BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1200/QĐ-BKHCN | Hà Nội, ngày 09 tháng 5 năm 2011 |
BỘ TRƯỞNG BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
Căn cứ Luật Công nghệ Thông tin ngày 29/06/2006;
Căn cứ Luật Giao dịch điện tử ngày 29/11/2005;
Căn cứ Nghị định số 64/2007/NĐ-CP ngày 10/04/2007 của Chính phủ về ứng dụng Công nghệ Thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước;
Căn cứ Nghị định số 28/2008/NĐ-CP ngày 14/03/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ;
Căn cứ Quyết định số 1605/QĐ-TTg ngày 27/08/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng CNTT trong hoạt động cơ quan Nhà nước giai đoạn 2011-2015;
Xét đề nghị của các ông Giám đốc Trung tâm Tin học và Chánh Văn phòng Bộ,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế Triển khai, cung cấp trực tuyến dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ các tỉnh thành phố trực thuộc trung ương và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
TRIỂN KHAI, CUNG CẤP TRỰC TUYẾN DỊCH VỤ CÔNG THUỘC PHẠM VI CHỨC NĂNG QUẢN LÝ CỦA BỘ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1200/QĐ-BKHCN ngày 09/5/2011 của Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ)
Quy chế này quy định về nội dung và điều kiện để triển khai, quy trình xây dựng và phê duyệt kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN).
Quy chế này áp dụng đối với các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, các tổ chức được Bộ KH&CN giao, phân cấp hoặc ủy quyền cung cấp dịch vụ công, các tổ chức hoặc cá nhân liên quan tới việc cung cấp, sử dụng dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN.
Trong Quy chế này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:
1. Dịch vụ công do Bộ KH&CN quản lý là những thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động thực thi pháp luật, không nhằm mục tiêu lợi nhuận, do Bộ KH&CN (hoặc các tổ chức được Bộ KH&CN giao, phân cấp, ủy quyền) cung cấp cho các tổ chức và cá nhân dưới hình thức các loại giấy tờ có giá trị pháp lý trong các lĩnh vực thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN.
2. Dịch vụ công trực tuyến là dịch vụ công do Bộ KH&CN quản lý được cung cấp cho các tổ chức và cá nhân trên môi trường mạng. Mức độ trực tuyến của dịch vụ công được hiểu theo định nghĩa tại Điều 3 của Thông tư số 26/2009/TT-BTTTT ngày 31/07/2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định về việc cung cấp thông tin và đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử của cơ quan Nhà nước.
3. Thông điệp dữ liệu là thông tin được tạo ra, được gửi đi, được nhận và được lưu trữ bằng phương tiện điện tử.
4. Văn bản điện tử là văn bản được thể hiện dưới dạng thông điệp dữ liệu.
5. Hệ thống thông tin là hệ thống được tạo lập để gửi, nhận, lưu trữ, hiển thị hoặc thực hiện các xử lý khác đối với thông điệp dữ liệu.
6. Cơ sở dữ liệu là tập hợp các dữ liệu được sắp xếp, tổ chức để truy cập, khai thác, quản lý và cập nhật thông qua phương tiện điện tử.
7. Cơ sở hạ tầng thông tin là hệ thống trang thiết bị phục vụ cho việc sản xuất, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông tin số, bao gồm mạng viễn thông, mạng Internet, mạng máy tính và cơ sở dữ liệu.
8. Môi trường mạng là môi trường trong đó thông tin được cung cấp, truyền đưa, thu thập, xử lý, lưu trữ và trao đổi thông qua cơ sở hạ tầng thông tin.
VĂN BẢN ĐIỆN TỬ TRONG HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP TRỰC TUYẾN DỊCH VỤ CÔNG
Điều 4. Giá trị pháp lý của văn bản điện tử
1. Thông tin trong văn bản điện tử không bị phủ nhận giá trị pháp lý chỉ vì thông tin đó được thể hiện dưới dạng văn bản điện tử. Văn bản điện tử được thể hiện dưới hình thức chứng từ, biểu mẫu, hồ sơ, giấy phép, giấy chứng nhận và các hình thức tương tự khác ở dạng thông điệp dữ liệu.
2. Văn bản điện tử có giá trị như văn bản: Trường hợp pháp luật yêu cầu thông tin phải được thể hiện bằng văn bản thì văn bản điện tử được xem là đáp ứng yêu cầu này nếu thông tin chứa trong văn bản điện tử đó có thể truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết.
3. Văn bản điện tử có giá trị như bản gốc khi đáp ứng được các điều kiện sau đây:
a) Nội dung của văn bản điện tử được bảo đảm toàn vẹn kể từ khi được khởi tạo lần đầu tiên dưới dạng một văn bản điện tử hoàn chỉnh. Nội dung của văn bản điện tử được xem là toàn vẹn khi nội dung đó chưa bị thay đổi, trừ những thay đổi về hình thức phát sinh trong quá trình gửi, lưu trữ hoặc hiển thị văn bản điện tử;
b) Nội dung của văn bản điện tử có thể truy cập và sử dụng được dưới dạng hoàn chỉnh khi cần thiết.
4. Văn bản điện tử có giá trị làm chứng cứ
a) Văn bản điện tử không bị phủ nhận giá trị dùng làm chứng cứ chỉ vì đó là một văn bản điện tử.
b) Giá trị chứng cứ của văn bản điện tử được xác định căn cứ vào độ tin cậy của cách thức khởi tạo, lưu trữ hoặc truyền gửi văn bản điện tử; cách thức bảo đảm và duy trì tính toàn vẹn của văn bản điện tử; cách thức xác định người khởi tạo và các yếu tố phù hợp khác.
Điều 5. Gửi và nhận văn bản điện tử
Việc gửi và nhận văn bản điện tử tuân thủ theo các Điều 16, 17, 18, 19, 20 của Luật Giao dịch điện tử và thỏa mãn các quy định cụ thể của từng dịch vụ công trực tuyến.
Điều 6. Lưu trữ văn bản điện tử
Văn bản điện tử phải được lưu trữ trong hệ thống lưu trữ điện tử, đáp ứng các tiêu chuẩn được quy định tại Thông tư 01/2011/TT-BTTTT ngày 04/01/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông về việc công bố Danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng Công nghệ Thông tin (CNTT) trong cơ quan Nhà nước và thỏa mãn các điều kiện sau:
1. Nội dung của văn bản điện tử phải truy cập và sử dụng được để tham chiếu khi cần thiết;
2. Nội dung của văn bản điện tử phải được lưu trong chính khuôn dạng mà nó được khởi tạo, gửi, nhận hoặc trong khuôn dạng cho phép thể hiện chính xác, toàn vẹn nội dung văn bản điện tử đó;
3. Nội dung của văn bản điện tử phải được lưu trữ theo một cách thức nhất định, đảm bảo cho phép xác định nguồn gốc khởi tạo, nơi đến, thời gian gửi hoặc nhận văn bản điện tử;
4. Việc lưu trữ văn bản điện tử phải thực hiện theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định để bảo đảm an toàn, dễ dàng quản lý, truy nhập, tìm kiếm thông tin;
5. Sao lưu dữ liệu:
a) Định kỳ thực hiện việc sao lưu dữ liệu (tối thiểu 01 lần/tuần) để đảm bảo có thể nhanh chóng khôi phục lại hoạt động của hệ thống khi có xảy ra sự cố;
b) Dữ liệu tối thiểu cần được sao lưu: dữ liệu cấu hình hệ thống (quản lý người sử dụng; cấu hình thiết lập kênh thông tin,…); cơ sở dữ liệu lưu trữ nội dung và các dữ liệu liên quan khác.
Điều 7. Xây dựng văn bản điện tử
Các đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp trực tuyến dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN phải chủ trì và phối hợp với Trung tâm Tin học - Bộ KH&CN (TTTH) xây dựng văn bản điện tử sử dụng trong hoạt động cung cấp trực tuyến dịch vụ công mà đơn vị mình cung cấp. Các văn bản điện tử này phải tuân theo quy định của pháp luật và đáp ứng các yêu cầu sau đây:
1. Thông tin đơn giản, dễ hiểu, không chồng chéo, thống nhất từ trung ương tới địa phương và phù hợp với quy trình công việc liên quan;
2. Định dạng theo tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định trong Thông tư 01/2011/TT-BTTTT ngày 04/01/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông, dễ dàng tải xuống, hiển thị và in ấn bằng các phương tiện điện tử phổ biến;
3. Thông tin có sẵn trong cơ sở dữ liệu được khai thác để hạn chế việc nhập lại với cùng một nội dung;
4. Văn bản điện tử phải được Bộ KH&CN phê chuẩn và thống nhất sử dụng trong việc cung cấp trực tuyến đối với cùng một dịch vụ công, không phân biệt dịch vụ công đó được cung cấp từ các đơn vị thuộc Bộ KH&CN hay từ các tổ chức được Bộ KH&CN giao, phân cấp hoặc ủy quyền cung cấp.
ĐIỀU KIỆN ĐẢM BẢO CHO HOẠT ĐỘNG CUNG CẤP TRỰC TUYẾN DỊCH VỤ CÔNG
Điều 8. Xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin
1. Dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN khi cung cấp trực tuyến từ mức độ 3 trở lên phải được xây dựng và triển khai trên cơ sở hạ tầng thông tin của Bộ KH&CN, của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN hoặc của các tổ chức được Bộ KH&CN giao, phân cấp hoặc ủy quyền cung cấp dịch vụ công. Khuyến khích áp dụng nguyên tắc này đối với dịch vụ công cung cấp trực tuyến ở mức độ 1 và 2;
2. Nếu không sử dụng cơ sở hạ tầng thông tin của Bộ KH&CN, các đơn vị thuộc Bộ KH&CN phải chủ trì và phối hợp với TTTH trong việc đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin và môi trường mạng của đơn vị mình theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của Nhà nước;
3. Đối với các đơn vị không thuộc Bộ KH&CN, được giao, phân cấp hoặc ủy quyền cung cấp dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN, khi triển khai cung cấp trực tuyến, phải chủ động nâng cấp, xây dựng cơ sở hạ tầng thông tin và môi trường mạng của đơn vị mình theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật quy định của Nhà nước và không trái với các quy định tại Quy chế này.
4. Trên cơ sở đề nghị của các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, theo kế hoạch được Lãnh đạo Bộ phê duyệt, TTTH có trách nhiệm quy hoạch, phát triển và nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin của Bộ KH&CN để đảm bảo đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định trong việc cung cấp trực tuyến dịch vụ công.
Điều 9. Bảo đảm tính tương thích về công nghệ
1. Căn cứ vào tiêu chuẩn kỹ thuật được quy định tại Thông tư 01/2011/TT-BTTTT ngày 04/01/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông và các văn bản quy định khác có liên quan, các đơn vị thuộc Bộ KH&CN chủ trì và phối hợp với TTTH trong việc xây dựng và ban hành các quy chuẩn trao đổi dữ liệu điện tử sử dụng trong việc cung cấp trực tuyến dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN. Quy chuẩn này phải hỗ trợ cho việc trao đổi dữ liệu điện tử quốc tế.
2. Các tổ chức được Bộ KH&CN giao, phân cấp hoặc ủy quyền cung cấp dịch vụ công khi triển khai cung cấp trực tuyến phải:
a) Đầu tư xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng thông tin và môi trường mạng của đơn vị mình theo tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật quy định của Nhà nước; và
b) Áp dụng các quy chuẩn quy định tại Khoản 1 của Điều này đối với thông tin được trao đổi giữa hệ thống thông tin của đơn vị mình với hệ thống thông tin của Bộ KH&CN.
Điều 10. Phổ biến và hướng dẫn sử dụng dịch vụ công trực tuyến
Các đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp trực tuyến dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN chủ trì và phối hợp với TTTH để đảm bảo:
1. Công bố danh mục, địa chỉ, lộ trình cung cấp dịch vụ công trực tuyến do đơn vị mình cung cấp;
2. Hướng dẫn các đối tượng sử dụng dịch vụ công trực tuyến về pháp lý, công nghệ, kỹ năng và các điều kiện khác để các đối tượng này tham gia thành công và sử dụng có hiệu quả các dịch vụ công trực tuyến do đơn vị mình cung cấp;
3. Thực hiện việc tuyên truyền, quảng bá để thu hút các tổ chức, cá nhân ủng hộ và tham gia các dịch vụ công trực tuyến.
Điều 11. Bảo vệ thông tin cá nhân khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến
1. Các đơn vị thu thập, xử lý và sử dụng thông tin cá nhân trong hoạt động cung cấp trực tuyến dịch vụ công phải tuân thủ theo quy định tại Điều 21 của Luật CNTT, Thông tư 25/2010/TT-BTTTT ngày 15/11/2010 của Bộ Thông tin và Truyền thông quy định việc thu thập, sử dụng, chia sẻ, đảm bảo an toàn và bảo vệ thông tin cá nhân trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin
điện tử của cơ quan Nhà nước và các quy định pháp luật khác liên quan tới bảo vệ thông tin cá nhân.
2. Các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, các tổ chức được Bộ KH&CN giao, phân cấp hoặc ủy quyền cung cấp dịch vụ công, nắm giữ thông tin của các tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động cung cấp trực tuyến dịch vụ công phải có trách nhiệm bảo vệ những thông tin đó theo quy định của pháp luật.
XÂY DỰNG VÀ PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH CUNG CẤP TRỰC TUYẾN DỊCH VỤ CÔNG
Điều 12. Nguyên tắc xây dựng kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công
1. Các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, các tổ chức được Bộ KH&CN giao, phân cấp hoặc ủy quyền cung cấp dịch vụ công, chủ trì và phối hợp với TTTH, Văn phòng Bộ KH&CN, Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ KH&CN, xây dựng kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công do đơn vị mình trực tiếp cung cấp;
2. Kế hoạch phải phù hợp với chủ trương, chính sách, chiến lược, quy hoạch phát triển và ứng dụng CNTT của Đảng, Nhà nước và của Bộ KH&CN;
3. Kế hoạch phải phù hợp với các chương trình, đề án cải cách hành chính trên phạm vi quốc gia và ngành KH&CN.
Điều 13. Nội dung cơ bản của kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công
Các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, các tổ chức được Bộ KH&CN giao, phân cấp hoặc ủy quyền cung cấp dịch vụ công khi xây dựng kế hoạch phải đảm bảo có các thông tin cơ bản sau:
1. Danh mục: Liệt kê đầy đủ các dịch vụ công do đơn vị mình trực tiếp cung cấp. Nếu có những dịch vụ công đã và đang cung cấp trực tuyến, thì phải nêu rõ những dịch vụ công đó đang đạt mức độ nào;
2. Sự cần thiết và mục tiêu: Nêu rõ tình hình cung cấp từng dịch vụ công và sự cần thiết phải cung cấp trực tuyến dịch vụ công đó, mục tiêu là cung cấp ở mức độ nào hoặc nâng lên mức độ nào;
3. Nội dung và tiến độ: Xác định rõ nội dung công việc cần thực hiện, tiến độ thực hiện phù hợp để đảm bảo đạt được mục tiêu đề ra;
4. Dự toán kinh phí: Xác định kinh phí cho việc cung cấp trực tuyến từng dịch vụ công, bao gồm kinh phí đầu tư ban đầu và kinh phí vận hành hàng năm; nêu rõ cơ cấu nguồn: kinh phí đầu tư phát triển từ ngân sách Nhà nước, kinh phí hành chính sự nghiệp, kinh phí đóng góp của đối tượng thụ hưởng và các nguồn kinh phí khác;
5. Tổ chức thực hiện: Nêu phương án tổ chức, phương thức thực hiện, đơn vị chủ trì, đơn vị phối hợp, thời gian và địa điểm thực hiện;
6. Hiệu quả: Nêu rõ hiệu quả về kinh tế và xã hội, những lợi ích có được từ việc cung cấp trực tuyến dịch vụ công theo chức năng và nhiệm vụ được giao.
Điều 14. Quy trình thẩm định, phê duyệt kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công
Hồ sơ kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN (hồ sơ) phải được làm thành 03 bộ và gửi về Bộ KH&CN, thông qua Văn phòng Bộ KH&CN.
Hồ sơ bao gồm:
Đối với các đơn vị thuộc Bộ KH&CN:
- Công văn gửi Bộ KH&CN đề nghị phê duyệt kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công;
- Bản kế hoạch chi tiết với đầy đủ các nội dung chính quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Quy chế này.
b) Đối với các tổ chức không thuộc Bộ KH&CN, được giao, phân cấp hoặc ủy quyền cung cấp dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN:
- Công văn gửi Bộ KH&CN đề nghị phê duyệt kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN;
- Bản kế hoạch chi tiết với đầy đủ các nội dung quy định tại Điều 12 và Điều 13 của Quy chế này;
- Dự toán kinh phí thực hiện kế hoạch đã được cơ quan chức năng có thẩm quyền phê duyệt.
2. Thẩm định về thủ tục hành chính và công nghệ
a) Văn phòng Bộ KH&CN thẩm định sự phù hợp của hồ sơ theo quy định tại Điều 12, Điều 13, Khoản 1 của Điều 14 của Quy chế này và các quy định hiện hành khác của Bộ KH&CN;
b) Trung tâm Tin học - Bộ KH&CN thẩm định sự phù hợp của hồ sơ về mặt công nghệ theo các quy định của Quy chế này và quy định hiện hành của Nhà nước.
3. Thẩm định về đầu tư và kinh phí
Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ KH&CN chủ trì và phối hợp với TTTH thẩm định sự phù hợp của hồ sơ với hoạt động đầu tư phát triển của Bộ KH&CN, kinh phí từ nguồn ngân sách Nhà nước chi cho đầu tư phát triển, hành chính sự nghiệp và ứng dụng CNTT trong hoạt động của cơ quan Nhà nước.
4. Phê duyệt kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công
a) Văn phòng Bộ KH&CN chủ trì và phối hợp với Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ KH&CN và TTTH để tổng hợp ý kiến thẩm định của các đơn vị, trình Bộ trưởng Bộ KH&CN xem xét, phê duyệt kế hoạch.
b) Trong thời hạn 45 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ về kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công, Bộ KH&CN sẽ trả kết quả phê duyệt kế hoạch bằng văn bản.
Điều 15. Khen thưởng và xử lý vi phạm
1. Tổ chức và cá nhân thực hiện tốt việc triển khai, cung cấp trực tuyến dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN sẽ được xem xét khen thưởng hàng năm theo quy định.
2. Tổ chức và cá nhân có hành vi vi phạm các quy định về việc triển khai, cung cấp trực tuyến dịch vụ công thuộc phạm vi chức năng quản lý của Bộ KH&CN tại Quy chế này, tùy theo mức độ vi phạm sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật.
1. Các đơn vị thuộc Bộ KH&CN, các tổ chức được Bộ KH&CN giao, phân cấp hoặc ủy quyền cung cấp dịch vụ công có trách nhiệm:
a) Phải khảo sát và lập kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công phù hợp với những quy định tại Quy chế này, trình Lãnh đạo Bộ KH&CN phê duyệt và thực hiện;
b) Phối hợp với các đơn vị chức năng có liên quan tổ chức triển khai cung cấp trực tuyến dịch vụ công theo kế hoạch đã được Lãnh đạo Bộ KH&CN phê duyệt;
c) Định kỳ 06 tháng/năm báo cáo Lãnh đạo Bộ KH&CN về tình hình triển khai dịch vụ công trực tuyến của đơn vị mình.
2. Trách nhiệm của Trung tâm Tin học - Bộ KH&CN:
a) Chủ trì, phối hợp cùng Vụ Kế hoạch Tài chính - Bộ KH&CN và Văn phòng Bộ KH&CN, hàng năm hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quy chế này và tổng hợp báo cáo Bộ trưởng Bộ KH&CN;
b) Sẵn sàng phối hợp và tư vấn cho các đơn vị trong việc xây dựng và triển khai kế hoạch cung cấp trực tuyến dịch vụ công;
c) Tổng hợp các vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện Quy chế. Định kỳ hàng năm hoặc đột xuất (theo yêu cầu) báo cáo Bộ trưởng Bộ KH&CN xem xét, quyết định việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này./.
| KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Thông tư 01/2011/TT-BTTTT công bố danh mục tiêu chuẩn kỹ thuật về ứng dụng công nghệ thông tin trong cơ quan nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 2 Thông tư 25/2010/TT-BTTTT quy định việc thu thập, sử dụng, chia sẻ, đảm bảo an toàn và bảo vệ thông tin cá nhân trên trang thông tin điện tử hoặc cổng thông tin điện tử của cơ quan nhà nước do Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 3 Quyết định 1605/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Chương trình quốc gia về ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan nhà nước giai đoạn 2011 - 2015 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 4 Thông tư 26/2009/TT-BTTTT về việc cung cấp thông tin và đảm bảo khả năng truy cập thuận tiện đối với trang thông tin điện tử của cơ quan nhà nước do Bộ Thông tin và Truyền thông ban hành
- 5 Nghị định 28/2008/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Khoa học và Công nghệ
- 6 Nghị định 64/2007/NĐ-CP về việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động của cơ quan Nhà nước
- 7 Luật Công nghệ thông tin 2006
- 8 Luật Giao dịch điện tử 2005