UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1196/2006/QĐ-UBND | Ninh Bình, ngày 05 tháng 6 năm 2006 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 22/2005/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật ban hành Văn bản Quy phạm pháp luật của HĐND và UBND ngày 3/12/2004;
Căn cứ Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/6/2004;
Căn cứ Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 của Chính phủ Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo;
Căn cứ vào thực trạng về tổ chức và hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký. Những Quy định trước đây của tỉnh trái với Quyết định này đều bãi bỏ.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Trưởng Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh, thủ trưởng các sở, ban, ngành, đoàn thể, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH |
VỀ VIỆC HƯỚNG DẪN THỰC HIỆN MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO VÀ NGHỊ ĐỊNH SỐ 22/2005/NĐ-CP CỦA CHÍNH PHỦ HƯỚNG DẪN THI HÀNH MỘT SỐ ĐIỀU CỦA PHÁP LỆNH TÍN NGƯỠNG, TÔN GIÁO.
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 1196/2006/QĐ-UBND ngày 05 tháng 6 năm 2006 của UBND tỉnh Ninh Bình)
Quy định này quy định về việc hướng dẫn thực hiện một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và một số điều của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 của Chính phủ hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Quy định này được áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước có liên quan đến tổ chức và hoạt động tôn giáo trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 3. Giải thích từ ngữ trong văn bản
1. Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/6/2004 gọi là: Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo;
2. Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ngày 1/3/2005 của Chính phủ Hướng dẫn thi hành một số điều của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo gọi là: Nghị định số 22/2005/NĐ-CP ;
3. UBND huyện, thị xã gọi là: UBND cấp huyện;
4. UBND xã, phường, thị trấn gọi là: UBND cấp xã;
5. Thời gian quy định trong văn bản được tính là: ngày làm việc;
6. Nghị định số 16/2005/NĐ-CP ngày 7/2/2005 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình gọi là: Nghị định số 16/2005/NĐ-CP .
Điều 4. Tổ chức lễ hội tín ngưỡng
1. Những lễ hội tín ngưỡng quy định tại Khoản 1, Điều 4 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP , UBND tỉnh uỷ quyền cho Sở Văn hóa - Thông tin thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ và thực hiện việc thẩm định để trình UBND tỉnh xem xét quyết định. Trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ của người đề nghị tổ chức lễ hội tín ngưỡng, Sở Văn hoá - Thông tin có văn bản đề nghị UBND tỉnh xem xét quyết định. Trong thời hạn 3 ngày kể từ ngày nhận được văn bản đề nghị của Sở Văn hoá - Thông tin, UBND tỉnh có quyết định chấp thuận hoặc không chấp thuận bằng văn bản để trả lời cho người tổ chức lễ hội.
2. Những lễ hội tín ngưỡng quy định tại Khoản 2, Điều 4 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP nếu có liên quan đến nhiều xã, nhiều huyện thì trong thời gian 5 ngày kể từ khi nhận được thông báo của người tổ chức lễ hội, UBND cấp xã nơi tổ chức lễ hội có trách nhiệm báo cáo bằng văn bản với UBND cấp huyện (cấp trên trực tiếp) để xem xét cho ý kiến chỉ đạo. Trong thời gian 5 ngày kể từ ngày nhận được văn bản báo cáo của UBND cấp xã nơi tổ chức lễ hội thì UBND cấp huyện có ý kiến bằng văn bản trả lời cho UBND cấp xã biết để UBND cấp xã xem xét, quyết định và thông báo cho người tổ chức lễ hội.
Điều 5. Thành lập, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất tổ chức tôn giáo cơ sở và giáo họ đạo Công giáo
Việc thành lập mới, chia, tách, sáp nhập, hợp nhất phải có sự chấp thuận của UBND tỉnh và phải bảo đảm đúng quy định về điều kiện, trình tự, thủ tục quy định tại Điều 9, Điều 10 của Nghị định 22/2005/NĐ-CP .
Điều 6. Đăng ký hội đoàn, dòng tu, tu viện
1. Việc đăng ký hội đoàn, dòng tu, tu viện và các tổ chức tu hành tập thể khác của tôn giáo được thực hiện theo quy định tại Điều 19, Điều 20 của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo và theo quy định tại Điều 11, Điều 12 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP .
2. Cơ quan có thẩm quyền đăng ký thông báo kết quả giải quyết đăng ký hội đoàn, dòng tu, tu viện cho tổ chức hoặc người đề nghị đăng ký hội đoàn, dòng tu, tu viện, đồng thời thông báo cho UBND cấp huyện và cấp xã nơi tổ chức hội đoàn, dòng tu, tu viện đặt trụ sở.
Điều 7. Tổ chức tôn giáo mở lớp bồi dưỡng
1. Tổ chức tôn giáo mở lớp bồi dưỡng cho những người chuyên hoạt động tôn giáo được thực hiện theo quy định tại Điều 15 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP .
2. Tổ chức tôn giáo mở lớp bồi dưỡng cho những đối tượng không thuộc quy định tại Khoản 1 điều này và Điều 15 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP có trách nhiệm gửi văn bản đề nghị đến UBND cấp huyện nơi mở lớp. Nội dung văn bản đề nghị mở lớp bồi dưỡng thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Điều 15 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, UBND cấp huyện xem xét, quyết định và trả lời cho tổ chức tôn giáo, đồng thời có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp xã nơi mở lớp bồi dưỡng.
Điều 8. Đăng ký đào tạo cho những người chuyên hoạt động tôn giáo
1. Tổ chức tôn giáo khi cử người đi học tại các trường đào tạo, bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo ở trong nước có trách nhiệm gửi hồ sơ đăng ký với UBND tỉnh qua Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh. Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận hồ sơ để xem xét và tham mưu cho UBND tỉnh giải quyết. Trong thời hạn 20 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ của tổ chức tôn giáo, Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh phải chuyển hồ sơ và văn bản đề nghị về UBND tỉnh để xem xét quyết định.
2. Những người được tổ chức tôn giáo cử đi học tại các trường đào tạo, bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo ở trong nước phải có hộ khẩu thường trú tại địa phương và phải bảo đảm các điều kiện, tiêu chuẩn quy định của Nhà nước; điều kiện, tiêu chuẩn quy định của tổ chức tôn giáo và của trường đào tạo, bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo.
3. Hồ sơ đăng ký cử người đi học tại các trường đào tạo, bồi dưỡng người chuyên hoạt động tôn giáo gồm:
a. Thông báo tuyển sinh của nhà trường;
b. Danh sách những người được cử đi học và có xác nhận của người đứng đầu trực tiếp của tổ chức tôn giáo cụ thể: Đối với đạo Công giáo phải có sự xác nhận của Giám mục; đối với đạo Phật giáo phải có sự xác nhận của Trưởng Ban trị sự hoặc Phó trưởng Ban trị sự;
c. Đơn xin đi học của người đi học hoặc văn bản đề nghị của tổ chức tôn giáo cử người đi học;
d. Sơ yếu lý lịch của người đi học (theo mẫu thống nhất quy định của Nhà nước).
4. Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ và văn bản đề nghị của Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh, UBND tỉnh xem xét, quyết định trả lời cho tổ chức tôn giáo.
Điều 9. Đăng ký người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử
1. Việc đăng ký đối với những người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử thuộc thẩm quyền của Ban Tôn giáo Chính phủ được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, 3, 4 và Điểm a, Khoản 5, Điều 16 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP .
2. Việc đăng ký đối với những người được phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử thuộc thẩm quyền của UBND cấp tỉnh quy định tại Khoản 2, Điều 16 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP được phân cấp thực hiện như sau:
a. Tổ chức tôn giáo cơ sở có trách nhiệm đăng ký với UBND cấp xã nơi tổ chức tôn giáo đặt trụ sở về: Danh sách Ban hộ tự chùa (đạo Phật), danh sách Ban chấp hành giáo họ (đạo Công giáo);
b. Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm đăng ký với UBND cấp huyện nơi tổ chức tôn giáo đặt trụ sở về: Danh sách Ban đại diện Phật giáo (đạo Phật), danh sách người đứng đầu các hội đoàn tôn giáo, danh sách Ban chấp hành giáo xứ (đạo Công giáo);
c. Tổ chức tôn giáo có trách nhiệm đăng ký với UBND tỉnh qua Ban Tôn giáo và dân tộc tỉnh về:
- Danh sách Thụ giới Sa di, Tỷ khiêu; Danh sách Ban Trị sự Phật giáo (đạo Phật);
- Danh sách truyền chức Linh mục, dòng tu, danh sách tu sỹ dòng tu được khấn trọn (đạo Công giáo).
d. Hồ sơ, thủ tục đăng ký
- Đối với những trường hợp tại Điểm c, Khoản 2 điều này thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 16 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP .
- Đối với những trường hợp tại Điểm a, Điểm b Khoản 2 điều này đăng ký danh sách trong đó nêu rõ họ, tên, chức vụ và phạm vi phụ trách của người được bầu cử, suy cử.
e. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ của tổ chức tôn giáo, UBND cấp có thẩm quyền quy định tại Điểm a, Điểm b, Điểm c của Khoản này có ý kiến trả lời kết quả giải quyết việc đăng ký phong chức, phong phẩm, bổ nhiệm, bầu cử, suy cử cho tổ chức tôn giáo (trình tự về thời gian giải quyết đối với trường hợp thuộc thẩm quyền UBND tỉnh được thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Khoản 4 của Điều 8 quy định này).
f. UBND cấp có thẩm quyền quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản này có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp dưới trực tiếp nơi có tổ chức tôn giáo đăng ký.
Điều 10. Thuyên chuyển nơi hoạt động của chức sắc, nhà tu hành
1. Việc thuyên chuyển nơi hoạt động của chức sắc, nhà tu hành được thực hiện theo quy định tại Điều 18, Điều 19 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP .
2. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ đăng ký thuyên chuyển nơi hoạt động của chức sắc, nhà tu hành của tổ chức tôn giáo, UBND cấp huyện có trách nhiệm gửi danh sách của chức sắc, nhà tu hành mà tổ chức tôn giáo đăng ký thuyên chuyển về Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh.
Điều 11. Đăng ký người tu hành
1. Việc đăng ký người vào tu thực hiện theo quy định tại Điều 22 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP .
2. Tổ chức tôn giáo khi nhận người vào tu có trách nhiệm báo cáo với người quản lý cấp trên trực tiếp của tổ chức tôn giáo và thực hiện những quy định của pháp luật về đăng ký quản lý hộ khẩu; chỉ được nhận người vào tu khi đã thực hiện đúng quy định của pháp luật về đăng ký quản lý hộ khẩu.
Điều 12. Đăng ký hoạt động tôn giáo
1. Hoạt động tôn giáo ngoài chương trình đã đăng ký của tổ chức tôn giáo cơ sở được thực hiện theo quy định của Điều 21 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP và Điều 18 của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
2. Những cuộc lễ của tổ chức tôn giáo diễn ra ngoài cơ sở tôn giáo được thực hiện theo quy định tại Điều 26 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP và Điều 25 của Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo.
3. UBND cấp có thẩm quyền chấp thuận việc đăng ký hoạt động tôn giáo của tổ chức tôn giáo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 của điều này có trách nhiệm thông báo cho UBND cấp dưới trực tiếp.
Điều 13. Tổ chức hội nghị, đại hội, của tổ chức tôn giáo
1. Việc tổ chức hội nghị, đại hội của tổ chức tôn giáo thực hiện theo quy định tại Điều 23, Điều 25 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP .
2. UBND cấp có thẩm quyền giải quyết quy định tại Khoản 3, Điều 23 và Khoản 3, Điều 25 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP có trách nhiệm thông báo bằng văn bản về kết quả giải quyết việc chấp thuận hoặc không chấp thuận cho tổ chức tôn giáo tổ chức hội nghị, đại hội và cho UBND cấp dưới trực tiếp nơi tổ chức tôn giáo tổ chức hội nghị, đại hội.
Điều 14. Việc xây dựng mới, việc cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc tín ngưỡng, tôn giáo
1. Việc xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp làm thay đổi kiến trúc công trình tín ngưỡng, tôn giáo theo quy định tại Điều 29 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP đều phải được cấp phép xây dựng.
2. UBND tỉnh uỷ quyền cho Giám đốc Sở Xây dựng cấp phép xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp công trình chính: Chùa, Nhà thờ, Tháp chuông, Tam quan, trụ sở làm việc của tổ chức tôn giáo.
3. UBND tỉnh uỷ quyền cho Chủ tịch UBND cấp huyện cấp phép xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp công trình kiến trúc tôn giáo không thuộc các công trình quy định tại Khoản 2 điều này.
4. Thẩm quyền cấp phép xây dựng đối với công trình tín ngưỡng được thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Điều 21 của Nghị định số 16/2005/NĐ-CP .
5. Trình tự, thủ tục cấp phép xây dựng mới và cải tạo, nâng cấp công trình tín ngưỡng, tôn giáo thực hiện theo quy định tại Khoản 2, Khoản 3 Điều 29 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP .
6. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình UBND các cấp và các cơ quan chuyên môn giúp việc cho UBND các cấp quản lý về xây dựng có trách nhiệm thực hiện việc kiểm tra, giám sát việc thực hiện xây dựng, cải tạo, nâng cấp các công trình tín ngưỡng, tôn giáo ở địa phương.
Điều 15. Việc xuất cảnh của chức sắc, nhà tu hành
Đối với chức sắc, nhà tu hành xuất cảnh quy định tại Điều 34 của Nghị định số 22/2005/NĐ-CP được thực hiện theo quy định của pháp luật về xuất nhập cảnh và khi chức sắc, nhà tu hành xuất cảnh phải thực hiện việc đăng ký với cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền về tạm trú, tạm vắng theo quy định của pháp luật.
Điều 16. Việc làm chủ lễ của chức sắc, nhà tu hành là Việt kiều có nguyên quán tại địa phương
Chức sắc, nhà tu hành là Việt kiều có nguyên quán tại địa phương tham gia làm chủ lễ tại cơ sở thờ tự phải được người phụ trách cơ sở thờ tự tại địa phương chấp thuận. Người phụ trách cơ sở thờ tự có trách nhiệm gửi văn bản thông báo cho UBND cấp xã nơi thờ tự. Nội dung văn bản thông báo ghi rõ họ tên, chức vị, quốc tịch của nhà chức sắc, nhà tu hành, chương trình, thời gian, địa điểm, thành phần dự lễ.
Điều 17. Trách nhiệm của Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh
1. Tham mưu và giúp việc cho UBND tỉnh chỉ đạo triển khai, tổ chức thực hiện quy định này đến các cấp, các ngành, các tổ chức tôn giáo ở địa phương.
2. Giúp UBND tỉnh hướng dẫn việc tổ chức thực hiện và kiểm tra, đôn đốc các cấp, các ngành, các tổ chức và cá nhân có liên quan thực hiện nghiêm túc quy định này.
3. Tổng hợp báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện với UBND tỉnh theo chế độ báo cáo định kỳ và yêu cầu của UBND tỉnh.
Điều 18. Trách nhiệm của các cấp, các ngành ở địa phương
Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của mình, các cấp, các ngành ở địa phương có trách nhiệm triển khai và phối hợp tổ chức thực hiện nghiêm túc quy định này.
Điều 19. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức, cá nhân thực hiện tốt quy định này và những quy định khác của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo được động viên, khen thưởng kịp thời theo quy định của pháp luật về thi đua khen thưởng.
2. Tổ chức, cá nhân vi phạm quy định này và những quy định khác của pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Điều 20. Việc sửa đổi, bổ sung quy định
Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có khó khăn, vướng mắc các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm phản ánh về Ban Tôn giáo và Dân tộc tỉnh để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh giải quyết và sửa đổi, bổ sung kịp thời./.
- 1 Quyết định 146/QĐ-UBND năm 2013 bãi bỏ Quyết định 1196/2006/QĐ-UBND Quy định về hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo do tỉnh Ninh Bình ban hành
- 2 Quyết định 361/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành từ ngày 01/4/1992 đến ngày 31/12/2013
- 3 Quyết định 361/QĐ-UBND năm 2014 công bố kết quả rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình ban hành từ ngày 01/4/1992 đến ngày 31/12/2013
- 1 Quyết định 2564/2006/QĐ-UBND về thực hiện Pháp lệnh Tín ngưỡng, tôn giáo trên địa bàn tỉnh Phú Thọ
- 2 Quyết định 16/2005/QĐ-UB về kế hoạch tuyên truyền, phổ biến Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 3 Nghị định 22/2005/NĐ-CP Hướng dẫn Pháp lệnh tín ngưỡng, tôn giáo
- 4 Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 2004
- 5 Pháp lệnh Tín ngưỡng, Tôn giáo năm 2004
- 6 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003