Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1177/QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 15 tháng 4 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH TẠM THỜI VÙNG NUÔI TÔM THẺ LÓT BẠT VEN BIỂN TẠI HAI HUYỆN THĂNG BÌNH VÀ NÚI THÀNH, TỈNH QUẢNG NAM GIAI ĐOẠN 2014-2018

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 08/2005/NĐ-CP ngày 24/01/2005 của Chính phủ về quy hoạch xây dựng và Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12/2/2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Xét Tờ trình số 96/TTr-SNN&PTNT ngày 01/4/2014 của Sở Nông nghiệp và PTNT về việc đề nghị phê duyệt Quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm thẻ lót bạt ven biển tại hai huyện Thăng Bình và Núi Thành, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2018,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm thẻ lót bạt ven biển tại hai huyện Thăng Bình và Núi Thành, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2018 với các nội dung chính sau:

1. Tên dự án: Quy hoạch tạm thời vùng nuôi tôm thẻ lót bạt ven biển tại hai huyện Thăng Bình và Núi Thành, tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2014-2018.

2. Chủ đầu tư: Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Nam.

3. Mục tiêu quy hoạch:

- Rà soát và đánh giá lại nhu cầu, hiện trạng nuôi tôm; loại bỏ những vùng hiện đang nuôi gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến cuộc sống dân cư trong vùng, những ao nuôi trái phép phá rừng phi lao sát biển, tự chuyển đổi đất vườn, đất ở để san ủi đào ao lót bạt nuôi tôm, trên cơ sở đó để quản lý chặt chẽ việc nuôi tôm trên cát theo đúng quy định, đúng mục đích sử dụng đất, bảo đảm môi trường không bị ô nhiễm, đạt hiệu quả kinh tế và xã hội cao nhất.

- Quy hoạch xác định vùng nuôi tôm tạm thời và cách phân bố hợp lý hệ thống ao hồ nuôi tôm, hệ thống xử lý nước thải cho phù hợp. Đồng thời, xây dựng và thiết kế mẫu các thông số kỹ thuật ao nuôi, xây dựng ao xử lý nước thải trên diện tích quy hoạch. Quản lý tốt môi trường ao nuôi nhằm phát triển bền vững.

4. Địa điểm quy hoạch: Xã Bình Hải, Bình Nam (huyện Thăng Bình), Tam Hải, Tam Hòa, Tam Tiến (huyện Núi Thành), tỉnh Quảng Nam.     

5. Nội dung và quy mô quy hoạch:

a) Nội dung quy hoạch:

- Lập bản đồ vị trí giới hạn khu đất quy hoạch.

- Báo cáo thuyết minh tổng hợp.

b) Diện tích quy hoạch: Tổng diện tích quy hoạch 285,1 ha; trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 205,9 ha; diện tích mở mới 79,2 ha. Cụ thể:

- Tại huyện Núi Thành: Diện tích quy hoạch 148,5 ha; trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 117,5 ha; diện tích mở mới 31ha

+ Xã Tam Hải: Diện tích quy hoạch 37,5 ha; trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 21,5 ha; diện tích mở mới 16 ha.

· Thôn Thuận An, Thôn Bình Trung (Bãi Bấc): 27 ha

o Diện tích đang nuôi chỉnh trang lại: 11 ha

o Diện tích mở mới: 16 ha

· Thôn Tân Lập, Đông Tuần (Bãi Nồm): 8 ha

o Diện tích đang nuôi chỉnh trang lại: 8 ha

o Diện tích mở mới: 0 ha

· Thôn Xuân Mỹ: 2,5 ha

o Diện tích đang nuôi chỉnh trang lại: 2,5 ha (phía Tây đường Thanh niên)

o Diện tích mở mới: 0 ha

+ Xã Tam Hòa: Diện tích quy hoạch 96 ha; trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 96 ha; diện tích mở mới 0 ha.

· Thôn Hòa An: 42 ha

o Diện tích đang nuôi chỉnh trang lại: 42 ha

o Diện tích mở mới: 0 ha

· Thôn Hòa Bình: 54 ha

o Diện tích đang nuôi chỉnh trang lại: 54 ha

o Diện tích mở mới: 0 ha

+ Xã Tam Tiến: Diện tích quy hoạch 15 ha; trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 0 ha; diện tích mở mới 15 ha.

· Thôn Long Thạnh: Diện tích mở mới 15 ha

- Tại huyện Thăng Bình: Diện tích quy hoạch 136,6 ha; trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 88,4 ha; diện tích mở mới 48,2 ha

+ Xã Bình Nam: Diện tích quy hoạch 19,8 ha; trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 10,8 ha; diện tích mở mới 9 ha.

· Thôn Vịnh Giang: 5,2 ha

o Diện tích chỉnh trang lại: 5,2 ha

o Diện tích quy hoạch mới: 0 ha.

· Thôn Phương Tân: 14,6 ha

o Diện tích chỉnh trang lại: 5,6 ha

o Diện tích quy hoạch mới: 9 ha

+ Xã Bình Hải: Diện tích quy hoạch 116,8 ha; trong đó diện tích đang nuôi, chỉnh trang lại 77,6 ha; diện tích mở mới 39,2 ha.

· Thôn Kỳ Trân: 28,4 ha

o Diện tích chỉnh trang lại: 12,1 ha

o Diện tích quy hoạch mới: 16,3 ha.

· Thôn An Thuyên: 6 ha

o Diện tích chỉnh trang lại: 6 ha

o Diện tích quy hoạch mới: 0 ha

· Thôn Đồng Trì: 13,7 ha

o Diện tích chỉnh trang lại: 8,9 ha

o Diện tích quy hoạch mới: 4,8 ha

· Thôn Hiệp Hưng: 15,4 ha

o Diện tích chỉnh trang lại: 15,4 ha

o Diện tích quy hoạch mới: 0 ha

· Thôn Phước An: 53,3 ha

o Diện tích chỉnh trang lại: 35,2 ha

o Diện tích quy hoạch mới: 18,1 ha

6. Phương án quy hoạch

a) Về ao nuôi: Ao nuôi được thiết kế tùy theo địa hình tự nhiên, tốt nhất là dạng hình vuông. Diện tích của ao nuôi từ 1.500-2.000m2. Bờ ao rộng từ 1,5-2,0m, mái dốc m = 1÷1,5, độ sâu mực nước trong ao nuôi từ 1,5÷2,0m. Bờ và đáy ao được lót bằng bạt chống thấm HDPE. Dọc theo bờ có bố trí hố ga thu nước thải từ ao nuôi, các ống cấp nước dọc bờ ao.

b) Về ao xử lý nước thải: Mỗi hộ nuôi xây dựng một hệ thống xử lý nước thải riêng biệt hoặc một nhóm hộ trong vùng xây dựng hệ thống xử lý nước thải chung nhưng phải có người chịu trách nhiệm chính bằng văn bản có chứng nhận của chính quyền địa phương.

Hệ thống xử lý nước thải chiếm 20% diện tích sở hữu của mỗi hộ nuôi.

Mỗi ao nuôi có hệ thống thoát nước bằng ống PVC D114-200 được nối vào các hố ga xây dựng dọc theo bờ ao (hố ga xây bằng gạch, cao 1,5 m, kích thước 1mx1m hoặc lớn hơn tùy diện tích ao nuôi). Từ hố ga, nước thải được thu về ao xử lý bằng các tuyến ống. Sau khi được lắng và xử lý đạt tiêu chuẩn nước thải sẽ được đưa vào ao sinh thái chung hoặc đưa ra ngoài (biển, sông) bằng tuyến đường ống bê tông cốt thép hoặc ống PVC. Tuyến cống tiêu nước thải được bố trí âm dưới nền đất.

c) Về cấp nước ngọt, nước mặn

- Nước mặn được lấy trực tiếp từ biển hoặc mép ngoài đê bao (cồn cát) ven biển. Mỗi cụm ao nuôi hoặc từng ao bố trí một trạm bơm hoặc máy bơm để bơm nước vào ao nuôi do một hộ hoặc nhóm hộ thực hiện. Có thể từng dãy ao nuôi, từng cụm sản xuất xây dựng hệ thống cấp nước với hệ thống mương dẫn hoặc ống PVC tiết diện D từ 114-200mm để phục vụ cho từng tiểu vùng. Điều này do sự thỏa thuận của các hộ nuôi trong vùng.

- Tuyệt đối không được đóng giếng nước ngọt tại chỗ hoặc vùng lân cận để đưa nước ngọt vào vùng nuôi, kể cả cho mục đích sử dụng sinh hoạt.

d) Về giao thông: ngoài hệ thống đường chính như đường Thanh niên ven biển, đường liên thôn, liên xã, được sử dụng hệ thống bờ ao giữa các tiểu vùng để phục vụ cho việc đi lại trong vùng. Để thuận tiện cho việc chở nguyên vật liệu cũng như thu hoạch sản phẩm, từng nhóm các chủ hộ trong vùng xây dựng đường đi vào khu vực nuôi với kết cấu đường tùy theo điều kiện từng vùng, có thể là nền cát san phẳng hoặc có lớp mặt bằng cấp phối sỏi hoặc đá dăm dày 15cm.

e) Về điện: Dọc theo tuyến đường Thanh niên ven biển một số vùng đã có đường điện trung và hạ thế, các chủ hộ hợp đồng với ngành điện lực để được cung cấp điện phục vụ cho quá trình nuôi.

f) Về quản lý rừng phòng hộ bảo vệ đê biển: Đối với những vùng đã nuôi thực hiện chỉnh trang và quy hoạch lại thì từ mép chân đê chắn sóng, chắn cát (phía đất liền) vào trong 30m hoặc cách mép nước thủy triều cao nhất 50 m không được bố trí ao nuôi tôm; tại khu vực này trồng cây phi lao để giữ công trình ao nuôi. Từ tuyến đê chắn sóng, chắn cát ra mép ngoài bờ biển thì bố trí trồng các loại cây như dứa, rau muống biển,.. để bảo vệ đê biển, chống hiện tượng cát bay.

Đối với vùng quy hoạch mới, từ mép đê biển vào trong 200 m hoặc cách mực nước thủy triều lên cao nhất 250m là cây phi lao phòng hộ và được bảo vệ nghiêm ngặt.

7. Các giải pháp thực hiện:

a) Về quản lý quy hoạch: Ủy ban nhân dân các huyện Thăng Bình, Núi Thành, các xã trong phạm vi quy hoạch có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện theo đúng quy hoạch được duyệt dưới sự hướng dẫn và kiểm tra của các cơ quan chuyên môn ngành nông nghiệp và cơ quan giám sát môi trường của tỉnh.

b) Giải pháp về kỹ thuật nuôi, xử lý môi trường ao nuôi: Các chủ hộ nuôi thực hiện đúng hướng dẫn về kỹ thuật nuôi, chọn tôm giống, xử lý môi trường qua các tài liệu, các lớp tập huấn kỹ thuật, các mô hình trình diễn từ các cơ quan chuyên môn.

c) Giải pháp về bảo vệ môi trường: Các hộ nuôi tôm trong vùng quy hoạch phải thiết kế ao nuôi, ao xử lý nước thải theo phương án được duyệt. Nước thải phải được xử lý đạt chuẩn trước khi thải ra môi trường. Chủ hộ phải xây dựng ao xử lý nước thải, hố ga trước khi xây dựng và chỉnh trang lại ao nuôi tôm. Hộ nuôi nào không chấp hành các quy định về bảo vệ môi trường sẽ không được phép nuôi.

d) Giải pháp quản lý đối với các ao nuôi lót bạt không nằm trong quy hoạch:

- Những vùng nuôi, ao nuôi trước đây nằm ngoài phạm vi quy hoạch này thì phải chấm dứt hoạt động và hoàn trả lại mặt bằng như hiện trạng ban đầu.

- Ủy ban nhân dân huyện, xã phải có trách nhiệm quản lý theo đúng quy hoạch đã được phê duyệt.

8. Thời gian thực hiện: Từ năm 2014 đến năm 2018.

Trong thời gian quy hoạch, nếu Nhà nước thu hồi đất để sử dụng cho mục đích khác thì các hộ nuôi tôm sẽ được bồi thường theo quy định.

Từ sau năm 2018 (thời gian hết hiệu lực của quy hoạch), nếu Nhà nước thu hồi đất sử dụng cho các mục đích khác thì các hộ nuôi tôm phải hoàn trả lại hiện trạng ban đầu mà không được nhận bồi thường công trình và vật kiến trúc trên đất, đồng thời thu dọn vệ sinh, xử lý môi trường ao nuôi và tự san ủi trả lại mặt bằng (các hộ nuôi tôm phải cam kết với chính quyền địa phương và cơ quan chức năng).

Điều 2. Phân công trách nhiệm

- Sở Nông nghiệp và PTNT:

+ Bàn giao các hồ sơ liên quan cho UBND các huyện Thăng Bình, Núi Thành và giám sát quá trình thực hiện quy hoạch.

+ Chịu trách nhiệm hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi, quản lý con giống, môi trường, phòng ngừa dịch bệnh đối với nuôi tôm thẻ chân trắng và chịu trách nhiệm hướng dẫn, thẩm định các phương án về kỹ thuật nuôi, phương án xử lý môi trường do UBND xã, huyện trình trước khi tổ chức triển khai.

- Ủy ban nhân dân huyện Thăng Bình, Núi Thành chịu trách nhiệm công bố, triển khai thực hiện quy hoạch và ban hành quy chế sử dụng đất nuôi tôm thẻ chân trắng tại các xã trong vùng quy hoạch, kiểm tra, giám sát phương án kỹ thuật nuôi, xử lý môi trường đối với các chủ hộ nuôi.

- Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm hướng dẫn và giám sát công tác bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai thực hiện quy hoạch.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và PTNT, Tài nguyên và Môi trường, Xây dựng; Trưởng Ban quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai; Chủ tịch UBND các huyện: Thăng Bình, Núi Thành và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, cá nhân có liên quan căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký và thay thế Quyết định số 1514/QĐ-UBND ngày 11/5/2009 của UBND tỉnh./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang