Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH THỪA THIÊN HUẾ
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 12/2013/QĐ-UBND

Thừa Thiên Huế, ngày 04 tháng 4 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN TRẠM THU, PHÁT SÓNG THÔNG TIN DI ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020

UỶ BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Quy hoạch đô thị ngày 17 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Luật Viễn thông ngày 23 tháng 11 năm 2009;

Căn cứ Nghị định số 12/2009/NĐ-CP ngày 12 tháng 02 năm 2009 của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình;

Căn cứ Nghị định số 37/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý quy hoạch đô thị;

Căn cứ Nghị định số 38/2010/NĐ-CP ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ về việc quản lý không gian, kiến trúc, cảnh quan đô thị;

Căn cứ Nghị định số 25/2011/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2011 của Chính phủ về việc quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Viễn thông;

Căn cứ Nghị định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực viễn thông;

Căn cứ Quyết định số 32/2012/QĐ-TTg ngày 27 tháng 7 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt quy hoạch phát triển viễn thông quốc gia đến năm 2020;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT ngày 11 tháng 12 năm 2007 của Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về cấp phép xây dựng đối với công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động ở đô thị.

Căn cứ Quyết định số 629/QĐ-UBND ngày 04 tháng 4 năm 2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế về phê duyệt Quy hoạch phát triển trạm thu phát sóng thông tin di động tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 167/TTr-STTTT ngày 26 tháng 3 năm 2013 về việc đề nghị ban hành Quyết định quy định về quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định về quản lý và tổ chức thực hiện Quy hoạch phát triển trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông, Giám đốc Sở Xây dựng, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, và các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng, phát triển các trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Phan Ngọc Thọ

 

QUY ĐỊNH

VỀ QUẢN LÝ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN TRẠM THU, PHÁT SÓNG THÔNG TIN DI ĐỘNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THỪA THIÊN HUẾ ĐẾN NĂM 2020

(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/2013/QĐ-UBND ngày 04/4/2013 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Quy định này quy định về việc quản lý và tổ chức thực hiện các nội dung liên quan quy hoạch phát triển các trạm thu, phát sóng thông tin di động (gọi tắt là trạm BTS) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Các cơ quan, đơn vị quản lý nhà nước; các doanh nghiệp hoạt động về viễn thông; các tổ chức, cá nhân khi tham gia các hoạt động có liên quan đến quản lý, đầu tư xây dựng trạm BTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phải tuân thủ Quy định này và chấp hành các quy định có liên quan khác của pháp luật.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Quy hoạch phát triển trạm BTS là mục tiêu, định hướng, giải pháp và cơ chế chính sách về phát triển trạm BTS; phát triển và cải tạo trạm BTS nhằm đảm bảo đảm bảo mỹ quan đô thị, đảm bảo cảnh quan kiến trúc, theo hướng dùng chung giữa các doanh nghiệp, sử dụng chung hạ tầng giữa các công nghệ và đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân. Quy hoạch phát triển trạm BTS bao gồm Quy hoạch phát triển phát triển trạm BTS đến năm 2020 và cải tạo hạ tầng trạm BTS hiện tại.

2. Đầu tư xây dựng trạm BTS là toàn bộ các hoạt động xây dựng mới, cải tạo trạm BTS.

Điều 3. Các nguyên tắc trong quản lý và đầu tư

1. Đầu tư xây dựng trạm BTS phải phù hợp với Quy hoạch phát triển trạm BTS đã được phê duyệt theo hướng hình thành hệ thống BTS dùng chung cho các tổ chức cung cấp dịch vụ viễn thông.

2. Minh bạch trong đầu tư, quản lý đầu tư và xử lý nghiêm minh các vi phạm trong việc quản lý, đầu tư trạm BTS trên địa bàn.

3. Tạo điều kiện thuận lợi trong việc kêu gọi đầu tư trạm BTS trên địa bàn.

4. Các cơ quan quản lý nhà nước theo chức năng, nhiệm vụ có liên quan đến xây dựng trạm BTS căn cứ vào Quy hoạch phát triển trạm BTS được phê duyệt chịu trách nhiệm hướng dẫn các nhà đầu tư thực hiện đúng Quy hoạch và kế hoạch đầu tư phát triển trạm BTS.

5. Nghiêm cấm việc xây dựng trạm BTS khi chưa có giấy phép xây dựng của cấp có thẩm quyền.

6. Các tổ chức, doanh nghiệp đang quản lý, vận hành các trạm BTS chưa phù hợp Quy hoạch hoặc không có giấy phép xây dựng phải có kế hoạch, lộ trình tháo dỡ, cải tạo và hoàn tất các thủ tục đầu tư theo Quy định này.

Chương II

QUẢN LÝ XÂY DỰNG TRẠM BTS THEO QUY HOẠCH

Điều 4. Công bố quy hoạch

UBND tỉnh tổ chức công bố, công khai quy hoạch phát triển trạm thu, phát sóng thông tin di động trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030; đồng thời, phổ biến Quy định này để các tổ chức, cá nhân có liên quan biết và thực hiện.

Điều 5. Quản lý quy hoạch trạm BTS

1. Sở Thông tin và Truyền thông tham mưu UBND tỉnh thực hiện:

a) Quản lý quy hoạch; tham mưu bổ sung, điều chỉnh quy hoạch trạm BTS trên địa bàn tỉnh;

b) Tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quy định về xây dựng và cấp phép xây dựng trạm BTS.

2. Các sở, ban, ngành và UBND các huyện, thị xã, thành phố thực hiện chức năng quản lý nhà nước về xây dựng trên địa bàn và các nhiệm vụ được phân công tại Quy định này.

Chương III

TỔ CHỨC XÂY DỰNG TRẠM BTS THEO QUY HOẠCH

Điều 6. Quy định về đầu tư xây dựng trạm BTS

1. Căn cứ Quy hoạch phát triển trạm BTS cho giai đoạn 2013 - 2015 và 2016 - 2020 đã được UBND tỉnh phê duyệt, Sở Thông tin và Truyền thông tiến hành lập kế hoạch xây dựng trạm BTS hằng năm để phổ biến rộng rãi cho các nhà đầu tư triển khai thực hiện việc đầu tư xây dựng trạm BTS trên địa bàn tỉnh.

2. Trên cơ sở quy hoạch phát triển trạm BTS được duyệt và kế hoạch xây dựng trạm BTS hằng năm đã được Sở Thông tin và Truyền thông phê duyệt, Sở Thông tin và Truyền thông công khai Quy hoạch và công bố chi tiết, cụ thể từng vị trí xây dựng trạm BTS trên bản đồ GIS được phổ biến trên trang Web của Sở để UBND các huyện, thị xã, thành phố theo dõi quản lý đầu tư xây dựng trên địa bàn và cho các chủ đầu tư triển khai đầu tư xây dựng.

3. Căn cứ Quy hoạch phát triển trạm BTS đã được phê duyệt, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm bố trí quỹ đất (nếu có )và chỉ đạo nhân dân tạo điều kiện cho các chủ đầu tư triển khai xây dựng trạm BTS trên địa bàn.

4. Sở Xây dựng khi cấp phép xây dựng các tòa nhà cao tầng, các khu chung cư…phải yêu cầu chủ đầu tư bố trí không gian để cho các doanh nghiệp viễn thông lắp đặt trạm BTS theo dạng ngụy trang hoặc phân tán phù hợp với quy hoạch đã được duyệt.

5. Các chủ đầu tư khi có nhu cầu phát triển, mở rộng mạng lưới trạm BTS phải lập kế hoạch đầu tư xây dựng hằng năm gửi Sở Thông tin và Truyền thông để xem xét phê duyệt đúng theo quy hoạch và kế hoạch xây dựng trạm BTS.

6. Sở Thông tin và Truyền thông trên cơ sở kế hoạch của các doanh nghiệp đăng ký hàng năm để lựa chọn những vị trí trùng nhau trong phạm vi dưới 200 mét và chủ trì tổ chức hội nghị thỏa thuận với các doanh nghiệp hoặc tiến hành lựa chọn, chỉ định doanh nghiệp để giao vị trí xây dựng và bắt buộc chia sẽ, sử dụng chung hạ tầng đối với những vị trí có nhiều doanh nghiệp dự kiến đầu tư xây dựng.

7. Ưu tiên cho các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng trạm BTS tại các vị trí bắt buộc dùng chung để tạo sự cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp viễn thông.

8. Việc cấp giấy phép xây dựng được thực hiện theo Quy định về trình tự thủ tục xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động (BTS) trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế do UBND tỉnh ban hành.

Điều 7. Quy định bắt buộc khi xây dựng trạm BTS

1. Đối với các khu vực thành phố Huế gồm các phường Thuận Lộc, Thuận Thành, Thuận Hòa, Tây Lộc, Vĩnh Ninh, Phú Nhuận, Phú Hội: chỉ cho phép lắp đặt trạm loại 2b hoặc trạm nguy trang. Không cho phép xây dựng trạm loại 2a và trạm loại 1.

2. Khu vực các trung tâm thị xã (nội thị) thuộc các thị xã, khu vực trung tâm các thị trấn thuộc các huyện: chỉ cho phép lắp đặt trạm loại 2b hoặc trạm nguy trang. Không cho phép xây dựng trạm loại 2a và trạm loại 1.

3. Khu vực đô thị, khu dân cư với kiến trúc nhà xây dựng theo kiểu liền kề; không cho phép xây dựng hạ tầng trạm thu phát sóng loại 1, loại 2a tại vị trí nhà sát mặt đường (mặt đường các tuyến đường, tuyến phố chính, tuyến đường trục; Riêng đối với trạm ngụy trang được khuyến khích lắp đặt tại mọi vị trí).

4. Khu vực một số xã, phường nằm trong vùng phụ cận tĩnh không sườn sân bay Phú Bài, quy định độ cao tối đa của trạm BTS không quá 45m tính từ cốt đất.

5. Khi xây dựng các trạm BTS tại khu vực nông thôn và một số khu vực cho phép xây dựng trạm BTS loại 1 trong thành phố Huế bắt buộc mỗi vị trí xây dựng phải đảm bảo sử dụng cho 2 đến 4 doanh nghiệp dùng chung.

6. Việc xây dựng, lắp đặt các trạm BTS trong mọi trường hợp phải đảm bảo an toàn cho công trình, công trình lân cận; đáp ứng các quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, không gây ảnh hưởng tới môi trường, sức khỏe cho cộng đồng; đảm bảo tuân thủ quy hoạch xây dựng, kiến trúc, cảnh quan đô thị.

Điều 8. Xử lý các trạm BTS xây dựng không có giấy phép, không phù hợp quy hoạch

1. Kiểm tra lập biên bản hiện trường, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ trạm BTS xây dựng vi phạm.

2. Cưỡng chế tháo dỡ nếu chủ đầu tư không thực hiện việc tháo dỡ trạm BTS vi phạm. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về toàn bộ chi phí lập phương án phá dỡ (nếu có) và chi phí tổ chức cưỡng chế tháo dỡ.

3. Lộ trình thực hiện: Trên cơ sở quy hoạch phát triển trạm BTS đến năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra các trạm BTS không có giấy phép, không phù hợp với các quy định của quy hoạch phân bố theo từng vùng để lập kế hoạch xử lý tháo dỡ từ năm 2013 đến năm 2015. Thông báo đến từng doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân cho thuê mặt bằng lắp đặt trạm BTS về tình trạng cấp phép và không phù hợp quy hoạch đối với các trạm này.

4. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý đúng theo quy định đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc phá dỡ trạm BTS theo quy hoạch.

Điều 9. Xử lý các trạm BTS được cấp giấy phép nhưng không phù hợp quy hoạch

1. Kiểm tra lập biên bản hiện trường, yêu cầu chủ đầu tư tự phá dỡ trạm BTS xây dựng vi phạm.

2. Nhà nước sẽ đền bù chi phí cho việc phá dỡ căn cứ định mức quy định của nhà nước.

3. Lộ trình thực hiện: Trên cơ sở số lượng các trạm BTS có giấy phép đã được phê duyệt trong quy hoạch phát triển trạm BTS đến năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra các trạm BTS không phù hợp với các quy định của quy hoạch phân bố theo từng vùng để lập kế hoạch xử lý tháo dỡ từ năm 2013 đến năm 2015.

4. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thành phố, thị xã tổ chức thực hiện việc phá dỡ, đền bù trạm BTS đúng theo quy định.

Điều 10. Xử lý các trạm BTS xây dựng không có giấy phép nhưng phù hợp quy hoạch

1. Kiểm tra lập biên bản hiện trường, xử phạt hành chính theo quy định và yêu cầu chủ đầu tư phải tiến hành làm thủ tục để hợp thức hóa xin cấp phép theo quy trình cấp phép xây dựng do UBND tỉnh ban hành. Đối với các trạm BTS xây dựng trước thời điểm Thông tư liên tịch số 12/2007/TTLT/BXD-BTTTT ngày 11/12/2007 của Bộ Xây dựng và Bộ Thông tin và Truyền thông hướng dẫn về cấp phép xây dựng đối với các công trình trạm thu, phát sóng thông tin di động ở các đô thị thì không cần phải bổ sung làm thủ tục cấp phép.

2. Lộ trình thực hiện: trong vòng 6 tháng kể từ ngày ban hành Quy định này, các chủ đầu tư phải hoàn thành thủ tục để hợp thức hóa cấp giấy phép.

3. Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tổ chức thực hiện việc xác định các trạm BTS xây dựng không có giấy phép nhưng phù hợp với quy hoạch và hướng dẫn cấp phép trạm BTS đúng theo quy định.

Điều 11. Cải tạo trạm BTS được cấp giấy phép xây dựng và phù hợp Quy hoạch

1. Mục đích cải tạo: Cải tạo các trạm BTS loại 2 hiện có thành các trạm 2a hoặc 2b hoặc ngụy trang nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và cung cấp dịch vụ.

2. Khu vực cải tạo:

a) Khu vực thành phố Huế, trung tâm thị trấn, thị xã (nội thị);

b) Khu vực có yêu cầu cao về mỹ quan.

3. Lộ trình cải tạo:

a) Trên cơ sở số lượng bắt buộc cải tạo các trạm BTS loại 2 đã được phê duyệt trong Quy hoạch phát triển trạm BTS đến năm 2020, Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố tiến hành kiểm tra các trạm thu phát sóng loại 2 dựa vào đặc điểm các trạm BTS loại 2 phân bố theo từng vùng để lập kế hoạch cải tạo theo năm cho các giai đoạn 2013 - 2017.

b) Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân sở hữu các trạm BTS loại 2 bắt buộc cải tạo đã được phê duyệt trong quy hoạch phát triển trạm BTS đến năm 2020 phải chấp hành nghiêm túc việc thực hiện cải tạo đúng theo kế hoạch hằng năm đã được duyệt.

4. Xử lý các trạm BTS không thực hiện việc cải tạo

a) Giao Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý đúng theo quy định đối với các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc cải tạo trạm BTS theo quy hoạch.

b) Giao trách nhiệm cho UBND các huyện, thị xã, thành phố xử lý cưỡng chế, tháo dỡ đúng theo quy định đối với các trường hợp không cải tạo trạm BTS đúng theo quy hoạch.

c) Các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân không thực hiện việc cải tạo các trạm BTS phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước UBND tỉnh và phải chấp hành đúng theo pháp luật khi các cơ quan nhà nước tiến hành cưỡng chế, tháo dỡ.

Chương IV

TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

Điều 12. Tiến độ xử lý, cải tạo trạm BTS

1. Việc xử lý các trạm thu phát sóng không phù hợp quy hoạch hoặc chưa có giấy phép xây dựng phải triển khai ngay khi công bố quy hoạch và hoàn thành dứt điểm chậm nhất vào năm 2015.

2. Việc cải tạo, sắp xếp các trạm thu phát sóng loại 2 (Danh mục theo quy hoạch) phải triển khai ngay khi công bố quy hoạch và hoàn thành dứt điểm chậm nhất vào năm 2017, cụ thể:

- Từ 2013 - 2015: hoàn thành 100% các trạm tại khu vực thành phố Huế;

- Đến hết 2017: cải tạo dứt điểm các trạm còn lại tại các huyện, thị xã.

Điều 13. Tiến độ xây dựng phát triển trạm BTS

1. Từ năm 2013 - 2015: Hoàn thành xây dựng 285 trạm BTS.

2. Từ năm 2016 - 2020: Hoàn thành xây dựng 265 trạm BTS.

Điều 14. Dùng chung hạ tầng

1. Đến năm 2015: Đạt 35% tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng mạng di động.

2. Đến năm 2020: Đạt 50% tỷ lệ dùng chung cơ sở hạ tầng mạng di động.

Điều 15. Nhu cầu vốn đầu tư:

1. Năm 2013 - 2015: Hoàn thành đầu tư 700 triệu đồng cho dự án đầu tư trang thiết bị quản lý, giám sát phát triển trạm thu phát sóng thông tin di động.

2. Năm 2016 - 2020: Tiếp tục hoàn thành đầu tư 300 triệu đồng cho dự án đầu tư trang thiết bị quản lý, giám sát phát triển trạm thu phát sóng thông tin di động.

Chương V

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 16. Các doanh nghiệp chủ đầu tư các trạm BTS căn cứ tiến độ thực hiện Quy hoạch có trách nhiệm xây dựng và báo cáo UBND tỉnh, Sở Thông tin và Truyền thông Kế hoạch cải tạo, tháo dỡ và xây dựng mới trạm BTS phù hợp Quy hoạch. Báo cáo UBND tỉnh trong quý II/2013.

Điều 17. Sở Thông tin và Truyền thông, Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm:

- Kiểm tra, thanh tra Kế hoạch tháo dỡ, cải tạo của các doanh nghiệp chủ đầu tư trạm BTS.

- Tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo, đôn đốc việc thực hiện quy hoạch trạm BTS trên địa bàn đồng bộ, phù hợp với việc đầu tư phát triển quy hoạch ngành theo chức năng nhiệm vụ và theo quy định này.

Điều 18. Kiểm tra, xử lý vi phạm

1. Sở Thông tin và Truyền thông, UBNDcác huyện, thị xã, thành phố Huế, Thanh tra Sở Xây dựng có trách nhiệm kiểm tra, lập biên bản xử lý vi phạm, xử phạt vi phạm theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền xử phạt đối với hành vi vi phạm trong lĩnh vực viễn thông và quy hoạch phát triển trạm BTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế.

2. Các đơn vị, tổ chức, cá nhân vi phạm hoặc thực hiện không đúng nội dung của Quy định này, tùy theo mức độ, tính chất vi phạm sẽ bị xử lý theo Nghị định số 83/2011/NĐ-CP ngày 20 tháng 9 năm 2011 của Chính phủ về việc quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực Viễn thông và các quy định pháp luật hiện hành khác có liên quan.

Điều 19. Phân công tổ chức thực hiện

1. Sở Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm:

a) Chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng về các quy định có liên quan đến các hoạt động quản lý, quy hoạch phát triển trạm BTS;

b) Làm đầu mối kiểm tra, tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh về tình hình thực hiện Quy định này;

c) Chủ trì, phối hợp Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế kiểm tra việc thực hiện quy hoạch; đề xuất với UBND tỉnh phương án xử lý với các trạm BTS xây dựng không phù hợp hoặc ngoài quy hoạch phát triển trạm BTS đã được phê duyệt;

d) Thẩm định về sự phù hợp quy hoạch xây dựng trạm BTS; thẩm định thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công đối với các trạm BTS xây dựng ngụy trang nhằm đảm bảo theo tiêu chí về mỹ quan đô thị.

đ) Định kỳ hàng quý báo cáo UBND tỉnh tình hình thực hiện quy hoạch phát triển trạm BTS;

2. Sở Xây dựng, UBND các huyện, thị xã, thành phố Huế, Ban Quản lý Khu kinh tế Chân Mây - Lăng Cô thực hiện việc cấp phép xây dựng các trạm BTS tùy theo phân cấp, ủy quyền của UBND tỉnh.

3. Các doanh nghiệp hoạt động về viễn thông, các tổ chức, cá nhân tham gia các hoạt động liên quan đến quản lý, đầu tư xây dựng trạm BTS trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên Huế phải chấp hành nghiêm túc Quy định này.

4. Trong quá trình tổ chức thực hiện nếu có phát sinh những khó khăn, vướng mắc thì các đơn vị, tổ chức, cá nhân phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, quyết định./.