Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 1179/QĐ-TTg

Hà Nội, ngày 10 tháng 08 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH BỐ TRÍ ỔN ĐỊNH DÂN CƯ CÁC XÃ BIÊN GIỚI VIỆT NAM – LÀO THUỘC CÁC TỈNH: HÀ TĨNH, QUẢNG BÌNH, QUẢNG TRỊ, THỪA THIÊN HUẾ, QUẢNG NAM VÀ KON TUM ĐẾN NĂM 2015

THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ

Căn cứ Luật Tổ chức Chính phủ ngày 25 tháng 12 năm 2001;
Căn cứ Quyết định số 160/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2007 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế - xã hội các xã tuyến biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia đến năm 2010”;
Xét đề nghị của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại tờ trình số 2233/TTr-BNN-KTHT ngày 29 tháng 7 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam – Lào thuộc các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum đến năm 2015 với những nội dung chủ yếu như sau:

1. Phạm vi quy hoạch

Phạm vi quy hoạch gồm 64 xã biên giới Việt Nam – Lào của 15 huyện thuộc các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum, trong đó:

- Tỉnh Hà Tĩnh 8 xã thuộc 3 huyện: Hương Sơn (3 xã), Vũ Quang (1 xã), Hương Khê (4 xã);

- Tỉnh Quảng Bình 9 xã thuộc 5 huyện: Minh Hóa (4 xã), Tuyên Hóa (1 xã), Bố Trạch (1 xã), Quảng Ninh (1 xã), Lệ Thủy (2 xã);

- Tỉnh Quảng Trị 16 xã thuộc 2 huyện: Hướng Hóa (11 xã), Đăkrông (5 xã);

- Tỉnh Thừa Thiên Huế 12 xã thuộc huyện A lưới;

- Tỉnh Quảng Nam 12 xã thuộc 2 huyện: Nam Giang (4 xã), Tây Giang (8 xã);

- Tỉnh Kon Tum 7 xã thuộc 2 huyện: Đăk Glei (3 xã), Ngọc Hồi (4 xã).

2. Mục tiêu

a) Mục tiêu tổng quát: đến năm 2015 cơ bản bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam – Lào thuộc các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Kon Tum để khai thác có hiệu quả tiềm năng, phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo, cải thiện và nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho đồng bào các dân tộc, đồng thời bảo vệ vững chắc an ninh biên giới.

b) Mục tiêu cụ thể:

- Bố trí ổn định tại chỗ 16.260 hộ thuộc diện nghèo trong các xã biên giới; bố trí ổn định 9.609 hộ, bao gồm: xen ghép vào thôn, bản sở tại 3.756 hộ, di dân tái định cư tập trung 5.853 hộ;

- Khai hoang mở rộng diện tích đất sản xuất nông nghiệp 9.970 ha, trong đó có 1.580 ha đất lúa;

- Đầu tư xây dựng đồng bộ cơ sở hạ tầng, bao gồm: đường giao thông, thủy lợi, điện, nước sinh hoạt và các công trình công cộng nhằm đảm bảo ổn định cuộc sống và phát triển sản xuất cho nhân dân tại các thôn, bản;

- Về đời sống dân cư: phấn đấu đến năm 2015 thu nhập bình quân đầu người tăng 1,5 lần so với năm 2009. Tỷ lệ hộ nghèo giảm 4 – 5%/năm; tỷ lệ hộ sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh 85%; tỷ lệ hộ dùng điện 95%; 100% số xã được phủ sóng phát thanh truyền hình; 85% số thôn, bản có nhà sinh hoạt cộng đồng; 100% số dân được chăm lo sức khỏe và khám, chữa bệnh.

3. Định hướng quy hoạch bố trí ổn định dân cư

a) Quy hoạch bố trí ổn định dân cư dọc tuyến biên giới:

- Bố trí ổn định tại chỗ cho 16.260 hộ với 81.300 nhân khẩu thuộc diện hộ nghèo;

- Bố trí ổn định 9.609 hộ, 43.564 khẩu theo hình thức xen ghép với các điểm dân cư sở tại hoặc đến điểm dân cư mới, bao gồm: bố trí trong nội xã 4.987 hộ, ngoài xã (từ nơi khác chuyển đến) 866 hộ:

- Thành lập thêm 118 điểm dân cư mới ở các xã biên giới.

b) Phát triển nông, lâm nghiệp và ngành nghề nông thôn:

- Bố trí sản xuất nông nghiệp: diện tích cây lương thực có hạt: 17.300 ha, trồng 6.000 ha cao su, 3.100 ha cà phê, 300 ha hồ tiêu, 2.551 ha cây ăn quả, 3.308 ha cây khác; phát triển chăn nuôi đàn trâu 23.768 con, đàn bò 56.873 con, đàn lợn 77.197 con, gia cầm trên 400.000 con;

- Bố trí phát triển sản xuất lâm nghiệp: khoanh nuôi tái sinh, bảo vệ rừng 42.105 ha, trồng mới rừng 18.255 ha; tỷ lệ che phủ rừng đạt 74%;

- Phát triển công nghiệp chế biến, ngành, nghề và dịch vụ: khuyến khích phát triển nghề rèn, đúc, dệt vải thổ cẩm, chạm khắc gỗ; xây dựng chợ đường biên; xây dựng các cửa khẩu quốc tế; đầu tư tôn tạo, trùng tu các điểm di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh để phát triển ngành du lịch.

c) Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng:

- Hệ thống đường liên thôn, liên bản: xây dựng mới 812 km, nâng cấp 442 km;

- Hệ thống thủy lợi: xây dựng 161 công trình thủy lợi, 218 km kênh mương, 6 km đường ống phục vụ tưới 1.798 ha;

- Cơ sở hạ tầng cộng đồng: xây dựng mới, nâng cấp 42.970 m2 trường học, 3.000 m2 trạm y tế, 17.700 m2 nhà văn hóa cộng đồng thôn, bản; 5.108 m2 trụ sở Ủy ban nhân dân xã; 17 chợ đường biên với diện tích khoảng 19.300 m2; 3.200 công trình nước sinh hoạt; 221 trạm, chảo truyền hình, 24 cụm trạm truyền thanh; 102 trạm biến áp và 834 km đường dây dẫn điện các loại.

4. Các giải pháp thực hiện

a) Chính sách hỗ trợ ổn định dân cư phát triển sản xuất:

Chính sách hỗ trợ ổn định dân cư phát triển sản xuất thực hiện theo quy định tại các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ: số 160/2007/QĐ-TTg ngày 17 tháng 10 năm 2007 phê duyệt “Đề án Phát triển kinh tế - xã hội các xã tuyến biên giới Việt Nam – Lào và Việt Nam – Campuchia đến năm 2010”, số 78/2008/QĐ-TTg ngày 10 tháng 6 năm 2008 về một số chính sách thực hiện Chương trình bố trí dân cư theo Quyết định số 193/2006/QĐ-TTg ngày 24 tháng 8 năm 2006 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hiện hành khác liên quan.

b) Khoa học công nghệ:

- Cung ứng giống cây trồng và vật nuôi cho sản xuất, chú trọng ưu tiên giống có lợi thế xuất khẩu.

- Tăng cường công tác khuyến nông, đưa tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, xây dựng các mô hình: tăng vụ, trồng cây đặc sản, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản; áp dụng khoa học kỹ thuật trong bảo quản nông sản và thực phẩm.

- Tăng cường công tác kiểm dịch động, thực vật.

c) Thị trường và tiêu thụ sản phẩm:

- Phát triển kinh tế tại các cửa khẩu, chợ đường biên, tạo điều kiện cho nhân dân trao đổi hàng hóa;

- Hợp tác mậu dịch đường biên, hoạt động trao đổi hàng hóa, mua bán với nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào và các nước trong khu vực;

- Thực hiện các cơ chế, chính sách phát triển thương mại miền núi, hải đảo và vùng đồng bào dân tộc theo các quy định hiện hành phù hợp với cơ chế kinh tế thị trường và cam kết quốc tế.

d) Đào tạo cán bộ, phát triển nguồn nhân lực và nâng cao trình độ dân trí: mở các lớp đào tạo tập huấn cán bộ thôn, bản để hướng dẫn đồng bào phát triển sản xuất; phấn đấu đến năm 2015 tỷ lệ hộ lao động nông thôn được đào tạo nghề đạt 40%.

đ) An ninh, quốc phòng:

- Xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân, hình thành phòng tuyến và an ninh nhân dân vững mạnh trên toàn tuyến biên giới;

- Tuyên truyền giáo dục để người dân biên giới tham gia vào quản lý đường biên;

- Nắm vững địa bàn biên giới, đấu tranh chống các hoạt động xâm phạm an ninh quốc gia;

- Xây dựng khu kinh tế quốc phòng ở khu vực đường biên, phát triển kinh tế quốc phòng.

e) Vốn đầu tư và nguồn vốn đầu tư:

- Tổng mức đầu tư khoảng 3.518 tỷ đồng;

- Nguồn vốn đầu tư: nguồn vốn đầu tư được lồng ghép từ nguồn vốn các chương trình dự án hiện có trên địa bàn; vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương để đầu tư các dự án ổn định dân các xã biên giới Việt Nam – Lào khoảng 1.748 tỷ đồng (chiếm 49,7% tổng nhu cầu vốn đầu tư).

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

a) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân các tỉnh biên giới Việt Nam – Lào:

- Xây dựng quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới của từng tỉnh, lập các dự án đầu tư để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt;

- Lập kế hoạch bố trí ổn định dân cư 5 năm và hàng năm để tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

- Xây dựng các mô hình bố trí ổn định dân cư các xã biên giới để rút kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng.

b) Chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh rà soát, điều chỉnh, bổ sung quy hoạch khi cần thiết;

c) Phối hợp với Bộ Tài chính nghiên cứu bổ sung, điều chỉnh chính sách thực hiện bố trí ổn định dân cư các xã biên giới trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

d) Kiểm tra giám sát, đánh giá kết quả thực hiện bố trí ổn định dân cư tại các địa phương.

2. Bộ Kế hoạch và Đầu tư: chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính cân đối bố trí vốn hàng năm cho các tỉnh và các Bộ, ngành tham gia thực hiện Quy hoạch trên cơ sở thống nhất với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

3. Bộ Tài chính:

a) Phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư bố trí vốn hàng năm cho các địa phương và các Bộ, ngành tham gia thực hiện các dự án của Quy hoạch;

b) Hướng dẫn cơ chế quản lý, cấp phát, thanh toán, quyết toán vốn đầu tư các dự án của Quy hoạch.

4. Bộ Quốc phòng: chỉ đạo các đơn vị trực thuộc của Bộ tham gia hướng dẫn, giúp đỡ đồng bào sản xuất, ổn định đời sống; thực hiện xây dựng các khu kinh tế quốc phòng và đảm bảo an ninh, quốc phòng khu vực biên giới.

5. Các Bộ, ngành liên quan: căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có kế hoạch phối hợp với Ủy ban nhân dân các tỉnh thực hiện tốt các nội dung của Quy hoạch này.

6. Ủy ban nhân dân các tỉnh Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum:

a) Chỉ đạo và tổ chức thực hiện lập, thẩm định, phê duyệt Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới của tỉnh và các dự án đầu tư theo quy định;

b) Xây dựng dự toán vốn hỗ trợ có mục tiêu từ ngân sách Trung ương hàng năm và giai đoạn 2009-2015 để thực hiện các dự án bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam – Lào gửi các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính tổng hợp, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt;

c) Thực hiện lồng ghép nguồn vốn của các chương trình, dự án khác trên địa bàn với các dự án bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam – Lào;

d) Chỉ đạo các Sở, Ban, ngành, chính quyền các cấp phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể nhân dân tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện Quy hoạch bố trí ổn định dân cư các xã biên giới Việt Nam – Lào và tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các dự án cụ thể trên địa bàn, đảm bảo hiệu quả đầu tư.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Ban Bí thư Trung ương Đảng;
- Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc CP;
- VP BCĐ TW về phòng, chống tham nhũng;
- HĐND, UBND các tỉnh: Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam, Kon Tum;
- Văn phòng Trung ương và các Ban của Đảng;
- Văn phòng Chủ tịch nước;
- Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội;
- Văn phòng Quốc hội;
- Tòa án nhân dân tối cao;
- Viện Kiểm sát nhân dân tối cao;
- Ủy ban Giám sát tài chính QG;
- Kiểm toán Nhà nước;
- Ngân hàng Chính sách Xã hội;
- Ngân hàng Phát triển Việt Nam;
- UBTW Mặt trận Tổ quốc Việt Nam;
- Cơ quan Trung ương của các đoàn thể;
- VPCP: BTCN, các PCN, Cổng TTĐT, các Vụ, Cục, đơn vị trực thuộc, Công báo;
- Lưu: Văn thư, KTN (5b).

KT. THỦ TƯỚNG
PHÓ THỦ TƯỚNG




Nguyễn Sinh Hùng