Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH AN GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1192/QĐ-UBND

An Giang, ngày 02 tháng 6 năm 2021

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN KHUNG NHIỆM VỤ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỀ QUỸ GEN CẤP TỈNH THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức Chính quyền địa phương ngày 22 tháng 11 năm 2019;

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Theo nội dung Công văn số 161/BKHCN-CNN ngày 21 tháng 01 năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc xây dựng Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp bộ, cấp tỉnh; Công văn số 1851/BKHCN-CNN ngày 26 tháng 6 năm 2020 của Bộ Khoa học và Công nghệ về việc Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp tỉnh giai đoạn 2021 - 2025;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ tại Tờ trình số 559/TTr-SKHCN ngày 14 ngày 5 tháng 2021.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án khung nhiệm vụ khoa học và công nghệ về quỹ gen cấp tỉnh thực hiện trong giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Tài chính, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố, các cá nhân và tổ chức có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Khoa học và Công nghệ;
- CT và các PCT UBND tỉnh;
- Lãnh đạo Văn phòng UBND tỉnh;
- Cổng thông tin điện tử tỉnh;
- P.KTN, P.HCTC.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Anh Thư

 

ĐỀ ÁN

KHUNG NHIỆM KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ VỀ QUỸ GEN CẤP TỈNH THỰC HIỆN TRONG GIAI ĐOẠN 2021-2025 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Kèm theo Quyết định số 1192/QĐ-UBND ngày 02 tháng 6 năm 2021 của Chủ tịch UBND tỉnh An Giang)

I. THÔNG TIN CHUNG

1. Tên Đề án: Bảo tồn nguồn gen tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025 và định hướng đến năm 2030.

2. Căn cứ pháp lý

Căn cứ Luật Khoa học và Công nghệ ngày 18 tháng 6 năm 2013;

Căn cứ Nghị định số 08/2014/NĐ-CP ngày 27 tháng 01 năm 2014 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Khoa học và Công nghệ;

Căn cứ Quyết định số 1671/QĐ-TTg ngày 28 tháng 9 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

Căn cứ Thông tư số 17/2016/TT-BKHCN ngày 01 tháng 9 năm 2016 của Bộ Khoa học và Công nghệ về quy định quản lý thực hiện Chương trình bảo tồn và sử dụng bền vững nguồn gen đến năm 2025, định hướng đến năm 2030;

II. NHU CẦU BẢO TỒN NGUỒN GEN CỦA ĐỊA PHƯƠNG VÀ TÍNH CẤP THIẾT CỦA ĐỀ ÁN

1. Phân tích đánh giá các yếu tố tự nhiên

1.1. Vị trí địa lý

An Giang là tỉnh ở miền Tây Nam bộ, thuộc vùng Đồng bằng sông Cửu Long, một phần nằm trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Phía Tây Bắc giáp vương quốc Campuchia dài 104 km, Tây Nam giáp tỉnh Kiên Giang dài 69,789 km, Nam giáp tỉnh Cần Thơ dài 44,734 km, Đông giáp tỉnh Đồng Tháp dài 107,628 km. Điểm cực bắc trên vĩ độ 10°57' (xã Khánh An, huyện An Phú), cực nam trên vĩ độ 10°12' (xã Thoại Giang, huyện Thoại Sơn), cực tây trên kinh độ 104°46' (xã Vĩnh Gia, huyện Tri Tôn), cực đông trên kinh độ 105°35' (xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới).

1.2. Đặc điểm địa hình

An Giang có hai dạng địa hình chính là đồng bằng và đồi núi.

Đồng bằng phù sa ở An Giang là một bộ phận của Đồng bằng sông Cửu Long, có nguồn gốc trầm tích lâu dài của phù sa sông Mê Kông. Địa hình đồng bằng có 3 dạng chính và 1 dạng phụ là: dạng cồn bãi hay còn gọi là cù lao, hình dạng như chiếc thuyền úp, ở giữa cao và thấp dần sang hai bên; dạng lòng chảo, địa hình ở hai bên bờ sông cao hơn, và thấp dần ở trong đồng, rõ nhất là huyện Phú Tân; dạng hơi nghiêng tập trung ở phía hữu ngạn sông Hậu thuộc vùng trũng tứ giác Long Xuyên, địa hình cao từ bờ sông Hậu rồi thấp dần vào trong nội đồng đến tận ranh giới tỉnh Kiên Giang; một dạng địa hình phụ là địa hình gợn sóng nằm trong khu vực lòng chảo, được hình thành do sự kết nối đan xen các bãi bồi ven các sông nhánh và các rạch tự nhiên đã bị phù sa sông bồi đắp.

Đồng bằng ven núi có hai kiểu là Deluvi (sườn tích) và kiểu đồng bằng phù sa cổ. Đồng bằng Deluvi được hình thành trong quá trình phong hóa và xâm thực từ các núi đá, sau đó được nước mưa rửa trôi, rồi được dòng chảy lũ theo các khe suối chuyển tải xuống các chân núi, tích tụ lâu ngày mà thành. Đồng bằng phù sa cổ có đặc tính là có nhiều bậc thang ở những độ cao khác nhau. Trên mỗi bậc thang khá bằng phẳng và hầu như không có độ nghiêng.

Đồi núi ở An Giang gồm nhiều đỉnh có hình dạng, độ cao và độ dốc khác nhau, phân bố theo vành đai cánh cung kéo dài gần 100 km. Có 2 dạng chính là dạng núi cao và dốc, dạng núi thấp và thoải.

1.3. Điều kiện thời tiết - khí hậu

An Giang nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới gió mùa, có 2 mùa rõ rệt gồm mùa mưa và mùa khô. Nhiệt độ trung bình hàng năm khoảng 27,7°C, tổng số giờ nắng là 2.458,7 giờ/năm, lượng mưa trung bình năm khoảng 1.335 mm. Độ ẩm trung bình 81,7%, khí hậu cơ bản thuận lợi cho phát triển nông nghiệp.

1.4. Sông ngòi

An Giang là tỉnh đầu nguồn của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, có các sông lớn chảy qua, nhiều kênh rạch tạo thành một hệ thống giao thông thủy lợi khá chằng chịt. Đây là một trong những tiền đề quan trọng để khai thác ngày càng có hiệu quả tài nguyên đất, nước và sức lao động của tỉnh. Hai con sông chính là sông Tiền chảy theo hướng tây bắc - đông nam, đoạn qua An Giang dài khoảng 80 km, sông Hậu có hướng chảy song song với sông Tiền, đoạn qua An Giang dài khoảng 100 km, cùng với nhánh sông Châu Đốc dài khoảng 18 km và sông Vàm Nao khoảng 6 km. Tất cả tạo nên một cảnh quan đặc thù của sông nước An Giang, rất thuận lợi cho nghề nuôi trồng và khai thác thủy sản.

2. Hiện trạng sử dụng đất đai

2.1. Đất nông nghiệp

Theo thống kê năm 2019, tỉnh An Giang có 296.719,57 ha đất nông nghiệp, bao gồm đất sản xuất nông nghiệp, đất lâm nghiệp, đất nuôi trồng thủy sản và đất nông nghiệp khác.

a) Đất chuyên trồng lúa nước

Năm 2019, toàn tỉnh có 242.336,91 ha diện tích đất chuyên trồng lúa nước (chủ yếu là đất trồng 2-3 vụ), chiếm 81,67% diện tích đất nông nghiệp. Hầu hết phân bố ở tất cả các huyện, thị xã, thành phố, trong đó tập trung nhiều ở các địa phương gồm: Thoại Sơn, Tri Tôn, Châu Phú và Châu Thành.

b) Đất trồng cây lâu năm

Cây lâu năm (đặc biệt là cây ăn quả) cũng là thế mạnh lớn của tỉnh, năm 2019, tổng diện tích đất trồng cây lâu năm của toàn tỉnh 18.427,4 ha, chiếm 6,21% diện tích đất nông nghiệp, trong đó tập trung chủ yếu ở các huyện Chợ Mới, Tịnh Biên, Tri Tôn, An Phú và Châu Phú.

c) Đất trồng rừng

Năm 2019, toàn tỉnh có 11.642,57 ha đất trồng rừng, chiếm 3,92% diện tích đất nông nghiệp của tỉnh. Trong đó, bao gồm diện tích rừng sản xuất, rừng phòng hộ và rừng đặc dụng, phân bố ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và thành phố Châu Đốc.

d) Đất nuôi trồng thủy sản tập trung

Năm 2019, An Giang có 5.530,36 ha đất nuôi trồng thủy sản, chiếm 1,86 % diện tích đất nông nghiệp của tỉnh; phân bố ở tất cả các huyện.

đ) Đất trồng cây hàng năm khác còn lại

Năm 2019, toàn tỉnh có 11.648,49 ha, đất trồng cây hàng năm khác còn lại, chiếm 3,92% diện tích đất nông nghiệp, chủ yếu là đất trồng rau đậu các loại, cây có hạt chưa dầu phân bố nhiều ở các huyện Thoại Sơn, Châu Phú; Tri Tôn và Châu Thành.

3. Hệ thảm thực vật An Giang

Thảm thực vật ở An Giang rất phong phú cả về số lượng lẫn chủng loài. Tiềm năng đa dạng của thực vật ở An Giang đã biến đổi rất lớn qua nhiều thế kỷ do tác động của con người, thể hiện qua sự diễn biến từ các hệ sinh thái đất ngập nước (rừng ngập mặn, đầm lầy và rừng tràm vùng trũng) và hệ sinh thái rừng trên đồi núi thành các hệ sinh thái nông nghiệp. Xu thế diễn biến này do áp lực của nhu cầu lương thực và các nhu cầu khác từ rừng; đồng thời, áp lực về dân số và hậu quả của cuộc chiến tranh tàn khốc trong những thập niên trước đây đã thúc đẩy nhanh sự suy thoái của các hệ sinh thái này, ảnh hưởng trực tiếp đến nguồn lợi đa dạng thực vật.

Thảm thực vật vùng Bảy Núi, qua điều tra năm 2003 cho thấy rất đa dạng và phong phú với 815 loài thực vật bậc cao, thuộc 501 chi, 145 họ, 84 bộ và 05 ngành thực vật khác nhau. Có 20 loài thực vật quý hiếm thuộc 13 họ trong đó có 17 loài cây gỗ nằm trong 4 cấp đánh giá về mức độ quý hiếm của Sách đỏ Việt Nam, Hiệp hội Bảo vệ thiên nhiên Quốc tế (IUCN) và Nghị định 48/CP của Chính phủ năm 2002. Họ có nhiều loài cây quý hiếm nhất là họ đậu (Fabaceae) với 8 loài chiếm 47,1 % số loài cây gỗ quý hiếm trong vùng. Các loài mới: sao đá, sến đỏ, gõ đỏ, giáng hương, tóc, cà chấc, huỳnh đàn gân đỏ, huỷnh.

Cây gỗ lớn phổ biến có các loài: dầu con rái, kiền kiền, sao đen, bằng lăng ổi, bằng lăng nhiều hoa, cẩm lai, căm xe, gõ mật, nỉnh, cẩm lai đen, xây,…

Cây gỗ trung bình có các loài: bình linh, me, móng bò, diệp rang, chưn bầu, vông nem, so đũa, me keo, bời lời Cam bốt, bời lời nhớt, bời lời vàng…

Các loài cây nhỏ và cây bụi như lục lạp, trảng quả dẹp, táo, sâm ngọt, sâm núi, phèn đen, hoàng tiên, sò đo, đinh lăng, cù đen đồng nai, đủng đỉnh…

Các loài thân thảo và cỏ như chuối, sa nhân, rông giềng, riềng gừng, gừng, mần trầu, cỏ mực, ngãi cứu, ngãi đen, ngãi tiên vàng, ngãi tiên đỏ, khúc ẩn, sú nhỉ, sơn cúc nhám…

Các loài dây leo và phụ sinh như hà thủ ô, trinh nữ móc, gia trinh nữ, dây móng bò, dây khoai rừng, chùm bao, sung thằn lằn, dây dang…

Riêng cây thuốc nam, trong quyển Cây thuốc An Giang (xuất bản năm 1991), Võ Văn Chi đã liệt kê được 680 loài được sử dụng làm cây thuốc ở An Giang. Theo kết quả điều tra năm 2017, ở vùng Bảy Núi đang có 226 loài, thuộc 79 họ, 3 ngành thực vật bật cao có mạch là ngành Thông (Pinophyta), ngành Dương xỉ (Pteridophyta) và ngành Ngọc lan (Magnoliophyta). Trong đó, có 6 loài có tên trong Sách đỏ Việt Nam (2007). Còn ở đồng bằng, trong số những loài cây mọc hoang dại cũng có nhiều cây được dùng làm cây thuốc.

4. Hệ động vật An Giang

Hệ động vật An Giang rất đa dạng với đầy đủ chủng loại. Qua kết quả điều tra về đa dạng sinh học tỉnh An Giang năm 2017 đã ghi nhận được gần 400 loài động vật tại An Giang, bao gồm: 15 loài thú, 86 loài chim, 26 loài bò sát, 11 loài lưỡng cư, 144 loài cá và 112 loài côn trùng.

Một số loài động vật thường gặp ở An Giang như chim có các loại: chim sẻ, chào mào, chích chòe, chim sậu, sáo, cồng cộc, le le, vịt trời…; các loài cò như cò trắng, cò ma, cò bộ, cò lửa và diệc, cuốc, trích… một số loài chim lặn giỏi có cồng cộc, cốc đen.

Một số loài bò sát thường gặp ở vùng nông thôn là rắn, rắn có nhiều loài như: rắn nước, rắn bông súng, rắn ri voi, ri cá, rắn râu, rắn mối, rắn trun, rắn hổ, rắn lục, rắn máy gầm…

Đối với loài cá có các loại cá tra, cá ba sa, cá bông lau, cá cơm, cá thát lát, cá chạch, cá linh, cá cóc, cá ngựa, cá lòng tong, cá ét, cá mè, cá thểu, cá dảnh, cá he, cá trê, cá heo… Còn một số loài thủy sản khác như ếch, cóc, nhái, ểnh ương, chàng hiu, chẫu chàng, cua đồng, còng lửa, ốc, tép đồng…

Dơi là động vật quen thuộc của người dân An Giang, có dơi sen và dơi quạ.

Động vật nuôi chủ yếu ở An Giang là bò, heo, vịt, gà,… Những năm gần đây, người dân còn nuôi ếch, lươn, cá sấu, rắn, ba ba…

Đàn bò ở An Giang chủ yếu tập trung ở 2 huyện Tri Tôn, Tịnh Biên và một số ở Chợ Mới với các giống bò ta vàng địa phương, bò lai sind…

Nghề nuôi heo cũng có tập quán lâu đời. Heo địa phương như Thuộc Nhiêu, Ba Xuyên, heo cỏ… dần dần bị thay thể bởi heo ngoại như Yorkshire, Duroc, Landrace, Berkshire…

Vịt được nuôi quen thuộc ở An Giang có vịt sen, vịt ô, vịt cà cuống, vịt tàu (vịt tàu cò, vịt tàu rằn, vịt tàu ô, vịt tàu phèn, vịt tàu nước). Vịt xiêm cũng được ưa chuộng như vit xiêm trắng, xiêm đen, xiêm xám, xiêm nổ, xiêm lưỡng, xiêm bông. Gần đây có nhiều giống nhập như vịt Kaki-Campell, Bắc Kinh, Hà Lan, Anh Đào, Super Meat…

Đánh giá chung

Có thể thấy rằng, điều kiện tự nhiên của An Giang rất đặc trưng so với những tỉnh khác của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long: đồng bằng rộng lớn, đất đai màu mỡ phì nhiêu, hàng năm được hai con sông lớn là sông Tiền và sông Hậu chảy qua cung cấp lượng phù sa dồi dào, sông ngòi chằng chịt. Ngoài ra, địa hình đồi núi với thổ nhưỡng và khí hậu đặc trưng vùng Bảy Núi. Từ những yếu tố đó, An Giang có nhiều thuận lợi trong sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản, tiềm năng dược liệu to lớn.

Tuy nhiên, những năm gần đây qua quá trình canh tác, khai thác, khai hoang cải tạo đất và làm thủy lợi thâm canh đã làm môi trường thiên nhiên hoang dã của An Giang bị thay đổi quá nhiều. Bằng chứng cho thấy các loại thực vật thích nghi lâu đời ở một số vùng đất hoang hóa, bưng trũng thấp đang dần mất đi, đẩy nhanh sự phát triển của các cỏ dại gây hại cho ruộng lúa, hoa màu. Các quần thể thực vật nguyên sinh hầu như không còn, hiện chỉ có các quần thể thực vật thứ sinh, các loài thực vật đặc trưng của vùng dần bị mất đi.

Những loài thực vật có giá trị kinh tế bị khai thác một cách triệt để nhằm phục vụ cho nhu cầu của con người như gỗ quý có gõ mật, căm xe, giáng hương, vên vên, xà cừ… hay các loại dược liệu quý hiếm đặc trưng An Giang như ba gạc Châu Đốc, bí kỳ nam, trầm hương,… cần phải được bảo tồn nhanh chóng và kịp thời. Do công tác bảo tồn dược liệu tại Bảy Núi, An Giang chưa được chú trọng. Chủ yếu tập trung phát triển các loài cây thuốc có giá trị kinh tế và nhu cầu thị trường cao. Chưa quan tâm đến những loài quý hiếm và những cây thuốc đặc thù của vùng.

Bên cạnh sự thay đổi về hệ thực vật, quá trình canh tác thâm canh của còn người sẽ kéo theo sự thay đổi về hệ động vật. Trước đây một số loài thú lớn tồn tại ở vùng Bảy Núi ngày nay đã không còn tìm thấy như hổ, báo, nai, hươu, cáo, vượn, khỉ…, về chim thì có phượng hoàng, quạ…. Một số loài thủy sản có nguy cơ bị biến mất như cá Tra Dầu, cá Vồ Cơ, cá Đuối Bông Lau, cá Mập Mũi Cưa, cá Cườm Đông Dương, cá Cháy Lào, cá Heo nước ngọt do sự khai thác quá mức của con người, và môi trường tự nhiên thay đổi không phù hợp cho sự sinh sản, phát triển của một số.

Vì vậy, cần phải có biện pháp trong khai thác hợp lý, chú ý đến việc tái sinh các loài và tạo một môi trường bảo tồn thích hợp đối với động vật, thực vật, dược liệu và thủy sản, nhằm giữ vững và làm đa dạng nguồn tài nguyên thiên nhiên của tỉnh An Giang, không những giúp người nông dân xóa đói giảm nghèo, phát triển kinh tế mà còn bảo vệ môi trường sống chung của con người chúng ta.

5. Ý nghĩa việc bảo tồn và lưu trữ nguồn gen

Bảo tồn và khai thác nguồn gen sinh vật có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong đời sống của con người trên toàn thế giới cũng như ở nước ta. Sinh vật nói chung, trong đó bao gồm thực vật, động vật, vi sinh vật nói riêng là nguyên liệu trực tiếp nuôi sống con người và đồng thời là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, y tế; bên cạnh đó, nó còn có vai trò vô cùng to lớn trong hệ sinh thái.

Bảo tồn, lưu giữ nguồn gen động vật, thực vật và vi sinh vật là bảo vệ tài nguyên di truyền nhằm cung cấp nguồn nguyên liệu khởi thủy phục vụ công tác nghiên cứu khoa học, cải tạo giống, đảm bảo duy trì được sự đa dạng sinh học và những tiền đề cần thiết về tài nguyên sinh học cho sự phát triển bền vững nền nông nghiệp hiện tại cũng như trong tương lai.

6. Hạn chế, khó khăn trong công tác lưu giữ và bảo tồn nguồn gen và nguyên nhân tồn tại hạn chế

6.1. Hạn chế, khó khăn

a) Đối với nguồn gen động vật tồn tại một số khó khăn:

- Việc bảo tồn in-situ số lượng được bảo tồn/đối tượng nguồn gen vật nuôi bản địa là quá ít nên dễ mất sự đa dạng, dễ bị cận huyết và suy giảm chất lượng.

- Đối với nguồn gen vật nuôi, các giống bị pha tạp và giảm tỉ lệ giống thuần chủng do lai tạo dùng đực giống ngoại để cải tạo giống địa phương với mục tiêu cải tiến giống;

- Công tác bảo tồn đa số thực hiện tại các địa phương, hộ nông dân nơi có nguồn gen, Nhà nước hỗ trợ một phần nhỏ kinh phí và kỹ thuật. Do vậy nguồn gen động, thực vật vẫn là tài sản của người nông dân và có quyền trao đổi, mua bán bất cứ lúc nào.

b) Đối với nguồn gen thực vật tồn tại một số khó khăn:

- Đối với nguồn gen thực vật, áp lực từ nhu cầu phát triển kinh tế, tăng dân số quá nhanh ở tất cả các địa phương, tài nguyên thiên nhiên nói chung và tài nguyên thực vật ở bị tàn phá, tác động nặng nề. Quản lý bảo tồn đa dạng sinh học tại các tài nguyên rừng gặp nhiều khó khăn, thách thức.

- Chưa có những cơ chế cụ thể để khai thác môi trường rừng phục vụ công tác bảo tồn và phát triển dược liệu, đặc biệt là việc triển khai các mô hình bảo tồn in-situ.

- Nguồn lực bảo tồn chủ yếu từ hỗ trợ của Nhà nước, chưa huy động được nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Chưa tạo ra được nguồn kinh phí từ chính các hoạt động bảo tồn.

6.2. Nguyên nhân

- Chưa có 01 trung tâm bảo tồn tài nguyên vật nuôi, thực vật để bảo tồn, lưu trữ các nguồn gen động, thực vật.

- Hiện nay, công tác bảo tồn nguồn gen tập trung nhiều vào việc điều tra, thu thập, bảo quản và đánh giá ban đầu. Việc đánh giá chi tiết và khai thác, sử dụng còn rất hạn chế.

- Nguồn nhân lực được đào tạo có trình độ chuyên môn sâu và kinh nghiệm trong việc áp dụng các kỹ thuật mới, công nghệ cao trong công tác lưu giữ bảo quản nguồn gen còn thiếu. Các cán bộ làm công tác bảo tồn, lưu giữ nguồn gen hầu hết là kiêm nhiệm.

- Trang thiết bị phục vụ công tác bảo quản, lưu giữ các nguồn gen còn chưa đồng bộ, nhiều cơ sở bảo tồn thực hiện lưu giữ bảo quản nguồn gen thu thập được trong điều kiện không đảm bảo, dẫn đến sự thất thoát hoặc giảm chất lượng.

- Kinh phí thực hiện nhiệm vụ hạn hẹp so với nhu cầu.

- Công tác tập huấn, phổ biến văn bản, bồi dưỡng chuyên môn chưa được thực hiện thường xuyên, nên các kết quả thực hiện chưa được như mong đợi, một số nguồn gen quý của nước ta đã bị thất thoát thông qua việc trao đổi nguồn gen với nước ngoài.

7. Định hướng công tác bảo tồn, khai thác và phát triển nguồn gen nông, lâm nghiệp và thủy sản

- Xây dựng các chính sách nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc bảo tồn nguồn gen kết hợp với việc phát triển kinh tế theo định hướng sản xuất hàng hoá.

- Sắp xếp lại hệ thống đầu mối để phát huy hiệu quả quản lý công tác bảo tồn. Hạn chế hoặc cắt bỏ những nội dung bảo tồn chưa mang lại hiệu quả trước mắt cũng như lâu dài, hoặc chưa có phương pháp thích hợp.

- Đầu tư thích hợp cho việc bảo tồn in-situ các nguồn gen cây lâm nghiệp và nguồn gen cây hoang dại gần gũi với cây trồng và cho việc bảo tồn trên đồng ruộng của nông dân (on-farm conservation) nguồn gen các loài cây nông nghiệp, lâm nghiệp.

- Tăng cường kinh phí cho triển khai thực hiện nhiệm vụ khai thác và phát triển; đánh giá di truyền nguồn gen.

- Đa dạng hoá nguồn tài chính phục vụ cho công tác bảo tồn: nguồn của Nhà nước, của tư nhân, doanh nghiệp, nguồn hợp tác quốc tế để đảm bảo tính lâu bền của công tác bảo tồn, phát triển quỹ gen.

- Tăng cường đầu tư trang thiết bị phục vụ bảo tồn nguồn gen: hệ thống kho lạnh, trang thiết bị sử dụng các kỹ thuật sinh học mới để đánh giá đa dạng di truyền và phát hiện nguồn gen quý, trang thiết bị bảo quản in-vitro và trang thiết bị, phương tiện phục vụ việc khai thác và sử dụng nguồn gen.

- Cần có một chiến lược đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn lâu dài, kết hợp hài hoà cả đào tạo chính quy và không chính quy, trong nước và nước ngoài.

- Tăng cường xây dựng đồng ruộng, nhà kính, nhà lưới để bảo quản và nhân giống định kỳ ngân hàng gen có quy hoạch lâu dài.

8. Hiện trạng, tình hình và kết quả công tác bảo tồn, lưu trữ nguồn gen của địa phương từ năm 2014 - 2020:

(Xem phụ lục 1)

III. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu tổng quát:

Bảo tồn, phát triển và khai thác hiệu quả nguồn gen cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu phục vụ sản xuất góp phần phát triển kinh tế - xã hội tỉnh An Giang giai đoạn 2021 - 2025 và định hướng đến năm 2030.

2. Mục tiêu cụ thể:

- Điều tra, thu thập và bổ sung nguồn gen quý hiếm, đặc hữu có giá trị kinh tế và khoa học trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Xây dựng được cơ sở dữ liệu của một số nguồn gen quý hiếm có giá trị kinh tế, giá trị khoa học của tỉnh An Giang.

- Bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen quý, đặc hữu của An Giang có nguy cơ tuyệt chủng như một số loài bản địa, cây lâm nghiệp và dược liệu.

- Xây dựng được khu vực nuôi trồng chuyên canh một số loại cây trồng bản địa tại tỉnh An Giang.

- Xã hội hóa từ 1-2 giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu quý hiếm, đặc hữu của An Giang có giá trị kinh tế cao.

3. Định hướng năm 2030:

Đến năm 2030, công tác bảo tồn, phát triển khai thác nguồn gen cây trồng nông nghệp, lâm nghiệp và dược liệu thực sự có hiệu quả, trở thành ngành kinh tế, phát huy được tiềm năng và lợi thế tài nguyên của tỉnh An Giang, đóng góp ngày càng nhiều cho sự phát triển của tỉnh. Tạo tiền đề để tiếp tục thực hiện Đề án Bảo tồn và lưu giữ các nguồn gen vật nuôi, thủy sản có giá trị kinh tế và khoa học của tỉnh An Giang.

IV. NỘI DUNG, NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN

1. Điều tra, khảo sát và thu thập bổ sung nguồn gen

- Rà soát, kiểm kê các giống cây trồng, đặc biệt là các giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu có giá trị kinh tế cao làm cơ sở xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển bền vững các giống cây trồng, dược liệu bản địa, nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao.

- Điều tra đánh giá hiện trạng các nguồn gen thực vật quý hiếm trên địa bàn đối với các loại giống cây trồng, thực vật rừng, cây dược liệu....phục vụ cho nghiên cứu, bảo tồn nguồn gen trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Khảo sát nguồn gen theo địa lý, sinh thái, điều tra thu thập nguồn gen cây nông nghiệp, lâm nghiệp và cây dược liệu.

- Xác định danh mục nguồn gen cần được bảo tồn từ nay đến năm 2025.

(Xem phụ lục 2)

2. Lưu giữ, bảo tồn các nguồn gen quý, hiếm hiện có

- Nghiên cứu các điều kiện tự nhiên KT - XH để đề xuất phương án bảo tồn.

- Lưu giữ, bảo quản các nguồn gen quý, hiếm hiện có.

- Đánh giá sơ bộ, đánh giá chi tiết nguồn gen theo các chỉ tiêu sinh học phù hợp với từng đối tượng.

- Quy hoạch và xây dựng khu bảo tồn tại chỗ và các khu bảo tồn chuyển chỗ (vườn thực vật, vườn thực nghiệm, vườn cây thuốc, Trung tâm bảo tồn, …).

- Nghiên cứu xây dựng, phát triển các khu vực trồng chuyên canh các loài cây quý, hiếm, có nguy cơ tuyệt chủng hoặc quan trọng phục vụ kinh tế-xã hội, y tế, an ninh, quốc phòng, khoa học và môi trường.

- Đề xuất giải pháp bảo tồn các giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu trên địa bàn tỉnh (bảo tồn in situ ex situ).

3. Nghiên cứu, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật để nhân giống các nguồn gen cây trồng

- Nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học, công nghệ lưu trữ, bảo tồn các nguồn gen thu thập trên địa bàn tỉnh An Giang.

- Xây dựng cơ sở dữ liệu nguồn gen lưu trữ, bảo tồn.

- Đánh giá hoạt động bảo tồn.

- Nghiên cứu ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật (cấy mô, giâm hom, gieo hạt,…) để phục tráng một số giống cây trồng quý hiếm.

- Phối hợp nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật để bảo tồn in situ các loài thực vật.

4. Lựa chọn, xác định các loại giống thực vật cần phải ưu tiên bảo tồn

Xây dựng mô hình bảo tồn và phát triển bền vững các giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu bản địa, nhất là các loài quý hiếm, đặc hữu, có giá trị kinh tế cao.

4.1. Bảo tồn tại vị (in situ)

Hình thức này được áp dụng cho tại tất cả mọi đối tượng cần được bảo tồn, những đối tượng chưa có nguy cơ tuyệt chủng hoặc xâm hại. Nhằm phù hợp với điều kiện môi trường sống tự nhiên của các loài, đảm bảo cho sự sinh trưởng và phát triển.

4.2. Bảo tồn chuyển vị (ex situ, on farm, in vitro)

Hình thức này được áp dụng đối với những đối tượng có nguy cơ bị đe dọa và tuyệt chủng cao, những loài đặc biệt quý hiếm trong tự nhiên, phục vụ cho mục đích nghiên cứu, trưng bày, giới thiệu...

- Bảo tồn đơn giản: nhân giống một số loài đặc hữu, quý hiếm để hạn chế nguy cơ tuyệt chủng. Với hình thức bảo tồn chuyển vị này sẽ giúp lưu giữ các giống bản địa của An Giang và hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro do con người hoặc thiên nhiên gây ra.

- Bảo tồn tại các trung tâm, trang trại, trong điều kiện vườn hộ gia đình.

4.3. Một số loại cây trồng, vật nuôi cần bảo tồn

Dựa vào kết quả điều tra, khảo sát các giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu quý hiếm, đặc hữu của An Giang, từ đó đề xuất các giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu quý hiếm, đặc hữu của An Giang cần bảo tồn giai đoạn 2021-2025.

5. Đánh giá nguồn gen

- Đánh giá ban đầu đối với các nguồn gen cần phải bảo tồn, xác định tên, loài, mức nguy cấp, hiện trạng...

- Đánh giá chi tiết của từng loại cây, con cần phải bảo tồn về số lượng, tình trạng và phương pháp bảo tồn.

- Đánh giá đặc tính sinh trưởng, tốc độ phát triển cây trồng và vật nuôi.

- Đánh giá các đặc điểm di truyền.

6. Tư liệu hóa nguồn gen

- Tư liệu hóa nguồn gen cấp tỉnh bằng nhiều hình thức khác nhau, phiếu điều tra, phiếu mô tả, phiếu đánh giá, tiêu bản, giới thiệu, cung cấp, trao đổi nguồn gen và thông tin liên quan…

- Xây dựng lý lịch giống cho các loại cây con cần phải bảo tồn về: nguồn gốc giống, các đặc tính sinh học, đặc điểm sinh trưởng, phát triển của các giống đã bảo tồn và lưu giữ;

- Cung cấp các thông tin về nguồn gen phục vụ công tác lai tạo giống mới có năng suất cao và chất lượng tốt.

V. DỰ KIẾN KẾT QUẢ CỦA ĐỀ ÁN

1. Hình thành cơ sở dữ liệu nguồn gen và quỹ gen một số loài cây giống nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu quý hiếm, đặc hữu của An Giang có giá trị về kinh tế, giá trị nghiên cứu khoa học, quốc phòng - an ninh và bảo vệ môi trường. Là tiền đề để tiếp tục thực hiện Đề án bảo tồn nguồn các giống vật nuôi, thủy sản quý hiểm, đặc hữu của An Giang định hướng năm 2030.

2. Bảo tồn một số nguồn gen giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu bằng hình thức in situ in vitro.

3. Xây dựng một số quy trình kỹ thuật nhân giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu quý hiếm, đặc hữu của An Giang có tiềm năng phát triển kinh tế tại địa phương.

4. Xây dựng khu vực chuyên canh trồng một số giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu có giá trị kinh tế nhằm nâng cao đời sống người dân và phục vụ phát triển du lịch tại An Giang.

5. Xã hội hóa từ 1-2 giống cây nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu quý hiếm, đặc hữu của An Giang có giá trị kinh tế cao.

VI. DANH MỤC CÁC NHIỆM VỤ BẢO TỒN NGUỒN GEN THỰC HIỆN GIAI ĐOẠN 2021- 2025

(Xem phụ lục 3)

VII. DỰ KIẾN KINH PHÍ THỰC HIỆN

Tổng dự toán kinh phí thực hiện: 4,4 tỉ đồng, từ nguồn sự nghiệp khoa học và công nghệ của tỉnh được Trung ương giao hàng năm.

VIII. TỔ CHỨC THỰC HIỆN ĐỀ ÁN

1. Sở Khoa học và Công nghệ

Sở Khoa học và Công nghệ là đơn vị chủ quản. Chịu trách nhiệm chủ trì thẩm định nội dung và kinh phí thực hiện chương trình, đảm bảo đạt các mục tiêu đề ra theo định hướng phát triển khoa học và công nghệ phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế. Giám sát thực hiện tốt chương trình theo các nội dung đã được phê duyệt. Kịp thời có ý kiến điều chỉnh nội dung chương trình khi có phát sinh, vướng mắc. Cân đối đủ kinh phí và giải ngân phù hợp đảm bảo tiến độ thực hiện chương trình.

2. Các cơ quan, đơn vị khác

Các Sở, ban, ngành, UBND huyện, thị xã, thành phố, các tổ chức, cá nhân, các trường đại học, Viện nghiên cứu... trong và ngoài tỉnh phối hợp triển khai thực hiện Đề án./.

 

PHỤ LỤC 1:

HIỆN TRẠNG, TÌNH HÌNH VÀ KẾT QUẢ CÔNG TÁC BẢO TỒN, LƯU TRỮ NGUỒN GEN CỦA ĐỊA PHƯƠNG TỪ NĂM 2014 - 2020

Bảng 1. Danh mục các nguồn gen đang được bảo tồn, lưu trữ

STT

Đối tượng

Nguồn gốc

Số lượng (cây)

Phương pháp bảo tồn

Đơn vị thực hiện

1

Ba kích

Bảy núi, An Giang

50

Nuôi cấy mô

Trung tâm Công nghệ sinh học An Giang (TT CNSH AG)

2

Nghệ đen

Bảy núi, An Giang

30

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

3

Cỏ ngọt

Bảy núi, An Giang

100

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

4

Đinh lăng

Bảy núi, An Giang

200

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

5

Hà thủ ô trắng

Bảy núi, An Giang

50

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

6

Hà thủ ô đỏ

Bảy núi, An Giang

50

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

7

Bình vôi đỏ

Bảy núi, An Giang

10

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

8

Bình vôi trắng

Bảy núi, An Giang

150

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

9

Sâm bố chính

Bảy núi, An Giang

250

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

10

Ba gạc lá to

Bảy núi, An Giang

170

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

11

Lan gấm xanh

Bảy núi, An Giang

250

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

12

Lam gấm kim tuyến

Bảy núi, An Giang

220

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

13

Lan gấm tím

Bảy núi, An Giang

70

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

14

Ngải xanh

Bảy núi, An Giang

100

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

15

Bạch đàn U6

Bảy núi, An Giang

50

Nuôi cấy mô

TT CNSH AG

16

Ngải đen

Bảy núi, An Giang

80

Vườn cây đầu dòng trong nhà lưới

TT CNSH AG

17

Ngải trắng

Bảy núi, An Giang

40

Vườn cây đầu dòng trong nhà lưới

TT CNSH AG

18

Xoài thơm Vĩnh Hòa

Thị xã Tân Châu, An Giang

3

Duy trì cây đầu dòng tại địa phương

UBND thị xã Tân Châu

19

Cây Chúc

Thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên, An Giang

3

Duy trì cây đầu dòng tại địa phương

Viện Cây ăn quả miền Nam

20

Mãng cầu ta

Thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên, An Giang

2

Duy trì cây đầu dòng tại địa phương

Viện Cây ăn quả miền Nam

21

Xoài thanh ca đen

Thị trấn Nhà Bàng, Tịnh Biên, An Giang

2

Duy trì cây đầu dòng tại địa phương

Viện Cây ăn quả miền Nam

22

Sầu riêng Bảy núi

Xã An Hảo, Tịnh Biên, An Giang

2

Duy trì cây đầu dòng tại địa phương

Viện Cây ăn quả miền Nam

23

Nhãn Mỹ Đức

Xã Mỹ Đức, Châu Phú, An Giang

2

Duy trì cây đầu dòng tại địa phương

Viện Cây ăn quả miền Nam

 

Bảng 2. Danh mục các nguồn gen đưa vào khai thác hoặc sử dụng

STT

Đối tượng

Số lượng

Hình thức khai thác hoặc sử dụng

Đơn vị thực hiện

Kết quả thực hiện

1

Xoài thơm Vĩnh Hòa

630 cây giống

Vùng chuyên canh xoài thơm

Đại học Cần Thơ

Đã hoàn thành

2

Đinh lăng, Nghệ xà cừ, Xuyên tâm liên

5,2 ha

Vùng chuyên canh dược liệu

Phòng NN&PTNT huyện Tịnh Biên

Đã hoàn thành

3

Gà tàu

500 con giống

XD mô hình chăn nuôi thương phẩm

Đại học An Giang

Đã hoàn thành

4

Cá rô phi biển

20.000 con giống

Sản xuất cá giống thương phẩm

Đại học An Giang

Đã hoàn thành

5

Cá Heo nước ngọt

Cá Heo giống

Sản xuất cá giống thương phẩm

Đại học Cần Thơ

Đã hoàn thành

6

Cây Gấc OMC

6,6 ha canh tác

Vùng chuyên canh Gấc

Đại học Cần Thơ

Đã hoàn thành

 

Bảng 3. Danh mục các nguồn gen đã được tư liệu hóa

STT

Đối tượng

Đơn vị thực hiện

Kết quả thực hiện

1

Xoài thơm Vĩnh Hòa

Đại học Cần Thơ

Mô tả hình thái, chất lượng quả

2

Gấc OMC

Đại học Cần Thơ

Mô tả hình thái, chất lượng quả

3

Cây Chúc

Viện Cây ăn quả miền Nam

Mô tả hình thái, chất lượng quả

4

Xoài thanh ca đen

Viện Cây ăn quả miền Nam

Mô tả hình thái, chất lượng quả

5

Mãng cầu ta

Viện Cây ăn quả miền Nam

Mô tả hình thái, chất lượng quả

6

Nhãn Mỹ Đức

Viện Cây ăn quả miền Nam

Mô tả hình thái, chất lượng quả

7

Sầu riêng Núi Cấm

Viện Cây ăn quả miền Nam

Mô tả hình thái, chất lượng quả

8

Gà tàu vàng

Đại học An Giang

Mô tả hình thái, chất lượng sinh sản, thịt

 

Bảng 4. Các nhiệm vụ quỹ gen đã thực hiện

STT

Tên nhiệm vụ

Tổ chức, các nhân chủ trì

Thời gian thực hiện

1

Khôi phục và phát triển giống xoài thơm Vĩnh Hòa, TX. Tân Châu, tỉnh An Giang

Đại học Cần Thơ

2008-2014

2

Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống nhân tạo cá Heo (Botia modesta, Bleeker, 1865) ở tỉnh AG

Đại học Cần Thơ

2010-2014

3

Phát triển vùng canh tác Gấc cho sản xuất dược liệu tại huyện Tri Tôn, tỉnh An Giang

Đại học Cần Thơ

2012-2014

4

Phục tráng giống gà tàu vàng địa phương có sức tăng trọng cao, chất lượng thịt tốt

Đại học An Giang

2011-2014

5

Nghiên cứu kỹ thuật sản xuất giống cá rô biển (Pristolepis fasciata Bleeker, 1851) tại AG

Đại học An Giang

2012-2014

6

Xây dựng mô hình phát triển một số dược liệu tại vùng Núi Cấm, huyện Tịnh Biên - An Giang

Phòng NN&PTNT H. Tịnh Biên, AG

2014

7

Nghiên cứu, tuyển chọn cây đầu dòng các giống cây ăn quả bản địa của tỉnh An Giang

Viện Cây ăn quả miền Nam

2015-2018

8

Thu thập và lưu giữ một số giống cây trồng bằng phương pháp nuôi cấy mô

TT CNSH AG

2017

9

Sưu tập, bảo tồn một số loài cá bản địa quý hiếm

TT CNSH AG

2017

10

Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và bảo tồn cây dược liệu

TT CNSH AG

2017

11

Nghiên cứu xây dựng quy trình nhân giống và bảo tồn, phát triển giống, nguồn gen một số cây dược liệu tiềm năng bằng phương pháp tạo hạt nhân tạo

TT CNSH AG

2018

12

Nghiên cứu hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi cấy ngập chìm tạm thời trong vi nhân giống cây trồng sạch bệnh, phục vụ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tỉnh An giang

TT CNSH AG

2018

13

Ứng dụng công nghệ sinh học trong lưu giữ, bảo tồn nguồn gen một số giống cây trồng

TT CNSH AG

2019

 

PHỤ LỤC 2:

MỘT SỐ GIỐNG CÂY NÔNG NGHIỆP, LÂM NGHIỆP VÀ DƯỢC LIỆU CẦN ĐIỀU TRA, KHẢO SÁT

ST T

STT chủng

Tên nguồn gen

Các nội dung cần thực hiện nhằm bảo tồn nguồn gen

Tổ chức dự kiến chủ trì thực hiện nội dung bảo tồn

Địa điểm bảo tồn (xã/huyện/ tỉnh)

Tên thường gọi

Tên khoa học

I. CÂY NÔNG NGHIỆP ký hiệu STT là N (Số lượng: 8 nguồn gen)

1

N1

Mai vàng Tân Châu

Ochna integerrima

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

2

N2

Nhãn Mỹ Đức

Dimocarpus longan

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

3

N3

Sầu riêng Bảy Núi

Durio zibethinus

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

4

N4

Cây Chúc

Citrus hystrix

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

5

N5

Xoài thơm Vĩnh Hòa

Mangifera indica L

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

6

N6

Mãng cầu ta

Annona squamosa

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

7

N7

Vú sữa Óc Eo

Chrysophyllu m cainito

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

8

N8

Xoài thanh ca đen

Mangifera mekongensis

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

II. CÂY LÂM NGHIỆPký hiệu STT là L (Số lượng: 8 nguồn gen)

9

L1

Gõ mật

Sindora siamensis

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

10

L2

Cẩm lai

Dalbergia oliveri

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

11

L3

Lát hoa

Chukrasia tabularis

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

12

L4

Giáng hương

Pterocarpus macrocarpus

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

13

L5

Sến đỏ

Shorea roxburghii

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

14

L6

Quế khâu

Cinnamomu m zeylanicum

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

15

L7

Bên

Afzelia xylocarpa

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

16

L8

Trầm hương

Aquilaria crassna

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

III. DƯỢC LIỆUký hiệu STT là D (Số lượng: 9 nguồn)

17

D1

Hà thủ ô đỏ

Fallopia multiflora

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

18

D2

Bách bộ

Stemona tuberosa

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

19

D3

Mạch môn

Ophiopogon japonicus

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

20

D4

Ngải đen

Kaempferia parviflora

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

21

D5

Ngải tượng

Stephania rotunda

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

22

D6

Bí kỳ nam

Hydnophytu m formicarum

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

23

D7

Mật nhân

Eurycoma longifolia

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

24

D8

Ngũ gia bì gai

Acanthopana x trifoliatus

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

25

D9

Đinh lăng

Polyscias fruticosa

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

26

D10

Hà thủ ô trắng

Streptocaulo n juventas

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

27

D11

Sâm đất

Boerhaavia repens

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

28

D12

Ba gạc Châu Đốc

Rauvolfia chaudocensi s

Lưu trữ, bảo tồn

TT CNSH AG

TT CNSH AG

Tổng số

28 nguồn gen cây giống nông nghiệp, lâm nghiệp và dược liệu

 

Phụ lục 3. Danh mục các nhiệm vụ bảo tồn nguồn gen thực hiện giai đoạn 2021-2025

STT

Tên nhiệm vụ

Tên tổ chức chủ trì

Đối tượng

Dự kiến kinh phí (triệu đồng)

Ghi chú

1

Điều tra, khảo sát và đánh giá thực hiện nguồn gen quý hiếm tại tỉnh An Giang

TT CNSHAG

Cây trồng, vật nuôi, thủy sản quý hiếm tỉnh An Giang.

700

 

2

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây nông nghiệp đặc trưng tỉnh An Giang

TT CNSHAG

Mai vàng Tân Châu (Ochna integerrima), nhãn Mỹ Đức (Dimocarpus longan), sầu riêng Bảy Núi (Durio zibethinus), cây Chúc (Citrus hystrix), Xoài thơm Vĩnh Hòa (Mangifera indica L)

1.200

 

3

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây lâm nghiệp giá trị kinh tế cao tỉnh An Giang

TT CNSHAG

Gõ mật (Sindora siamensis), lát hoa (Chukrasia tabularis), cẩm lai (Dalbergia oliveri), giáng hương (Pterocarpus macrocarpus), sến đỏ (Shorea roxburghii)

1.300

 

4

Bảo tồn và lưu giữ nguồn gen cây dược liệu quý hiếm đặc trưng tỉnh An Giang

TT CNSHAG

Hà thủ ô đỏ (Fallopia multiflora), bách bộ (Stemona tuberosa), mạch môn (Ophiopogon japonicus), ngải đen (Kaempferia parviflora), ngải tượng (Stephania rotunda), Bí kỳ nam (Hydnophytum formicarum)

1.200