ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/2013/QĐ-UBND | Ninh Bình, ngày 12 tháng 08 năm 2013 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CHỨC NĂNG TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật An toàn thực phẩm ngày 17 tháng 6 năm 2010;
Căn cứ Nghị định số 38/2012/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ Quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn thực phẩm;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Y tế tại Tờ trình số 84/TTr-SYT ngày 21 tháng 6 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị chức năng của tỉnh và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
PHỐI HỢP GIỮA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ CHỨC NĂNG TRONG CÔNG TÁC BẢO ĐẢM AN TOÀN THỰC PHẨM TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2013/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình)
Chương 1.
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Phạm vi điều chỉnh
Quy chế này quy định nguyên tắc trách nhiệm và nội dung quan hệ phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng trong công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình.
Điều 2. Đối tượng áp dụng
Quy chế này áp dụng đối với cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình, bao gồm: Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công thương và Công an tỉnh.
Điều 3. Nguyên tắc phối hợp
1. Chấp hành sự lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp của UBND tỉnh và các Bộ, Ngành Trung ương.
2. Bảo đảm sự phối hợp chặt chẽ, thống nhất giữa các cơ quan, đơn vị có chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trong công tác quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh, tránh hình thức, chồng chéo, bỏ trống nhiệm vụ ảnh hưởng đến hiệu quả của công tác này.
3. Hoạt động phối hợp dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của từng cơ quan, đơn vị; tuân thủ quy định của pháp luật trong hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật, tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy định về an toàn thực phẩm trong phạm vi quản lý của đơn vị.
4. Bảo đảm kỷ cương, khách quan trong quá trình phối hợp, cùng phát hiện những điểm bất hợp lý, chưa phù hợp trong việc tổ chức thực hiện để kịp thời điều chỉnh cho phù hợp với nhiệm vụ, bảo đảm được yêu cầu chuyên môn, chất lượng và thời gian phối hợp. Phát huy tính chủ động và tinh thần trách nhiệm để công tác quản lý an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công đạt hiệu quả cao nhất.
5. Cơ quan phối hợp khi nhận được yêu cầu phối hợp trong công tác quản lý an toàn thực phẩm của cơ quan chủ trì phải thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về lĩnh vực, chuyên môn quản lý của ngành mình.
Điều 4. Nội dung phối hợp
1. Xây dựng chiến lược, kế hoạch, quy hoạch, đề án về an toàn thực phẩm của tỉnh.
2. Tuyên truyền phổ biến Luật An toàn thực phẩm và các văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm;
3. Thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm trong lĩnh vực bảo đảm an toàn thực phẩm.
4. Quản lý chuyên môn, nghiệp vụ.
5. Thông tin, báo cáo.
Chương 2.
TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC PHỐI HỢP
Điều 5. Trách nhiệm của Sở Y tế
1. Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm (VSATTP) tỉnh, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh thực hiện thống nhất nhiệm vụ quản lý an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; tổ chức điều phối các hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm theo kế hoạch của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP; là đầu mối tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Y tế.
2. Chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện:
a) Chiến lược, quy hoạch, kế hoạch tổng thể của tỉnh về an toàn thực phẩm.
b) Chiến lược, chính sách, quy hoạch, kế hoạch và văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
3. Chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, sơ chế, chế biến thực phẩm, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý của Bộ Y tế.
4. Tham mưu cho UBND tỉnh thành lập đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành về VSATTP của tỉnh; Chủ trì, phối hợp với các Sở chuyên ngành thực hiện thanh tra, kiểm tra định kỳ hoặc đột xuất: Công tác quản lý an toàn thực phẩm tại các tuyến; đối với toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm khi có sự chỉ đạo của Trung ương, UBND tỉnh; khi phát hiện thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm lưu thông trên địa bàn có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng; khi có sự khác biệt trong kết luận thanh tra của các Sở chuyên ngành; theo đề nghị của Sở chuyên ngành.
5. Tổ chức việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm pháp luật về VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
6. Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý, các cơ sở bếp ăn tập thể, khách sạn, khu nghỉ dưỡng, nhà hàng, cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố. Cấp Giấy Tiếp nhận bản công bố hợp quy; Giấy Xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm, Giấy Xác nhận tập huấn kiến thức về VSATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
7. Thực hiện chương trình giám sát, phòng ngừa ngăn chặn sự cố an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý theo quy định tại Điều 52 của Luật An toàn thực phẩm.
8. Chủ động giám sát ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm. Khi xảy ra ngộ độc thực phẩm có trách nhiệm tổ chức cấp cứu, điều trị kịp thời cho người bị ngộ độc thực phẩm; điều tra nguyên nhân và giám sát điều tra căn nguyên, tiến hành truy xuất nguồn gốc, xử lý thực phẩm gây ngộ độc và tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả.
9. Định kỳ hàng năm tổ chức kiểm tra tình hình an toàn thực phẩm trên địa bàn, là đầu mối giám sát mối nguy gây ô nhiễm thực phẩm trên địa bàn.
Điều 6. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
1. Chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
2. Chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, thu gom, giết mổ, sơ chế, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
3. Quản lý an toàn thực phẩm đối với chợ đầu mối, đấu giá nông sản trên địa bàn tỉnh.
4. Phối hợp với các cơ quan có liên quan tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích đầu tư xây dựng cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung bảo đảm an toàn thực phẩm.
5. Phối hợp với Sở Y tế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra liên ngành về VSATTP, cử cán bộ có trách nhiệm tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP; Chủ trì tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
6. Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý. Cấp Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm (trường hợp xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm có công bố tác dụng tới sức khỏe phải có ý kiến của Sở Y tế); Giấy Xác nhận tập huấn kiến thức về VSATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
7. Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ thông tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với Sở Y tế điều tra nguyên nhân và giám sát điều tra nguyên nhân, tiến hành truy xuất nguồn gốc, xử lý thực phẩm gây ngộ độc và tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả.
8. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh và theo đề nghị của Sở Y tế liên quan đến lĩnh vực cần phối hợp.
Điều 7. Trách nhiệm của Sở Công thương
1. Chủ trì, tham mưu giúp UBND tỉnh ban hành và tổ chức thực hiện các chính sách, chiến lược, quy hoạch, kế hoạch, văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
2. Chịu trách nhiệm quản lý an toàn thực phẩm trong suốt quá trình sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển, kinh doanh đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn tỉnh theo phân cấp quản lý của Bộ Công thương.
3. Quản lý an toàn thực phẩm đối với các chợ, siêu thị, và các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối hàng hóa thực phẩm trên địa bàn tỉnh.
4. Phối hợp với Sở Y tế trong hoạt động thanh tra, kiểm tra về liên ngành về VSATTP, cử cán bộ có trách nhiệm tham gia đoàn kiểm tra liên ngành về VSATTP; Chủ trì tổ chức thực hiện việc thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về VSATTP đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
5. Cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý; Cấp Giấy Xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm (trường hợp xác nhận nội dung quảng cáo thực phẩm có công bố tác dụng tới sức khỏe phải có ý kiến của Sở Y tế); Giấy Xác nhận tập huấn kiến thức về VSATTP cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý.
6. Chủ trì việc phòng chống thực phẩm giả, gian lận thương mại trên thị trường đối với tất cả các loại thực phẩm, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, dụng cụ, vật liệu bao gói, chứa đựng thực phẩm.
7. Có trách nhiệm cung cấp đầy đủ hồ sơ thông tin liên quan tới nguồn gốc thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm thuộc phạm vi quản lý; phối hợp với Sở Y tế điều tra nguyên nhân và giám sát điều tra nguyên nhân, tiến hành truy xuất nguồn gốc, xử lý thực phẩm gây ngộ độc và tiến hành các biện pháp khắc phục hậu quả.
8. Thực hiện chế độ thông tin, báo cáo theo quy định của Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh và theo đề nghị của Sở Y tế liên quan đến lĩnh vực cần phối hợp.
Điều 8. Trách nhiệm của Công an tỉnh
1. Tổ chức việc điều tra, xử lý các vụ việc vi phạm trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, vận chuyển thực phẩm theo quy định của pháp luật.
2. Phối hợp với các đơn vị liên quan triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra, kiểm soát việc vận chuyển, sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo chức năng nhiệm vụ.
Chương 3.
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 9. Chế độ hội họp và báo cáo
1. Định kỳ 6 tháng 1 lần, Sở Y tế chủ trì tổ chức họp với các cơ quan, đơn vị phối hợp để đánh giá kết quả thực hiện chương trình, lập kế hoạch và đề ra phương hướng nhiệm vụ thời gian tới; báo cáo đề xuất UBND tỉnh có những chỉ đạo kịp thời phù hợp với tình hình thực tế. Trường hợp đột xuất, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành về VSATTP tỉnh triệu tập họp bất thường để giải quyết vụ việc.
2. Các cơ quan, đơn vị chức năng báo cáo: Kế hoạch, kết quả các hoạt động tổ chức, triển khai thực hiện công tác bảo đảm an toàn thực phẩm thuộc lĩnh vực được phân công quản lý về Sở Y tế (cơ quan thường trực) định kỳ 3 tháng, 6 tháng, 9 tháng, 1 năm trước ngày 10 của tháng tiếp theo và đột xuất khi có yêu cầu.
Điều 10. Tổ chức triển khai thực hiện quy chế
1. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm phổ biến, hướng dẫn, thực hiện nghiêm túc Quy chế này. Trong quá trình thực hiện có vướng mắc cần phải bổ sung, điều chỉnh phản ánh về Ban chỉ đạo (qua Sở Y tế) để tổng hợp, đề xuất UBND tỉnh quyết định.
2. Sở Y tế có trách nhiệm giúp Ban chỉ đạo theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này; hàng năm có báo cáo đánh giá kết quả thực hiện, tập hợp tiếp thu các ý kiến đề xuất của các đơn vị nhằm thực hiện tốt nhiệm vụ được giao./.
- 1 Quyết định 5996/QĐ-UBND năm 2017 về Bộ tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội
- 2 Kế hoạch liên ngành 1181/KHLN-CA-VH,TT&DL năm 2014 phối hợp bảo đảm an toàn, văn minh khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 3 Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2013 bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 4 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2013 tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 5 Nghị định 38/2012/NĐ-CP hướng dẫn Luật an toàn thực phẩm
- 6 Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2011 về tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 7 Luật an toàn thực phẩm 2010
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Chỉ thị 16/CT-UBND năm 2011 về tăng cường các biện pháp bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm tại các bếp ăn tập thể do tỉnh Thanh Hóa ban hành
- 2 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2013 tăng cường chỉ đạo phát triển chăn nuôi, nuôi thủy sản; phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm, thủy sản và bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất nông, lâm, thủy sản trên địa bàn Thành phố Hà Nội
- 3 Chỉ thị 12/CT-UBND năm 2013 bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh Hà Giang
- 4 Kế hoạch liên ngành 1181/KHLN-CA-VH,TT&DL năm 2014 phối hợp bảo đảm an toàn, văn minh khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh Ninh Bình
- 5 Quyết định 5996/QĐ-UBND năm 2017 về Bộ tiêu chí chấm điểm công tác an toàn thực phẩm tại quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn và cơ sở sản xuất, chế biến kinh doanh thực phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội