Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1186/2005/QĐ-UBND

Phủ Lý, ngày 27 tháng 7 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “XÃ HỘI HOÁ CÁC LĨNH VỰC GIÁO DỤC, Y TẾ, VĂN HOÁ, THỂ DỤC THỂ THAO VÀ DẠY NGHỀ ĐẾN NĂM 2010”

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ các Nghị quyết của Chính phủ: Nghị quyết số 90/CP ngày 21 tháng 8 năm 1997; Nghị quyết số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 của Chính phủ về phương hướng chủ trương và đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao;

Căn cứ Nghị quyết số 02/2005/NQ/HĐND ngày 15 tháng 7 năm 2005 của HĐND tỉnh Hà Nam;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Xã hội hoá các lĩnh vực Giáo dục, Y tế, Văn hoá, Thể dục Thể thao và Dạy nghề đến năm 2010” với những nội dung chủ yếu sau:

I. ĐỊNH HƯỚNG CHUNG CÔNG TÁC XÃ HỘI HOÁ 5 LĨNH VỰC ĐẾN NĂM 2010:

1) Thực hiện xã hội hoá nhằm phát huy tiềm năng trí tuệ và vật chất trong nhân dân, huy động toàn xã hội chăm lo sự nghiệp giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và đào tạo nghề. Tạo điều kiện để toàn xã hội, đặc biệt là các đối tượng chính sách, người nghèo được thụ hưởng thành quả giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và đào tạo nghề ở mức độ ngày càng cao.

2) Tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý, đẩy mạnh việc hoàn thiện chính sách, tăng cường nguồn lực đầu tư, đổi mới mục tiêu, phương thức, cơ cấu và nguồn vốn đầu tư; tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, các chương trình trọng điểm phát triển giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và đào tạo nghề.

3) Chuyển dần các cơ sở công lập đang hoạt động theo cơ chế sự nghiệp mang nặng tính hành chính bao cấp sang cơ chế cung ứng dịch vụ (cơ chế có đầy đủ quyền tự chủ về tổ chức và quản lý, hạch toán đầy đủ chi phí, cân đối thu chi, thực hiện đúng mục tiêu và nhiệm vụ).

4) Phát triển mạnh các cơ sở ngoài công lập với hai loại hình: dân lập và tư nhân. Tiến hành chuyển một số cơ sở thuộc loại hình công lập sang loại hình ngoài công lập để tập thể hoặc cá nhân quản lý và hoàn trả vốn cho Nhà nước.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ XÃ HỘI HOÁ 5 LĨNH VỰC ĐẾN NĂM 2010:

1) Giáo dục:

Đến năm 2010 phấn đấu huy động 44% số cháu vào nhà trẻ, 95% số cháu vào mẫu giáo. Tỷ lệ học sinh nhà trẻ ngoài công lập chiếm 60%, mẫu giáo 50%, trung học phổ thông 30%. Khuyến khích việc thành lập trường mầm non tư thục ở thị xã Phủ Lý và thị trấn các huyện. Phấn đấu mỗi huyện, thị xã có ít nhất 01 trường THPT ngoài công lập. Phấn đấu Hà Nam được công nhận đạt phổ cập giáo dục bậc trung học; chuyển cơ bản các cơ sở bán công sang loại hình dân lập hoặc tư thục. Mở được 01 trường đại học dân lập.

2) Y tế:

Đến năm 2010 thực hiện bảo hiểm y tế toàn dân, có 85% xã, phường đạt chuẩn Quốc gia về y tế, 95% trạm y tế có bác sỹ; dịch vụ khám chữa bệnh theo yêu cầu đạt 15% ở bệnh viện tuyến huyện, đạt 40% ở bệnh viện tuyến tỉnh.

3) Văn hoá:

Phấn đấu đến năm 2010:

- Trùng tu, tôn tạo 50% các di tích đã xếp hạng, chống xuống cấp các di tích còn lại.

- Có 95% gia đình đạt tiêu chuẩn gia đình văn hoá; 60-70% làng, khu phố đạt tiêu chuẩn làng, khu phố văn hoá; 100% xã có quỹ đất, có khu trung tâm văn hoá - thể thao.

- Chuyển cơ bản số cơ sở công lập hiện có thuộc ngành văn hoá sinh hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ.

4) Thể dục thể thao:

Phấn đấu đến năm 2010:

- Có 20% dân số và 15-16% số gia đình tập TDTT thường xuyên.

- Các huyện, thị xã hoàn thiện việc xây dựng các công trình TDTT cơ bản; các xã, phường có các công trình TDTT và thành lập được Hội đồng TDTT.

- Xây dựng hiệp hội, liên đoàn cấp tỉnh với các môn thể thao cơ bản.

5) Đào tạo nghề:

Phấn đấu đến năm 2010:

- Xây dựng và hoàn thiện hệ thống cơ sở dạy nghề đáp ứng nhu cầu đào tạo nghề cho người lao động; đa dạng hoá ngành nghề và hình thức đào tạo nghề theo nhu cầu thực tế.

- Nâng tỷ lệ lao động qua đào tạo lên 35% trong tổng lực lượng lao động thường xuyên. Hàng năm bồi dưỡng đào tạo và đào tạo lại khoảng 7000 người, trong đó đào tạo dài hạn 2000 người (Các cơ sở đào tạo công lập đảm nhận 40%, các cơ sở khác đảm nhận 60%).

- Chuyển Trung tâm tư vấn và giới thiệu việc làm (trực thuộc Sở Lao động Thương binh và Xã hội), Trung tâm dạy nghề huyện Lý Nhân, huyện Thanh Liêm sang hình thức ngoài công lập. Hoàn thành nâng cấp Trường đào tạo nghề nông công nghiệp thành trường cao đẳng dạy đa nghề.

III. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU ĐỂ THỰC HIỆN ĐỀ ÁN:

1) Tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về xã hội hoá.

Tăng cường vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng và chính quyền các cấp, có kế hoạch tổ chức thực hiện xã hội hoá từng lĩnh vực ở địa phương, ở cơ sở sát với thực tế. Phát huy vai trò của các tổ chức đoàn thể tham gia công tác xã hội hoá.

Tuyên truyền sâu rộng chủ trương, chính sách về xã hội hoá để các cấp uỷ Đảng, chính quyền các cấp và nhân dân có nhận thức đúng, đầy đủ, thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hoá trong các lĩnh vực trên.

Phát động các phong trào thi đua, xây dựng và nhân rộng các điển hình XHH trong từng lĩnh vực.

2) Tiếp tục đổi mới chính sách và tăng cường nguồn lực đầu tư:

Hoàn thiện các quy định về mô hình, quy chế hoạt động của các đơn vị ngoài công lập theo hướng: quy định rõ trách nhiệm, mục tiêu hoạt động, nội dung, chất lượng dịch vụ, chế độ sở hữu và cơ chế hoạt động; quy định chế độ tài chính và trách nhiệm thực hiện chính sách, nghĩa vụ xã hội.

Chuyển cơ chế hoạt động của các cơ sở công lập sang cơ chế cung ứng dịch vụ. Đổi mới cơ chế sử dụng ngân sách Nhà nước trong các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và đào tạo nghề.

Điều chỉnh quy hoạch đất đai dành quỹ đất ưu tiên cho việc xây dựng các cơ sở giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao công lập và ngoài công lập. Thực hiện việc miễn tiền sử dụng đất, thuê đất đối với các cơ sở ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận. Công khai, đơn giản hoá thủ tục giao đất cho thuê đất.

Thực hiện chính sách bình đẳng giữa khu vực công lập và ngoài công lập về thi đua, khen thưởng, về công nhận các danh hiệu Nhà nước, về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, về tiếp nhận, thuyên chuyển cán bộ từ khu vực công lập sang ngoài công lập và ngược lại.

Tiếp tục tăng nguồn lực đầu tư, chủ yếu tập trung cho các mục tiêu ưu tiên, chương trình trọng điểm. Nguồn lực đầu tư công tác xã hội hoá các lĩnh vực trên đến 2010 dự kiến 578 tỷ đồng. Trong đó Ngân sách Nhà nước chiếm 38,2% (220 tỷ đồng), huy động các nguồn lực xã hội hoá khoảng 61,8% (358 tỷ đồng).

3) Đổi mới cơ chế quản lý Nhà nước:

Tăng cường công tác quản lý trên các lĩnh vực giáo dục đào tạo, văn hoá, y tế, thể dục thể thao và dạy nghề; Nhà nước quản lý thống nhất đối với các cơ sở công lập và ngoài công lập; tạo điều kiện để các cơ sở đó cùng phát triển ổn định, lâu dài.

Triển khai và hướng dẫn thực hiện các điều kiện thành lập, điều kiện hành nghề, các quy định về mô hình, quy mô, quy chế… các đơn vị ngoài công lập. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra; quy định chế độ và trách nhiệm thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm của các cấp.

4) Xây dựng quy hoạch phát triển xã hội hoá:

Xây dựng quy hoạch chuyển đổi các cơ sở công lập có điều kiện phù hợp với yêu cầu, mục tiêu xã hội hoá sang hoạt động theo cơ chế cung ứng dịch vụ hoặc sang loại hình ngoài công lập với các bước đi thích hợp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện đề án:

1) Các Sở: Giáo dục - Đào tạo, Y tế, VHTT, TDTT, Lao động - Thương binh và Xã hội căn cứ các định hướng trên, hoàn chỉnh và phê duyệt đề án xã hội hoá của ngành làm cơ sở cho việc phát triển xã hội hoá với các bước đi thích hợp, trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội đến năm 2010; chỉ đạo các huyện, thị xã xây dựng và thực hiện quy hoạch và kế hoạch phát triển xã hội hoá; cùng các Sở, ngành liên quan thường xuyên thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật, quy định của Nhà nước về nội dung, chất lượng hoạt động, về tài chính, kịp thời xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm để ngăn chặn những hành vi tiêu cực, gian lận, làm trái quy định, cạnh tranh thiếu lành mạnh trong quá trình xã hội hoá. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về mục đích, nội dung, phương thức, chính sách và các giải pháp phát triển xã hội hoá.

Các Sở Tài nguyên Môi trường, Tài chính, Nội vụ, Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm nghiên cứu, hướng dẫn lập quy hoạch, kế hoạc hoặc rà soát, điều chỉnh, bổ sung và giám sát việc thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đai tại các địa phương, tới các xã, phường, thị trấn, thôn, làng nhằm bảo đảm đủ quỹ đất đáp ứng nhu cầu xây trường học, bệnh viện, các thiết chế văn hoá, thể dục thể thao, các cơ sở dạy nghề; hướng dẫn các cơ sở thực hiện đúng các chế độ, chính sách hiện hành.

2) Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã chỉ đạo các cơ quan chức năng xây dựng quy hoạch, kế hoạch và tổ chức phát triển xã hội hoá phù hợp với chủ chương, chính sách Nhà nước, với thẩm quyền và điều kiện của địa phương.

Chỉ đạo các ngành chức năng, huy động các nguồn lực tại địa phương để triển khai thực hiện quy hoạch; thường xuyên giám sát việc thực thi pháp luật, các quy định của Nhà nước, kịp thời chấn chỉnh những lệch lạc, tiêu cực, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm.

3) Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, Liên đoàn lao động, Hội Liên hiệp phụ nữ, Hội nông dân, Hội cựu chiến binh, các Hội xã hội - nghề nghiệp tỉnh có liên quan, các cơ quan thông tin đại chúng tuyên truyền sâu rộng, vận động và tổ chức quần chúng cùng tham gia thực hiện công tác xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá, thể dục thể thao và dạy nghề.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở: Giáo dục - Đào tạo, Y tế, Văn hoá Thông tin, Thể dục Thể thao, Lao động Thương binh và Xã hội, các Sở, ngành có liên quan; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH
CHỦ TỊCH




Đinh Văn Cương