Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG
---------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 114/2006/QĐ-UBND

Đà Nẵng, ngày 30 tháng 12 năm 2006

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (GIAI ĐOẠN 2006 - 2010) THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO VỆ MÔI RƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC)

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động của thành phố Đà Nẵng (giai đoạn 2006 - 2010) thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước.

Điều 2: Giao Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành, đoàn thể và đơn vị có liên quan triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3: Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 4: Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Giao thông Công chính; thủ trưởng các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố, Chủ tịch UBND các quận, huyện, các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Văn Minh

 

CHƯƠNG TRÌNH

HÀNH ĐỘNG CỦA THÀNH PHỐ ĐÀ NẴNG (GIAI ĐOẠN 2006 – 2010) THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG CỦA CHÍNH PHỦ VỀ BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG TRONG THỜI KỲ ĐẨY MẠNH CÔNG NGHIỆP HÓA, HIỆN ĐẠI HÓA ĐẤT NƯỚC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 114/2006/QĐ-UBND ngày 30 tháng 12 năm 2006 của UBND thành phố Đà Nẵng)

I. MỤC TIÊU

Cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp để thực hiện Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước (Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 2 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ) nhằm ngăn ngừa, hạn chế, khắc phục ô nhiễm, suy thoái, sự cố môi trường, cải thiện và từng bước nâng cao chất lượng môi trường; kết hợp chặt chẽ, hợp lý và hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với thúc đẩy tiến bộ xã hội và bảo vệ môi trường phục vụ mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố phát triển, bền vững về môi trường.

Phấn đấu từ nay đến năm 2010 đạt một số chỉ tiêu cụ thể sau đây:

1. 100% người dân thành phố Đà Nẵng được tiếp cận với những kiến thức cơ bản về bảo vệ môi trường, tiến tới thay đổi hành vi ứng xử với các thách thức về môi trường.

2. Tăng tỷ lệ thu gom, xử lý chất thải rắn trên địa bàn từ 85% (năm 2005) lên trên 90%. Giảm thiểu tối đa lượng chất thải rắn phải xử lý bằng phương pháp chôn lấp.

3. Trên 80% các đơn vị sản xuất kinh doanh thực hiện thu gom, lưu giữ và xử lý chất thải đúng quy định.

4. Hoàn tất xây dựng và thực hiện xử lý đạt tiêu chuẩn môi trường đối với nước thải tại 4 khu công nghiệp: Hòa Khánh, Dịch vụ thủy sản, Đà Nẵng, Hòa Cầm.

5. Di dời 100% cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố theo Kế hoạch xử lý triệt để các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm ban hành kèm theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ.

6. Giảm thiểu tình trạng ô nhiễm không khí tại các khu công nghiệp, tuyến giao thông trọng điểm.

7. 100% số hộ dân khu vực nội thành có hố xí hợp vệ sinh, bố trí nhà vệ sinh công cộng hợp lý, tăng số lượng hộ dân khu vực ngoại thành sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

8. Quy hoạch cây xanh đường phố, hợp lý về tỷ lệ và chủng loại cây, phấn đấu đạt từ 3 - 5m2 cây xanh/người.

II. NỘI DUNG

1. Tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức và trách nhiệm về bảo vệ môi trường. Đẩy mạnh xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường

a) Thông qua các biện pháp và hình thức thích hợp, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến rộng rãi nội dung Nghị quyết số 41-NQ/TW ngày 15 tháng 11 năm 2004 của Bộ Chính trị về bảo vệ môi trường trong thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, Luật Bảo vệ môi trường, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số số 41-NQ/TW của Bộ Chính trị (ban hành kèm theo Quyết định số 34/2005/QĐ-TTg ngày 22 tháng 02 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ), các chính sách và pháp luật của Nhà nước về bảo vệ môi trường;

b) Phổ biến, tuyên truyền cho người dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị, khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường và công bố công khai những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường nhằm tạo dư luận lên án nghiêm khắc đối với những hành vi này. Lồng ghép các buổi nói chuyện chuyên đề về bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt tổ dân phố, sinh hoạt đoàn thanh niên, các hội, đoàn thể ở địa phương;

c) Tăng cường tổ chức các lớp tập huấn về quản lý môi trường công nghiệp cho đối tượng là cấp quản lý, nhân viên tại các cơ sở sản xuất kinh doanh. Nâng cao năng lực cho bộ phận tuyên truyền môi trường của các cơ quan, tổ chức có liên quan trên địa bàn thành phố;

d) Phát triển các mô hình cộng đồng dân cư tự quản trong hoạt động bảo vệ môi trường. Xây dựng và áp dụng tiêu chí về bảo vệ môi trường trong công tác thi đua khen thưởng của các cá nhân, tập thể, cơ quan đơn vị, đánh giá gia đình văn hóa;

e) Phát động phong trào toàn dân tham gia bảo vệ môi trường, duy trì phong trào Ngày chủ nhật Xanh-Sạch-Đẹp trên địa bàn thành phố theo Chỉ thị số 19/2004/CT-UB ngày 20 tháng 10 năm 2004 của UBND thành phố;

f) Xã hội hóa các dịch vụ môi trường về thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt, rác y tế, rác công nghiệp, tái chế rác, dịch vụ đo đạc kiểm nghiệm, thẩm định.... Đa dạng hoá các loại hình hoạt động bảo vệ môi trường, khuyến khích sự tham gia của khu vực tư nhân, có cơ chế khuyến khích các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế thực hiện các dịch vụ bảo vệ môi trường; khuyến khích thành lập các tổ chức đánh giá, tư vấn, giám định, công nhận, chứng nhận về bảo vệ môi trường.

2. Bảo vệ môi trường trong hoạt động công nghiệp

a) Tập trung triển khai thực hiện Chương trình quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006 - 2010;

b) Xây dựng và vận hành Trạm xử lý nước thải công nghiệp tại các khu công nghiệp, cụm công nghiệp (sau đây gọi tắc là KCN), trước mắt là KCN dịch vụ thuỷ sản Đà Nẵng, tiếp đến là KCN Đà Nẵng, KCN Hoà Cầm, KCN Liên Chiểu;

c) Khắc phục ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, đặc biệt đối với làng Đá mỹ nghệ Non Nước; nghiên cứu lập Quy hoạch làng đá chẻ Hoà Sơn, huyện Hoà Vang;

d) Đẩy mạnh việc xử lý triệt để những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Từng bước phục hồi chất lượng môi trường tại những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, các hệ sinh thái bị suy thoái và những khu vực bị nhiễm độc do chất độc hoá học trong chiến tranh;

e) Tiến hành rà soát các cơ sở công nghiệp, công bố danh sách các cơ sở thực hiện tốt và chưa tốt công tác bảo vệ môi trường;

f) Quy hoạch địa điểm đầu tư xây dựng Nhà máy xử lý chất thải nguy hại, chất thải công nghiệp, chất thải y tế tập trung cho thành phố Đà Nẵng.

3. Bảo vệ môi trường khu vực đô thị

a) Hoàn thiện mô hình tổ chức quản lý chất thải rắn sinh hoạt trong khu vực đô thị; xây dựng và thực hiện đề án phân loại rác thải tại nguồn (hộ gia đình, cơ sở sản xuất, kinh doanh, dịch vụ);

b) Bố trí nhà vệ sinh công cộng và thùng đựng rác hợp lý, đặc biệt lưu ý các khu vực đông người qua lại, các ao, hồ nội thành;

c) Công bố và xử lý nghiêm các hành vi phá hoại môi trường tại khu du lịch, vui chơi, nơi công cộng;

d) Đẩy mạnh công tác trồng và chăm sóc cây xanh trên các tuyến đường, các công viên theo quy hoạch cây xanh đường phố đã được phê duyệt;

e) Xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp giảm ồn, khói bụi, khí thải từ hoạt động giao thông, hoạt động xây dựng;

f) Tiến hành rà soát các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong khu dân cư, di dời những cơ sở gây ô nhiễm môi trường vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp;

g) Tiếp nhận, vận hành các trạm xử lý nước thải sinh hoạt đô thị từ Dự án Thoát nước và vệ sinh môi trường;

h) Thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc nhập khẩu và vận chuyển bất hợp pháp các loại hoá chất độc hại, thuốc trừ sâu, phân bón, phế liệu... và các thiết bị công nghệ có nguy cơ gây tác hại đến môi trường.

4. Bảo vệ môi trường khu vực nông thôn

a) Tiếp tục thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn đến năm 2010;

b) Mở rộng thu gom rác thải đến khu vực nông thôn, khu vực vùng ven thành phố;

c) Thực hiện tốt công tác bảo vệ môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi; xây dựng, phổ biến và kiểm soát các mô hình sản xuất rau sạch, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, công nghệ sạch.

5. Bảo vệ cảnh quan và tài nguyên thiên nhiên, bảo tồn đa dạng sinh học

a) Khai thác và phát triển hợp lý các loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển, tạo nguồn vốn cho công tác bảo vệ đa dạng sinh học;

b) Xây dựng và triển khai các đề án phát triển khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, Bà Nà - Núi Chúa;

c) Rà soát quy hoạch phát triển lâm nghiệp, chế biến gỗ, xây dựng tổng quan lâm nghiệp thành phố Đà Nẵng từ nay đến 2010;

d) Triển khai thực hiện Quy hoạch quản lý, khai thác cát, sỏi sông trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, giai đoạn từ 2006 – 2010 theo Quyết định số 7227/QĐ-UBND ngày 18 tháng 10 năm 2006 của UBND thành phố.

6. Hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý môi trường

a) Rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về bảo vệ môi trường do UBND thành phố đã ban hành trước đây cho phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường;

b) Ban hành quy định của UBND thành phố về quản lý chất thải nguy hại trên địa bàn thành phố;

c) Sửa đổi, bổ sung Quy định về bảo vệ môi trường và quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố;

d) Ban hành Quy định của UBND thành phố về dừng cấp đăng ký kinh doanh đối với các ngành nghề gây ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư.

7. Tăng cường công tác quản lý về bảo vệ môi trường

a) Nâng cao năng lực quản lý nhà nước về bảo vệ môi trường, xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ bảo vệ môi trường đối với UBND các quận, huyện, xã, phường; tăng cường sự liên kết, phối hợp giữa các cơ quan chức năng trong việc bảo vệ môi trường;

b) Tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật sử dụng cho việc kiểm tra, giám sát môi trường của các cơ quan quản lý môi trường;

c) Tăng cường năng lực giám sát, kiểm tra, thanh tra, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm trong lĩnh vực bảo vệ môi trường, khai thác tài nguyên.

8. Tăng cường nguồn lực tài chính

a) Thực hiện tốt việc thu các loại phí bảo vệ môi trường theo quy định;

b) Huy động sự tham gia về tài chính của các tổ chức, xã hội, cơ sở công nghiệp trong từng chương trình bảo vệ môi trường cụ thể;

c) Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm các nguồn tài trợ của các cá nhân, tổ chức quốc tế, các chính phủ và tăng cường vận động các nguồn lực tài chính khác cho công tác bảo vệ môi trường của thành phố.

9. Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, chuyển giao ứng dụng công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực cho bảo vệ môi trường

a) Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản các nguồn tài nguyên thiên nhiên trên địa bàn thành phố để có cơ sở đánh giá toàn diện và xây dựng kế hoạch khai thác, sử dụng, bảo vệ hợp lý; tăng cường đầu tư cơ sở vật chất hệ thống quan trắc, dự báo, cảnh báo về tài nguyên và môi trường, nâng cao trình độ đội ngũ cán bộ của hệ thống;

b) Đẩy mạnh nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ môi trường, công nghệ sạch, thân thiện môi trường, phát triển các công nghệ xử lý và tái chế, tái sử dụng chất thải;

c) Tiếp tục xây dựng và nhân rộng các mô hình sản xuất sạch hơn, thúc đẩy việc hình thành các doanh nghiệp dịch vụ môi trường, phát triển kinh tế môi trường;

d) Đẩy mạnh công tác đào tạo cán bộ chuyên môn và cán bộ quản lý cho lĩnh vực bảo vệ môi trường.

III TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các hội, đoàn thể phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường tổ chức triển khai các chương trình phối hợp hành động bảo vệ môi trường theo tinh thần Nghị quyết liên tịch đã ký kết của các tổ chức chính trị - xã hội cấp Trung ương với Bộ Tài nguyên và Môi trường nhằm đề cao vai trò, trách nhiệm và tăng cường sự tham gia có hiệu quả của các tổ chức chính trị - xã hội trong hoạt động bảo vệ môi trường; huy động mọi tầng lớp nhân dân tham gia bảo vệ môi trường, góp phần xây dựng thành phố Xanh-Sạch-Đẹp.

2. Yêu cầu các sở, ban, ngành, UBND các quận, huyện căn cứ các nội dung nêu tại mục II và chức năng, nhiệm vụ của mỗi đơn vị, xây dựng Kế hoạch, Chương trình hành động cụ thể trong kế hoạch họat động hàng năm của ngành, đơn vị mình và tổ chức thực hiện, định kỳ hàng năm báo cáo UBND thành phố thông qua Sở Tài nguyên và Môi trường.

3. Sở Nội vụ

a) Chủ trì, phối hợp với các ngành và đơn vị liên quan tham mưu cho UBND thành phố về kiện toàn tổ chức và tăng cường năng lực cho bộ máy quản lý bảo vệ môi trường ở UBND các quận, huyện, xã, phường; phân cấp quản lý đối với các doanh nghiệp hoạt động về lĩnh vực môi trường, giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm quản lý theo chuyên ngành;

b) Phối hợp với Sở Tài ngyên và Môi trường tham mưu cho UBND thành phố về phương án và chính sách khuyến khích, đa dạng hoá dịch vụ môi trường trên địa bàn thành phố, tạo điều kiện thúc đẩy xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường.

4. Sở Kế hoạch và Đầu tư

a) Phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Tài chính cùng các đơn vị liên quan tham mưu cho UBND thành phố kế hoạch kinh phí đầu tư xây dựng Trạm xử lý nước thải công nghiệp cho các KCN;

b) Tăng cường hợp tác quốc tế nhằm tìm kiếm các nguồn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường của thành phố.

5. Sở Tài chính

a) Chủ trì xây dựng đề án “Đa dạng hóa các nguồn vốn đầu tư cho công tác bảo vệ môi trường trên địa bàn thành phố Đà Nẵng” để đảm bảo có đủ nguồn lực bảo vệ môi trường, trong đó chú trọng huy động mọi nguồn lực của toàn xã hội để đầu tư bảo vệ môi trường;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, Sở Kế hoạch và Đầu tư đề xuất UBND thành phố bố trí không dưới 1% tổng chi ngân sách nhà nước cho các hoạt động sự nghiệp bảo vệ môi trường của thành phố và tăng dần hằng năm theo tốc độ tăng trưởng kinh tế.

6. Cục Hải quan thành phố

Đẩy mạnh thực hiện các biện pháp kiểm soát, ngăn chặn việc nhập khẩu và vận chuyển bất hợp pháp các loại hoá chất độc hại, thuốc trừ sâu, phân bón, phế liệu... và các thiết bị công nghệ có nguy cơ gây thiệt hại đến môi trường.

7. Sở Tư pháp

Phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan tiến hành rà soát và tham mưu cho UBND thành phố điều chỉnh, bổ sung nội dung bảo vệ môi trường trong các văn bản quy phạm pháp luật của địa phương có liên quan cho phù hợp với Luật Bảo vệ môi trường.

8. Sở Công nghiệp

a) Phối hợp các cơ quan chức năng lập kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất công nghiệp gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng tại các khu dân cư vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp;

b) Hướng dẫn, khuyến khích các cơ sở sản xuất công nghiệp thực hiện các giải pháp giảm thiểu ô nhiễm, áp dụng công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, mô hình sản xuất sạch hơn.

9. Sở Giao thông Công chính

a) Chủ trì xây dựng các đề án: Giảm thiểu ô nhiễm do hoạt động giao thông vận tải, xã hội hoá công tác trồng và chăm sóc cây xanh cộng cộng, xã hội hoá công tác thoát nước trình UBND thành phố trong quý II năm 2007 và triển khai thực hiện sau khi được phê duyệt;

b) Phối hợp với Sở Xây dựng, Viện Quy hoạch xây dựng thành phố lập quy hoạch hệ thống thoát nuớc, giảm thiểu, khống chế các điểm ngập úng;

c) Xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch phát triển cây xanh đô thị đến năm 2010;

d) Xây dựng và triển khai đồng bộ các biện pháp giảm ồn, khói bụi, khí thải từ hoạt động giao thông;

e) Phối hợp với Sở Xây dựng rà soát, quy hoạch lại các điểm trung chuyển rác trên địa bàn thành phố. Chỉ đạo Công ty Môi trường đô thị bố trí nhà vệ sinh công cộng và thùng đựng rác hợp lý, đặc biệt lưu ý các khu vực đông người qua lại, các ao, hồ nội thành, tăng cường mở rộng dịch vụ thu gom rác tại các vùng nông thôn.

10. Sở Khoa học và Công nghệ

a) Đẩy mạnh công tác điều tra cơ bản và xây dựng cơ sở dữ liệu về tài nguyên và môi trường của thành phố;

b) Nghiên cứu ứng dụng các giải pháp công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực xử lý ô nhiễm; các giải pháp công nghệ sạch, thân thiện với môi trường, nhân rộng mô hình sản xuất sạch hơn;

11. Sở Thuỷ sản Nông lâm

a) Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng đề án phát triển bền vững các khu bảo tồn thiên nhiên bán đảo Sơn Trà, Bà Nà – Núi Chúa;

b) Rà soát, quy hoạch phát triển lâm nghiệp, mạng lưới chế biến gỗ, xây dựng tổng quan lâm nghiệp thành phố Đà Nẵng từ nay đến 2010, trình UBND thành phố vào quý II năm 2007;

c) Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân có hoạt động đánh bắt, nuôi trồng, mua bán và chế biến thủy sản thực hiện nghiêm các quy định về bảo vệ tài nguyên và môi trường;

d) Quy hoạch các vùng chăn nuôi và các điểm giết mổ gia súc, gia cầm tập trung trên địa bàn thành phố;

e) Tiếp tục thực hiện Chương trình nước sạch nông thôn đến năm 2010;

f) Kiểm soát việc sử dụng các loại hoá chất trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt lưu ý việc thu gom và xử lý các bao bì dựng hoá chất, thuốc trừ sâu, phân bón sau khi sử dụng;

g) Xây dựng, phổ biến và kiểm soát các mô hình sản xuất rau sạch, mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao, thực hiện tốt bảo vệ môi trường trong trồng trọt, chăn nuôi.

12. Sở Xây dựng

a) Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc và các cơ quan liên quan nghiêm túc thực hiện các quy định về môi trường đối với các dự án đầu tư xây dựng, quy hoạch và các dự án đầu tư khác trên địa bàn thành phố;

b) Chủ trì phối hợp với các Sở: Tài nguyên và Môi trường, Giao thông Công chính, Du lịch; và các cơ quan liên quan đề xuất quy hoạch phát triển các làng hoa, công viên, khu vui chơi giải trí, các nhà vệ sinh công cộng; rà soát, quy hoạch lại hợp lý các điểm trung chuyển rác trên địa bàn thành phố;

c) Quy hoạch địa điểm khu xử lý chất thải nguy hại để xây dựng các nhà máy xử lý chất thải công nghiệp, chất thải y tế và các cơ sở tái chế chất thải;

13. Sở Y tế

Phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm soát, xử lý chất thải y tế trên địa bàn thành phố.

14. Sở Du lịch

a) Xây dựng và thực hiện kế hoạch kiểm soát ô nhiễm do hoạt động du lịch;

b) Quản lý hoạt động bảo vệ môi trường tại các bãi biển du lịch;

c) Chủ trì, phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, phổ biến, hướng dẫn, theo dõi việc phân loại rác thải tại nguồn ở các cơ sở dịch vụ du lịch;

d) Khai thác và phát triển hợp lý các loại hình du lịch sinh thái, du lịch biển, tạo nguồn vốn cho công tác bảo vệ đa dạng sinh học;

e) Công bố và xử lý theo quy định của pháp luật đối với những hành vi phá hoại môi trường tại khu du lịch, khu vui chơi giải trí.

15. Sở Giáo dục và Đào tạo

a) Duy trì và nhân rộng các mô hình trường học Xanh - Sạch - Đẹp;

b) Chủ trì, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án nâng cao kiến thức bảo vệ môi trường cho giáo viên, học sinh các cấp học; xây dựng các nội dung về môi trường đưa vào chương trình dạy và học ngoại khóa tại các trường học và tổ chức thực hiện sau khi được UBND thành phố phê duyệt.

16. Ban Thi đua khen thưởng thành phố

Chủ trì, phối hợp với Sở Tài chính, Tài nguyên và Môi trường, Uỷ ban mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố nghiên cứu bổ sung tiêu chí bảo vệ môi trường trong công tác thi đua, khen thưởng và tổ chức thực hiện.

17. Ủy ban nhân dân các quận, huyện

a) Tuyên truyền trong cộng đồng dân cư thực hiện nếp sống văn minh đô thị, khuyến khích các hành động bảo vệ môi trường và công bố công khai những hành vi vi phạm Luật Bảo vệ môi trường nhằm tạo dư luận lên án nghiêm khắc đối với những hành vi này;

b) Tăng cường tổ chức các buổi tập huấn theo chuyên đề về bảo vệ môi trường cho các cán bộ xã, phường, tổ dân phố;

c) Chỉ đạo Ủy ban nhân dân các xã, phường, nghiên cứu lồng ghép các nội dung bảo vệ môi trường vào các buổi sinh hoạt tổ dân phố, khối phố; xây dựng chỉ tiêu bảo vệ môi trường vào tiêu chí đánh giá gia đình văn hóa;

d) Tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả các ao, hồ đã được UBND thành phố phân cấp quản lý; giải quyết kịp thời tình trạng ô nhiễm môi trường tại các ao, hồ;

e) Chủ trì, phối hợp với các ngành, cơ quan chức năng xây dựng kế hoạch di dời các cơ sở sản xuất gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn vào các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trình UBND thành phố và tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

f) Tổ chức thực hiện tốt Chỉ thị số 19/2004/CT-UB ngày 20 tháng 10 năm 2004 của UBND thành phố Đà Nẵng về việc xây dựng phong trào Ngày Chủ nhật Xanh-Sạch-Đẹp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng;

g) Phối hợp Sở Tài nguyên và Môi trường thực hiện, phổ biến, hướng dẫn phương pháp phân loại rác thải tại nguồn ở các hộ gia đình, các cơ sở kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn.

18. Sở Văn hoá Thông tin, Báo Đà Nẵng, Đài Phát thanh Truyền hình Đà Nẵng

a) Tuyên truyền, phổ biến Chương trình hành động của thành phố, kịp thời nêu gương những điển hình tiên tiến và phê phán những hành động xấu ảnh hưởng đến môi trường.

b) Phản ảnh kịp thời những thách thức môi trường đối với cộng đồng dân cư trên địa bàn thành phố.

19. Ban Quản lý các Khu công nghiệp và Chế xuất Đà Nẵng

Tổ chức thực hiện tốt Quy chế bảo vệ môi trường trong các khu công nghiệp, khu chế xuất trên địa bàn thành phố. Kiên quyết không cho các cơ sở sản xuất kinh doanh trong các khu công nghiệp, khu chế xuất họat động sản xuất khi chưa đáp ứng các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

20. Sở Tài nguyên và Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố, các tổ chức đoàn thể triển khai các Nghị quyết liên tịch phối hợp hành động về bảo vệ môi trường nhằm thúc đẩy công tác xã hội hoá hoạt động bảo vệ môi trường; phát hiện các mô hình có hiệu quả trong hoạt động bảo vệ môi trường để khen thưởng, phổ biến, nhân rộng. Nghiên cứu lồng ghép nội dung bảo vệ môi trường vào cuộc vận động toàn dân đoàn kết tham gia xây dựng đời sống văn hoá;

b) Xây dựng nội dung và tổ chức tuyên truyền các văn bản, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước về bảo vệ môi trường trên các phương tiện thông tin đại chúng;

c) Đẩy mạnh thực hiện Chương trình Quản lý ô nhiễm công nghiệp thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2006 – 2010;

d) Tham mưu cho UBND thành phố trong công tác thu phí bảo vệ môi trường theo quy định của Nhà nước;

e) Làm cơ quan đầu mối, tham mưu cho UBND thành phố kế hoạch xây dựng, vận hành các nhà máy, các khu xử lý chất thải trên địa bàn thành phố.

f) Chủ trì, phối hợp với UBND các quận, huyện và các đơn vị liên quan giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề, đặc biệt đối với làng Đá mỹ nghệ Non Nước;

g) Đẩy mạnh việc xử lý triệt để những cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng trên địa bàn thành phố theo Quyết định 64/2003/QĐ-TTg ngày 22 tháng 4 năm 2003 của Thủ tướng Chính phủ. Chủ trì đánh giá mức độ ô nhiễm thực tế tại những khu vực bị ô nhiễm nghiêm trọng, các hệ sinh thái bị suy thoái, những khu vực bị nhiễm độc do chất độc hoá học trong chiến tranh và từng bước triển khai phục hồi môi trường;

h) Duy trì thực hiện ban hành Sách Phân hạng Xanh hằng năm, công bố danh sách những doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực hiện tốt hoặc chưa tốt về hoạt động bảo vệ môi trường;

i) Rà soát hệ thống văn bản pháp quy của UBND thành phố về quản lý, bảo vệ môi trường và đề xuất sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình kinh tế - xã hội của thành phố và pháp luật hiện hành.

J) Tham mưu cho UBND thành phố ban hành Quy định về quản lý chất thải nguy hại và sửa đổi, bổ sung Quy định về bảo vệ môi trường, quy định về quản lý chất thải rắn trên địa bàn thành phố, trình UBND thành phố trong quý I năm 2007;

k) Tổ chức tập huấn về quản lý môi trường công nghiệp cho cán bộ quản lý, nhân viên các cơ sở sản xuất kinh doanh; đào tạo nghiệp vụ cho cán bộ quản lý môi trường ở UBND các quận, huyện, phường, xã;

l) Chủ trì, phối hợp với các ngành, đoàn thể, đơn vị liên quan xây dựng Đề án phân loại rác thải tại nguồn, trình UBND thành phố trong quý II năm 2007;

m) Chủ trì xây dựng các Đề án: Quản lý tổng hợp chất thải rắn trên địa bàn thành phố, Xã hội hoá công tác bảo vệ môi trường của thành phố, Quy hoạch đá xây dựng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2007 - 2015, Quy hoạch đất sét làm vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố giai đoạn 2007 - 2015, trình UBND thành phố phê duyệt trong quý I và quý II năm 2007;

n) Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chương trình này và định kỳ hằng năm báo cáo kết quả thực hiện về UBND thành phố.