Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG QUỐC GIA VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 1152/2005/QĐ-HĐQG

Hà Nội, ngày 07 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

HỘI ĐỒNG QUỐC GIA VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG

Căn cứ Nghị định số 29/2003/NĐ-CP ngày 31 tháng 3 năm 2003 của Chính phủ Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội;
Căn cứ Nghị định số 06/CP ngày 20 tháng 01 năm 1995 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Bộ luật Lao động về an toàn lao động, vệ sinh lao động;
Căn cứ Quyết định số 40/2005/QĐ-TTg ngày 28 tháng 2 năm 2005 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Hội đồng Quốc gia về bảo hộ lao động;
Sau khi lấy ý kiến của các thành viên Hội đồng Quốc gia về bảo hộ lao động,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc và mối quan hệ công tác của Hội đồng Quốc gia về bảo hộ lao động.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Các Ông, Bà là thành viên của Hội đồng Quốc gia về bảo hộ lao động, Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch-Tài chính, Cục trưởng Cục An toàn lao động Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nguyễn Thị Hằng

(Đã ký)

 

QUY CHẾ

LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG QUỐC GIA VỀ BẢO HỘ LAO ĐỘNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1152/2005/QĐ-HĐQG ngày 07/7/2005 của Hội đồng Quốc gia về Bảo hộ lao động)

Chương 1:

TRÁCH NHIỆM CỦA HỘI ĐỒNG, NHIỆM VỤ CỦA CÁC THÀNH VIÊN HỘI ĐỒNG

Điều 1. Hội đồng Quốc gia về bảo hộ lao động (sau đây gọi tắt là Hội đồng) có nhiệm vụ tư vấn, giúp Thủ tướng Chính phủ trong các vấn đề sau:

1. Xác định phương hướng, cơ chế, chính sách liên quan đến lĩnh vực bảo hộ lao động;

2. Những biện pháp chỉ đạo, điều hành thực hiện các chủ trương, chính sách và Chương trình Quốc gia về bảo hộ lao động;

3. Làm đầu mối phối hợp hoạt động giữa các Bộ, ngành, tổ chức đoàn thể về công tác bảo hộ lao động, để bảo đảm an toàn lao động, vệ sinh lao động và cải thiện điều kiện lao động.

Điều 2. Căn cứ nhiệm vụ quy định tại Điều 1 Quy chế này, Hội đồng triển khai các công việc sau:

1. Chủ động nghiên cứu, đề xuất, có ý kiến tư vấn cho Thủ tướng Chính phủ về những chủ trương, chính sách, đề án lớn và những vấn đề quan trọng trong công tác bảo hộ lao động;

2. Tổ chức thảo luận, lấy ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học về Chương trình Quốc gia về bảo hộ lao động, các đề án lớn, quan trọng trong công tác bảo hộ lao động;

3. Tham gia ý kiến vào các báo cáo, đề án lớn, quan trọng về bảo hộ lao động theo đề nghị của các Bộ, ngành, địa phương hoặc theo yêu cầu của Chính phủ.

Điều 3. Chủ tịch Hội đồng có trách nhiệm:

1. Lãnh đạo Hội đồng hoạt động theo các nhiệm vụ quy định tại Điều 1 và Điều 2 của Quy chế này;

2. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp định kỳ và đột xuất của Hội đồng; mời đại diện của các cơ quan liên quan tham gia họp, nếu xét thấy cần thiết; quyết định nội dung các vấn đề đưa ra thảo luận tại mỗi kỳ họp;

3. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ bằng văn bản về nội dung, chương trình và các kiến nghị của Hội đồng;

4. Phê duyệt kế hoạch hoạt động, tài chính và sử dụng kinh phí phục vụ cho hoạt động của Hội đồng;

5. Trực tiếp giải quyết hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ giải quyết các công việc phát sinh trong quá trình thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng;

6. Đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện nhiệm vụ của các uỷ viên Hội đồng;

7. Chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về hoạt động của Hội đồng.

Điều 4. Phó Chủ tịch Hội đồng giúp Chủ tịch Hội đồng giải quyết công việc của Hội đồng và những vấn đề được Chủ tịch Hội đồng phân công hoặc uỷ quyền.

Điều 5. Các Uỷ viên Hội đồng có nhiệm vụ:

1. Tham mưu cho Hội đồng về việc xây dựng các chính sách về bảo hộ lao động do Bộ, Ngành quản lý;

2. Tham gia đầy đủ các kỳ họp của Hội đồng và hoàn thành các nhiệm vụ được Hội đồng giao;

3. Báo cáo Hội đồng việc triển khai công tác bảo hộ lao động thuộc Bộ, Ngành của mình quản lý và những vấn đề cần đưa ra thảo luận lấy ý kiến của Hội đồng;

4. Đóng góp ý kiến về những vấn đề đưa ra thảo luận trong các kỳ họp của Hội đồng hoặc các văn bản do Hội đồng gửi đến;

5. Đề xuất những biện pháp trong tổ chức chỉ đạo, điều hành thực hiện chủ trương, chính sách và Chương trình Quốc gia về bảo hộ lao động;

6. Kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan thuộc Bộ, Ngành quản lý thực hiện các biện pháp liên ngành đã được thống nhất trong Hội đồng.

Điều 6. Trưởng Ban Thư ký có nhiệm vụ giúp Chủ tịch Hội đồng:

1. Cung cấp thông tin, chuẩn bị tài liệu, chương trình và nội dung các cuộc họp, hội nghị sơ kết và tổng kết, hội thảo phục vụ các hoạt động của Hội đồng; ghi chép biên bản và báo cáo tổng hợp các hoạt động trên;

2. Dự thảo chương trình, kế hoạch làm việc của Hội đồng; chuẩn bị các báo cáo, kiến nghị của Hội đồng trình Thủ tướng Chính phủ; theo dõi tiến độ thực hiện kế hoạch, nhiệm vụ;

3. Quản lý tài sản và kinh phí hoạt động của Hội đồng theo quy định của pháp luật. 

Chương 2:

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ MỐI QUAN HỆ CÔNG TÁC CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 7. Chế độ làm việc của Hội đồng là thảo luận, góp ý kiến và biểu quyết tại các kỳ họp của Hội đồng.

Điều 8. Nguyên tắc làm việc của Hội đồng là dân chủ, thảo luận công khai. Các thành viên của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, được quyền tham khảo và cung cấp các thông tin cần thiết, được quyền thảo luận, góp ý kiến, biểu quyết trong các phiên họp của Hội đồng.

Các đại biểu của các cơ quan liên quan do Chủ tịch Hội đồng mời họp có quyền tham gia ý kiến trong phiên họp.

Ý kiến được đa số thành viên tán thành hoặc ý kiến tuy chỉ có một nửa số thành viên đồng ý mà được Chủ tịch Hội đồng tán thành là khuyến nghị chung của Hội đồng. Các khuyến nghị kỳ họp của Hội đồng được báo cáo đầy đủ lên Thủ tướng Chính phủ.

Điều 9. Hội đồng họp định kỳ 6 tháng một lần, trường hợp họp đột xuất do Ban thường trực Hội đồng đề nghị Chủ tịch Hội đồng triệu tập họp. Nội dung cuộc họp được thông báo trước và kết luận cuộc họp được thông báo kịp thời bằng văn bản và ghi biên bản lưu trữ tại Ban Thư ký.

Giữa hai phiên họp thường kỳ của Hội đồng, Ban thường trực Hội đồng tổ chức họp ít nhất 01 lần để xem xét các hoạt động và chuẩn bị nội dung cho phiên họp tiếp theo của Hội đồng.

Điều 10. Chủ trì cuộc họp của Hội đồng là Chủ tịch Hội đồng hoặc Phó Chủ tịch Hội đồng, tham gia cuộc họp có các thành viên của Hội đồng và Trưởng Ban Thư ký. Trưởng Ban Thư ký Hội đồng là thư ký các kỳ họp của Hội đồng.

Thành viên của Hội đồng nếu vắng mặt phải thông báo và có văn bản cử người đi họp thay. Người đi họp thay có quyền biểu quyết các nội dung trong phiên họp của Hội đồng.

Điều 11. Thành lập các đoàn kiểm tra của Hội đồng do Chủ tịch Hội đồng quyết định, khi xét thấy cần thiết. Đoàn kiểm tra có trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ ghi trong quyết định của Chủ tịch Hội đồng.

Chương 3:

CÁC ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO HOẠT ĐỘNG CỦA HỘI ĐỒNG

Điều 12. Kinh phí hoạt động của Hội đồng (không bao gồm tiền lương) do ngân sách Nhà nước bảo đảm và được tổng hợp trong Dự toán ngân sách hàng năm của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội.

Điều 13. Địa điểm làm việc của Hội đồng do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội bố trí.

Điều 14. Hội đồng được sử dụng con dấu của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội trong các hoạt động thực hiện nhiệm vụ của Hội đồng.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN 

Điều 15. Các thành viên của Hội đồng căn cứ vào Qui chế này để tổ chức thực hiện, đảm bảo hoàn thành tốt nhiệm vụ được phân công./.