BỘ TÀI CHÍNH | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 1200/QĐ-TCT | Hà Nội, ngày 13 tháng 9 năm 2007 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA TRƯỜNG NGHIỆP VỤ THUẾ
TỔNG CỤC TRƯỞNG
Căn cứ Quyết định số 76/2007/QĐ-TTg ngày 28/5/2007 của Thủ tướng Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính;
Căn cứ Quyết định số 2092/QĐ-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trường Nghiệp vụ Thuế trực thuộc Tổng cục Thuế;
Xét đề nghị của Trưởng Ban Tổ chức cán bộ và Giám đốc Trường Nghiệp vụ Thuế,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế tổ chức, hoạt động và quản lý tài chính của Trường Nghiệp vụ Thuế trực thuộc Tổng cục Thuế.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký, thay thế Quyết định số 571TCT/QĐ/TCCB ngày 17/3/2004 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế về việc ban hành quy chế hoạt động và quản lý tài chính của Trung tâm Bồi dưỡng nghiệp vụ thuế; Giám đốc Trường Nghiệp vụ Thuế, Trưởng Ban Tổ chức cán bộ, Trưởng Ban Tài vụ - Quản trị, Chánh Văn phòng Tổng cục Thuế và các đơn vị, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TỔNG CỤC TRƯỞNG |
QUY CHẾ
TỔ CHỨC, HOẠT ĐỘNG VÀ QUẢN LÝ TÀI CHÍNH CỦA TRƯỜNG NGHIỆP VỤ THUẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định 1200/QĐ-TCT ngày 13/9/2007 của Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)
I – QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Trường Nghiệp vụ Thuế có nhiệm vụ tổ chức thực hiện công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ về thuế và các kiến thức cần thiết khác cho cán bộ, công chức ngành Thuế; tổ chức bồi dưỡng các kiến thức liên quan đến lĩnh vực thuế cho người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan nhằm thực thi tốt pháp luật về thuế.
Tên giao dịch quốc tế: Vietnamese Tax College.
Điều 2. Trường Nghiệp vụ Thuế là đơn vị sự nghiệp, có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng, được mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước và Ngân hàng thương mại theo quy định của pháp luật.
Trường Nghiệp vụ Thuế có trụ sở chính tại Hà Nội và 2 phân hiệu tại Thừa Thiên Huế và Thành phố Hồ Chí Minh.
Điều 3. Trường Nghiệp vụ Thuế chịu sự chỉ đạo, kiểm tra, giám sát của Tổng cục Thuế và các cơ quan chức năng có thẩm quyền về các hoạt động của Trường theo quy định của pháp luật.
II – HOẠT ĐỘNG ĐÀO TẠO, BỒI DƯỠNG
Điều 4. Mục tiêu đào tạo, bồi dưỡng
1. Trang bị cho cán bộ, công chức, viên chức ngành Thuế kiến thức chuyên môn nghiệp vụ về thuế, đạo đức nghề nghiệp, văn hoá ứng xử và các kiến thức khác phục vụ cho công tác quản lý thuế;
2. Cập nhật và trang bị cho người nộp thuế và các tổ chức, cá nhân có liên quan các kiến thức có liên quan đến lĩnh vực thuế.
Điều 5. Đối tượng đào tạo, bồi dưỡng
1. Cán bộ, công chức, viên chức thuộc ngành Thuế, gồm:
- Công chức lãnh đạo và quy hoạch chức danh lãnh đạo các cấp trong ngành Thuế;
- Cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các bộ phận thuộc cơ quan Thuế các cấp;
- Công chức dự bị, công chức tập sự làm việc tại cơ quan Thuế các cấp.
2. Các tổ chức, cá nhân ngoài ngành Thuế, gồm:
- Tổ chức, cá nhân được cơ quan thuế uỷ nhiệm thu; tổ chức, cá nhân tham gia quản lý thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế;
- Người nộp thuế, tổ chức, cá nhân hoạt động hành nghề dịch vụ làm thủ tục về thuế;
- Các đối tượng khác.
Điều 6. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng
1. Đạo đức nghề nghiệp, văn hoá ứng xử của cán bộ, công chức thuế;
2. Các kiến thức pháp luật về thuế;
3. Kiến thức và kỹ năng quản lý thuế;
4. Kiến thức tin học và ứng dụng công nghệ thông tin quản lý thuế;
5. Các kiến thức kinh tế, tài chính, kế toán, pháp luật và các kiến thức khác có liên quan đến pháp luật thuế;
6. Các kiến thức theo tiêu chuẩn chức danh ngạch công chức;
7. Kiến thức và kỹ năng lãnh đạo quản lý.
Điều 7. Hình thức đào tạo, bồi dưỡng
Trường Nghiệp vụ Thuế tổ chức đào tạo, bồi dưỡng theo các hình thức: tập trung, tại chức, từ xa phù hợp với từng nội dung, đối tượng đào tạo. Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quyết định hình thức đào tạo phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Trường trên cơ sở đề nghị của Giám đốc Trường.
Điều 8. Chứng chỉ đào tạo, bồi dưỡng
1. Trường Nghiệp vụ Thuế cấp chứng chỉ cho những học viên đã qua khoá đào tạo, bồi dưỡng do Trường tổ chức khi đảm bảo đủ các điều kiện quy định; (Trừ các khoá đào tạo, bồi dưỡng dành riêng cho cán bộ lãnh đạo cơ quan Thuế thuộc thẩm quyền quản lý của Bộ truởng Bộ Tài chính và Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế)
2. Chứng chỉ do Trường cấp là một trong những căn cứ để cơ quan thuế và các cơ quan có thẩm quyền sắp xếp, bố trí, sử dụng, bổ nhiệm, đề bạt cán bộ, công chức thuế; là căn cứ để các tổ chức, hội nghề nghiệp xem xét, quyết định việc hành nghề của các cá nhân theo quy định của pháp luật.
III – TỔ CHỨC, BIÊN CHẾ
Điều 9. Cơ cấu tổ chức của Trường Nghiệp vụ Thuế
1. Các Phòng chức năng:
1.1. Phòng Đào tạo
1.2. Phòng Tổ chức – Hành chính – Quản trị - Tài vụ (gọi tắt là phòng Hành chính – Quản trị)
2. Các Khoa:
2.1. Khoa Cơ bản
2.2. Khoa Quản lý thuế
Trong khoa có các bộ môn.
3. Các Phân hiệu:
3.1. Phân hiệu miền Trung đặt tại tỉnh Thừa Thiên – Huế
3.2. Phân hiệu miền Nam đặt tại thành phố Hồ Chí Minh
Khoa và Phân hiệu tương đương cấp phòng.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của các Phòng, Khoa và Phân hiệu do Giám đốc Trường Nghiệp vụ Thuế quy định.
Điều 10. Biên chế
Biên chế của Trường Nghiệp vụ Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế quyết định phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Trường.
Điều 11. Lãnh đạo Trường Nghiệp vụ Thuế
1. Trường Nghiệp vụ Thuế có 01 Giám đốc và các Phó Giám đốc.
2. Mỗi khoa, phòng, phân hiệu có 01cấp trưởng và một số cấp phó.
3. Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc, Phó Giám đốc, Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương thực hiện theo phân cấp quản lý cán bộ, công chức của Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.
Điều 12. Nhiệm vụ, quyền hạn của Lãnh đạo Trường Nghiệp vụ thuế
a. Giám đốc
1. Quản lý chung và chịu trách nhiệm trước Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế và trước pháp luật về toàn bộ hoạt động của Trường;
2. Tổ chức triển khai thực hiện các chức năng, nhiệm vụ quy định tại Quyết định số 2092/QĐ-BTC ngày 15/6/2007 của Bộ trưởng Bộ Tài chính
3. Thực hiện các nhiệm vụ khác do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế giao.
b. Phó Giám đốc
Giúp việc cho Giám đốc, trực tiếp phụ trách một số lĩnh vực công tác do Giám đốc phân công; chịu trách nhiệm trước Giám đốc về những công việc được giao.
c. Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương
Nhiệm vụ, quyền hạn của Trưởng phòng, Phó Trưởng phòng và tương đương do Giám đốc Trường Nghiệp vụ Thuế quy định.
IV – TÀI CHÍNH VÀ TÀI SẢN
Điều 13. Trường Nghiệp vụ Thuế thực hiện cơ chế quản lý tài chính và tài sản đối với đơn vị sự nghiệp theo quy định của Nhà nước và của ngành.
Điều 14. Trường có trách nhiệm xác định loại đơn vị sự nghiệp phù hợp với từng thời kỳ trình Tổng cục Trưởng Tổng cục Thuế quyết định; xây dựng và thực hiện quy chế quản lý tài chính, tài sản của Trường; thực hiện công tác kế toán, thống kê, báo cáo và công khai tài chính theo quy định.
V – ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15. Giám đốc Trường Nghiệp vụ Thuế có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy chế này. Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế do Trưởng ban Tổ chức cán bộ, Giám đốc Trường Nghiệp vụ Thuế trình Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế xem xét, phê duyệt phù hợp với từng giai đoạn phát triển của Trường Nghiệp vụ Thuế./.
- 1 Quyết định 987/QĐ-TCT năm 2010 về Quy chế tổ chức, hoạt động và quản lý tài chính của Trường Nghiệp vụ Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 2 Quyết định 987/QĐ-TCT năm 2010 về Quy chế tổ chức, hoạt động và quản lý tài chính của Trường Nghiệp vụ Thuế do Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế ban hành
- 1 Quyết định 2092/QĐ-BTC năm 2007 về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của Trường nghiệp vụ thuế trực thuộc Tổng cục Thuế do Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành
- 2 Quyết định 76/2007/QĐ-TTg quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Tổng cục Thuế trực thuộc Bộ Tài chính do Thủ tướng Chính Phủ ban hành
- 3 Luật quản lý thuế 2006