Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KON TUM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1169/QĐ-UBND

Kon Tum, ngày 03 tháng 11 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “THỰC HIỆN CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐẤT Ở, ĐẤT SẢN XUẤT, NƯỚC SINH HOẠT CHO HỘ ĐỒNG BÀO DÂN TỘC THIỂU SỐ NGHÈO VÀ HỘ NGHÈO Ở XÃ, THÔN, LÀNG ĐẶC BIỆT KHÓ KHĂN TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KON TUM GIAI ĐOẠN 2014 - 2015”

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KON TUM

Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18/11/2013 của liên Bộ: Ủy ban Dân tộc - Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường Hướng dẫn thực hiện một số điều của Quyết định 755/2013/QĐ-TTg ngày 20/5/2013 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn;

Căn cứ Công văn số 350/UBDT-CSDT ngày 14/4/2014 của Ủy ban Dân tộc về việc thẩm tra dự thảo Đề án thực hiện Quyết định số 755/QĐ-TTg tỉnh Kon Tum;

Căn cứ Quyết định số 34/2014/QĐ-UBND ngày 30/6/2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum về việc quy định mức bình quân diện tích đất sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo trên địa bàn tỉnh và hộ nghèo ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn sống bằng nghề lâm nghiệp, nông nghiệp theo Quyết định số 755/QĐ-TTg ngày 20/5/2014 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Trưởng Ban Dân tộc tại Tờ trình số 797/TTr-BDT ngày 27/10/2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, làng, đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014 – 2015”, gồm các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Tên Đề án: Thực hiện chính sách hỗ trợ đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2014 - 2015.

2. Cơ quan chủ quản: Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum.

3. Cơ quan chủ trì, quản lý Đề án: Ban Dân tộc tỉnh Kon Tum.

4. Cơ quan phối hợp: Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động Thương binh và Xã hội, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh; Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, UBND huyện, thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan.

5. Đối tượng, phạm vi áp dụng:

5.1. Đối tượng áp dụng: Hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hộ nghèo ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc thực hiện chính sách trên địa bàn tỉnh theo quy định tại Điều 2 của Thông tư liên tịch số 04/2013/TTLT-UBDT-BTC-BTNMT ngày 18/11/2013 của liên Bộ: Ủy ban Dân tộc - Bộ Tài chính - Bộ Tài nguyên và Môi trường.

5.2. Phạm vi thực hiện của Đề án: Chính sách này áp dụng cho tất cả hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

6. Mục tiêu của Đề án:

6.1. Mục tiêu chung: Trong năm 2014 và 2015, tập trung giải quyết đất sản xuất, đất ở, nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn trên địa bàn tỉnh.

6.2. Mục tiêu cụ thể: Phấn đấu đến hết năm 2015 giải quyết được 70% số hộ thiếu đất ở, đất sản xuất; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu nước sinh hoạt cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo và hộ nghèo ở các xã, thôn, làng đặc biệt khó khăn, cụ thể là:

- Hỗ trợ giải quyết thiếu đất sản xuất cho 2.538 hộ với diện tích 1.029 ha. Trong đó: Đất ruộng lúa nước: 977 hộ, diện tích 221 ha, đất nương rẫy: 1.505 hộ, diện tích 761 ha, đất nuôi trồng thủy sản: 6 hộ, diện tích 1,5 ha, đất rừng sản xuất: 50 hộ, diện tích 45,5 ha;

- Hỗ trợ đất ở cho 1.619 hộ với diện tích 43,9 ha;

- Hỗ trợ giải quyết cơ bản nhu cầu nước sinh hoạt: Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 5.681 hộ, đầu tư xây dựng 9 công trình phục vụ cho khoảng 558 hộ hưởng lợi từ chính sách này.

7. Quy mô và nhiệm vụ của Đề án:

7.1. Hỗ trợ đất sản xuất:

- Hỗ trợ đất sản xuất cho 3.627 hộ, diện tích 1.470,7 ha. Trong đó:

+ Đất ruộng lúa nước: 1.395 hộ, diện tích 316,5 ha.

+ Đất nương rẫy: 2.151 hộ, diện tích 1.087,4 ha.

+ Đất nuôi trồng thủy sản: 9 hộ, diện tích 2,3 ha.

+ Đất rừng sản xuất: 72 hộ, diện tích 64,5 ha.

- Những địa phương không còn khả năng tạo quỹ đất để cấp cho hộ thiếu đất sản xuất được chuyển sang các nội dung hỗ trợ:

+ Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề: 2.463 hộ và 1.542 lao động.

+ Hỗ trợ đi xuất khẩu lao động: 23 người.

+ Giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng: 213 hộ, diện tích 2.034,7 ha.

7.2. Hỗ trợ đất ở: Hỗ trợ đất ở cho 2.313 hộ, diện tích 62,8 ha (chính quyền địa phương các cấp tạo quỹ đất giao cho các hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo chưa có đất ở gắn với hỗ trợ về nhà ở).

7.3. Hỗ trợ nước sinh hoạt: Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán cho 8.116 hộ và xây dựng 13 công trình nước sinh hoạt tập trung phục vụ cho khoảng 797 hộ.

7.4. Duy tu bảo dưỡng: Duy tu bảo dưỡng 137 công trình nước sinh hoạt tập trung, phục vụ cho khoảng 8.958 hộ.

8. Nguồn vốn thực hiện Đề án: Tổng nhu cầu vốn thực hiện Đề án: 259.478 triệu đồng, trong đó:

8.1. Ngân sách Trung ương: 223.421 triệu đồng, gồm:

8.1.1. Vốn hỗ trợ trực tiếp các nội dung 77.271 triệu đồng, trong đó:

- Hỗ trợ đất sản xuất: 54.405 triệu đồng.

- Hỗ trợ nước sinh hoạt phân tán: 10.551 triệu đồng.

- Hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề: 12.315 triệu đồng.

8.1.2. Nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia nước sạch vệ sinh môi trường nông thôn thực hiện đầu tư nước sinh hoạt tập trung 16.900 triệu đồng.

8.1.3. Nguồn vốn Chương trình Mục tiêu Quốc gia việc làm và dạy nghề 6.168 triệu đồng (thực hiện việc hỗ trợ hộ có lao động học nghề để chuyển đổi nghề)(1).

8.1.4. Hỗ trợ xuất khẩu lao động: 138 triệu đồng(2)

8.1.5. Nguồn vốn thực hiện giao khoán bảo vệ rừng và trồng rừng theo Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 62 huyện nghèo và Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020: 15.823 triệu đồng(3)

8.1.6. Hỗ trợ ngân sách địa phương đối ứng (15%): 15.051 triệu đồng.

8.1.7. Vốn vay tín dụng: 92.070 triệu đồng. Trong đó:

- Đất sản xuất: 54.405 triệu đồng.

- Chuyển đổi ngành nghề: 36.945 triệu đồng.

- Xuất khẩu lao động: 720 triệu đồng.

8.2. Ngân sách địa phương: 36.057 triệu đồng, gồm có các nội dung:

8.2.1. Ngân sách tỉnh: Bố trí thực hiện Đề án theo tiến độ nguồn vốn Trung ương bổ sung và theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm, cụ thể:

- Kinh phí sự nghiệp, hỗ trợ đất ở: 2.313 triệu đồng

- Kinh phí quản lý Đề án: Cơ quan thường trực cấp tỉnh (0,1 %): 115 triệu đồng.

8.2.2. Ngân sách huyện, thành phố: Bố trí thực hiện theo tiến độ nguồn vốn Trung ương bổ sung và theo khả năng cân đối ngân sách hàng năm của địa phương. Cụ thể:

- Kinh phí đối ứng (5% so với ngân sách Trung ương hỗ trợ): 5.017 triệu đồng.

- Kinh phí quản lý cho cơ quan thường trực cấp huyện, thành phố (0,2%): 231 triệu đồng.

- Lồng ghép từ các Chương trình dự án: 28.381 triệu đồng (thực hiện nâng cấp sửa chữa các công trình nước sinh hoạt tập trung).

Điều 2. Tổ chức triển khai thực hiện Đề án:

1. Sử dụng Ban Chỉ đạo Đề án nâng cao chất lượng và đẩy nhanh công tác giảm nghèo các cấp để chỉ đạo triển khai thực hiện Đề án.

2. Giao Ban Dân tộc tỉnh: Là cơ quan thường trực, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan có nhiệm vụ:

- Tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn triển khai thực hiện trên địa bàn toàn tỉnh.

- Tổng hợp, xây dựng kế hoạch chung thực hiện các chính sách; chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính phân bổ nguồn ngân sách Trung ương cho các huyện để thực hiện hỗ trợ các nội dung.

- Tổ chức phổ biến nội dung, chính sách hỗ trợ của Đề án cho các cơ quan, tổ chức, cá nhân biết, thực hiện (trong phạm vi địa phương);

- Định kỳ 6 tháng, 01 năm và đột xuất theo yêu cầu: Báo cáo kết quả thực hiện Đề án về Ủy ban Dân tộc, các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân tỉnh đúng quy định. Thực hiện lưu giữ, bảo quản hồ sơ, tài liệu của Đề án theo quy định.

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị được quy định tại Khoản 4, Điều 1 của Quyết định này tổ chức triển khai thực hiện Đề án đúng theo quy định.

3. Các cơ quan, đơn vị được quy định tại Khoản 4, Điều 1 của Quyết định này theo chức năng, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị chủ trì và có trách nhiệm phối hợp với Ban Dân tộc tỉnh tổ chức thực hiện Đề án có hiệu quả.

4. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh trong việc chỉ đạo, tổ chức triển khai thực hiện chính sách trên địa bàn huyện, thành phố; chỉ đạo các ngành chức năng huyện thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc thực hiện trên địa bàn đảm bảo việc thực hiện đúng mục đích, đúng đối tượng, không để xảy ra tiêu cực; kịp thời phát hiện và giải quyết các vấn đề vướng mắc ở cơ sở hoặc báo cáo tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện; định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện với UBND tỉnh thông qua cơ quan thường trực và các Sở, ngành liên quan.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Trưởng Ban Dân tộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ủy ban Dân tộc (b/c);
- Bộ Kế hoạch và Đầu tư (b/c);
- Bộ Tài chính (b/c);
- Văn phòng Chính phủ (b/c);
- Ban Chỉ đạo Tây Nguyên (b/c);
- Thường trực Tỉnh ủy (b/c);
- Thường trực HĐND tỉnh (b/c);
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Như Điều 3;
- Lưu: VT, VX4, KTN5, KTTH3.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Hải

 



(1) Theo thông tư số 102/2013/TTLT-BTC-BLĐTBXH ngày 30/7/2013 hướng dẫn quy định quản lý và sử dụng nguồn vốn sự nghiệp thực hiện một số dự án của Chương trình mục tiêu quốc gia Việt Nam và Dạy nghề giai đoạn 2012-2015.

(2) Thực hiện theo Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg ngày 29/4/2009 của Thủ tướng Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 31/2009/TTLT-BLĐTBXH-BTC ngày 09/9/2009 Hướng dẫn thực hiện một số nội dung Quyết định số 71/2009/QĐ-TTg .

(3) Thực hiện theo Nghị Quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008, Quyết định số 57/QĐ-TTg ngày 09/01/2013 của Chính phủ và Thông tư Liên tịch số 10/2013/TTLT-BNNPTNT-BKHĐT ngày 01/02/2013 Hướng dẫn quản lý, sử dụng vốn đầu tư từ kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng giai đoạn 2011-2020 theo Quyết định số 57/QĐ-TTg .