ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 12/QĐ-UBND | Bạc Liêu, ngày 16 tháng 02 năm 2011 |
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH BẠC LIÊU
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2011;
Căn cứ Nghị quyết số 12/2010/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011;
Căn cứ Nghị quyết số 33/2010/NQ-HĐND ngày 28 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc sửa đổi Nghị quyết số 12/2010/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011;
Theo đề nghị của Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh và Thủ trưởng các ngành chức năng có liên quan,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình hành động thực hiện nghị quyết của Chính phủ và Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011.
Điều 2. Căn cứ vào Chương trình hành động này, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:
- Chỉ đạo xây dựng kế hoạch và các giải pháp cụ thể của đơn vị, địa phương mình; tổ chức phối hợp với Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể các cấp kịp thời triển khai cho toàn thể cán bộ, công chức và nhân dân trên địa bàn tỉnh được biết và tổ chức thực hiện (Trừ những nội dung phải bảo mật theo quy định của nhà nước).
- Quá trình thực hiện, thường xuyên làm tốt công tác sơ, tổng kết hàng tháng, quý và vào cuối năm về tình hình thực hiện nhiệm vụ của các cấp, các ngành nhằm đảm bảo sự phối hợp xử lý, điều chỉnh, bổ sung các chủ trương, giải pháp được kịp thời.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố căn cứ quyết định thi hành.
Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.
| TM. UBND TỈNH |
THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT CỦA CHÍNH PHỦ VÀ HỘI ĐỒNG NHÂN DÂN TỈNH VỀ KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN KINH TẾ - XÃ HỘI NĂM 2011
(Ban hành kèm theo Quyết định số 12/QĐ-UBND ngày 16 tháng 02 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bạc Liêu)
Năm 2010, triển khai thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội trong điều kiện có nhiều khó khăn, nhưng nhờ có sự quyết tâm cao của các cấp, các ngành trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; sự giúp đỡ của Trung ương; sự nỗ lực phấn đấu vượt qua khó khăn của các tầng lớp nhân dân, của các doanh nghiệp nên tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực: Kinh tế tăng trưởng khá cao; các mặt văn hóa - xã hội có nhiều khởi sắc, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo; đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân tiếp tục được cải thiện, nâng lên.
Phát huy thành tích đã đạt được, bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2011 có ý nghĩa rất quan trọng, do đây là năm đầu tiên thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm, giai đoạn 2011 - 2015 để tạo đà phát triển cho những năm tiếp theo và cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV. Để triển khai thực hiện thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ, các chỉ tiêu kinh tế - xã hội theo nghị quyết của Chính phủ và của Hội đồng nhân dân tỉnh, Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng Chương trình hành động thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 như sau:
1. Mục đích
Đảm bảo sự thống nhất giữa các cấp, các ngành trong việc quán triệt và triển khai cụ thể hóa những nội dung trong nghị quyết của Chính phủ và nghị quyết của Hội đồng nhân dân tỉnh; nâng cao năng lực điều hành, quản lý nhà nước đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ mới, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ, chỉ tiêu nghị quyết đề ra với quyết tâm đạt được mục tiêu chung là: “Tập trung mọi nỗ lực thúc đẩy tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên cơ sở khai thác hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng nhanh khu vực công nghiệp và dịch vụ; bảo đảm công bằng xã hội, cải thiện và nâng cao mức sống vật chất và tinh thần của nhân dân; ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, giữ vững an ninh quốc phòng; tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính”
2. Yêu cầu
Cụ thể hóa đầy đủ, kịp thời và tổ chức thực hiện đạt kết quả 07 nhóm giải pháp của Chính phủ tại Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 và 10 nhiệm vụ được xác định trong Nghị quyết số 12/2010/NQ-HĐND ngày 08 tháng 12 năm 2010 của Hội đồng nhân dân tỉnh về nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội năm 2011, để đến cuối năm 2011 tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt từ 13% trở lên; cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh và đúng hướng, các chỉ tiêu chủ yếu đề ra đều đạt và vượt kế hoạch.
1. Tập trung công tác quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch
- Khẩn trương hoàn thành để trình Chính phủ phê duyệt quy hoạch tổng thể kinh tế - xã hội, quy hoạch xây dựng, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, thương mại và du lịch; quy hoạch xong 50 xã theo tiêu chí xây dựng nông thôn mới trong năm 2011; quy hoạch tổng thể thành phố Bạc Liêu (Đô thị loại 2), thiết kế kiến trúc đô thị các khu chức năng của thành phố; quy hoạch tổng thể các huyện và thị trấn, quy hoạch thị xã Hộ Phòng và Gành Hào. Trong đó, đặc biệt chú trọng đến chất lượng quy hoạch, thông qua việc lựa chọn kỹ đơn vị tư vấn phù hợp, có đầy đủ năng lực để thực hiện.
- Tập trung xây dựng quy hoạch và bố trí lại sản xuất nông nghiệp, thủy sản ở cả hai vùng Nam và Bắc quốc lộ IA, theo hướng sau:
+ Vùng Bắc quốc lộ 1A: Sẽ quan tâm quy hoạch ô thủy lợi khép kín; đầu tư thủy lợi, giao thông, khoa học công nghệ và vốn để nâng cao hiệu quả, năng suất, chất lượng nông phẩm; chỉ đạo các địa phương bố trí sản xuất hợp lý, đồng loạt nhằm tạo điều kiện thuận tiện cho công tác điều tiết nước. Chú ý áp dụng một số mô hình mới như: Mô hình liên kết sản xuất giữa nông dân và doanh nghiệp; doanh nghiệp thuê đất của nông dân để sản xuất và thuê nông dân làm công nhân; nông dân hợp tác với nông dân; kinh tế trang trại; doanh nghiệp đầu tư và bao tiêu sản phẩm để xây dựng một số cánh đồng lúa chất lượng cao. Đồng thời, nghiên cứu xây dựng thêm thương hiệu nông phẩm của Bạc Liêu và xây dựng dự án nông nghiệp công nghệ cao.
+ Vùng Nam quốc lộ IA: Đầu tư hạ tầng kỹ thuật, vốn, khoa học công nghệ và nguồn điện để nuôi trồng thủy sản theo hướng công nghiệp, thâm canh sâu để có chất lượng cao với diện tích 2.000ha; chuẩn bị tốt hạ tầng kỹ thuật để hàng năm tăng số diện tích nuôi theo hướng này, đến cuối nhiệm kỳ đạt 15.000ha; phần diện tích còn lại của phía Nam quốc lộ IA sẽ nuôi thủy sản theo hiện trạng, nhưng dần dần chuyển theo định hướng đã được Nghị quyết Đại hội đảng bộ tỉnh lần thứ XIV xác định. Trong năm 2011, xây dựng một vài mô hình nuôi tôm sinh thái (Tôm - rừng); triển khai trồng rừng phòng hộ để đảm bảo độ dày 500 mét từ đê ra biển, trước mắt tập trung thực hiện Chương trình 667 và Dự án RTZ (Khoảng 700 - 1.000ha). Quan tâm quy hoạch vùng sản xuất muối chất lượng cao; đầu tư khoa học, kỹ thuật công nghệ mới (Mô hình trải bạt).
- Tập trung chỉ đạo những giải pháp nhằm tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư; khai thác nội lực, thu hút ngoại lực; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo, giúp đỡ của Trung ương; mở rộng đối ngoại. Trong đó, chú trọng đặt lợi ích của Bạc Liêu trong sự hài hòa lợi ích của vùng, trong mối liên kết vùng, để Bạc Liêu cùng với các tỉnh trong vùng và cả nước cùng phát triển; tạo sự gắn bó, liên kết vùng, không chỉ về kinh tế mà cả tình cảm giữa lãnh đạo và nhân dân các tỉnh trong khu vực với nhau.
- Đảm bảo các nguồn lực để thực hiện đạt kết quả kế hoạch xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đề ra; tranh thủ nguồn hỗ trợ từ Trung ương tạo điều kiện thuận lợi cho huyện Phước Long thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; thu hút nguồn vốn đầu tư từ các thành phần kinh tế, doanh nghiệp cho các huyện đáp ứng một số tiêu chí về xây dựng nông thôn mới.
- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các chủ đầu tư thực hiện tốt cơ chế, chính sách về quản lý đầu tư phát triển; chống tình trạng khép kín trong đầu tư và xây dựng. Quản lý chặt chẽ vốn đầu tư từ ngân sách, trái phiếu Chính phủ; trong năm 2011, tập trung nguồn lực và ưu tiên bố trí vốn để hoàn thành các công trình chậm tiến độ và các công trình dự án khó khăn về nguồn vốn. Tăng cường công tác giám sát, thanh tra nhằm khắc phục tình trạng nhà thầu kém năng lực lại đảm nhận nhiều dự án, chống thất thoát, lãng phí và nâng cao chất lượng các dự án đầu tư xây dựng cơ bản trên địa bàn tỉnh.
- Tăng cường vận động xúc tiến đầu tư, tập trung vào các doanh nghiệp lớn, các tập đoàn kinh tế có thực lực mạnh để kêu gọi đầu tư vào các dự án, lĩnh vực mà tỉnh đang cần. Chủ động tiếp cận, hỗ trợ các nhà đầu tư tiềm năng có nhu cầu đầu tư vào Bạc Liêu.
- Khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ, giảm chi phí sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản xuất, kinh doanh, sức cạnh tranh của sản phẩm; quan tâm hỗ trợ xây dựng thương hiệu một số sản phẩm đặc trưng như: Gạo một bụi đỏ, măng tây, một số nhãn hiệu rượu sản xuất tại Bạc Liêu.
- Chỉ đạo triển khai xây dựng 15 Tuabin đầu tiên của Nhà máy Điện gió và khánh thành đưa vào sử dụng vào cuối năm 2011; lập dự án, kêu gọi đầu tư Cảng biển Gành Hào, Trung tâm Nhiệt điện Cái Cùng, hạ tầng Khu kinh tế Gành Hào, Khu công nghiệp Ninh Qưới và Láng Trâm, lấp đầy Khu công nghiệp Trà Kha.
- Tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ thi công các tuyến giao thông huyết mạch đang thi công dở dang và các đường về trung tâm xã; thông xe đê Biển Đông từ thành phố Bạc Liêu đi Gành Hào (Đoạn sông Cái Cùng sẽ dùng phà), khởi công cầu Giá Rai mới; khởi công nâng cấp, mở rộng đường Cao Văn Lầu, tuyến Bạc Liêu - Hưng Thành. Phấn đầu hoàn thành các tuyến đường Vĩnh Mỹ - Phước Long; Giá Rai - Gành Hào để tạo điều kiện kêu gọi đầu tư vào khu kinh tế, Cảng biển Gành Hào. Tập trung vốn để hoàn thành đập phân ranh mặn ngọt, các ô thủy lợi và các dự án đầu tư lưới điện, nhất là các dự án điện cho đồng bào dân tộc Khơmer; hoàn thành cơ bản bệnh viện tuyến huyện, dự án kiên cố hóa trường lớp, nhà ở công vụ giáo viên.
- Hoàn tất các điều kiện cần thiết để khởi công khu du lịch sinh thái Rồng Việt; đưa một số hạng mục Khu du lịch Nhà Mát đi vào hoạt động; nâng cấp và mở rộng các nhà hàng trên biển Nhà Mát; nâng cấp, mở rộng quy mô Khu du lịch Quán âm Phật đài; đưa Vườn chim vào khai thác du lịch với tính chuyên nghiệp hơn; khánh thành và đưa vào sử dụng công trình Bạc Liêu Tower; quy hoạch lại Khu nhà Công tử Bạc Liêu, kêu gọi nhà đầu tư chuyên nghiệp về du lịch để vào khai thác có hiệu quả thương hiệu này; lập một số dự án du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng khác để kêu gọi đầu tư, nhất là khu Giồng Nhãn, ven đê biển từ thành phố Bạc Liêu đến Gành Hào; kết nối các cơ sở và sản phẩm du lịch của Bạc Liêu vào tuyến du lịch Đồng bằng sông Cửu Long và Thành phố Hồ Chí Minh. Khánh thành và khởi công một số công trình văn hóa, thể thao của tỉnh như: Đền thờ Bác Hồ ở xã Châu Thới giai đoạn 1, nhà thi đấu JuDo, khởi công xây dựng Trung tâm Triển lãm Văn hóa - Văn học nghệ thuật, sân vận động, nhà thi đấu đa năng.
- Trong năm 2011, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tập trung cho việc nâng cấp thành phố Bạc Liêu trở thành đô thị loại 2. Trong đó, sẽ tiến hành khởi công xây dựng nhà máy xử lý rác và xử lý nước thải; tiếp tục chỉnh trang, nâng cấp hạ tầng trong nội ô, trong đó sẽ nối dài hai đầu đường Nguyễn Tất Thành, mở rộng đường Nguyễn Thị Minh Khai, hoàn thành quảng trường, đường Hùng Vương; nạo vét sông Bạc Liêu - Cà Mau (Đoạn qua địa bàn thành phố Bạc Liêu); khởi công xây dựng kè Bạc Liêu đoạn nội ô, kết hợp với thiết kế kiến trúc đô thị và chỉnh trang lại một số đoạn hai bên bờ sông Bạc Liêu; xây dựng cầu treo từ đầu đường Trần Huỳnh qua sông Bạc Liêu. Lập dự án di dời Khu hành chính thành phố Bạc Liêu ra hướng biển; đẩy nhanh tiến độ thi công và khởi công các dự án du lịch, khách sạn, đô thị mới, khu tái định cư nội và ngoại ô thành phố Bạc Liêu.
- Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chính thức phát động toàn dân thực hiện nếp sống văn minh đô thị với chủ đề “Xanh, sạch, đẹp, văn minh”, tập trung ở địa bàn thành phố. Trồng thêm cây xanh đường phố, hình thành các thảm xanh, lâm viên, xây dựng đường, khóm, phường không rác, dần dần tiến tới thành phố không rác là điểm nhấn chỉ đạo của tỉnh trong năm 2011.
- Cùng với việc nâng cấp thành phố Bạc Liêu lên đô thị loại II, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ chỉ đạo xây dựng huyện Đông Hải dần dần trở thành huyện trọng điểm về kinh tế của tỉnh, thông qua triển khai Khu kinh tế Biển Gành Hào, Cảng biển Gành Hào, Trung tâm Nhiệt điện Cái Cùng, xây dựng thị xã Gành Hào. Lập dự án, xây dựng hoàn thiện các tiêu chí để thành lập thị xã Hộ Phòng vào cuối nhiệm kỳ.
3. Đổi mới và vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách
- Tiếp tục tranh thủ Chính phủ và một số Bộ, ngành liên quan cho Bạc Liêu được hưởng một số chính sách đặc thù trên một số lĩnh vực như: Tài chính; tín dụng; cơ chế hỗ trợ và đầu tư hạ tầng các khu công nghiệp; miễn đấu giá quyền sử dụng đất một số dự án; chính sách thu hút đầu tư trên lĩnh vực dịch vụ - du lịch. Đồng thời, chỉ đạo, phối hợp đồng bộ và chặt chẽ giữa các cấp, các ngành trong thực hiện chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư đã ban hành.
- Tiếp tục chỉ đạo quyết liệt công tác cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo môi trường thật sự thông thoáng để thu hút đầu tư. Trong đó, có cắt giảm thủ tục theo Đề án 30 và chủ trương chung của nhà nước; đẩy mạnh phát triển công nghệ thông tin để phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội; quan tâm chỉ đạo ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác lãnh đạo của cấp ủy, điều hành của chính quyền, thông tin đầu tư và quản lý sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp. Năm 2011, sẽ xây dựng hệ thống kết nối trực tuyến giữa tỉnh với các huyện trong tỉnh để phục vụ yêu cầu lãnh đạo, chỉ đạo. Quyết tâm chỉ đạo để ứng dụng tốt khoa học công nghệ tiên tiến vào tất cả các lĩnh vực, nhằm tạo sự phát triển về năng suất, chất lượng, hiệu quả, nhất là trên lĩnh vực kinh tế. Theo đó, năm 2011 sẽ xây dựng trung tâm ứng dụng khoa học công nghệ của tỉnh, sử dụng có hiệu quả kinh phí đầu tư cho khoa học - công nghệ, tranh thủ Trung ương và các nguồn tài trợ của nước ngoài cho công tác này, xây dựng cho được các mô hình ứng dụng có hiệu quả để nhân rộng.
- Tiếp tục phân cấp mạnh trên một số lĩnh vực, nhất là trong lĩnh vực đầu tư xây dựng đảm bảo rõ ràng, minh bạch, tránh chồng chéo, khép kín, hay thả nổi quản lý. Tăng cường phân cấp thẩm quyền cho cấp huyện, cấp xã để giải quyết các yêu cầu của người dân một cách nhanh chóng, thuận lợi nhất.
4. Các giải pháp về giáo dục, đào tạo, dạy nghề, đảm bảo an sinh xã hội
- Đào tạo nguồn nhân lực sẽ tiếp tục là một trong những nội dung quan trọng hàng đầu được quan tâm. Trong đó, Ủy ban nhân dân tỉnh sẽ tăng cường chỉ đạo nâng cao chất lượng giáo dục - đào tạo ở các bậc học, ngành học, nhất là vấn đề giáo dục đạo đức học đường; quản lý, bố trí giờ giấc học, lịch nghỉ hè, nghỉ tết cho phù hợp, hài hòa, khoa học để vừa đảm bảo được chất lượng học tập, nhưng cũng phải bảo đảm sức khỏe, rèn luyện đạo đức, thể chất và các điều kiện vui chơi, giải trí khác cho học sinh, nhất là bậc tiểu học và trung học cơ sở.
- Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và có chính sách thu hút để có đội ngũ giáo viên giỏi, tâm huyết, trách nhiệm với nghề; xây dựng các trường chất lượng cao (Cả công lập và tư thục); đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục đến tất cả các cấp học, với chất lượng cao hơn, đáp ứng cho các đối tượng. Xem xét, quyết định giải thể, thành lập mới các trung tâm giáo dục thường xuyên tỉnh và trung tâm giáo dục thường xuyên thành phố. Huy động các nguồn lực ngoài nhà nước để đầu tư mở rộng, nâng cao chất lượng hoạt động của Trường Đại học Bạc Liêu v.v… (Đào tạo vào những ngành tỉnh đang và sẽ cần). Hình thành các cơ sở giáo dục nước ngoài tại Bạc Liêu…
- Chỉ đạo tăng cường các biện pháp thúc đẩy tạo thêm việc làm mới bao gồm khuyến khích đầu tư, kinh doanh, thành lập doanh nghiệp mới, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động; tăng cường cho vay giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, thực hiện có hiệu quả chương trình mục tiêu quốc gia về việc làm.
- Tập trung chỉ đạo thực hiện các chương trình quốc gia về giảm nghèo. Đổi mới công tác giảm nghèo theo hướng gắn kết việc thực hiện hệ thống chính sách an sinh xã hội với tăng cường giáo dục, hướng dẫn nhân dân tổ chức tốt cuộc sống gia đình, giáo dục con cái; ý thức cần kiệm trong chi tiêu, đảm bảo kế hoạch trả nợ vay ngân hàng; củng cố, bổ sung vào Ban Chỉ đạo giảm nghèo cơ sở các thành viên là nông dân sản xuất kinh doanh giỏi để hướng dẫn cách làm ăn thiết thực hơn.
- Đa dạng hóa các loại hình bảo hiểm xã hội, thực hiện tốt bảo hiểm xã hội tự nguyện. Huy động thêm nguồn lực cho công tác xóa đói giảm nghèo và thực hiện các chương trình xã hội cho các đối tượng đặc biệt khó khăn. Bảo đảm thực hiện tốt chính sách khám chữa bệnh và bảo hiểm y tế cho người nghèo.
- Thực hiện đầy đủ, kịp thời các chính sách bảo đảm an sinh xã hội, hỗ trợ các gia đình chính sách, người dân vùng khó khăn, vùng bị thiên tai, đồng bào dân tộc thiểu số. Khuyến khích và đa dạng hóa các hình thức trợ giúp xã hội của các tổ chức, cá nhân.
- Tranh thủ vốn Trung ương đầu tư và thực hiện tốt chính sách khuyến khích doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, nhà ở cho sinh viên, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, cho người lao động có thu nhập thấp. Triển khai thực hiện chủ trương xây dựng nhà ở cho sinh viên từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ.
5. Thực hiện tốt nhiệm vụ quốc phòng - an ninh, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
- Chỉ đạo các ngành, các cấp, nhất là lực lượng vũ trang xây dựng kế hoạch cụ thể để tổ chức thực hiện tốt công tác quân sự địa phương; xây dựng khu vực phòng thủ; làm tốt công tác gọi, tuyển chọn thanh niên nhập ngũ. Nâng cao chất lượng huấn luyện lực lượng dân quân tự vệ, lực lượng dự bị động viên và đảm bảo công tác hậu cần cho sẵn sàng chiến đấu.
- Tổ chức phối hợp chặt chẽ trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và âm mưu “Diễn biến hòa bình”, bạo loạn lật đổ để giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chỉ đạo thực hiện tốt công tác bảo vệ các ngày lễ lớn, các sự kiện quan trọng của tỉnh; thực hiện các cơ chế, chính sách nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của các ban bảo vệ dân phố; tổ tự quản; đội dân phòng. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục gắn với thường xuyên tuần tra, lập lại trật tự giao thông, làm dừng, giảm tai nạn giao thông trên địa bàn tỉnh.
- Quan tâm xem xét, giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của công dân theo hướng thận trọng, đảm bảo lợi ích, phù hợp luật pháp; tiếp tục đổi mới các chính sách bồi thường, hỗ trợ tái định cư, đảm bảo lợi ích chính đáng của người dân.
- Chỉ đạo xây dựng và triển khai thực hiện tốt kế hoạch bầu cử Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011 - 2016 theo kế hoạch chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
- Tổ chức thực hiện tốt kế hoạch đào tạo và bồi dưỡng năm 2011, nhằm nâng cao chất lượng về trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, lý luận chính trị của cán bộ, công chức, từng bước đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới. Kiểm tra việc thực hiện Nghị định số 92/CP của Chính phủ và Thông tư liên tịch số 03 của Bộ Nội vụ, Bộ Tài chính, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ công chức cấp xã, phường, thị trấn.
- Thực hiện kiên quyết, đồng bộ các giải pháp đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; nâng cao năng lực phát hiện và xử lý đúng quy định các hành vi tham nhũng, tiêu cực; đảm bảo công khai, minh bạch trong xây dựng và thực thi các chính sách, pháp luật của nhà nước. Tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; kiên quyết xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng. Phát huy vai trò của nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội, của báo chí trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí; tăng cường công tác phổ biến giáo dục pháp luật.
1. Tập thể Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp tục phát huy sự đoàn kết, nhất trí, gắn vai trò, trách nhiệm của từng thành viên trong việc đổi mới, nâng cao công tác chỉ đạo, điều hành; duy trì lề lối làm việc theo quy định trong quy chế làm việc đã ban hành; thực hiện nghiêm quy định của Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003. Đảm bảo mối quan hệ hợp tác chặt chẽ, đồng bộ trong Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh để điều hành công việc khoa học và đạt hiệu quả cao.
2. Tiếp tục thực hiện tốt quy chế phối hợp giữa Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân - Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh và Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh, nhất là những vấn đề liên quan đến công tác giám sát, tuyên truyền vận động quần chúng để thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Trung ương và của tỉnh; những vấn đề liên quan đến công tác tôn giáo, dân tộc, đồng thời tạo điều kiện cho các hoạt động từ thiện, cứu trợ của các đoàn thể thành viên trong mặt trận.
3. Các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ đã được phân công, xây dựng kế hoạch của ngành, địa phương mình để triển khai thực hiện nội dung Chương trình hành động này; trong quá trình thực hiện cần bám sát quy chế làm việc của Ủy ban nhân dân tỉnh, nhất là các nội dung quy định sự phối hợp liên ngành đối với các vấn đề có liên quan thuộc thẩm quyền ban hành của Ủy ban nhân dân tỉnh; tăng cường công tác kiểm tra việc thi hành các văn bản trong phạm vi quản lý nhà nước của ngành, địa phương mình.
4. Đồng thời, tập trung chỉ đạo việc xây dựng các đề án, Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV trên một số lĩnh vực trọng tâm như: Quy hoạch và điều chỉnh quy hoạch; nâng thành phố Bạc Liêu lên đô thị loại 2; xây dựng thị trấn Giá Rai - Hộ phòng thành thị xã; xây dựng nông thôn mới; phát triển kinh tế biển và vùng phía Nam; phát triển vùng kinh tế phía Bắc quốc lộ IA; đẩy mạnh phát triển công nghiệp và TTCN; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông; công nghệ thông tin; thu hút đầu tư; phát triển văn hóa; đào tạo nguồn nhân lực; giảm nghèo; cải cách hành chính và giải quyết các yêu cầu, khiếu nại của công dân...
5. Giám đốc, Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố tập trung chỉ đạo, tăng cường kiểm tra, đôn đốc việc triển khai thực hiện Chương trình hành động này; thực hiện nghiêm chế độ thông tin, báo cáo đảm bảo đáp ứng kịp thời cho hoạt động quản lý điều hành của Ủy ban nhân dân tỉnh; duy trì và phát huy hiệu quả các kênh thông tin và thực hiện tốt chế độ báo cáo định kỳ, đột xuất theo quy chế, để nắm bắt kịp thời, cụ thể diễn biến tình hình phát triển kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng, có giải pháp tốt hơn trong quá trình chỉ đạo, điều hành.
6. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc hoặc cần thiết phải điều chỉnh, bổ sung những nội dung cụ thể thuộc Chương trình hành động này, các sở, ban, ngành cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố chủ động phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, báo cáo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.
UBND TỈNH BẠC LIÊU
- 1 Quyết định 05/2013/QĐ-UBND về Quy định trách nhiệm và trình tự lập, phê duyệt và theo dõi, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 2 Quyết định 1875/QĐ-UBND năm 2012 về Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Nghị quyết 10/NQ-CP và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015
- 3 Nghị quyết 02/NQ-CP năm 2011 về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước do Chính phủ ban hành
- 4 Nghị quyết 162/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 do tỉnh Hòa Bình ban hành
- 5 Nghị quyết 12/2010/NQ-HĐND về phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 do Hội đồng nhân dân tỉnh Bạc Liêu khóa VII, kỳ họp thứ 20 ban hành
- 6 Thông tư liên tịch 03/2010/TTLT-BNV-BTC-BLĐTBXH hướng dẫn Nghị định 92/2009/NĐ-CP chức danh, số lượng, chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã do Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính - Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành
- 7 Nghị định 92/2009/NĐ-CP về chức danh, số lượng, một số chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức ở xã, phường, thị trấn và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 1875/QĐ-UBND năm 2012 về Chương trình hành động của Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai Nghị quyết 10/NQ-CP và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Khánh Hòa giai đoạn 2011-2015
- 2 Quyết định 05/2013/QĐ-UBND về Quy định trách nhiệm và trình tự lập, phê duyệt và theo dõi, đánh giá kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội hằng năm trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận
- 3 Nghị quyết 162/2010/NQ-HĐND về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2011 do tỉnh Hòa Bình ban hành