Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
--------------

Số: 114/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 15 tháng 01 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA ỦY BAN SÔNG MÊ CÔNG VIỆT NAM

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Hiệp định hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công ký ngày 05 tháng 4 năm 1995 giữa Chính phủ 4 nước: Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam;
Căn cứ Nghị định số 25/2008/NĐ-CP ngày 04 tháng 3 năm 2008 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Tài nguyên và Môi trường;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Vị trí và chức năng

1. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam là tổ chức phối hợp liên ngành, giúp Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, quản lý hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế nhằm phát triển, sử dụng, bảo vệ tài nguyên nước và các tài nguyên khác liên quan trên toàn lưu vực sông Mê Công nói chung, vùng đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên thuộc lưu vực sông Mê Công nói riêng.

2. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam được sử dụng con dấu hình quốc huy và có tài khoản riêng.

3. Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có trụ sở tại số 23 Hàng Tre, thành phố Hà Nội và Văn phòng đại diện tại thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Nhiệm vụ và quyền hạn

Ủy ban sông Mê Công Việt Nam thực hiện các nhiệm vụ và quyền hạn sau đây:

1. Trình Thủ tướng Chính phủ chiến lược hoạt động của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; các dự thảo quyết định, chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các hoạt động hợp tác với Ủy hội sông Mê Công quốc tế; các chương trình, dự án về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên khác liên quan trên phạm vi lưu vực sông Mê Công.

2. Làm đầu mối hợp tác với các quốc gia thành viên để cụ thể hóa và tổ chức thực hiện Hiệp định Hợp tác phát triển bền vững lưu vực sông Mê Công.

3. Phối hợp theo dõi, giám sát các hoạt động sử dụng, bảo vệ, phát triển bền vững tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên khác liên quan của lưu vực sông Mê Công; bảo vệ quyền lợi của Việt Nam thông qua quy hoạch tổng thể và các dự án hợp tác Mê Công toàn lưu vực, đặc biệt là các dự án trên dòng chính; tổ chức tuyên truyền về phát triển bền vững, sử dụng, quản lý và bảo vệ tài nguyên nước và tài nguyên thiên nhiên khác liên quan của lưu vực sông Mê Công.

4. Làm đầu mối hợp tác với các quốc gia trong lưu vực, các nước, các tổ chức phi chính phủ, các tổ chức quốc tế và phối hợp với các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương liên quan đề xuất các dự án hợp tác quốc tế trên phạm vi lưu vực sông Mê Công nhằm bảo vệ và phát triển bền vững đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

5. Phối hợp với các cơ quan liên quan của các nước thành viên và Ban Thư ký Ủy hội sông Mê Công quốc tế quy định quy chế quản lý và thực hiện các dự án Mê Công quốc tế; tham gia các cuộc họp của Ủy hội sông Mê Công quốc tế và báo cáo Thủ tướng Chính phủ về kết luận các cuộc họp.

6. Tổ chức nghiên cứu và đề xuất giải pháp giảm thiểu tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia thượng nguồn tới các vùng lãnh thổ của Việt Nam có sông Mê Công chảy qua; tác động của các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong lưu vực sông Mê Công có tác động xuyên biên giới khi được Chính phủ giao.

7. Tham gia hỗ trợ các địa phương thuộc lưu vực sông Mê Công quản lý tổng hợp tài nguyên nước thông qua việc tham gia lập và củng cố các tổ chức quản lý lưu vực sông trong lưu vực sông Mê Công tại các vùng này.

8. Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan phân bổ vốn đối ứng trong các dự án Mê Công Việt Nam và các dự án toàn lưu vực mà Việt Nam tham gia; tham gia thẩm định quy hoạch và các dự án liên quan trong lưu vực sông Mê Công của các ngành và các tỉnh thuộc đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên.

9. Được yêu cầu các ngành, các địa phương thông báo kết quả các cuộc họp của Tiểu vùng Mê Công mở rộng có liên quan đến công tác của Ủy ban; tham gia thực hiện các công việc của Tiểu vùng khi được Thủ tướng Chính phủ giao.

10. Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao.

Điều 3. Thành phần Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

Thành phần Ủy ban sông Mê Công Việt Nam gồm có:

1. Chủ tịch: Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Các Phó Chủ tịch:

a) Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Phó Chủ tịch Thường trực;

b) Thứ trưởng Bộ Ngoại giao;

c) Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư;

d) Thứ trưởng Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Các Ủy viên: đại diện có thẩm quyền của các Bộ: Công thương, Giao thông vận tải, Khoa học và Công nghệ; của Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc lưu vực sông Mê Công và Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Các Ủy viên do Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam quyết định trên cơ sở đề cử của các Bộ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh nêu trên.

Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam ban hành Quy chế làm việc của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam.

Điều 4. Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam

1. Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam là tổ chức giúp việc Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, đặt tại Bộ Tài nguyên và Môi trường.

2. Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu và tài khoản theo quy định của pháp luật; có biên chế riêng và kinh phí thuộc ngân sách nhà nước cấp; làm việc theo quy chế như cấp cục thuộc Bộ; thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công của Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường (Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam) trong lĩnh vực tài nguyên nước và các lĩnh vực liên quan.

3. Lãnh đạo Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam có Chánh Văn phòng Thường trực Ủy ban và không quá 03 Phó Chánh Văn phòng.

4. Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Văn phòng Thường trực Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; quyết định bổ nhiệm, miễn nhiệm Chánh Văn phòng, Phó Chánh Văn phòng.

Điều 5. Hiệu lực và trách nhiệm thi hành

1. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 860/TTg  ngày 30 tháng 12 năm 1995 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ủy ban sông Mê Công Việt Nam; bãi bỏ các quy định trước đây trái với Quyết định này.

2. Bộ trưởng, Chủ tịch Ủy ban sông Mê Công Việt Nam, các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐTW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc TW;
- Văn phòng TW và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các UB của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ủy ban TW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- Ủy ban Sông Mê Công Việt Nam;
- VPCP: BTCN, các PCN, cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (4)

THỦ TƯỚNG




Nguyễn Tấn Dũng