Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BẾN TRE
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 1206/QĐ-UBND

Bến Tre, ngày 23 tháng 6 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐỀ ÁN HỖ TRỢ CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ CHO BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2015-2017

CHỦ TỊCH UỶ BAN NHÂN TỈNH BẾN TRE

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020;

Căn cứ Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25 tháng 3 năm 2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

Căn cứ Nghị quyết số 27/2014/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, Khoá VIII và Kế hoạch số 5814/KH-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ tại Tờ trình số 1260/TTr-SNV ngày 18 tháng 6 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Đề án hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả cấp xã giai đoạn 2015-2017 trên địa bàn tỉnh Bến Tre.

Điều 2. Giao Sở Nội vụ chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành có liên quan và Uỷ ban nhân dân các huyện, thành phố tổ chức triển khai thực hiện Đề án.

Điều 3. Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ, Thủ trưởng các cơ quan chuyên môn của tỉnh, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm thi hành.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký./.

 

 

CHỦ TỊCH




Cao Văn Trọng

 

ĐỀ ÁN

HỖ TRỢ CƠ SỞ VẬT CHẤT, TRANG THIẾT BỊ CHO BỘ PHẬN TIẾP NHẬN VÀ TRẢ KẾT QUẢ CẤP XÃ GIAI ĐOẠN 2015-2017
(Ban hành kèm theo Quyết định số 1206/QĐ-UBND ngày 23 tháng 6 năm 2015 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Bến Tre)

A- TÌNH HÌNH CHUNG VÀ CƠ SỞ THỰC HIỆN

I. Thực trạng và sự cần thiết của việc xây dựng, thực hiện Đề án

Triển khai Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương (thay thế Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg), tỉnh Bến Tre đã hình thành bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thủ tục hành chính (TTHC) tại cơ quan hành chính các cấp theo cơ chế một cửa tại các Sở, ban ngành, UBND các huyện, thành phố và UBND cấp xã (gọi tắt là Bộ phận một cửa). Việc hướng dẫn, tiếp nhận giấy tờ, hồ sơ, giải quyết đến trả kết quả TTHC tại một đầu mối là bộ phận một cửa đã nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cá nhân, tổ chức vì quy trình giải quyết công khai, minh bạch, nhanh chóng, giảm phiền hà, tiêu cực.

Đến nay đã có 164/164 xã, phường, thị trấn thành lập bộ phận một cửa tại trụ sở UBND để giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa. TTHC giải quyết theo cơ chế một cửa ở cấp xã là Bộ TTHC dùng chung cho cấp xã, chủ yếu thuộc các lĩnh vực: Tư pháp - Hộ tịch, Địa chính - Xây dựng - Môi trường, Lao động - Thương binh và Xã hội và một số thủ tục khác như: Xác nhận đơn xin việc, xác nhận lý lịch…Về cơ bản, việc tổ chức và hoạt động của bộ phận này tuân thủ theo quy định của Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg và các văn bản có liên quan của Trung ương và địa phương như: Ban hành quy chế quy định quy trình tiếp nhận, chuyển hồ sơ, xử lý, trình ký, trả lại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả, trách nhiệm của các bộ phận liên quan trong thực hiện cơ chế một cửa, trách nhiệm của cán bộ, công chức làm việc ở bộ phận một cửa; bố trí, phân công công chức có phẩm chất, chuyên môn nghiệp vụ phụ trách (bình quân 3 công chức, đa số đạt chuẩn theo quy định) và đảm bảo chế độ chi hỗ trợ theo Nghị quyết 07/2013/NQ-HĐND ngày 11/7/2013 của HĐND tỉnh (300.000 đồng/người/tháng); niêm yết công khai, minh bạch các TTHC; bố trí phòng làm việc, bàn ghế, trang thiết bị thiết yếu (máy vi tính, điện thoại để bàn, máy in, quạt máy) cho công chức, ghế ngồi chờ và nước uống cho người dân; phiếu hẹn và lưu trữ hồ sơ, sổ sách.

Qua thanh tra công vụ và kiểm tra, khảo sát công tác cải cách hành chính nói chung và công tác giải quyết TTHC tại UBND cấp xã cho thấy lãnh đạo UBND các xã, phường, thị trấn ngày càng quan tâm nhiều hơn và tạo điều kiện thuận lợi để bộ phận này đi vào nề nếp và hoạt động có hiệu quả. Các địa phương điển hình trong triển khai mô hình một cửa đó là xã Phú Hưng, Phường 6, thành phố Bến Tre; xã Mỹ Thạnh, huyện Giồng Trôm; xã Tiên Thuỷ, xã Phú Túc - Châu Thành; xã Tân Thành Bình, huyện Mỏ Cày Bắc… Mô hình một cửa ở các địa phương này được triển khai khoa học, hợp lý; cán bộ, công chức hướng dẫn, giải quyết TTHC tận tình, chu đáo, đúng hẹn… tạo được dư luận tốt và được sự đánh giá cao của nhân dân địa phương.

Tuy nhiên, hoạt động của bộ phận một cửa tại UBND cấp xã cũng còn một số tồn tại, hạn chế như: Công chức một cửa thường xuyên bị thay thế, văn hoá giao tiếp, ứng xử, tinh thần trách nhiệm của số ít công chức chưa cao… đặc biệt là diện tích phòng làm việc và trang thiết bị phục vụ cho hoạt động của bộ phận một cửa cấp xã rất khó khăn, thiếu thốn. Theo quy định tại Quyết định số 93/2007/QĐ-TTg (hiện tại được thay thế bằng Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 và có hiệu lực thi hành vào ngày 15/5/2015) thì bộ phận một cửa phải được bố trí phòng riêng, diện tích tối thiểu đối với cấp xã là 40m2, trong đó phải dành khoảng 50% diện tích bố trí nơi ngồi chờ cho cá nhân, tổ chức đến giao dịch; trang thiết bị tối thiểu cho bộ phận này là phải có máy vi tính, máy in, điện thoại cố định, ghế ngồi, bàn làm việc, quạt điện, nước uống, bảng công khai quy định, các thủ tục hành chính, phí và lệ phí ở các lĩnh vực... và các trang thiết bị cần thiết khác để đáp ứng nhu cầu làm việc và yêu cầu ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động cơ quan nhà nước. Đối chiếu với quy định trên thì phần lớn bộ phận một cửa của các xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh Bến Tre chưa đạt yêu cầu như: Không có phòng riêng mà tận dụng phòng làm việc của công chức xã để bố trí nơi tiếp nhận và trả kết quả, công chức vừa làm việc vừa tiếp công dân; việc niêm yết TTHC không được thuận tiện do diện tích chật hẹp, trụ sở xuống cấp; chưa bố trí đủ tủ để lưu trữ hồ sơ, tài liệu; trang thiết bị phục vụ cho công việc của công chức một cửa chưa được trang bị đầy đủ hoặc đã hư hỏng, xuống cấp… Các xã Đại Điền, Quới Điền, huyện Thạnh Phú; xã Phú Vang, Định Trung, Long Hoà, huyện Bình Đại; xã Khánh Thạnh Tân, Hưng Khánh Trung A, huyện Mỏ Cày Bắc; xã Hưng Nhượng, Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm, Phường 2, phường Phú Khương, thành phố Bến Tre; An Hoà Tây, Phú Lễ, huyện Ba Tri… là những đơn vị có bộ phận một cửa gặp khó khăn, thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị. Nguyên nhân là do trụ sở của các địa phương đã có từ trước và xuống cấp nhưng chưa được xây dựng lại, nguồn thu ngân sách ở các xã khó khăn nên không có kinh phí trang bị bổ sung.

Tuy các địa phương luôn cố gắng khắc phục khó khăn, trở ngại về phương tiện, trang thiết bị, cơ sở vật chất để hoàn thành tốt việc giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước ở địa phương, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân trên địa bàn, nhưng những thiếu thốn về cơ sở vật chất cũng làm ảnh hưởng chung đến hoạt động của chính quyền địa phương nói chung và hoạt động của Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả nói riêng, làm ảnh hưởng đến chất lượng giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa.

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của bộ phận một cửa cấp xã cần nhiều giải pháp đồng bộ về cơ chế (quy trình, TTHC, công khai, minh bạch); nhân lực (sự quyết tâm của người đứng đầu, trình độ chuyên môn, tinh thần trách nhiệm của công chức phụ trách, sự ủng hộ, đồng thuận của nhân dân); vật lực (cơ sở vật chất, trang thiết bị, đào tạo, bồi dưỡng…). Việc triển khai các giải pháp cần sự chủ động, quyết liệt của UBND cấp xã. Tuy nhiên, có một số giải pháp cần sự hỗ trợ và cộng đồng trách nhiệm từ cấp huyện và cấp tỉnh, trong đó cấp thiết nhất là giải pháp về hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị.

II. Cơ sở để xây dựng Đề án

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

- Căn cứ Nghị quyết số 30c/NQ-CP ngày 08 tháng 11 năm 2011 của Chính phủ về ban hành Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011-2020;

- Căn cứ Quyết định số 09/2015/QĐ-TTg ngày 25/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện cơ chế một cửa, cơ chế một cửa liên thông tại cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương;

- Căn cứ Thông báo số 3392/TT-BNV ngày 29/9/2014 của Bộ Nội vụ về kết quả kiểm tra công tác cải cách hành chính năm 2014 tại tỉnh Bến Tre;

- Căn cứ Nghị quyết số 27/2014/NQ-HĐND ngày 10 tháng 12 năm 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh về việc chất vấn và trả lời chất vấn tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Bến Tre, Khoá VIII và Kế hoạch số 5814/KH-UBND ngày 16 tháng 12 năm 2011 của Uỷ ban nhân dân tỉnh về thực hiện công tác cải cách hành chính giai đoạn 2011-2015.

B- NỘI DUNG ĐỀ ÁN

I. Mục tiêu

1. Mục tiêu chung:

- Hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị cho bộ phận một cửa của một số UBND xã, phường, thị trấn còn khó khăn, thiếu thốn; từng bước trang bị, bổ sung, nâng cấp trang thiết bị cho bộ phận một cửa của các địa phương còn lại để đảm bảo mục tiêu hiện đại hoá nền hành chính;

- Tạo điều kiện cho công chức làm việc tại bộ phận một cửa giải quyết TTHC nhanh chóng, chuyên nghiệp; giảm tối đa sự phiền hà cho tổ chức, cá nhân, đảm bảo sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước;

- Hoàn thiện mô hình giải quyết TTHC theo cơ chế một cửa tại UBND cấp xã theo hướng hiện đại, thân thiện, trách nhiệm.

2. Mục tiêu cụ thể:

Căn cứ vào thực trạng bộ phận một cửa tại UBND các xã, phường, thị trấn trong tỉnh, lựa chọn đơn vị để hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo lộ trình và hoàn tất trong giai đoạn 2015-2017.

III. Nhiệm vụ và giải pháp

1. Đối tượng được hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị:

- Là Bộ phận một cửa tại UBND cấp xã với các điều kiện sau đây:

+ UBND cấp xã có trụ sở được xây dựng và hoạt động tương đối ổn định;

+ Diện tích làm việc của bộ phận một cửa đạt chuẩn 40m2 hoặc thấp hơn nhưng cơ bản đảm bảo yêu cầu hoạt động, có đủ không gian bố trí chỗ làm việc và nơi ngồi chờ cho người dân;

+ Có tiếp nhận và giải quyết TTHC cho người dân; thường xuyên ứng dụng công nghệ thông tin, trao đổi công việc qua email;

+ Cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc còn thiếu hoặc đã xuống cấp.

- Căn cứ vào các đối tượng nêu trên, tiến hành điều tra, khảo sát, xác định đơn vị có nhu cầu đầu tư theo từng năm 2015-2016-2017.

2. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị tại Bộ phận một cửa:

- Trên cơ sở thực trạng bộ phận một cửa tại UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh, xác định thứ tự các đơn vị được ưu tiên hỗ trợ và nội dung hỗ trợ;

- Đơn vị được ưu tiên hỗ trợ:

+ Năm 2015: Chọn 18 đơn vị có cơ sở vật chất, trang thiết bị còn thiếu hoặc xuống cấp, ngân sách khó khăn để đầu tư trước;

+ Năm 2016 và 2017: UBND các huyện, thành phố, Sở Nội vụ, Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư căn cứ vào tình hình thực tế bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các xã, phường, thị trấn để xác định đơn vị được đầu tư, hỗ trợ.

- Nội dung hỗ trợ:

+ Nâng cấp và bổ sung các phương tiện làm việc của cán bộ, công chức tại bộ phận một cửa, gồm: Bàn, ghế làm việc; tủ đựng hồ sơ, tài liệu và bàn, ghế để công dân ngồi viết giấy tờ, quạt, ghế ngồi chờ kết quả giải quyết...;

+ Đầu tư trang thiết bị cơ bản để ứng dụng công nghệ thông tin vào giải quyết công việc như: Máy vi tính; máy in để phục vụ cho nhu cầu công việc, công cụ kết nối internet và cài đặt, vận hành tốt các phần mềm tác nghiệp v.v…

3. Kiểm tra, giám sát việc đầu tư và hiệu quả đầu tư:

Việc tổ chức mua sắm, quản lý, sử dụng các tài sản trên được thực hiện theo quy định hiện hành về quản lý tài sản công (tủ, bàn, ghế vật liệu gỗ thao lao sơn PU) do Sở Nội vụ, Sở Tài chính và các huyện, thành phố tổ chức thực hiện, đảm bảo đầu tư hỗ trợ đúng đối tượng, sử dụng đúng mục đích và có hiệu quả.

4. Kinh phí thực hiện Đề án:

- Tổng kinh phí thực hiện:

Dự kiến cho cả Đề án là 7.898.950.000 đồng, trong đó:

+ Năm 2015: 901.000.000 đồng.

+ Năm 2016, 2017: 6.997.950.000 đồng.

- Nguồn thực hiện:

+ Năm 2015: Nguồn dự phòng ngân sách cấp tỉnh.

+ Năm 2016, 2017: Nguồn ngân sách phân bổ cấp huyện.

IV. Hiệu quả của Đề án

- Bộ phận một cửa cấp xã được đầu tư khang trang, phương tiện làm việc được trang bị đủ;

- Tạo môi trường làm việc có hiệu quả cho cán bộ, công chức;

- Các TTHC được công khai, minh bạch đầy đủ, khoa học để cá nhân, tổ chức tiếp cận, thực hiện và giám sát; hồ sơ, tài liệu được lưu trữ nề nếp và đầy đủ; chế độ thông tin, báo cáo được thông suốt;

- Đáp ứng sự hài lòng của cá nhân, tổ chức về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước.

V. Tiến độ thực hiện Đề án

- Năm 2015: Sở Nội vụ chủ trì phối hợp các Sở, ngành, huyện, thành phố có liên quan tiến hành khảo sát và chọn 18 bộ phận một cửa cấp xã trong 9 huyện, thành phố để thực hiện đầu tư trước. Cụ thể:

TT

ĐỊA ĐIỂM ĐẦU TƯ

SỐ TIỀN

(ĐVT: ngàn đồng)

1

UBND Phường 2, thành phố Bến Tre

25.000

2

UBND phường Phú Khương, thành phố Bến Tre

29.000

3

UBND xã An Hoà Tây, huyện Ba Tri

27.250

4

UBND xã Phú Lễ, huyện Ba Tri

50.300

5

UBND xã Phú Đức, huyện Châu Thành

65.850

6

UBND xã An Phước, huyện Châu Thành

42.100

7

UBND xã Tân Thiềng, huyện Chợ Lách

67.250

8

UBND xã Vĩnh Hoà, huyện Chợ Lách

64.650

9

UBND xã Phú Vang, huyện Bình Đại

73.350

10

UBND xã Định Trung, huyện Bình Đại

78.450

11

UBND xã Phong Nẫm, huyện Giồng Trôm

38.300

12

UBND xã Hưng Nhượng, huyện Giồng Trôm

28.000

13

UBND xã Bình Khánh Tây, huyện Mỏ Cày Nam

51.700

14

UBND xã Thành Thới A, huyện Mỏ Cày Nam

45.300

15

UBND xã Phú Mỹ, huyện Mỏ Cày Bắc

75.350

16

UBND xã Thành An, huyện Mỏ Cày Bắc

57.150

17

UBND xã Đại Điền, huyện Thạnh Phú

15.000

18

UBND xã Quới Điền, huyện Thạnh Phú

67.000

Tổng cộng

901.000

- Từ 2016 - 2017: Hàng năm, các huyện, thành phố xây dựng kế hoạch trang bị cơ sở vật chất, trang thiết bị của các xã còn lại với dự toán cụ thể, báo cáo Sở Tài chính để tổng hợp trình UBND tỉnh trên cơ sở kinh phí phân bổ cho huyện.

VI. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nội vụ: Phối hợp với Sở Tài chính, UBND các huyện, thành phố xác định các xã, phường, thị trấn để hỗ trợ cơ sở vật chất, trang thiết bị theo tiến độ (năm 2015 chọn 18 đơn vị cấp xã để triển khai); hướng dẫn, kiểm tra kết quả việc thực hiện, theo dõi sơ kết, đánh giá kết quả và báo cáo, đề xuất UBND tỉnh chỉ đạo, xử lý những vướng mắc, bất hợp lý trong quá trình tổ chức thực hiện.

2. Sở Tài chính: Tham mưu trình UBND tỉnh phân bổ kinh phí từ ngân sách tỉnh, ngân sách phân bổ cấp huyện để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Bộ phận một cửa; hướng dẫn, kiểm tra việc dự toán, thanh quyết toán và quản lý tài sản công theo quy định.

3. UBND các huyện, thành phố: Hàng năm, xây dựng kế hoạch dự toán chung cho toàn huyện gửi Sở Tài chính thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt. Sau khi có quyết định phê duyệt của UBND tỉnh, UBND cấp huyện tổ chức triển khai thực hiện Đề án. Phối hợp với Sở Nội vụ, Sở Tài chính kiểm tra việc trang bị, quản lý tài sản được hỗ trợ.

4. UBND các xã, phường, thị trấn: Quản lý các tài sản được hỗ trợ theo quy định hiện hành về quản lý tài sản công và sử dụng đúng mục đích, có hiệu quả./.