào Kho bạc Nhà nước theo chế độ quy định.

- Kho bạc Nhà nước tổ chức thu trực tiếp đối với những trường hợp có mức phạt từ 100.000 đồng trở lên theo quyết định của cơ quan xử phạt.

Điều 3: Các cơ quan, đơn vị tham gia phối hợp xử lý vi phạm hành chính và các cơ quan thu nộp, quản lý nguồn thu phạt được sử dụng một phần từ nguồn thu về xử phạt vi phạm hành chính để phục vụ cho công tác xử phạt và quản lý các nguồn thu phạt.

Điều 4: Sở Tài chính - Vật giá; Phòng Tài chính Vật giá các Quận, Huyện; Ban Tài chính xã, phường, thị trấn có trách nhiệm tổng hợp số tiền thu phạt đã nộp vào ngân sách các cấp; lập dự toán chi của các cơ quan đơn vị được phép sử dụng nguồn thu phạt trình Ủy ban nhân dân các cấp phê duyệt hàng năm, làm căn cứ cấp phát và quyết toán theo đúng chế độ và nguyên tắc quản lý tài chính hiện hành của Nhà nước.

Điều 5: Hệ thống Kho bạc Nhà nước Thành phố có trách nhiệm tổ chức thu, hướng dẫn tổ chức thu và quản lý các nguồn tiền phạt; Đối chiếu xác nhận các khoản thu và sử dụng tiền phạt theo định kỳ.

Chương 3:

NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 6: Quản lý thu tiền phạt:

1- Các đối tượng bị xử phạt có trách nhiệm nộp kịp thời, đầy đủ các khoản tiền phạt vào Kho bạc Nhà nước được ghi trong Quyết định xử phạt. Cụ thể:

- Cấp ra Quyết định xử phạt là Chủ tịch UBND Thành phố, Chánh thanh tra xây dựng Thành phố nộp tiền tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội hoặc Kho bạc Nhà nước quận, huyện.

- Cấp ra Quyết định xử phạt là Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn và Chánh thanh tra xây dựng quận, huyện nộp tại Kho bạc Nhà nước quận, huyện.

Hệ thống Kho bạc Nhà nước Thành phố có trách nhiệm tổ chức thu tiền trực tiếp từ đối tượng bị xử phạt và từ cơ quan xử phạt nộp.

2- Các tang vật, phương tiện bị tịch thu: Các cơ quan ra quyết định xử phạt phối hợp với cơ quan tài chính đồng cấp thực hiện bán đấu giá theo quy định hiện hành khi có quyết định của cấp có thẩm quyền (Cơ quan tài chính cấp Quận, huyện thực hiện tiếp nhận và tổ chức bán đấu giá các tài sản của 1 vụ vi phạm hành chính có giá trị đến 10 triệu đồng; Sở Tài chính - Vật giá thực hiện đối với tài sản có giá trị từ 10 triệu đồng trở lên), số tiền thu được do bán đấu giá phải nộp vào Ngân sách Nhà nước tại Kho bạc Nhà nước Thành phố sau khi trừ các chi phí cho việc vận chuyển, kho bãi và chi phí cho công tác bán đấu giá theo quy định.

3- Số tiền phạt nộp vào Ngân sách Nhà nước được hạch toán vào Chương 160 (B,C,D) -Loại 10 -Khoản 10 -Mục 51 -Tiểu mục 02.

4- Số tiền thu nộp Kho bạc Nhà nước được điều tiết 100% vào ngân sách của cấp chính quyền ra quyết định xử phạt, cụ thể:

- Chủ tịch UBND Thành phố, Chánh Thanh tra xây dựng Thành phố ra quyết định xử phạt thì số tiền được điều tiết 100% vào ngân sách Thành phố.

- Chủ tịch UBND quận, huyện; Chánh Thanh tra xây dựng quận, huyện ra quyết định xử phạt thì số tiền được điều tiết 100% vào ngân sách quận, huyện.

- Chủ tịch UBND xã, phường, thị trấn ra quyết định xử phạt thì số tiền được điều tiết 100% vào ngân sách xã, phường, thị trấn.

5- Cơ quan có thẩm quyền xử phạt phải sử dụng biên lai do cơ quan Thuế cung cấp:

- Cấp Thành phố nhận biên lai thu tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước Hà Nội.

- Cấp Quận, huyện, xã, phường, thị trấn nhận biên lai thu tiền phạt tại Kho bạc Nhà nước quận, huyện.

Định kỳ hàng tháng các cơ quan sử dụng biên lai thu phạt phải báo cáo với Kho bạc Nhà nước về tình hình sử dụng biên lai thu phạt.

Điều 7: Sử dụng nguồn thu tiền phạt:

* Số tiền phạt thu được coi là 100% và sử dụng cho các nội dung sau:

1- 50% để chi phục vụ các hoạt động trực tiếp xử lý vi phạm:

- Bồi dưỡng cho các cán bộ trực tiếp phát hiện kiểm tra và lập biên bản xử phạt.

- Chi bồi dưỡng cho các lực lượng phối hợp (Công an, cán bộ Sở chuyên ngành tham gia xử lý).

2- 15% để chi phí phục vụ cho việc quản lý công tác trực tiếp xử lý vi phạm, bao gồm:

- 2% chi cho công tác quản lý, thu nộp tiền phạt của Kho bạc Nhà nước Thành phố.

- 13% còn lại chi cho các nội dung:

+ Chi phí in ấn tài liệu phục vụ công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

+ Chi phục vụ công tác hướng dẫn, kiểm tra và giám sát.

+ Chi cho công tác học tập trau dồi nghiệp vụ của cán bộ trong các đội kiểm tra, xử lý vi phạm.

3- 20% Mua sắm, thuê trang thiết bị phục vụ cho công tác kiểm tra, xử lý vi phạm.

4- 15% để chi phục vụ công tác chỉ đạo của UBND các cấp và chi phí cho các Sở (đơn vị) chủ quản giúp UBND các cấp trong công tác quản lý, tổng hợp tình hình quản lý TTXD - ĐT trên địa bàn:

- Chí phí phục vụ công tác chỉ đạo, tổ chức tuyên truyền, kiểm tra.

- Chi phí in ấn tài liệu giao ban định kỳ.

- Chi phí tổ chức sơ kết, tổng kết, khen thưởng của UBND Thành phố, Quận, Huyện, xã, phường, thị trấn trong công tác quản lý trật tự xây dựng theo Quyết định 19/2003/QĐ-UB ngày 24/01/2003 của UBND Thành phố.

* Việc sử dụng kinh phí phải thực hiện theo đúng định mức, tiêu chuẩn, chế độ quản lý tài chính hiện hành.

Điều 8: Về mức chi bồi dưỡng:

* Mức chi bồi dưỡng cho cán bộ trực tiếp thực hiện công tác xử lý vi phạm cụ thể như sau:

- Cán bộ của tổ công tác quản lý TTXD cấp phường, xã, thị trấn do Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn ra quyết định thành lập và được hưởng mức bồi dưỡng tối đa 200.000đ/tháng/người.

- Cán bộ của Thanh tra xây dựng Thành phố và quận, huyện trực tiếp làm công tác kiểm tra, xử lý vi phạm được hưởng mức bồi dưỡng tối đa 200.000đ/tháng/người.

- Các lực lượng tham gia phối hợp xử lý vi phạm được hưởng theo mức bồi dưỡng không quá 20.000đ/tháng/người.

* Tổng số tiền chi bồi dưỡng không được vượt quá tỷ lệ 30% số thu phạt đã quy định tại điểm 1 Điều 7.

Điều 9: Quản lý, cấp phát và quyết toán thu, sử dụng tiền phạt:

1- Lập dự toán:

Các đơn vị được giao nhiệm vụ xử phạt các hành vi vi phạm hành chính trong công tác quản lý trật tự xây dựng, căn cứ vào khả năng thu nộp và nội dung chi quy định tại Điều 7, mức chi quy định tại Điều 8 và chế độ chi tiêu tài chính hiện hành để lập dự toán thu tiền phạt và dự toán chi từ nguồn thu này cùng với việc lập dự toán ngân sách hàng năm của đơn vị theo quy định gửi về cơ quan tài chính đồng cấp. Sở Tài chính - Vật giá, Phòng Tài chính - Vật giá các quận, huyện, Ban Tài chính phường, xã, thị trấn tổng hợp trình UBND Thành phố, quận, huyện, phường, xã, thị trấn quyết định bố trí trong dự toán ngân sách hàng năm.

2- Cấp phát kinh phí: Căn cứ vào dự toán được cấp có thẩm quyền phê duyệt và số thực thu nộp vào Kho bạc Nhà nước, hàng quý Cơ quan tài chính các cấp cấp trực tiếp cho các đơn vị theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

3- Quyết toán:

Đơn vị thuộc ngân sách cấp nào thì quyết toán vào ngân sách cấp đó theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước và theo chế độ quản lý tài chính hiện hành (Các đơn vị thuộc Thành phố quyết toán với Sở Tài chính - Vật giá; các đơn vị thuộc quận, huyện quyết toán với Phòng Tài chính Vật giá quận, huyện; các đơn vị thuộc phường, xã, thị trấn quyết toán vào Ngân sách phường, xã, thị trấn và Phòng Tài chính Vật giá quận, huyện tổng hợp quyết toán Quận, huyện, phường, xã, thị trấn gửi Sở Tài chính - Vật giá).

- Sở Tài chính - Vật giá tổng hợp báo cáo quyết toán chung trên địa bàn Thành phố để báo cáo với Ủy ban nhân dân Thành phố theo quy định của Luật Ngân sách Nhà nước.

Chương 2:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10: Tổ chức thực hiện:

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, Ngành, Đoàn thể thuộc Thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, phường, xã, thị trấn; Thủ trưởng các đơn vị và các cá nhân có liên quan về vi phạm hành chính trong quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành bản Quy định này.

Trong quá trình thực hiện nếu có vướng mắc, các cơ quan đơn vị, cá nhân phản ánh kịp thời về Sở Tài chính - Vật giá để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.